Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

TẠO BỆ PHÓNG CHO KINH TẾ TƯ NHÂN

QĐND - Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh. Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp (DN) trong nước mà chủ yếu là DN tư nhân cả về số lượng và chất lượng cũng chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Kinh tế tư nhân-động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam
Hành trình 30 năm đổi mới Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi cơ bản về chính sách hỗ trợ và diện mạo khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Cùng với những điều chỉnh nhận thức và cải thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT), thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các DN không phân biệt thành phần kinh tế, khu vực KTTN từ bị phủ định và kiểm soát chặt chẽ trong mô hình kinh tế tập trung bao cấp, đã và đang từng bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng gia tăng về lượng, mở rộng về quy mô, đa dạng về loại hình tổ chức và lan tỏa ngày càng sâu, rộng về phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng trở thành động lực quan trọng, đóng góp vào công cuộc CNH-HĐH, khẳng định tính tự chủ của nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Có thể thấy trong thời gian qua, bên cạnh những biện pháp cơ bản khác, thì phát triển KTTN là biện pháp cơ bản quan trọng để xây dựng và hoàn thiện nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Với tinh thần đó, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DN tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; “Mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2016 chỉ rõ: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các DN thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, DN nhỏ và vừa; bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng”; “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm DN, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp” để phát triển DN nội địa”...
Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 600.000 DN, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2006-2015 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 51% lực lượng lao động cả nước, khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; khoảng 64% tổng lượng hàng hóa.
Tuy chiếm một vai trò quan trọng trong nền kinh tế như vậy, nhưng nhìn sâu hơn sẽ thấy, khu vực KTTN Việt Nam hiện nay đậm đặc hộ kinh doanh phi nông nghiệp, với 4,6 triệu hộ vào năm 2015, tổng tài sản là 655.000 tỷ đồng. Nền kinh tế Việt Nam cũng có thể coi là nền kinh tế của các hộ kinh doanh khi họ đang đóng góp tới 31,33% trong tỷ lệ 39,21% GDP khu vực KTTN đóng góp.
Hầu hết, doanh nghiệp tư nhân cũng trong tình trạng ở quy mô rất nhỏ. Theo Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, 74,6% doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ; 22,7% quy mô nhỏ; chỉ có 1,47% doanh nghiệp vừa và 1,2% doanh nghiệp quy mô lớn. Doanh nghiệp tư nhân mới chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước.
Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có sự cải thiện vượt bậc trong xếp hạng môi trường cạnh tranh trên thế giới. Đây cũng là năm thu hút hơn 17 tỷ USD đầu tư FDI và có hơn 100.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và hiện đã có tới 90% số DN này đi vào hoạt động, khai và nộp thuế… Mục tiêu phấn đấu mà Chính phủ đưa ra là đến năm 2020 cả nước sẽ có hơn 1 triệu DN đăng ký, trong đó đại đa số là doanh nghiệp tư nhân.
Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm 2017, theo giá hiện hành ước tính đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 99,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,4% và tăng 13,8%; khu vực DN FDI đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,1% và tăng 6,2%. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp ghi nhận mức vốn đầu tư trong quý I của khu vực KTTN tăng nhanh nhất trong ba khu vực kinh tế theo phân loại hiện hành của Tổng cục Thống kê; cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 107,7% quý I/2015, tăng 105,9% quý I/2016 và tăng 104,9% quý I/2017; các tỷ lệ tăng tương ứng của khu vực FDI là 110,2%; 112,8% và 106,2% so với của khu vực ngoài nhà nước là 111,4%; 114,5% và 113,8%.
Xóa bỏ tâm lý “không muốn lớn”, “không muốn liên kết”
Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất nhất quán trong việc khuyến khích KTTN phát triển. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng của các doanh nghiệp tư nhân có không ít vấn đề, cùng với đó là các vấn đề liên quan đến các cơ chế, chính sách cụ thể cản trở sự lớn mạnh vượt bậc của KTTN.
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân là tư duy không muốn liên kết và không muốn lớn lên. “Tôi không nhìn thấy tính liên kết, thậm chí là nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp. Chúng ta không có chuỗi, có mạng lưới liên kết doanh nghiệp thì không thể tạo nên lực lượng doanh nghiệp”, PGS, TS Trần Đình Thiên nhận xét. Đồng thời, ông lấy ví dụ, kế hoạch phát triển các chuỗi công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề dựa trên mô hình cụm liên kết không đạt nhiều kết quả. Đến giờ, ngay trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.
PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp không muốn lớn là vì làm doanh nghiệp chi phí lớn quá.
Với quy định hiện hành, hộ kinh doanh đang có lợi hơn doanh nghiệp về chi phí kinh doanh. Cụ thể, hộ kinh doanh được giảm 50% lệ phí thành lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản hơn. Hộ kinh doanh được linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế cho phù hợp với hoạt động của mình. Tất nhiên, so với việc thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị hạn chế khá nhiều, như quyền kinh doanh, chỉ kinh doanh tại một địa điểm, hay hạn chế huy động vốn, số lượng lao động…
Nhưng sâu xa hơn, theo PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, việc hộ kinh doanh và cả doanh nghiệp ngần ngại chính thức hóa hoạt động để lớn lên là vì doanh nghiệp càng lớn thì áp lực thanh tra, kiểm tra càng nhiều, rủi ro càng lớn. Mặc dù, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải bảo đảm việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo, tuy nhiên, người kinh doanh vẫn còn lo ngại.
PGS, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, so với Danh mục kiểm tra về cạnh tranh của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các quy định về kinh doanh của Việt Nam vẫn còn dấu hiệu hạn chế cạnh tranh, như ấn định giá cho nhiều hàng hóa quan trọng (xăng dầu, than, đất đai…); đặt ra quy định khiến một số doanh nghiệp gặp bất lợi hơn (điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe là phải dùng phần mềm của Tổng cục Đường bộ)... 
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần phải thực hiện quyết liệt hơn việc cổ phần hóa với những mảng mà Nhà nước xác định không cần phải nắm giữ vốn, để từ đó, rút bớt số lượng doanh nghiệp nhà nước, mở thêm sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. “Nếu không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất thì không có cơ hội để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp tư nhân lớn thể hiện sức mạnh”, PGS, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Có thể thấy, cổ phần hóa là một phương pháp để huy động vốn và trí tuệ của cả xã hội vào công cuộc xây dựng kinh tế. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, trong 5 năm qua, số lượng DNNN giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa rất thấp, mới cổ phần hóa được 8% số vốn, 92% còn lại vẫn do Nhà nước nắm giữ. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong những lĩnh vực, những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải giữ vốn. Đồng thời phải chống thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong cổ phần hóa.
Tạo động lực từ cải cách thể chế
Cuộc cải cách đang đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy một lần nữa, khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của DN, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Điều cần làm hiện nay là cần xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, về KTTN nói riêng. Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập KTQT; bảo đảm sự tự do hóa ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực KTTN tham gia. Đặt khu vực kinh tế Nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của DN trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.
Đã đến lúc phải có một nhận thức nhất quán rằng, DN là trung tâm và đi đầu trong việc đưa sản xuất hàng hóa Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. DN phải là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền sản xuất kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của tài nguyên và tài trí Việt Nam.
Cần phải xây dựng chính quyền đối thoại và “3 cùng” với DN, hợp tác xã và người dân; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; kịp thời và thực tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật tạo động lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thống nhất tinh thần “cùng thắng” giữa DN, người dân và Nhà nước.
Đặc biệt, Nhà nước cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý nhà nước đối với DN và kinh doanh; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hướng tới sự đơn giản, thuận tiện, thông minh; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN trong hỗ trợ DN đầu tư cả trong và ngoài nước; nới lỏng các quy định hạn điền và linh hoạt các cách thức thuê đất vừa tuân thủ đúng Luật Đất đai, bảo đảm lợi ích và quyền sở hữu ổn định của người dân, vừa thuận lợi cho DN an tâm đầu tư với thời hạn dài, cải thiện hiệu quả kinh doanh theo quy mô lớn, phát triển thị trường thứ cấp về đất kinh doanh. Đồng thời, cần chú trọng hình thức Hợp tác công tư (PPP), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích DN, doanh nhân và người lao động.
Cần không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện hành để bảo đảm sự thích nghi nhanh chóng với các biến động thị trường và bối cảnh chung trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm tính khả thi của những giải pháp đề xuất trong thực tiễn, lấy sự phát triển nhanh KTTN và hiệu quả kinh tế-xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những cơ chế, chính sách được lựa chọn.
Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực KTTN trong toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới.

Nguồn:WWW.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét