Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

QUAN ĐIỂM CỦA P.A SAMUELSON VỀ “CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG”?

Theo P.A Samuelson kinh tế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế trong đó người sản xuất và người tiêu dùng tác động lẫn nhau thông qua thị trường để trả lời câu hỏi: cái gì? cho ai? như thế nào? Cơ chế thị trường không phải là một sự “hỗn độn” mà là một trật tự kinh tế; là một cơ chế tinh vi để phối hợp một cách không tự giác giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp thông qua giá cả thị trường. P.A Samuelson còn cho rằng, cơ chế thị trường là phương tiện giao tiếp để tập hợp tri thức và hành động của hàng triệu người. Không ai thiết kế ra nó; nó tự nhiên và cũng như xã hội loài người, nó đang thay đổi.

Nói đến thị trường là nói đến hàng hoá, giá cả, người bán, người mua. Hàng hoá trên thị trường gồm hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ và các yếu tố đầu vào cho sản xuất. Từ đó hình thành hai loại thị trường là thị trường hàng tiêu dùng (lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, dịch vụ phục vụ đời sống vật chất và đời sống tinh thần...) và thị trường các yếu tố sản xuất (vốn, lao động, đất đai...)
Nói đến cơ chế thị trường phải nói đến cung - cầu hàng hoá và do hai lực lượng (người bán và người mua) quyết định. Trên thị trường, mỗi loại hàng hoá đều được bán và mua ở mức giá mà người bán và mua chấp nhận.
Nếu một hàng hoá có nhiều người mua trong khi người bán không thay đổi, lúc đó cung nhỏ hơn cầu, giá bán tăng. Ngược lại, khi người mua không thay đổi nhưng người bán tăng làm cho cung lớn hơn cầu, giá cả giảm xuống. Giá hàng hoá tăng hoặc giảm làm cho quy mô sản xuất cũng tăng hoặc giảm theo cùng hướng và làm thay đổi mức giá theo chiều hướng ngược lại. Quan hệ cung cầu vận động theo hướng đạt tới trạng thái cân bằng, tạo ra sự cân đối giữa giá cả và sản xuất
Thị trường chịu sự điều khiển của hai ông vua: người tiêu dùng và kỹ thuật. Người tiêu dùng thống trị thị trường vì họ bỏ tiền ra mua hàng hoá. P.A Samuelson dùng hình tượng: “Người tiêu dùng bỏ phiếu tín nhiệm cho doanh nghiệp bằng đồng dola. Tuy nhiên, trình độ kỹ thuật của sản xuất cũng có thể làm người tiêu dùng thất vọng vì không phải cứ có dola là người tiêu dùng có thể có cái mình muốn.  
Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận là động lực chi phối hoạt động của người kinh doanh. Lợi nhuận đưa các doanh nghiệp đến các ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hoá người tiêu dùng cần nhiều hơn. Lợi nhuận buộc các nhà sản xuất phải sử dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phải huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực có trong tay. Lãi và lỗ là tác nhân buộc doanh nhân phải lựa chọn phương thức sản xuất, kinh doanh tối ưu. 
Kinh tế thị trường phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh do các quy luật kinh tế khách quan chi phối. Trong phân tích cơ chế thị trường, P.A Samuelson vận dụng lý thuyết “Bàn tay vô hình” của A.Smith và lý thuyết “Cân bẳng tổng quát” của Leon.Walras. Ngoài ra ông còn vận dụng nhiều lý thuyết kinh tế khác như lý thuyết ba nhân tố sản xuất của J.B Say; lý thuyết cạnh tranh không hoàn hảo của Jean Robinxon...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét