Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

VAI TRÒ PHÙ HỢP CHO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

QĐND - Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang là trụ cột hàng đầu của nền kinh tế, đóng góp tới 28,8% GDP. Vấn đề sắp xếp, đổi mới DNNN, hay gần đây được sử dụng với thuật ngữ là tái cơ cấu DNNN đang được đặt ra. Tái cơ cấu là để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đặt DNNN ở một vị trí phù hợp trong nền kinh tế, từ đó góp phần tạo ra động lực phát triển cho chính DNNN và cho các loại hình doanh nghiệp khác, với mục đích cuối cùng là thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển đất nước, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội.
DNNN mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước
Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba trụ cột chính của mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đã được cụ thể hóa tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Một phương pháp quan trọng của việc tái cơ cấu là cổ phần hóa DNNN, rút bớt sự hiện diện của vốn Nhà nước tại những doanh nghiệp, những mảng lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải nắm giữ, để cho thị trường tự điều tiết.
Với quan điểm đó việc cổ phần hóa đã được thực hiện quyết liệt trong những năm qua. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, năm 2001, Nhà nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 chỉ còn 1.369 DNNN và đến hết tháng 10-2016 chỉ còn 718 DNNN. Nếu thời điểm năm 2001, DNNN xuất hiện ở hơn 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Đại đa số DNNN có quy mô vừa và lớn.
Về đóng góp cho nền kinh tế, mặc dù số lượng chiếm tỷ lệ rất nhỏ về số lượng trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%), nhưng DNNN vẫn là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tốp 5 doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất năm 2015 (năm 2016 chưa được công bố) thì đều là doanh nghiệp nhà nước, hoặc có vốn Nhà nước chi phối, đó là: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Khí Việt Nam-Công ty CP, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Nếu mở rộng ra tốp 10 doanh nghiệp đóng thuế hàng đầu năm 2015 thì cũng có tới 7 doanh nghiệp nhà nước, hoặc có vốn Nhà nước chi phối. DNNN cũng đang đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ lệ 28,8%, so với doanh nghiệp ngoài nhà nước là 11,8% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 17,9%.
Tất nhiên, ở chiều ngược lại, cũng phải thấy rằng, DNNN giữ một lượng vốn cùng khối lượng tài sản lớn trong nền kinh tế. Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu tại DNNN hiện là 1,234 triệu tỷ đồng; tổng tài sản là 3,105 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, lượng tài sản khổng lồ DNNN nắm giữ chưa phát huy hết được hiệu quả. Trong đó có không ít doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Nói như thế, để thấy rằng, lối suy nghĩ DNNN là yếu kém toàn diện, cần phải cắt bỏ sớm là không đúng đắn. Nhưng đồng thời, cũng phải nhìn nhận rằng, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là điều tất yếu. Bởi xét trên diện rộng thì nền kinh tế thế giới đang ngày càng chuyển động nhanh hơn, đòi hỏi toàn bộ các thành tố cấu thành cũng phải chuyển động theo. Trên thế giới có những tập đoàn kinh tế tư nhân rất hùng vĩ bỗng trở thành con số 0 chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ vì không thay đổi, để thích ứng kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Vì thế, nền kinh tế Việt Nam cũng phải luôn chủ động thay đổi, nhằm thích ứng, nâng cao hiệu quả. Trong đó, DNNN chính là một trong những trọng tâm phải được xem xét thay đổi. Tái cơ cấu DNNN quan hệ hữu cơ với việc tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.  
DNNN nên giữ vai trò gì trong nền kinh tế?
Liên quan đến tái cơ cấu DNNN, có hai vấn đề cần được giải quyết tốt: Thứ nhất là DNNN có vai trò gì, sẽ làm gì, xuất hiện ở những lĩnh vực nào? Thứ hai là làm thế nào để nâng cao được khả năng quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả.
Về vấn đề thứ nhất là vai trò và lĩnh vực hoạt động của DNNN, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng: DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”. Còn các nguồn lực Nhà nước (tài nguyên đất đai, ngân sách Nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia,...) cùng với các công cụ, chính sách được Nhà nước sử dụng để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tiễn ở nước ta, khi nguồn lực Nhà nước cùng với các cơ chế, chính sách tập trung vào lĩnh vực, địa bàn nào thì dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển ở lĩnh vực, địa bàn đó. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; còn doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế Nhà nước, hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Một vấn đề nữa cần lưu tâm, đó là từ xưa tới nay, DNNN thường phải thực hiện các nhiệm vụ công ích. Chính điều này đã gây ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả kinh tế của DNNN. Vì vậy, để đánh giá hiệu quả của một DNNN thường phải xét tới yếu tố “làm nhiệm vụ”, có nghĩa là dù không muốn thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiệm vụ ấy, vì các doanh nghiệp ngoài nhà nước không làm, không muốn làm. Ví dụ như, các dự án ở thành phố lớn, nơi đông dân cư thì rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn làm, nhưng các dự án ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì ít doanh nghiệp muốn làm, thậm chí có những dự án không thể kêu gọi nổi vốn đầu tư xã hội. Vì vậy, bắt buộc phải có những DNNN để điều tiết những méo mó đó cho thị trường. Vừa qua, nếu không phải Viettel-một DNNN-đầu tư quyết liệt trong 6 tháng, thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được một mạng viễn thông 4G hiện đại, phủ sóng toàn quốc.
DNNN còn là công cụ để Nhà nước trực tiếp điều tiết nền kinh tế. Ví dụ như, để giữ ổn định mặt bằng giá đầu vào cho các ngành sản xuất, trong nhiều năm qua, mặc dù thị trường có nhiều biến động, nhưng giá điện nhìn chung được giữ ổn định ở mức thấp. So với nhiều nước trong khu vực, giá điện Việt Nam thấp hơn. Cụ thể, giá bán lẻ điện hiện nay của Việt Nam là 1.622 đồng/kWh, tương đương 7,31 cent/kWh. Trong khi đó, Trung Quốc là 10,04 cent/kWh, Thái Lan 11,81 cent/kWh...
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, nên có một lộ trình để giảm dần tỷ trọng của DNNN trong nền kinh tế, cụ thể là bằng thước đo GDP. Cụ thể là trong bức tranh GDP chung của đất nước, thì DNNN chỉ nên chiếm khoảng 15% GDP, còn lại doanh nghiệp ngoài nhà nước là 65% GDP và doanh nghiệp FDI khoảng 20% GDP. Nếu theo tỷ lệ này, so với mức đang đóng góp 28,8% GDP của đất nước, thì rõ ràng DNNN sẽ có sự thu hẹp lớn.
Thế nhưng, cũng về vấn đề này, có ý kiến lại cho rằng, điều cần quan tâm không phải là bắt buộc thành phần kinh tế nào có tỷ lệ trong GDP là bao nhiêu, mà là hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Theo quy luật về con số thì nếu doanh nghiệp có tỷ lệ đạt khoảng 30% thì sẽ có ảnh hưởng lớn đến phần 70% còn lại. Nếu có tỷ lệ từ 10-30% thì sẽ có tác động nhưng không quyết định. Còn nếu nhỏ hơn 10% thì gần như không có tác động. Vì thế, đặt ra mục tiêu tỷ lệ đóng góp GDP khoảng bao nhiêu % có nghĩa là muốn loại hình doanh nghiệp nào giữ vai trò gì trong nền kinh tế.
Có ý kiến cho rằng, có thể chia DNNN thành 3 loại: Thứ nhất là DNNN làm nhiệm vụ công ích. Thứ hai là DNNN kinh doanh vốn (ví dụ như Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thứ ba là DNNN thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Trong đó, loại doanh nghiệp thứ ba cần được Nhà nước nắm chặt và quản trị sâu.   
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, nếu muốn quốc gia phát triển với tốc độ nhanh hơn thì cần phải có những công cụ, những cách thức quản lý nền kinh tế phù hợp, trong đó vai trò của những doanh nghiệp chiến lược là rất quan trọng, ở một số quốc gia thì đó là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ.
Tại Việt Nam, hiện nay, có những cái nhìn khá định kiến về DNNN, cho rằng cứ DNNN là yếu kém. Thế nhưng, Viettel là một DNNN đang có hiệu quả sản xuất kinh doanh đứng đầu nền kinh tế Việt Nam, nộp thuế nhiều nhất Việt Nam và cũng là tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, tại nhiều quốc gia, Viettel chiếm lĩnh thị trường chỉ trong một thời gian ngắn, lấn át cả những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Thành công của Viettel minh chứng rằng, loại hình doanh nghiệp nào cũng có thể thành công, cái chính là phải có những lãnh đạo doanh nghiệp giỏi, có chiến lược phát triển tốt, khả năng thực thi tốt.
 Phải chăng việc một số DNNN hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua là do được quá nhiều ưu đãi, khiến cho đánh mất khả năng cạnh tranh? DNNN phải chăng chỉ nên là những doanh nghiệp chuyên thực hiện những việc khó, những nhiệm vụ lớn mà doanh nghiệp bên ngoài chưa thể đảm đương được hoặc không muốn làm. Phải luôn luôn đặt DNNN trước những đòi hỏi rất cao, rất khắt khe.
Để nâng cao khả năng quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả của bất cứ doanh nghiệp nào, trong đó có DNNN thì một yếu tố rất quan trọng là phải có được một đội ngũ nhân sự giỏi, tinh thông về ngành nghề kinh doanh cốt lõi và có khát vọng vươn lên. DNNN đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước (thông qua Đảng ủy và những người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp), tồn tại vì lợi ích của quốc gia, nhưng đồng thời phải áp dụng các cơ chế, cách thức quản lý, công tác nhân sự tiên tiến nhất, giống như doanh nghiệp tư nhân, như thế thì mới nâng cao được hiệu quả hoạt động.
Khắc phục những hạn chế trong cổ phần hóa
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong thời gian qua, các DNNN sau cổ phần hóa (CPH) hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập người lao động được nâng lên. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ Bộ Tài chính, kết quả hoạt động năm 2015 của 350 doanh nghiệp sau CPH với trước khi CPH cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 33%. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn, lợi nhuận liên tục giảm, số nợ phải trả tăng như Tập đoàn Cao su Việt Nam (lợi nhuận giảm từ 11.838 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 2.200 tỷ đồng năm 2015; công nợ phải trả năm 2015 là 21.220 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 35.210 tỷ đồng).
Thực tế thì loại hình doanh nghiệp nào cũng có doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp yếu. Các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần mạnh nhất trên thế giới cũng không tránh khỏi việc kinh doanh thua lỗ, phá sản. Vì thế, CPH không phải là đáp số chắc chắn để nâng cao hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, CPH là một xu thế đúng và tất yếu.
Vậy CPH mang lại điều gì để làm cho doanh nghiệp hiệu quả hơn, tốt hơn cho nền kinh tế? Đó là, CPH sẽ huy động được trí tuệ và vốn của xã hội vào doanh nghiệp, đồng thời sẽ tạo ra sức ép phải thành công. Sức ép hiệu quả ấy buộc doanh nghiệp phải chọn được nhân sự tốt, chọn được chiến lược kinh doanh đúng đắn, chọn được cách thức điều hành doanh nghiệp. Sức ép càng lớn thì những người đứng đầu doanh nghiệp càng buộc phải lựa chọn, sàng lọc để có bộ máy tốt nhất cho mình, nếu không chính bản thân họ cũng không thể tồn tại được.
Như vậy, có thể hiểu CPH là một phương thức để đổi mới doanh nghiệp; chứ CPH có lẽ không phải là mục tiêu. Vì vậy, có nhà kinh tế cho rằng, cần phải tính toán xem CPH như thế nào để ngân sách Nhà nước được lợi nhất và thị trường có thể hấp thu kịp. Đồng thời, cần phải khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong CPH như: Tạo ra thua lỗ rồi định giá doanh nghiệp thấp để những người đang điều hành và người nhà dễ dàng thâu tóm; mua doanh nghiệp chỉ vì khu đất vàng mà doanh nghiệp đang nắm giữ chứ không quan tâm phát triển ngành nghề lõi của doanh nghiệp...
Tóm lại, đánh giá, xác định đúng vị trí, vai trò của DNNN là một vấn đề rất quan trọng, là cơ sở để có chiến lược, chính sách, cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu quả của DNNN, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Nguồn: WWW.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét