Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM

QĐND - Xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp” là một định hướng của Chính phủ đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển hay Nhà nước kiến tạo phát triển rất phù hợp với việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển” có những ưu điểm gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh về độc lập năng lượng, hạ thấp các tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện dùng than. Việc hạ thấp tiêu chuẩn này được tin là sẽ tạo điều kiện để mở rộng sản xuất điện than, nhờ đó mà ngành khai thác than cũng có thể mở rộng sản xuất. Hệ quả tiếp theo là công ăn việc làm mới sẽ được tạo ra cho những người dân Mỹ. Cách hành xử như vậy là rất đặc trưng cho mô hình nhà nước điều chỉnh. Nhà nước chỉ tác động lên các ngành công nghiệp bằng cách điều chỉnh chính sách, pháp luật chứ không trực tiếp xây dựng kế hoạch rồi đầu tư phát triển các ngành này. Và đây cũng là điểm khác biệt hết sức quan trọng giữa mô hình nhà nước điều chỉnh với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Thực ra, thuật ngữ “nhà nước kiến tạo phát triển” được nhà nghiên cứu C.Giôn-xơn (Chalmers Johnson) đưa ra từ những năm 80 của thế kỷ trước khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển khác... đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển. Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình nhà nước này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường mà nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Để đạt được mức tăng trưởng GDP gấp đôi, một nhà nước điều chỉnh (như Hoa Kỳ) sẽ phải mất đến 50 năm, trong lúc đó một nhà nước kiến tạo phát triển (như Trung Quốc) chỉ mất 10 năm. Từ ví dụ về sắc lệnh độc lập năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng ta cũng sẽ thấy khá rõ những hạn chế của mô hình nhà nước điều chỉnh. Cụ thể, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc hạ thấp tiêu chuẩn phát thải chưa chắc đã khiến các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất điện than nhiều hơn; việc khai thác than vì vậy chưa chắc đã được mở rộng; công ăn việc làm mới cho người dân Mỹ chưa chắc đã được tạo ra.
Nhiều người cho rằng, nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mạnh mẽ nhất trong những thập niên nửa cuối của thế kỷ trước. Sự hấp dẫn của mô hình này đã suy giảm ít nhiều khi cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997 xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước, đặc biệt các nước Đông Á (là những nước theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển). Nhiều học giả bắt đầu có cái nhìn phê phán hơn đối với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và họ chỉ ra không ít những hạn chế của mô hình này. Ví dụ như sự hoạch định kế hoạch phát triển công nghiệp của nhà nước có thể dẫn đến hiện tượng dư thừa năng lực sản xuất quá lớn như ở Trung Quốc hay trong thời đại toàn cầu hóa, khi các tập đoàn xuyên quốc gia đang làm chủ việc hoạch định chính sách phát triển nhiều ngành công nghiệp thì nhà nước không dễ đi ngược lại với các tập đoàn này.
Tuy nhiên, nhà nước kiến tạo phát triển vẫn là một mô hình đầy tiềm năng, phù hợp với điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia.
Kiến tạo phát triển chính là tạo ra những cải cách đột phá
Ở Việt Nam, thuật ngữ “Chính phủ kiến tạo phát triển” lần đầu tiên được đưa ra trong một bài viết của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2014. Thế nhưng, thuật ngữ này chỉ thật sự trở thành một định hướng của cải cách, từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” trong phát biểu nhậm chức của mình và nỗ lực đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua.
Nếu đặt câu hỏi: Các Thủ tướng của chúng ta có chịu ảnh hưởng của lý thuyết về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển được các nhà nghiên cứu đưa ra từ thế kỷ trước hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Kể từ khi từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp và xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, về cơ bản chúng ta đã đi theo mô thức của một nhà nước kiến tạo phát triển. Cái mà các Thủ tướng của chúng ta quan tâm là thúc đẩy những cải cách để kiến tạo ra sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc cho đất nước.
Có lẽ, trong điều kiện của Việt Nam thì để kiến tạo phát triển Nhà nước cần phải hoạch định đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa và chương trình xóa đói giảm nghèo) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó. Thúc đẩy việc hiện thực hóa thì không có nghĩa là làm thay người dân và các doanh nghiệp mà tối thiểu phải làm được những việc sau đây:
Trước hết, Nhà nước phải tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Hệ thống khuyến khích đó có thể là chi tiêu công, là thuế, là tín dụng, là thương quyền... Ngoài ra, Nhà nước còn cần phải phát huy thế mạnh của nhà nước điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể dễ dàng làm ăn và mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta. Và đó cũng mới chính là sự phát triển thực chất nhất. Điều quan trọng là phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, một điều kiện không thể thiếu ở đây là việc bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô, không doanh nghiệp cũng như một người dân nào có thể làm ăn dễ dàng được. Đây vì vậy là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ kiến tạo phát triển.
Hai là, Nhà nước cần tìm mọi cách để cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực và việc làm ăn của các doanh nghiệp, của những người dân. Muốn làm được điều này, phải xây dựng được một bộ máy hành chính-công vụ hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm nghiêm ngặt dựa trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ba là, nhà nước phải biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn. Trong đời sống kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, chúng ta cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những người đứng đầu này.
Với một khuôn khổ khái niệm như trên, Nhà nước ta quả thực có thể kiến tạo ra sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước. Vấn đề là chúng ta cần sớm làm rõ khung khái niệm về nhà nước kiến tạo phát triển (chính phủ kiến tạo phát triển) mà chúng ta mong muốn xây dựng trên đất nước Việt Nam.
Nguồn: http://www.qdnd.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét