Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

TRẢ LỜI BÀI VIẾT "VÀI LỜI VỚI VIỆT NAM"


Cuối tuần qua, fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã đăng bài viết của ông Hồ Tích Tiến - Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, lên giọng kẻ cả "dạy dỗ" Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ. Bị phản ứng dữ dội, bài viết đã bị xóa. Nhưng vẫn phải trao đổi lại với ông từng điểm mà ông nêu trong bài như sau:
Tứ nhất, ông Hồ Tích Tiến vẫn quen cái giọng "dạy đời" thì sẽ không bao giờ nói chuyện được với người Việt Nam, một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử và đã đánh bại tất cả các cường quốc mọi thời đại dám đụng đến Việt Nam, đánh giặc xong lại "tới hồ trả kiếm", "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" nhưng luôn ngạo nghễ ngẩng cao đầu, không bao giờ chấp nhận kẻ nào kẻ cả bề trên. Dù trong bài viết của ông có một số ý đúng nhưng cách nói đó khiến cho người Việt Nam khó có thể chấp nhận.
Thứ hai, cụ thể về "5 điểm" mà ông nêu, nay trả lời như sau:
1. "Cuối cùng, điều tôi muốn nói là người Trung Quốc sẽ không phản đối Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ, đó là quyền lợi của người Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẽ phản đối quan hệ Việt-Mỹ bị lợi dụng để ủng hộ Mỹ kiềm chế Trung Quốc bằng bất cứ hình thức nào".
Trả lời: Đại đa số người Việt Nam chúng tôi, từ lãnh đạo cho đến người dân bình thường nhất đều thừa biết điều đó, cũng như biết trong lịch sử Trung Quốc đã từng lợi dụng chúng tôi. Người Mỹ chỉ lợi dụng Việt Nam như đã lợi dụng nhiều quốc gia dại dột khác như Iraq, Gruzia, Ukraina, Philippines... Thế nhưng cũng có không ít những kẻ bợ Mỹ đã lú lẫn, thậm chí cả một số "nhân vật VIP". Còn những người Việt Nam tỉnh táo đều tuân thủ nguyên tắc "không theo bất cứ một nước nào để chống lại nước thứ ba", điều mà Sách trắng Quốc phòng Việt nam 2019 đã nói rõ. Ông Hồ Tích Tiến khỏi phải nhắc.
2. "Để Trung Quốc trở thành động lực phát triển và là chỗ dựa thực hiện lợi ích quốc gia quan trọng của Việt Nam, chứ không phải biến thành trở lực cho chiến lược quốc gia Việt Nam, đây là một lĩnh vực rộng thể hiện trí tuệ chiến lược của Hà Nội".
Trả lời: Điều này, chúng tôi luôn biết và xác định là dù muốn hay không, thị trường hơn 1 tỷ dân của Trung Quốc vẫn là "chỗ làm ăn" lâu dài của Việt Nam, kể cả khi Việt Nam đã xâm nhập thị trường Mỹ và sắp tới là thị trường Châu Âu với hơn 450 triệu dân (không kể Nga). Nhưng như thế không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó thì không ít các nhà đầu tư của thế giới đang dần rời bỏ địa bàn Trung Quốc để chuyển sang hoạt động ở Việt Nam và một số quốc gia khác, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã và tiếp tục tìm đường sang Việt Nam làm ăn. Hẳn là ông Hồ Tích Tiến không lạ gì điều này.
3. "Cùng với sự mở cửa của Việt Nam, các thế lực chính trị chống đối nổi dậy trong và ngoài nước sớm muộn sẽ dấy lên cơn sóng lớn, khiến Việt Nam đối mặt với thách thức căn bản. Đến lúc đó, Mỹ và phương Tây chắc chắn là những bên thêm dầu vào lửa, thậm chí giáng đòn chủ yếu vào Việt Nam. Về điều này, Hà Nội cần giữ cảnh giác lâu dài".
Trả lời: Về điều này thì đến lớp trẻ Việt Nam, kể cả thiếu niên chứ không chỉ thanh niên, cũng có rất nhiều người biết. Chỉ có những kẻ (kể cả già) không học chính trị hoặc cố tình mù quáng mới không biết. Và chúng tôi cũng rất biết nhiều kẻ kích động biểu tình chống Trung Quốc, hàng ngày ra rả chửi Trung Quốc lại chính là người của các ông, hòng gây nhiễu loạn và bất ổn ngay trong lòng Việt Nam mà Trung Quốc muốn kiềm chế phát triển. Và nói đi thì phải nói lại: Nếu Trung Quốc đối xử thật sự bình đẳng và thực tâm với Việt Nam; chấm dứt việc dùng vũ lực ở Biển Đông, thực tâm đàm phán về một COC công bằng, bình đẳng; thực tâm cùng đàm phán với Việt Nam về phân định chủ quyền trên Biển Đông thì chắc chắn những thế lực chống đối chính trị kia sẽ hết đất để chia rẽ quan hệ Việt - Trung. Về vấn đề này, BÓNG NẰM Ở SÂN CỦA TRUNG QUỐC.
4. "Mỹ không thể nào thật lòng mong tốt cho Việt Nam, mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển quan hệ với Việt Nam là lợi dụng Việt Nam, điều này mãi mãi không thay đổi".
Trả lời: Điều này thì rõ như ban ngày, cũng như việc Trung Quốc cũng muốn kiềm chế Việt Nam như nêu ở trên, hay việc Trung Quốc cùng Mỹ bắt tay chia chác trên xương máu người Việt trong lịch sử. Ông Hồ Tích Tiến khỏi phải dạy khôn người Việt Nam. Ngay trong giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng có không ít người không muốn cho Việt Nam mạnh lên. Không tin, ông cứ thử xem lại một số bài viết của mấy tướng lĩnh Trung Quốc diều hâu trong PLA nói chung và NPLA nói riêng thì thấy ngay.
5. "Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, đa số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đều đã sụp đổ, là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam có thể duy trì cục diện chính trị ổn định, sự nâng đỡ chiến lược tiềm tàng lớn nhất là đến từ ổn định chính trị của Trung Quốc. Thể chế chính trị của Việt Nam rất khó trường tồn lâu dài một mình".
Trả lời: Câu này thì ông Hồ Tích Tiến tự đánh giá Trung Quốc cao quá đấy. Chỉ mới cách đây 30 năm, Liên Xô tan vỡ, Đông Âu sụp đổ, còn Trung Quốc thì suýt bị vụ Thiên An Môn làm cho lụn bại; nhưng Việt Nam chúng tôi vẫn đứng vững; Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đứng vững. Sở dĩ như vậy là vì Việt Nam không dựa dẫm vào ai cả. Ông Hồ Tích Tiến nên nhớ rằng:
"Dựa dẫm vào núi thì núi cũng có ngày sụp.
Dựa dẫm vào cây thì cũng có ngày cây đổ.
Dựa dẫm vào người thì cũng có ngày người chạy". (Về điều này thì trong nửa cuối thế kỷ XX, Trung Quốc đã từng hai lần chạy rồi vì nghĩ rằng Việt Nam dựa dẫm vào mình).
Vì Việt Nam luôn tự đứng trên đôi chân của mình nên không dựa vào ai cả. Thậm chí, khi Trung Quốc gặp khó khăn, Việt Nam vẫn sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ, trong lịch sử Việt Nam cũng đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc lập nước bằng cách cử quân đội và cả những tướng lĩnh giỏi nhất sang giúp các ông đánh lại kẻ thù. Thế nên người Trung Quốc đừng nghĩ rằng mình to mà mạnh đâu, đừng nghĩ rằng việc hợp tác, đoàn kết giữa hai đảng trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả, trong sáng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản Việt Nam dựa dẫm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc!
Từ xưa tới nay, người Việt Nam luôn sống hòa hiếu với người Trung Quốc và sẵn sàng chìa tay hữu nghị nếu người Trung Quốc biết đối xử công bằng, bình đẳng với người Việt Nam và tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của Việt Nam. Còn ngược lại thì trên dưới 15 cuộc chiến tranh xâm lược của người phương Bắc các ông chống lại Việt Nam đều bị đánh cho ôm đầu máu chạy về thì chắc ông Hồ Tích Tiến cũng biết rồi đấy. Tất nhiên, như tôi đã nói từ đầu, chúng tôi đánh giặc xong lại "tới hồ trả kiếm", không nuôi hận thù, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng như Việt Nam với Mỹ cũng đều mang ý nghĩa đó.
Vài lời trao đổi với ông và tất cả những người Trung Quốc có nhận thức.

Thành công to lớn nhưng “bí mật” của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam


Khoảng hai mươi năm trước, khi tôi chuyển đến Hà Nội, thành phố ảm đạm, xám xịt, bị bao phủ bởi khói bụi. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng những vết sẹo khủng khiếp vẫn còn.Tôi đã mang chiếc 4WD của mình từ Chile đến đây và luôn tự lái nó. Đó là một trong những chiếc SUV đầu tiên trong thành phố Hà Nội. Mỗi lần tôi lái đi, nó thường bị những người đi xe máy đâm vào, những chiếc xe máy luôn chạy như những viên đạn trên khắp các đại lộ của thủ đô Việt Nam.
Phải nói là Hà Nội rất đẹp, nhưng u uất, rõ ràng là do chiến tranh. Có những nỗi đau, những câu chuyện khủng khiếp trong quá khứ. Trong những ngày tôi ở đó, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Á. Nhiều di sản lớn, bao gồm Thánh địa Mỹ Sơn ở miền Trung Việt Nam, về cơ bản vẫn là những bãi mìn rộng lớn, thậm chí nhiều năm sau các vụ đánh bom thảm khốc của Mỹ. Cách duy nhất để đến thăm những nơi như vậy là nhờ xe quân sự do chính phủ quản lý.
Tòa nhà nơi tôi sống, được cải tạo từ nhà tù cũ khét tiếng của Pháp ở Hà Nội, Hoả Lò, nơi những người yêu nước và cách mạng Việt Nam từng bị tra tấn, hãm hiếp và hành quyết, và cũng là nơi giam giữ một số phi công Mỹ bị bắt trong thời gian được gọi là “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của Mỹ. Từ cửa sổ nơi ở, tôi có thể nhìn thấy một trong hai chiếc máy chém trong sân của những gì mà sau đó đã trở thành một bảo tàng về tội ác của chủ nghĩa thực dân.
Vào năm 2000, Hà Nội không có một trung tâm thương mại nào và khi chúng tôi đến, nhà ga của sân bay Nội Bài chỉ là một tòa nhà nhỏ, có kích thước chỉ như một nhà ga xe lửa cấp tỉnh. Vào những ngày đó, đối với người dân Việt Nam, một chuyến đi đến Bangkok sẽ tạo ra cảm giác giống như một chuyến đi đến một thiên hà khác. Đối với các nhà báo như tôi, những người sống ở Hà Nội, đi lại thường xuyên đến Bangkok hoặc Singapore là một điều cần thiết tuyệt đối, vì hầu như không có thiết bị chuyên nghiệp hoặc phụ tùng nào có sẵn ở Việt Nam.
Hai thập kỷ sau, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia phát triển và thoải mái nhất ở châu Á. Một nơi mà hàng triệu người phương Tây rất thích đến sống. Chất lượng cuộc sống ở đây vẫn đang phát triển liên tục. Mô hình xã hội chủ nghĩa và kế hoạch trung tâm của nó rõ ràng đang thành công. Có những con đường giao thông rất lớn, ví dụ như tuyến đường nối giữa thành phố Huế với Đà Nẵng, với mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, cũng như các công trình văn hoá thể thao. Tất cả điều này trái ngược hoàn toàn với sự ảm đạm tư bản cực đoan ở các quốc gia như Indonesia, thậm chí là Thái Lan. Cuộc sống của người Việt Nam không ngừng được cải thiện về vệ sinh, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống văn hóa. Với ngân sách khá nhỏ, quốc gia này lại đạt được mức độ ngang tầm với các quốc gia giàu có hơn nhiều ở châu Á và thế giới.
Người dân Việt Nam là một trong những người lạc quan nhất trên thế giới. Chỉ trong ba năm tôi sống ở Việt Nam, đất nước này đã thay đổi đáng kể. Sức mạnh và quyết tâm to lớn của người dân đã giúp thu hẹp khoảng trống còn sót lại sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu. Việt Nam đã lựa chọn, thành công, cho mô hình một nền kinh tế hỗn hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Những nỗ lực to lớn của Hoa Kỳ và Châu Âu nhằm phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa, thông qua việc sử dụng các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức có vỏ bọc phi chính phủ được tài trợ bởi các chính phủ phương Tây, đã bị nhận diện và bị đánh bại một cách quyết đoán ở Việt Nam. Những người kiên định lý tưởng Cộng sản trong Đảng cầm quyền và chính phủ của họ đã áp đảo những kẻ đang cố làm hư hỏng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hòng đẩy đất nước ngả về phía phương Tây.
Những gì tiếp theo là thành công đáng kể, trên nhiều mặt. Theo một báo cáo của Đông Nam Á, được công bố vào ngày 1 tháng 10 năm 2018:
“Việt Nam là quốc gia tốt nhất trong số 151 quốc gia được khảo sát trong một nghiên cứu đánh giá chất lượng cuộc sống gắn với sự bền vững môi trường”.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam được đánh giá thực hiện đặc biệt tốt, khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Báo cáo trên giải thích thêm: “Một nghiên cứu trên phạm vi rộng, được gọi là nghiên cứu ‘Cuộc sống tốt đẹp cho tất cả hành tinh’, được tiến hành và xuất bản bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Leeds, cho rằng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách nhìn nhận sự phát triển và mối quan hệ của nó với môi trường. Về cơ bản, chúng tôi đã làm việc trên một số chỉ số tổng hợp và mối quan hệ khác nhau giữa các kết quả xã hội với các chỉ số môi trường. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về việc, nếu chúng ta chỉ nhìn vào các chỉ số xã hội, chúng ta có thể xác định một mức độ tương đương với một cuộc sống tốt hay không?”.
Cuộc khảo sát này được thực hiện ở 151 quốc gia và Việt Nam cho thấy có các chỉ số tốt nhất: “Các nhà nghiên cứu đã xem xét 11 chỉ số xã hội bao gồm sự hài lòng về cuộc sống, dinh dưỡng, giáo dục, chất lượng dân chủ và việc làm. Nói chung, chúng tôi đã làm tự mình thấy ngạc nhiên rằng Việt Nam đã làm rất tốt về tổng thể. Bạn có thể từng mong đợi điều đó phải là Costa Rica hoặc Cuba, vì Việt Nam thường chưa bao giờ được đánh giá là một quốc gia phát triển bền vững. Hai quốc gia mà các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ làm tốt nhất vì họ thường cung cấp hỗ trợ xã hội tốt và không gây thiệt hại môi trường như nhiều quốc gia khác, nhưng cuối cùng 2 quốc gia này đã xếp sau Việt Nam”.
Đây không phải là báo cáo duy nhất ca ngợi thành công lớn của mô hình xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được danh tiếng của một siêu sao kinh tế và xã hội. So với các nước ủng hộ chủ nghĩa thị trường tự do tư bản như Indonesia hay thậm chí là Philippines, các thành phố xã hội chủ nghĩa thanh lịch của Việt Nam được thiết kế và duy trì cho người dân, cũng như vùng nông thôn ngày càng gọn gàng và đẹp hơn, rõ ràng đã cho thấy hệ thống nào trong hai hệ thống kinh tế này vượt trội hơn và phù hợp hơn đối với người dân châu Á và văn hóa của họ.
Trong thời gian khẩn cấp, nghiêm trọng về thiên tai và y tế, Việt Nam cũng vẫn đi trước các nước Đông Nam Á khác. Giống như Cuba và Trung Quốc, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào việc phòng chống thiên tai. Theo tạp chí “Thời đại mới”, các quốc gia xã hội chủ nghĩa bao gồm Việt Nam, đã làm được công việc tuyệt vời để chống lại sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 gần đây: “Các nước đang phát triển như Cuba và Việt Nam với các cấu trúc và triết lý nhà nước xã hội chủ nghĩa đang xử lý thành công đại dịch COVID-19. Vai trò của các chiến lược về kinh tế và chăm sóc sức khỏe lâu dài của họ đóng vai trò gì sau thành công này? Tiến sỹ Talebur Rupom đặt câu hỏi này và cho rằng hiện là thời điểm quan trọng mà các quốc gia nên đầu tư mạnh vào các lĩnh vực y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người. Các quốc gia có các hệ thống chăm sóc y tế được trợ cấp tập trung hoặc được tài trợ đầy đủ đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng COVID-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngoài ra còn có một số lý do chủ động khác khiến họ có thể giảm tỷ lệ tử vong và các trường hợp nhiễm bệnh.
Cuba và Việt Nam là hai quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng đối phó với mối đe dọa mới nổi này. Bất chấp lệnh cấm vận và hạn chế của Hoa Kỳ và với nguồn lực hạn chế, việc xử lý đại dịch của Cuba có thể là một hình mẫu cho những quốc gia khác. Với nền kinh tế nhỏ hơn Bangladesh, quốc gia Đông Nam Á Việt Nam cũng đang có được sự tín nhiệm để khởi động lại nền kinh tế sau khi khống chế thành công đại dịch COVID-19, mặc dù họ có chung biên giới quan trọng với Trung Quốc”.
Đến cuối tháng 5 năm 2020, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 95,5 triệu dân, chỉ có 327 ca nhiễm và không có ca tử vong nào, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins cung cấp. Ngay cả tạp chí chính thống, cánh hữu của Anh, “The Economist”, cũng không thể bỏ qua thành công lớn trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của các quốc gia Cộng sản, như bang Kerala của Ấn Độ và Việt Nam:
“Việt Nam với dân số 95 triệu người, là một nơi lớn hơn nhiều các quốc gia khác. Tuy nhiên, khi đối phó với covid-19, họ đã hành động theo một kịch bản đáng kinh ngạc, với một kết quả rất ấn tượng. Giống như Kerala, họ đã sớm có các ca bị phơi nhiễm virus và chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh mới trong tháng 3. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm bệnh cũng đạt đến đỉnh điểm sớm và đã giảm xuống chỉ còn 39. Việt Nam là duy nhất trong số các quốc gia có quy mô tương tự, và ngược lại với những câu chuyện thành công nổi tiếng trong chống Covid như Đài Loan và New Zealand, Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong nào. Philippines, một quốc gia ở gần đó có cùng dân số và quy mô nền kinh tế, đã có hơn 10.000 người nhiễm bệnh và 650 người đã chết.
Giống như Kerala, Việt Nam gần đây đã phải chiến đấu với các dịch bệnh chết người khác, trong khi dịch Sars bùng phát trên toàn cầu vào năm 2003 và cúm lợn năm 2009. Cả Việt Nam và Kerala đều được hưởng lợi từ một di sản đầu tư lâu dài vào y tế công cộng và đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, với sự quản lý tập trung, mạnh mẽ, một phạm vi thể chế từ các phường ở thành phố cho đến các ngôi làng xa xôi đều có rất nhiều nhân viên y tế lành nghề. Không phải ngẫu nhiên, chủ nghĩa cộng sản đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ, vì hệ tư tưởng nhà nước không thể bị khuất phục của Việt Nam, cũng như lý tưởng và cách làm đã được các đảng cánh tả thống trị Kerala từ những năm 1950 áp dụng”.
Một số phân tích, bao gồm từ cả những người ở phương Tây, cho rằng Việt Nam đã vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những nước, ít nhất là trên giấy tờ, giàu có hơn nhiều. Tờ DW (Deutsche Welle), ví dụ, đã báo cáo vào ngày 22 tháng 5 năm 2020: “Chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, Adam McCarty, hy vọng rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi rộng rãi từ cách họ xử lý COVID-19. Có lẽ đây là một bước ngoặt khi Việt Nam vươn lên khỏi nhóm các quốc gia như Campuchia và Philippines và gia nhập nhóm các quốc gia phát triển hơn như Thái Lan và Hàn Quốc, mặc dù Việt Nam chưa có GDP tương tự, nhưng ông McC đã trao đổi với DW từ Hà Nội: Với phần còn lại của thế giới vẫn còn bị COVID-19, xuất khẩu thực sự sẽ bị tổn thương – ông McC nói. Nhà kinh tế này nhấn mạnh rằng mọi thứ không thể quay trở lại như cũ. Và mặc dù tiêu dùng trong nước có thể sẽ tăng trong những tháng tới, con số tăng trưởng 5% cho năm 2020 có thể là quá tham vọng. Có thể chỉ đạt được mức 3%, nhưng điều đó đã là rất tốt trong trường hợp này. Nó vẫn có nghĩa là Việt Nam đã trở thành một người chiến thắng”.
Tôi vẫn luôn định kỳ trở lại Việt Nam, một điều đáng chú ý là đất nước này không hề có khu ổ chuột. Không có tình trạng khổ cực phổ biến ở các nước theo chủ nghĩa tư bản hoang dã như Indonesia, Philippines, thậm chí ngay cả ở Campuchia và Thái Lan. Không có tình trạng khốn khổ ở các thành phố, thị trấn và nông thôn Việt Nam. Đó là một thành công lớn.
Kế hoạch cộng sản có nghĩa là hầu hết các thảm họa tự nhiên và y tế đều phải được ngăn chặn tốt. Khi tôi sống ở Hà Nội, những khu vực rộng lớn và đông dân cư giữa sông Hồng và thành phố thường bị ngập lụt hàng năm. Nhưng dần dần, các khu phố tồi tàn đã được di dời, và các khu vực cây xanh được trồng trở lại, ngăn nước có thể chảy vào thành phố. Từng bước hợp lý, Việt Nam đã và đang thực hiện những thay đổi được thiết kế khoa học, chặt chẽ để cải thiện toàn diện cuộc sống của người dân.
Các phương tiện truyền thông đại chúng ở phương Tây và trong khu vực viết rất ít về “phép màu Việt Nam” này, vì những lý do rõ ràng. Với sự hy sinh to lớn, nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp, và sau đó là quân chiếm đóng Hoa Kỳ. Hàng triệu người đã hy sinh, nhưng một quốc gia mới, tự tin và mạnh mẽ đã ra đời. Nó thực sự đã đứng lên từ đống tro tàn. Nó đã xây dựng một mô hình của riêng mình, đặc thù Việt Nam. Bây giờ, nó đang chỉ đường cho những quốc gia yếu hơn và ít quyết tâm hơn ở Đông Nam Á, những nước vẫn đang sẵn sàng hy sinh công dân của mình, bằng cách ngoan ngoãn thần phục sự chỉ huy của Bắc Mỹ và Châu Âu.
Từ vị trí của một trong những nước châu Á nghèo nhất, Việt Nam đã trở thành một trong những nước mạnh nhất, quyết đoán và lạc quan.
Tác giả: Andre Vltchek. Người dịch: Ngô Mạnh Hùng

MỸ CHÍNH THỨC BÁC GẦN HẾT YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG


"Chính quyền Tổng thống Donald Trump đi thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó bác bỏ hầu như mọi tuyên bố chủ quyền đáng kể nhất của Trung Quốc ở Biển Đông" - AP
Trong tuyên bố đưa ra rạng sáng 14-7, Mỹ khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp".
"Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy – Biển Đông.
Chúng tôi đang làm rõ một điều: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng", tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được phát trên website Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14-7 mở đầu.
Theo nội dung đó, ông Pompeo khẳng định ở Biển Đông, Mỹ tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định, tôn trọng tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng trải thương mại và phản đối bất kỳ nỗ lực nào về việc sử dụng cách thức cưỡng ép hay vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.
"Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và trường tồn này với các đồng minh và đối tác, những người lâu nay đã ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế", tuyên bố viết.
Ông Pompeo cũng khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình trong khu vực. Ông viết:"Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một quyết định có sự thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế".
Ngay trước khi tuyên bố của Mỹ được đưa ra, hãng tin AP dẫn lời quan chức cho hay Washington sẵn sàng bác gần hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được xem là một động thái thái leo thang của Mỹ chống lại Trung Quốc. "Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đi thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó bác bỏ hầu như mọi tuyên bố chủ quyền đáng kể nhất của Trung Quốc ở Biển Đông", AP viết.
Thời điểm Mỹ ra tuyên bố trên trùng với kỉ niệm 4 năm ngày phán quyết The Hague (Hà Lan) tuyên bố bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện của Philippines như đã nêu.
Đáng chú ý trong tối 13-7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines khẳng định phán quyết nêu trên là "bất hợp pháp". Tuyên bố này phản ánh thái độ ngó lơ phán quyết của Trung Quốc lâu nay. Trước đây, chính sách của Mỹ kiên định ở việc kêu gọi các tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và láng giềng nên giải quyết một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, cụ thể là tòa trọng tài do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Nhưng trong thông điệp 14-7 như đã nêu, Ngoại trưởng Pompeo thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đe dọa, làm suy yếu quyền chủ quyền của các nước Đông Nam Á có bờ biển ở Biển Đông, bắt nạt các nước này, ngăn không cho khai thác tài nguyên ngoài khơi.
Theo ông Pompeo, Trung Quốc đã áp đặt sự thống trị đơn phương ở Biển Đông và dùng sức mạnh để thay thế luật pháp quốc tế. Ông viết: "Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã rõ ràng suốt nhiều năm qua. Năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy Dương Khiết Trì đã nói với các đồng cấp ASEAN rằng ‘Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế. Thế giới của kẻ săn mồi trong quan điểm của Trung Quốc không có chỗ trong thế kỷ XXI".

HÃY TRUYỀN LỬA CHO THẾ HỆ SAU


Cả nước kỷ niệm 70 năm Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020). Những đóng góp của lực lượng TNXP qua các thời kỳ là vô cùng to lớn.
70 năm là chặng đường lịch sử rất dài. Lực lượng TNXP ra đời là một sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát huy vai trò xung kích sáng tạo của lực lượng trẻ, cũng như khẳng định được sức mạnh rời non lấp biển của thanh niên.
Từ 225 cán bộ, đội viên đầu tiên do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đoàn làm Đội trưởng, sau trở thành liên phân đội TNXP tham gia an toàn khu, phục vụ chặng chiến đấu ở biên giới từ 1950 - 1952 và chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Số lượng đội viên TNXP không ngừng nâng lên, 3.000, rồi 16.000 người. Trong lúc có 16.000 TNXP thì có 8.000 TNXP được tuyển vào quân đội. TNXP thành chỗ dựa vững chắc cho quân đội khi cần.
Thời kỳ sau năm 1954, hòa bình lập lại, công việc chính của TNXP là mở đường xây dựng xã hội chủ nghĩa như các tuyến đường ở Lạng Sơn, đường Hạnh Phúc ở Hà Giang, mở rộng tuyến đường sắt Bắc - Nam... Đồng thời, tham gia xây dựng các công trường, nông trường phát triển kinh tế ở những vùng gian khó. Có thể nói, đây là giai đoạn đem sức trẻ để bạt núi san đồi đem hạnh phúc cho đồng bào miền núi, đóng góp cho kháng chiến sau này.
Tiếp đó là giai đoạn “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lực lượng TNXP ở miền Bắc và mặt trận đường Trường Sơn có phong trào “Ba sẵn sàng”; còn miền Nam có phong trào “Năm xung phong”. Hai miền Bắc Nam với “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã hòa quyện với nhau tạo nên kết quả lớn.
Đất nước thống nhất, tiếng súng ngưng chưa bao lâu thì lại xảy ra chiến tranh biên giới, TNXP cùng với bộ đội tham gia phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Lực lượng TNXP tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng; lao động sản xuất và bảo vệ, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội...
70 năm qua, đã có trên 65 vạn nam nữ TNXP phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới đã có gần 39 vạn nam nữ TNXP làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có hơn 6 nghìn người hy sinh, hơn 40 nghìn người bị thương, hơn 14 nghìn người bị nhiễm chất độc dacam/diôxin.
Hiện hầu hết TNXP không còn giấy tờ gì. Nhiều TXNP được công nhận và nhận chế độ một lần được 3,5 - 4 triệu đồng. Nguyện vọng lớn nhất của TNXP là có “Huy chương TNXP vẻ vang”, được đưa vào danh mục huân huy chương cấp Nhà nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: "Tôi coi TNXP như bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Tôi cảm nhận như một lời sấm dội, đánh giá lực lượng TNXP ngang hàng với bộ đội”.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên

QĐND - Hiện nay, có một số người băn khoăn về nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa thuộc về những thành phần nào, hay nói cách khác là nhiệm vụ đó thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Cần phải khẳng định rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong. Để đấu tranh, bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải bảo vệ vững chắc nội bộ. Nội bộ đoàn kết, không dao động, không "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì thế lực thù địch dù có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt đến mấy cũng khó bề làm lung lạc ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, việc đầu tiên là cần có biện pháp đấu tranh, khắc phục thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ phai nhạt lý tưởng mà còn thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa.
Quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong mỗi cá nhân, tổ chức thường bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, tiến tới du nhập tư tưởng, lý luận phi mác-xít, sẵn sàng "trở cờ" phản bội, đưa đất nước đi theo hướng khác, con đường khác phi xã hội chủ nghĩa. Thực tế là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại trong cả nhận thức và hành động của một số người. Nhận thức đó có thể bắt nguồn từ những vấn đề còn chưa tỏ tường về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kết hợp với sự xuất hiện những thế mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa. Những điều đó đã tác động mạnh tới nhận thức của một số người, trong đó có một số văn nghệ sĩ, trí thức, làm cho nhận thức của họ trở nên mông lung, như người "đứng giữa ngã ba đường".
Để bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng, thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán triệt để hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội dân chủ, chủ nghĩa thực dụng tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục khẳng định chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng, bởi nó vừa thể hiện tính cách mạng triệt để, vừa phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, cần có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống chính trị xã hội và nhân dân. Phê phán, bác bỏ các quan điểm, tư tưởng và ý đồ thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Phát hiện, xử lý kịp thời những âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ các thế lực thù địch, vạch mặt những phần tử cơ hội chính trị, ngăn chặn những hành vi xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn sự chia rẽ mối đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và lực lượng vũ trang. Phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, cụ thể là của bộ máy chính quyền các cấp; xử lý đúng đắn những mâu thuẫn nội bộ trong các tầng lớp nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình và các "điểm nóng" về an ninh trật tự trong xã hội. Đồng thời đẩy mạnh việc đấu tranh, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quyết tâm làm trong sạch từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên-đội ngũ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", để tạo cơ sở nền tảng đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
TRẦN VŨ

Thắng "giặc Covid-19" - minh chứng rõ tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam


QĐND - Đến thời điểm này, có thể coi cuộc chiến chống “giặc Covid-19” của Việt Nam đã giành thắng lợi. Ngay từ đầu, khi Covid-19 tràn qua biên giới, Việt Nam đã nhận biết và đánh giá đúng tác hại không thể lường trước nếu lơ là, mất cảnh giác, coi thường nó và đã xác định ngay chống Covid-19 như chống giặc.
Mà đã coi là giặc tức là phải đánh, phải tiêu diệt chứ không chỉ chống. Vì vậy, ngay từ đầu, cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đã vào cuộc và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của “Bộ Tổng tư lệnh”. Chiến thuật đánh Covid-19 tuân thủ nguyên tắc của chiến dịch đánh giặc. Các hình thức chiến thuật vận dụng từ đánh nhỏ đến đánh lớn, từ bao vây, phục kích, đánh chặn đến dốc toàn lực lượng đánh một trận tổng lực để quyết giành thắng lợi và tiến tới thắng lợi hoàn toàn!
Trong khi Việt Nam đã giành thắng lợi cơ bản thì không ít quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang đương đầu với đại dịch Covid-19. Nhiều nước trên thế giới đã ca ngợi thành công của Việt Nam, một đất nước tiềm lực kinh tế còn hạn chế nhưng đã không chịu khuất phục "giặc Covid-19", đã chiến đấu kiên cường và giành thắng lợi một cách ngoạn mục. Cho đến cuối tháng 5 vừa qua, khi Việt Nam đã là một trong những nước mở cửa sớm nhất để phục hồi nền kinh tế thì trên hệ thống truyền thông của nhiều nước vẫn không ít nhận xét, đánh giá về thành công của Việt Nam và cho rằng những gì Việt Nam làm được là bài học hết sức quý giá cho các nước; ngay từ đầu, Việt Nam đã tiến hành cách ly người về từ ngoài biên giới để đánh chặn Covid-19; cách phòng dịch sớm, chủ động phòng ngừa từ xa của Việt Nam là cách ít tốn kém nhất và đem lại kết quả tốt nhất… Chính vì vậy, thành công đáng nể nhất là Việt Nam đã bảo vệ được mạng sống người dân của mình hiệu quả nhất. Cũng từ thành công của Việt Nam, truyền thông nhiều nước, các chính trị gia, nhà kinh tế khẳng định Việt Nam sẽ là một trong số ít nước trên thế giới kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020.
Người viết bài này muốn điểm lại dư luận của nhiều nước về thành công của Việt Nam trước một đại dịch toàn cầu đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới và đang làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng lớn… Nhắc lại để thấy rõ hơn ý nghĩa thành công của Việt Nam qua con mắt của bạn bè khắp thế giới.
Vậy mà khi thế giới đang hết lời khâm phục Việt Nam thì lại có những giọng điệu lạc lõng, những luận điệu xảo trá của những kẻ bất mãn chế độ, của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm xuyên tạc, bôi đen, bóp méo sự thật, muốn phủ nhận sạch trơn thành quả chống "giặc dịch" của chúng ta. Họ cho rằng Việt Nam chống được dịch Covid-19 là vì Việt Nam đàn áp nhân dân. Họ gọi những thôn, xã, phường cách ly là những "nhà tù" không hơn không kém. Việt Nam không minh bạch thông tin, bóp nghẹt tự do ngôn luận để che giấu tổn thất do dịch. Trắng trợn hơn, họ còn cao giọng nói rằng Việt Nam chống được dịch là vì thể chế “độc đảng”… Rõ ràng những luận điệu ấy còn nguy hại hơn cả dịch. Trớ trêu thay, trong số những người lên giọng phủ nhận ấy có người lại đang sống trên chính đất nước mình. Những ngày cả đất nước gồng mình chống chọi với "giặc Covid-19", những con người ấy cũng được chứng kiến và thụ hưởng thành quả chống dịch, được cả guồng máy xã hội bảo vệ mạng sống… Tôi không muốn liệt kê ra những giọng điệu lạc lõng, có ý đồ xuyên tạc bởi vì thực tế không thể khác, những giọng điệu ấy không đánh lừa được ai.
Cả đất nước đang bước vào trạng thái bình thường mới nhằm khôi phục lại nền kinh tế vừa trải qua một "cơn bão bệnh dịch". Thời điểm này cũng là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để hiểu những gì chúng ta đã trải qua sau hơn 3 tháng cả nước gồng lưng chống "giặc Covid-19". Nhìn thẳng để tin dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cả nước đã đồng sức, đồng lòng vượt qua cái chết bằng trí và lực của chính mình. Trong suốt hơn 3 tháng cam go chống "giặc dịch", Chính phủ hầu như từ 2 đến 3 ngày lại có một cuộc họp chỉ đạo; các thành viên Chính phủ tỏa khắp các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, truyền đạt ý chí quyết tâm từ Trung ương xuống các địa phương để ổn định tình hình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, kiên quyết chiến thắng đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước như lời hịch hội tụ sức mạnh truyền thống dân tộc trước hiểm họa của "giặc dịch". Lời kêu gọi có đoạn: “… Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”.
Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết "chung lưng đấu cật", không quản ngại gian khổ, hy sinh, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chống dịch. Thành công của những ngày đầu tiên thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội… đã sát cánh cùng nhau chống "giặc dịch". Trên tuyến đầu, các y sĩ, bác sĩ dốc sức, dốc lòng cứu người bệnh; quân đội, công an trở thành lực lượng nòng cốt giúp đồng bào trong nước, ngoài nước trở về, nhường cơm sẻ áo, nhường nhà, nhường doanh trại cho người cách ly… Trong đại dịch, không chỉ xuất hiện nhiều nhà từ thiện cùng góp công, góp sức, góp tiền của cho cuộc chiến chống dịch mà từ trong nhân dân cũng xuất hiện nhiều tấm gương, tấm lòng hướng về các y sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch thật sự xúc động. Người có tiền giúp tiền, người có gạo giúp gạo, có người chỉ mớ rau, củ, quả cũng đem đến giúp đỡ người ở tuyến đầu… Những tấm lòng thơm thảo của đồng bào, đồng chí như tiếp thêm năng lượng cho các y sĩ, bác sĩ đang không quản ngại hy sinh.
Sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ngành y tế, quân đội, công an và các ban, bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc kịp thời của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp… làm tăng thêm niềm tin trong nhân dân về thành công của cuộc chiến chống dịch. Chính từ niềm tin ấy, mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ được nhân dân đồng lòng, đồng sức ủng hộ.
Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, trong hiểm nguy của đại dịch, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị bỏ ngoài xã hội. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã thể hiện điều đó. Các đối tượng chính sách, người nghèo, người không nơi nương tựa, người bán vé số; đối tượng kinh tế vỉa hè, người yếu thế đều có quyền thụ hưởng. Giữa cơn đại dịch Covid-19, ở Việt Nam, tất cả mọi người đều được bình đẳng chữa trị, trong nước cũng như nước ngoài về. Tính đến đầu tháng 6 này, trên thế giới đã có hơn 7 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 400.000 người tử vong nhưng Việt Nam không có ai tử vong. Nhiều người nước ngoài bị nhiễm Covid-19 đến Việt Nam được chữa trị khỏi, khi trở về nước đã không cầm lòng được, chỉ biết thốt ra lời: “Cảm ơn Việt Nam!”…
Một đất nước trong cơn hoạn nạn đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xung quanh Đảng, Nhà nước, Chính phủ để chống dịch. Một đất nước trong cơn hoạn nạn không một ai bị bỏ lại phía sau, kể cả người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài về. Một đất nước mà quyền cao nhất của con người là được sống, được bảo vệ mạng sống... đó không phải là giá trị cao nhất của nhân quyền ư?
HỒ ANH THẮNG

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Nhận diện các “chiến dịch” tuyên truyền chống phá Đại hội XIII của Đảng


Hoạt động của chúng không còn được thực hiện đơn lẻ mà được tiến hành ồ ạt theo kiểu “chiến dịch”, với việc huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện, tuyên truyền tập trung về một chủ đề thống nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, cần nhận diện để chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các ứng dụng, dịch vụ tiện ích trên không gian mạng, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự Đại hội XIII… Tất cả sự chống phá trên đều nhằm tới mục tiêu: Phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng; phá hoại Đại hội XIII của Đảng.
Để gia tăng hiệu quả, quy mô, mức độ tác động, ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền, chúng huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện, tuyên truyền về một chủ đề thống nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Tiêu biểu là: “Chiến dịch tuyên truyền xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013”; “Chiến dịch tẩy chay Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Chiến dịch bàn luận nhân sự Đại hội XIII”, “Chiến dịch xuống đường vì dân chủ”, “Chiến dịch bất tuân dân sự”, “Chiến dịch khai dân trí”…
Có thể thấy, các “chiến dịch” này có những dấu hiệu đặc trưng sau đây:
Thứ nhất, chủ thể khởi xướng các “chiến dịch tuyên truyền” chủ yếu là các trung tâm, tổ chức thù địch Việt Nam ở nước ngoài như: Các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong (“Việt Tân”, “Đảng Dân chủ nhân dân”, “Đảng Vì dân”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”…); các trung tâm truyền thông nước ngoài (Đài BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt…); các tổ chức quốc tế, NGO nước ngoài (“Theo dõi Nhân quyền thế giới - HRW”, “Ân xá quốc tế - AI”, “Phóng viên không biên giới - RSF”…). Bên cạnh đó, các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIII của Đảng còn được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt với sự phối kết hợp của nhiều lực lượng thù địch cả trong và ngoài nước, nhất là số dân biểu cực hữu trong chính giới các nước Mỹ, phương Tây; số đối tượng chống đối chính trị trong nước.
Thứ hai, nội dung tuyên truyền trong các “chiến dịch” được hướng theo một chủ đề thống nhất, như: Tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013; tuyên truyền chống phá cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội; tuyên truyền xuyên tạc nguyên tắc tổ chức, vấn đề nhân sự Đại hội XIII… Chẳng hạn như, thực hiện chiến dịch chống phá cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII, nhiều trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối trong nước đã đồng loạt tán phát các bài viết có nội dung xuyên tạc cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng thời, kêu gọi sửa đổi “toàn diện” văn kiện, đường lối chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò “độc tôn” của Đảng; thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước; xây dựng nền kinh tế đa sở hữu bắt đầu từ năm 2021. Có thể thấy rõ ý đồ này qua các bài viết: “Vài suy nghĩ trước thềm Đại hội XIII”, “Việt Nam: Liệu Đại hội Đảng XIII sẽ có khác biệt?”, “Các nhóm thân hữu và tắc nghẽn thể chế đang gây hại cho Việt Nam”, “Góp ý chuẩn bị Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Về Đảng cầm quyền”, “Bản kiến nghị về Đại hội XIII”… Cá biệt, có bài viết, đối tượng còn đưa ra “lộ trình” cải cách thể chế ở Việt Nam theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Chuyển đổi Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đảng nắm quyền thành Đảng cầm quyền, với cương lĩnh, điều lệ mới theo hướng hòa giải, hòa hợp dân tộc và dân chủ hóa đất nước. Giai đoạn 2: Thực hiện cải cách hệ thống chính trị - nhà nước hiện tại thành nhà nước pháp quyền với Hiến pháp mới và thể chế chính trị dân chủ đa nguyên.
Để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội XIII, các trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong, đài phát thanh nước ngoài đã đồng loạt tán phát hàng chục bài viết có nội dung xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIII, bịa đặt nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang hình thành “phe cánh” để “tranh giành, đấu đá quyền lực; có “lợi ích nhóm”, “thanh trừng phe phái” trong công tác nhân sự; thậm chí chúng còn xuyên tạc rằng vấn đề nhân sự Đại hội Đảng XIII bị một số thế lực bên ngoài can thiệp, chỉ đạo. 
Đó là các bài viết: “Những ai sẽ vào tứ trụ tại Đại hội Đảng 2021”, “Chân dung anh hùng - đại biểu Quốc hội; “Trao đổi về Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Thế lực thù địch ngay trong lòng Đảng”, “Trước thềm Đại hội Đảng, tổ chức lại sanh chuyện”, “Ai sẽ lãnh đạo Việt Nam sau 2 năm nữa?”, “Tín hiệu định hướng cho tứ trụ/tam trụ”…
Thứ ba, các “chiến dịch tuyên truyền” được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định, với nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIII chủ yếu được tiến hành vào thời điểm trước và trong khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội, các “chiến dịch” này sẽ được gia tăng về cấp độ, tính chất và quy mô, sau đó sẽ giảm dần và kết thúc khi Đại hội Đảng XIII của Đảng kết thúc. Trong khoảng thời gian này, các thế lực thù địch, phản động sẽ tập trung huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện tham gia nhằm làm gia tăng mức độ, tính chất, phạm vi tác động, ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền.
Thứ tư, các chiến dịch tuyên truyền chống phá Đại hội XIII của Đảng thường trải qua 3 giai đoạn là “giai đoạn chuẩn bị”, “giai đoạn tiến hành” và “giai đoạn kết thúc” chiến dịch. Trong giai đoạn chuẩn bị, các đối tượng thường tìm cách thu thập các tin tức liên quan phục vụ cho hoạt động tuyên truyền; chuẩn bị về lực lượng, phương tiện tuyên truyền. 
Trong giai đoạn tiến hành chiến dịch tuyên truyền thường xuất hiện sự câu kết, móc nối, chuyển giao tin tức, tài liệu theo chủ đề tuyên truyền giữa các đối tượng ở trong nước với các cá nhân, tổ chức chống đối ở bên ngoài; xuất hiện hoạt động đưa tin, bài tuyên truyền chống phá theo một chủ đề thống nhất của các trung tâm, tổ chức chống Việt Nam ở bên ngoài; các hoạt động tuyên truyền được tiến hành đồng loạt, rầm rộ trên một phạm vi rộng với nhiều hình thức ở cả trong và ngoài nước. 
Ở giai đoạn kết thúc “chiến dịch tuyên truyền”, hoạt động tuyên truyền của đối phương giảm dần và có sự chuyển hướng trong các hoạt động tuyên truyền chống Việt Nam sang những chủ đề, nội dung khác.
Thứ năm, mục đích trực tiếp của các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIII của Đảng là nhằm phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội, phá hoại công tác nhân sự; phá hoại các dự thảo văn kiện; gây mâu thuẫn, chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ Đảng; làm suy giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không diễn ra theo kế hoạch hoặc không đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra. 
Bên cạnh đó, chúng còn hướng tới những mục tiêu khác như: Xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng; gây nhiễu loạn thông tin; gây mâu thuẫn, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIII của các thế lực thù địch thời gian qua không chỉ tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, gây ra những hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin trong một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên mà còn tác động, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự và quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Từ nay đến khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, bất mãn sẽ càng đẩy mạnh thực hiện các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá. Đặc biệt, chúng sẽ triệt để khai thác các ứng dụng, dịch vụ, tiện ích trên không gian mạng để tán phát “đơn thư”, “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “bản lên tiếng”, “đơn tố cáo”, qua đó gây áp lực hoặc hạ uy tín, tạo luồng dư luận xấu về lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và chủ động đấu tranh, ngăn chặn các “chiến dịch tuyên truyền” này.
Nguyễn Sơn

Tăng cường công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới


 “Diễn biến hòa bình” - chiến lược thâm độc của các thế lực thù địch - nhằm mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thông qua các hoạt động phá hoại, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước ta, trong đó lĩnh vực tư tưởng, văn hóa luôn được xác định là mục tiêu quan trọng các thế lực thù địch nhắm vào lợi dụng.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, sử dụng các biện pháp, tiến hành nhiều hoạt động phức tạp từ âm thầm đến công khai phá hoại tư tưởng, văn hóa đối với Việt Nam thông qua các phương thức, thủ đoạn chủ yếu như: Lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên mạng Internet với các trang mạng xã hội để đăng tải, tán phát hàng triệu bài viết với nội dung phê phán, phủ định chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nội bộ Đảng, đời tư các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành tựu của sự nghiệp đổi mới, cường điệu hóa yếu kém, khuyết điểm của nền kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, chúng tăng cường móc nối, lôi kéo, mua chuộc, khống chế và lợi dụng các cán bộ, đảng viên, trí thức, chức sắc tôn giáo, các đối tượng có biểu hiện bất mãn, cơ hội chính trị và các phần tử xấu trong nước để tạo dựng “ngọn cờ” trong nội bộ; hậu thuẫn cho việc hình thành, công khai hóa các tổ chức “xã hội dân sự”, “yêu nước”, “phản biện xã hội” để hoạt động chống đối chính trị. Lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, như các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng, họp Quốc hội; các vụ án kinh tế, vụ án có liên quan đến cán bộ, đảng viên; các vụ việc tham nhũng để lồng ghép các nội dung tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế….
Nhận thức rõ tính chất và mức độ nguy hiểm của âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Gần đây nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”, “Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này phải có các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra sức đề kháng trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nêu rõ 03 nhóm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ cần đẩy lùi, ngăn chặn trong bối cảnh tình hình mới chịu sự tác động mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường và sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Trong đó, nhóm biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ là hệ quả trực tiếp của âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cần lưu ý: “(1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; (2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; (3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; (4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; (5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an; (6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước; (7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước; (8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng; (9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
Đối với tỉnh Kon Tum, thời gian qua công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên địa bàn có những thuận lợi nhất định, tạo nền tảng, điều kiện cho việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, công tác. Trước hết phải kể đến đó là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị; ban hành các văn bản kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 94), phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Định kì đánh giá kết quả công tác, trên cơ sở đó khắc phục những sơ hở, thiếu sót còn tồn tại, phát huy ưu điểm, những mặt công tác đã đạt được.
Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, không tạo điều kiện, cơ hội để các đối tượng chống đối lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chính quyền. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa-tư tưởng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện tốt; chủ động phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm của các tổ chức, cá nhân (nhất là số văn nghệ sỹ, phóng viên báo chí) có những biểu hiện sai lệch về tư tưởng chính trị, lợi dụng hoạt động văn hóa-tư tưởng để chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh những thuận lợi, trước sự tác động của những yếu tố khách quan và chủ quan cũng tạo những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong đó: (1) Hiện nay, hoạt động báo chí tham gia đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác biên dịch tài liệu tuyên truyền và xuất bản các ấn phẩm thông tin bằng tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chưa phong phú. Tài liệu chính thống để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phản bác còn chậm, chưa kịp thời. (2) Nhận thức về vấn đề âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ còn khá hạn chế. Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng sự phát triển bủng nổ của mạng Internet dẫn đến ý thức chính trị trong một bộ phận quần chúng nhân dân hiện nay khá mờ nhạt, không phân biệt được quan điểm chính trị tích cực-tiêu cực, dễ bị tác động, lôi kéo bởi những thông tin sai lệch, xuyên tạc, nhất là thông tin những vụ việc tiêu cực về kinh tế-xã hội nổi lên gần đây. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác của ta nếu không có biện pháp quyết liệt, kịp thời. (3) Sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet là công cụ hữu hiệu để các thế lực thù địch, đối tượng chống đối gia tăng các hoạt động tán phát tài liệu, bài viết tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Cùng với đó, sự bùng nổ khó kiểm soát về mặt thông tin dẫn đến những thông tin xấu-độc xuất hiện ngày càng nhiều và lan truyền với tốc độ nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, điều này đòi hỏi công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng của ta phải chủ động, thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ và có phương thức đấu tranh phù hợp với từng đối tượng bảo vệ. (4) Phương thức, thủ đoạn tuyên truyền, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt; trong khi đó việc trao đổi thông tin, tình hình giữa các cơ quan, ban, ngành có lúc có nơi chưa kịp thời, đầy đủ dẫn đến công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu phản động của các thế lực thù địch còn thiếu thống nhất giữa các ban, ngành, còn bị động, thiếu kịp thời, chặt chẽ, nhất là những vấn đề mới nảy sinh. Bên cạnh đó, lợi dụng những đặc điểm còn hạn chế về tình hình kinh tế-xã hội tỉnh nhà với số lượng người dân tộc thiểu số chiếm đa số cùng một số vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội, các thế lực thù địch sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá. Yêu cầu trên đòi hỏi sự theo dõi, bám sát tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn, tham mưu xử lý, giải quyết kịp thời của các cơ quan chức năng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác đấu tranh, phản bác âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đảm bảo nhạy bén, linh hoạt, ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn với những thuận lợi, khó khăn trong công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và bài học kinh nghiệm rút ra, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình hiện nay; củng cố, kiện toàn lực lượng phục vụ yêu cầu công tác đặt ra. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị; nắm vững định hướng chính trị, tư tưởng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ trì và vai trò của Ban Chỉ đạo 94 tỉnh (sắp tới là Ban Chỉ đạo 35) trong đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh; nâng cao sức “tự đề kháng”, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng cơ quan, đơn vị, cá nhân, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, trong đó đảm bảo lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng vai trò nòng cốt trong giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới.
Hai là, sở, ngành, địa phương làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên trong nhận diện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động tác động, chuyển hóa nội bộ, tuyên truyền, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhất là các bài viết, hình ảnh xuyên tạc, bịa đặt lan truyền trên mạng xã hội hiện nay; qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức để xây dựng, hình thành thế trận an ninh vững chắc, làm nền tảng cho cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đồng thời giảm tải áp lực và góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh của ta.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đảm bảo số lượng, chất lượng bài viết có tính lan truyền, tác động mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục và tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng trong cộng đồng mạng.

Sự thật về cái gọi là Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo


Ngày 10/6/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2019; trong đó, tiếp tục chỉ trích Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo. Vậy đâu là sự thật?         
Tự do tôn giáo được xem xét dưới nhiều góc độ. Dưới góc độ pháp lý, tự do tôn giáo là một khái niệm để chỉ quyền tự do theo đạo, tự do bỏ đạo, tự do đổi đạo, tự do thể hiện và thực hành đức tin của mình, tự do trong sinh hoạt tôn giáo, v.v. Đây không chỉ là quyền của cá nhân tín đồ, chức sắc mà còn là quyền của các tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân. Cũng từ phương diện pháp lý cho thấy, ở bất cứ quốc gia nào, quyền tự do tôn giáo hay bất cứ một quyền dân sự hay chính trị nào khác cũng đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Không có tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc, tự do một cách tuyệt đối.
Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. Như vậy, quyền tự do tôn giáo hay bất cứ một quyền nào khác trên phương diện pháp lý đều bị giới hạn bởi khuôn khổ luật pháp.
Quyền tự do tôn giáo là vấn đề có tính lịch sử. Nghĩa là nó phụ thuộc vào từng thời điểm lịch sử cụ thể ở từng quốc gia, gắn với một thể chế chính trị - xã hội và điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội cụ thể nhất định. Không thể tồn tại một khái niệm quyền tự do tôn giáo chung chung, trừu tượng mà lại không gắn với một bối cảnh và thực thể nhất định. Điều này khẳng định rằng, không thể đem giá trị, quan niệm về tự do tôn giáo ở một quốc gia này để áp dụng hay đo lường, đánh giá mức độ quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác. Tất nhiên, trên phương diện khoa học, chúng ta vẫn có thể đem ra so sánh, phân tích và đối chiếu. Nhưng trên phương diện quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, các thể chế chính trị bình đẳng, độc lập thì không thể đem tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để áp đặt lên một quốc gia khác và buộc các quốc gia khác phải tuân theo.
Thực tế các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, cho thấy rất rõ ràng chính sách nhất quán của Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào cũng không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Đồng thời, không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đó là chính sách rất đúng đắn, rõ ràng và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Trên thực tế, đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động và đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức khác nhau. Các tôn giáo đều tôn trọng lẫn nhau, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đại bộ phận chức sắc, tín đồ sống phúc âm trong lòng dân tộc, tốt đời, đẹp đạo. Tín đồ gương mẫu cũng là công dân gương mẫu. Thế nhưng, một bộ phận nhỏ chức sắc và tín đồ một số tôn giáo lại không nhận ra thực tế này, với nhiều tham vọng chính trị và bị lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, dẫn đến có những hành động cực đoan quá khích chống lại chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói riêng và trên các lĩnh vực nói chung. Họ lợi dụng tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”; liên kết và phụ họa với các thế lực thù địch, các phần tử phản động, chống đối ở cả trong và ngoài nước để hoạt động chống phá.
Từ thực tiễn nêu trên, cần có một cái nhìn khách quan và toàn diện rằng, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay luôn được đảm bảo và ngày càng được cải thiện theo xu thế phát triển của đất nước và của thời đại. Chức sắc và tín đồ các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện cho mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, được mở các trường đào tạo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo hội phù hợp với trình độ phát triển của xã hội; được Nhà nước tạo điều kiện cho mở rộng, phát triển các quan hệ giao lưu quốc tế, v.v. Ở Việt Nam, không có chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Dư luận tuyệt đại đa số chức sắc, tín đồ đều cho rằng, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là đúng, phù hợp, không có cản trở nào trong các hoạt động và sinh hoạt tôn giáo của họ. Thậm chí, họ còn được chính quyền các cấp rất quan tâm, thăm hỏi động viên trong các dịp lễ, tết và được tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động tôn giáo. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ chức sắc, tín đồ một số tôn giáo và Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng, ở Việt Nam người dân không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không có tự do tôn giáo, Nhà nước ta “đàn áp” tự do tôn giáo! Đây là nhận thức rất sai lệch, mang mục đích chính trị chứ không phải là tôn giáo thuần túy. Nói cách khác, đây là hoạt động lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó mới là sự thật của cái gọi là Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo.
Thời gian qua, ở nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khẳng định uy tín ngày càng lên cao của Việt Nam trên bình diện quốc tế, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Đó là ngày 07/6/2019, tại phiên bỏ phiếu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức, Việt Nam được bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao (192/193). Ngày 20/6/2019, tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức ở Geneva (Giơ-ne-vơ - Thụy Sĩ), với sự chứng kiến của đại diện 192 nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), v.v. Các sự kiện này cho thấy, nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc chăm lo đời sống người dân, phát triển đất nước cũng như tích cực cùng nhân loại xây đắp, củng cố hòa bình trong khu vực và trên thế giới, xây dựng quan hệ bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia để cùng phát triển. Từ tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường, tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng các quyền kinh tế - xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị theo các chuẩn mực quốc tế, nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chủ trương, chính sách, người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn các quyền và tự do (trong đó, có tự do tín ngưỡng, tôn giáo), đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao, v.v.
Thế mà, Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 10/6 vừa qua lại đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai lệch, vu cáo Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo? Thử hỏi, Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo mà hiện nay có tới 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo. Đến năm 2018, có 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng tổng diện tích 14.850 ha đất. Hiện có 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng; trong 5 năm (2015-2019) có hơn 3.000 ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu đĩa CD, DVD về tôn giáo bằng nhiều ngôn ngữ. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam, như: Đại lễ Phật đản VESAK, 500 năm Cải chánh đạo Tin lành, v.v. Điều đáng nói là, tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Cùng với phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo cũng không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 9/2019, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Các tổ chức tôn giáo ra đời một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.
Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo đa dạng, sôi động, diễn ra trên khắp cả nước. Các cơ sở thờ tự của các tôn giáo khang trang, đời sống của tín đồ ngày càng sung túc. Các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống của tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia, như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Lễ Thượng ngươn của đạo Cao Đài, v.v. Nhiều cơ sở tôn giáo được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về nơi hành lễ của tín đồ và tổ chức tôn giáo. Thông qua các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, phát huy giá trị đạo đức tôn giáo và đóng góp nguồn lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.
Thực tế đó cho thấy, sự thật về cái gọi là Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo của Báo cáo Tự do tôn giáo mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra là không có cơ sở và không phù hợp với bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua. Đồng thời, không phù hợp với nguyên tắc được xác định trong tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ công bố năm 2015: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”./.
NGUYỄN PHÚ HƯNG