Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Đừng lợi dụng tôn giáo làm điều trái đời, ngược đạo


Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chức sắc, tín đồ chân chính tu hành đúng giáo lý, giáo luật; còn có một số người lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi đi ngược với giáo lý của tôn giáo và đạo lý của dân tộc Việt Nam, trái với quy định của pháp luật. Hành vi của số người này đã làm mất thanh danh của tôn giáo, gây bức xúc trong xã hội.
NHỮNG VIỆC LÀM TRÁI ĐỜI, NGƯỢC ĐẠO
Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (Điều 3), đồng thời khẳng định các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị nghiêm cấm: “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân” và “lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi” (Điều 5). Tuy nhiên, thời gian qua, bất chấp pháp luật, đã có một số chức sắc, tín đồ lợi dụng chính tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, TTATXH, vi phạm đạo đức, vi phạm giáo lý, giáo luật và đi ngược với truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Vụ việc xảy ra tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) mà báo chí phản ánh về việc tổ chức "giải oan gia trái chủ", “chữa bệnh nhờ thỉnh vong”, "trả nợ cho vong" thu hàng trăm tỷ đồng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kết luận: Việc tổ chức lễ "giải oan gia trái chủ", “chữa bệnh nhờ thỉnh vong”, "trả nợ cho vong" bằng tiền hoặc lao động không công tại chùa là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.
Nói đến một số vụ việc phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xảy ra ở các tỉnh miền Trung thời gian vừa qua, dư luận nhắc nhiều đến vị giám mục Nguyễn Thái Hợp, nguyên giám mục giáo phận Vinh (hiện nay là giám mục giáo phận Hà Tĩnh). Vị này được giao cai quản giáo phận Vinh từ năm 2010 đến 2018. Sau 8 năm thực thi nhiệm vụ, giáo phận Vinh do vị này quản lý từ vùng đất bình yên trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm pháp luật. Giám mục này nhiều lần chẳng những không ngăn cản mà còn để một số chức sắc, giáo dân nơi đây trở thành những người “vô luật”, chống đối chính quyền. Các vị linh mục dưới quyền quản lý như Đặng Hữu Nam (Quản xứ Phú Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An), Lê Công Lượng (Quản xứ Xuân Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An)… đã kích động, lôi kéo một bộ phận tín đồ, chức sắc, nhân dân tham gia biểu tình gây rối, đập phá tài sản, cản trở giao thông, bắt giữ người trái pháp luật, tấn công người thi hành công vụ; thậm chí có linh mục còn nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động bạo lực, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Mới đây nhất, nhân vụ việc 39 người Việt tử vong trong container ở Vương quốc Anh, trên trang facebook cá nhân, linh mục Đặng Hữu Nam đã có nhiều bài viết, bài nói và việc làm xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng. Vị linh mục này đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước gây ra nghèo đói, khiến người dân phải bỏ đất nước ra đi kiếm sống… Vị này còn phát lên trang cá nhân những clip truyền giảng trong giáo đường với ngôn từ tục tĩu, kích động, thậm chí xuyên tạc cả tôn giáo khác. Những lời nói lộng ngôn, coi thường đạo lý và những hành động ngông cuồng của số chức sắc nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng giáo lý, giáo luật của Công giáo.   
BIẾN MÌNH THÀNH MỘT LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ LÀ SAI GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
Nhắc đến giáo xứ Thái Hà (Hà Nội), người ta nghĩ ngay đến linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong. Năm 2016, thay vì rao giảng đạo đức, răn dạy những điều hay lẽ phải, khuyên bảo giáo dân “sống phúc âm trong lòng dân tộc” thì vị linh mục này lại lợi dụng các bài giảng thánh lễ để rao giảng những lời lẽ xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh, kích động giáo dân chống đối Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Chính vị này đã nhiều lần kích động đòi chính quyền địa phương trả các khu đất cho cơ sở tôn giáo mà không có căn cứ pháp lý.
Cần khẳng định rằng, bản chất của tôn giáo chân chính là luôn hướng con người đến chân-thiện-mỹ, tức là đến những giá trị tốt đẹp nhất của con người. Đức Phật, Đức Jesus hay Đức Chúa Trời... không bao giờ răn dạy các tín đồ của mình phải làm điều ác, trái với đạo đức, luân thường, đi ngược lại với các quy định của pháp luật. Các đức tin của các tôn giáo đều có chung khát vọng dẫn đường cho con người tu tập, thực hành giáo lý, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, xã hội phồn vinh, hướng con người đến với sự tốt đẹp, sống đoàn kết, lương thiện và thương yêu nhau.
Giáo luật Công giáo khẳng định: “Không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo hội”. Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương phật pháp và tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới”. Tuy nhiên, số chức sắc, tín đồ vì lợi ích cá nhân hay số linh mục, giáo dân cực đoan, quá khích, vì động cơ chính trị không trong sáng mà có hành vi làm trái lời dạy của các đức tin trong tôn giáo của họ, đi ngược lại những giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc Việt Nam, chống lại chính dân tộc mình, chống lại chính người thân của họ.
HÃY HỔ THẸN VÀ BIẾT SỬA MÌNH
Một số người làm sai như trên thật sự là những "con sâu làm rầu nồi canh". Nhìn tổng thể thì nhiều năm vừa qua, tín đồ, chức sắc chân chính của các tôn giáo ở Việt Nam đã, đang đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyên góp hàng nghìn tỷ đồng xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua các phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu là tăng ni, phật tử có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý, như: Sư thầy Thích Thanh Sơn (chùa Vạn Thọ, TP Hồ Chí Minh) đã khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn người nghèo; sư thầy Thích Thiện Chiếu (chùa Kỳ Quang II, TP Hồ Chí Minh) nuôi dạy hàng trăm trẻ em mồ côi, chất độc da cam, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo; ông Đoàn Văn Hổ (Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh Biên, An Giang) quyên góp hàng tỷ đồng xây cầu, xóa đói, giảm nghèo; xây nhà cho người nghèo; bà Nguyễn Thị Lan (75 tuổi, giáo dân ở Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã quyên góp xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa; trao hàng nghìn suất học bổng tặng các học sinh nghèo...
Các vị chức sắc, tín đồ làm điều sai trái cần cảm thấy hổ thẹn với những tấm gương chức sắc, tín đồ chân chính đang ngày đêm nỗ lực thực hành giáo lý, giáo luật, đóng góp công sức, tiền của nhằm xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, phồn vinh hơn.
Cần khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để lừa đảo, mua chuộc, dụ dỗ, xâm hại đến quyền và lợi ích của công dân, gây ảnh hưởng đến TTATXH. Thực hành tôn giáo đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Mỗi tín đồ tôn giáo cũng đồng thời là công dân Việt Nam, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật, không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, TTATXH, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân hay lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục lợi phi pháp, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, trái giáo lý. Chắc chắn những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phi tôn giáo, làm ô danh tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật. Vì vậy, mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật; đó cũng là phương cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ xã hội và chính là bảo vệ các tôn giáo chân chính đang hoạt động bình thường trên đất nước Việt Nam

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa ban hành kết luận điều tra vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 9-1, khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị thiêu sống.
Góp tiền mua lựu đạn, làm 'bom xăng'
Theo kết luận điều tra, từ tháng 11-2019, Quân chủng Phòng không - không quân có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn nên đã có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự.
Trước tình hình diễn biến phức tạp tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Công an TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, trong đó ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho lực lượng tham gia xây dựng tường rào, còn bảo vệ trụ sở các cơ quan nhà nước và tài sản, tính mạng người dân.
Căn cứ kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, rạng sáng 9-1, Công an TP Hà Nội phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và các lực lượng khác triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm.
Trước đó, khi biết thông tin Quân chủng Phòng không - không quân xây dựng tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn tại khu vực Đồng Sênh, khoảng tháng 11-2019, bị can Lê Đình Công bàn bạc với Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Quốc Tiến (Tiến "Mạ") đã mua lựu đạn và chuẩn bị vũ khí, công cụ để sẵn sàng tấn công lực lượng công an đến làm nhiệm vụ.
Theo kết luận điều tra, bị can Công giao nhiệm vụ cho Tiến và Duệ tìm mua 10 quả lựu đạn. Sau khi tìm hiểu, Tiến thông báo tiền mua lựu đạn khoảng 33 triệu đồng.
Công thống nhất với bị can Hiểu, chỉ đạo Mai Thị Phần đưa 18 triệu đồng để mua lựu đạn. Do thiếu tiền nên các bị can này thống nhất góp thêm tiền để mua lựu đạn.
Ngày 5-1, bị can Tiến đưa cho một người 450.000 đồng để mua 20 lít xăng về làm "bom" xăng. Ngoài ra, một người khác là Bùi Văn Tiến cũng mua 20 lít xăng để tại nhà với mục đích tấn công lực lượng chức năng.
Sau khi mua được lựu đạn và chuẩn bị xong các loại vũ khí, Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển tố chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải trên mạng xã hội tuyên bố đe dọa sẽ tấn công nếu công an đưa quân về Đồng Tâm.
Ngày 8-1, bị can Công nhận được thông báo từ Nguyễn Văn Thắng về việc công an sẽ đưa quân đến thôn Hoành. Tối cùng ngày, Công thông báo cho Bùi Viết Hiểu, Lê Đình Chức và một số người đến nhà ông Kình để bàn bạc cách thức tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Họ cùng nhau tập kết các loại vũ khí như bom xăng, lựu đạn, dao phóng lợn lên tầng 2 nhà ông Kình rồi cùng ngủ lại đây, khi nào lực lượng công an đến sẽ báo động bằng kẻng để đồng loạt lên mái nhà tấn công.
Đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an
Theo kết luận điều tra, khoảng rạng sáng ngày 9-1, khi thấy lực lượng công an vừa đi đến cổng thôn Hoành thì nhóm người đang ở nhà ông Kình đánh kẻng báo động, đồng thời bắn pháo hiệu, pháo hoa, ném bom xăng, gạch đá về phía lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Kết luận điều tra thể hiện, lực lượng công an đã sử dụng loa phát thanh kêu gọi người dân chấm dứt ngay các hành vi vi phạm pháp luật và đầu thú nhưng không được.
Tiếp đó, bị can Lê Đình Chức rút chốt một quả lựu đạn ném về phía công an. Cùng lúc này, những người khác đứng trên mái nhà ông Kình tiếp tục dùng bom xăng, gạch đá, pháo tấn công lực lượng công an.
Một tổ công tác gồm ông Nguyễn Huy Thịnh - phó trung đoàn trưởng E22 - Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, anh Phạm Công Huy - cán bộ Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Hà Nội, anh Dương Đức Hoàng Quân - cán bộ Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động - tiến vào khu vực nhà ông Kình để trấn áp, ngăn chặn, bắt giữ những người vi phạm.
"Khi cả ba người di chuyển qua cửa sổ nhà Lê Đình Hợi để sang mái nhà Chức thì bị Chức dùng tuýp gắn dao phóng lợn chọc từ trên xuống, những người khác ném "bom" xăng, gạch đá từ mái nhà ông Kình nên bị rơi xuống hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức", kết luận điều tra nêu.
Cũng theo kết luận điều tra, khi 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị rơi xuống hố thì bị can Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh bê chậu xăng lên đổ xuống hố và châm lửa đốt.
Mặc dù các chiến sĩ liên tục gọi đàm ra ngoài kêu cứu nhưng khi thấy lửa chuẩn bị tắt, bị can Chức tiếp tục nhiều lần đổ xăng xuống hố làm cho lửa bùng cháy lớn làm 3 cán bộ, chiến sĩ tử vong.
Trong thời gian này, một tổ công tác khác tiếp tục tiến vào nhà ông Lê Đình Kình và cũng bị ném bom xăng, lựu đạn. Sau nhiều giờ trấn áp, Công an Hà Nội đã bắt giữ được một số người tại nhà ông Lê Đình Kình và Lê Đình Chức.
Theo kết luận điều tra, khi tổ công tác áp sát ngách cửa sau nhà ông Kình thì phát hiện ông này đang cầm một quả lựu đạn trên tay đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong.
Tổ công tác đã nổ súng 2 lần khiến ông Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng. "Khi lực lượng công an áp sát thì thấy ông Kình tử vong trong tư thế nằm ngửa, tay phải vẫn cầm một quả lựu đạn", kết luận điều tra nêu.
Công an Hà Nội kết luận tại cơ quan điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp lời khai của những người liên quan, người chứng kiến và các tài liệu điều tra thu thập được.
Các bị can nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 cán bộ, chiến sĩ công an. Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, giết chết nhiều người không thể dung thứ, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét