Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XÉT LẠI LỊCH SỬ CỦA ĐẠI NGHĨA

 

Trong lúc nhân dân cả nước ta đang hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024) với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, hành động thiết thực, thì trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phủ nhận sự kiện lịch sử này. Tựu chung lại, các luận điệu trên đều cổ súy cho mưu đồ xét lại lịch sử, tạo cớ để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Bài viết Sự thật về “Cách mạng tháng 8” và ngày “Độc lập” 2 tháng 9 của Đại Nghĩa là một ví dụ. Từ việc tổng hợp một cách rời rạc các “nhận định” của những người có tư tưởng thù địch, chống đối về Cách mạng tháng Tám, Đại Nghĩa kết luận một cách hồ đồ rằng: Việt Minh chủ lợi dụng thời cơ ‘khoảng trống quyền lực” để chiếm quyền chứ không có công gì cả. Thực chất, luận điệu này không mới, được lặp đi lặp lại trước mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9). Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ tích cực từ internet, mạng xã hội những luận điệu này đang được lan truyền nhanh chóng, tác động tiêu cực đến nhận thức, tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Trước luận điệu xảo trá này, một lần nữa chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, khoa học về thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám khởi nguồn từ tư duy cách mạng, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 8 (khoá I), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhạy bén, kịp thời chuyển hướng tập trung sức lực của toàn Đảng, toàn dân vào nhiệm vụ đánh đế quốc, giải phóng dân tộc. Trong Lời kêu gọi đồng bào tháng 6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảyChúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng. Tiếp đó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh (Hội Việt Nam độc lập đồng minh) được thành lập tại Pắc Bó (Cao Bằng) ngày 19/5/1941 để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào các hội cứu quốc. Thanh thế của Mặt trận Việt Minh phát triển rất nhanh, rất mạnh trên khắp nước, từ Bắc chí Nam, từ miền núi, đồng bằng đến ven biển. Hoạt động của Đảng và phong trào Việt Minh không chỉ dừng lại ở rừng núi, nông thôn, mà phát triển sâu rộng cả ở thành thị, ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, các trung tâm đầu não lớn của thực dân Pháp và phát-xít Nhật. Đâu đâu cũng phát triển mạnh mẽ các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh như: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, Quân nhân cứu quốc… Trên cơ sở phong trào rộng khắp đó mà trong những ngày Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ đến, nhân dân cả nước, nhờ đã trải qua quá trình rèn luyện ý chí và tập dượt tổ chức đấu tranh trong phong trào Việt Minh, đã nhất lượt vùng lên giành chính quyền khắp các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ, huyện lỵ trên mọi miền đất nước.

2. Có một số quan điểm cho rằng, do Nhật đầu hàng Đồng Minh, tạo nên “khoảng trống quyền lực” nên ta thu được thắng lợi dễ dàng. Đó là cách tư duy quá giản đơn, không đúng với thực tế quá trình nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn phức tạp của Đảng và nhân dân ta, mang rõ tư tưởng “xét lại” lịch sử. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, tháng 3/1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đồng thời phát động cao trào chống Nhật cứu nước, chủ động tạo và nắm bắt thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng có lợi cho cách mạng, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa chín muồi và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp đó, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào quyết định chủ trương tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc (Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được hoàn toàn độc lập. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Cuộc tranh đấu của chúng ta đương còn gay go, dằng dai. Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập.

Ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhân dân ta nhất tề nổi dậy. Chưa đầy nửa tháng, Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã giành toàn thắng, quân Nhật đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Bộ máy thống trị thực dân, phát xít và phong kiến tay sai bị lật đổ. Chính quyền cách mạng được thiết lập trên toàn quốc. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Việt Nam đã trở thành nước tự do, độc lập đồng thời khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công mau lẹ và ngoạn mục không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của các tầng lớp nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, khéo léo của Đảng. Thực tiễn lịch sử chứng minh những luận điệu xuyên tạc về Cách mạng tháng Tám của Đại Nghĩa là hoàn toàn sai trái, không thể có chỗ đứng trong lòng những người Việt Nam chân chính và nhân loại có lương tri./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét