Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ

 

Thành thông lệ, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ, trên một số trang mạng lại xuất hiện nhiều bài viết của các thế lực thù địch, với nội dung rằng: “Hiệp định Giơnevơ như vết thương “mưng mủ” bởi vì cộng sản đã “chia đôi đất nước gây ra cảnh đẫm máu và nước mắt”… Đây là những luận điệu xuyên tạc hết sức trắng trợn, bịa đặt, bóp méo lịch sử, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơnevơ, cần phải được vạch trần, bác bỏ, trong đó cần làm rõ những vấn đề sau:

Trước tiên, phải khẳng định rằng, việc chia cắt hai miền là ý định của các nước lớn, với mục đích riêng của họ, không phải nguyện vọng của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mặc dù Việt Nam đến Hội nghị với tâm thế bên thắng cuộc, song do vị thế và điều kiện chưa cho phép, nên phải chấp nhận các điều khoản Hội nghị để tranh thủ các nước lớn, nhất là Liên Xô, Trung Quốc trong việc thi hành Hiệp định sau này.

Thứ hai, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp hành nghiêm chỉnh và kiên trì đấu tranh yêu cầu các bên liên quan tuân thủ, thi hành Hiệp định. Ngay sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị”[1]. Bộ Chính trị ra chỉ thị phải: “Thi hành triệt để Hiệp định đình chiến (tập kết quân đội, rút quân ra Bắc…). Đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng Hiệp định (đòi thả hết tù binh, tù chính trị và thường dân bị bắt; chống tuyển mộ thêm ngụy binh; chống đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến; chống phá hoại cơ sở của ta…)[2]. Cùng với đó, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Quốc trưởng và Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) đề nghị đại biểu hai miền mở Hội nghị hiệp thương để bàn việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ đề nghị đó. Ngày 17/8/1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Ngoại trưởng Anh và Liên Xô, hai đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, yêu cầu thi hành mọi biện pháp cần thiết để Hiệp định Giơnevơ được tôn trọng và vấn đề chính trị ở Việt Nam được giải quyết trên cơ sở hiệp thương hai miền Bắc – Nam, tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước Việt Nam. Ngày 21/7/1956, thời hạn hai năm theo quy định của Hiệp định Giơnevơ đã qua nhưng không diễn ra tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì con đường hiệp thương hòa bình đi đến tổng tuyển cử. Tuy nhiên, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng lộ rõ âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam thành hai quốc gia. Ý đồ đó được thể hiện rõ khi tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ngày 23/01/1957, Mỹ đề nghị cho Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên gia nhập Liên Hợp quốc.

Thứ ba, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã cố tình phá hoại có hệ thống Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Điều này cho thấy dã tâm của Mỹ rất rõ ràng là thay thế Pháp xâm chiếm Việt Nam, hòng biến Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới, phục vụ lợi ích và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trước khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại (6/1954). Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ đã cùng chính quyền Sài Gòn không thực thi những điều khoản cả về chính trị và quân sự. Cùng với đó, Mỹ đã đưa nhân viên và cố vấn quân sự cùng vũ khí, đạn dược vào miền Nam Việt Nam, gấp rút tăng cường lực lượng quân sự để đàn áp phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam. Sau này, Mỹ đề ra những chiến lược chiến tranh tàn bạo, đẩy mạnh các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

 Từ những vấn đề trên có thể thấy, không ai khác, chính Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, biến ranh giới tạm thời hai năm thành đôi bờ chiến tuyến kéo dài suốt hai mươi năm, gây ra bao cảnh đau thương, chết chóc. Sau này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại cuộc chiến ở Việt Nam: “Tôi chưa bao giờ là fan hâm mộ cuộc chiến đó cả, tôi nói thẳng cho anh biết đó đã là cuộc chiến tồi tệ”1. Cho nên, những luận điệu cho rằng, cộng sản đã “chia đôi đất nước gây ra cảnh đẫm máu và nước mắt” như lời của các thế lực thù địch cố tình rêu rao là hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Hiệp định Giơnevơ, cần phải lên án, đấu tranh bác bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét