Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

ĐẤU TRANH LÀM THẤT BẠI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ TO LỚN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Hằng năm, cứ sắp đến Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, các thế lực thù địch, phản động, với luận điệu tuyên truyền cũ rích nhằm xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo sự thật về những sự kiện và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một trong những vấn đề tuyên truyền xuyên tạc đó là: xuyên tạc Ngày Độc lập của Việt Nam và hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Về Ngày Độc lập của Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng, Ngày Độc lập của Việt Nam là ngày 11-3-1945, ngày Bảo Đại ký Đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với thực dân Pháp năm 1884 chứ không phải là ngày 02 tháng 9 năm 1945. Đó là tuyên truyền xuyên tạc sai sự thật. Bởi vì, chúng ta đều biết rằng, ngày 9-3-1945 là ngày Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Đông Dương. Như vậy, trên thực tế, kể từ ngày 9-3-1945, dân tộc Việt Nam nằm dưới sự thống trị của phát xít Nhật, không còn là thuộc địa của thực dân Pháp. Đạo dụ của Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với thực dân Pháp năm 1884 là ngày 11-3-1945, tức là sau ngày Nhật đã hất cẳng Pháp. Do đó, không thể nói rằng, Ngày Độc lập của Việt Nam là ngày 11-3-1945, mà Ngày Độc lập thật sự của dân tộc Việt Nam là Ngày 2-9-1945, Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước đông đảo đồng bào Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập lên nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp”.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các thế lực thù địch cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là nhờ may mắn từ hoàn cảnh lịch sử. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định rõ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền trên cả nước, không phải là một cuộc cách mạng vội vàng, ngẫu nhiên, “ăn may” như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bóp méo, mà để có được thành quả đó toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh, mất mát cho việc chuẩn bị về mọi mặt trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là chuẩn bị về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị; về xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng căn cứ địa cách mạng; về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa.

Về chủ trương, đường lối. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và quan điểm này đã được thể hiện qua các phong trào cách mạng: 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8 năm 1945.

Về xây dựng lực lượng chính trị. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã chú trọng xây dựng lực lượng chính trị. Đảng đã cử nhiều thanh niên ưu tú đi học tập, đào tạo tại các trường của Quốc tế Cộng sản để sau này về nước nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong các tổ chức cách mạng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, trang bị lý luận cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Đảng cũng đã thành lập một số tổ chức quần chúng để lập nên khối đại đoàn kết toàn dân đứng lên làm cách mạng cứu nước.

Về xây dựng lực lượng vũ trang. Trong những năm đầu thập kỷ 30 của Thế kỷ XX, lực lượng vũ trang của ta phát triển còn rất tự do, nhỏ lẻ, chưa có tổ chức, Đảng ta đã từng bước thành lập các đội du kích, rồi tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng nòng cốt cho các tổ chức vũ trang đánh giặc, cùng nhân dân làm cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để tập dượt khả năng chỉ huy lãnh đạo kháng chiến, khả năng tập hợp quần chúng và khả năng tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của lực lượng cách mạng khi thời cơ đến, Đảng ta đã tổ chức các phong trào cách mạng: 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945.

Về xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đảng ta đã tổ chức xây dựng các căn cứ địa cách mạng để tập hợp, xây dựng các tổ chức, lực lượng cách mạng và huấn luyện lực lượng này để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Trên thực tế, các căn cứ địa cách mạng của ta đã phát huy tốt vai trò là nơi đóng quân của lực lượng cách mạng, là nơi đánh địch, nơi rút lui, phòng thủ để bảo vệ lực lượng, là nơi có thể dễ dàng liên lạc và nhận sự ủng hộ của cách mạng thế giới, đồng thời cũng là nơi cung cấp người và của cho cách mạng.

Về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa. Trên cơ sở các yếu tố chuẩn bị cho khởi nghĩa, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, nhạy bén, nắm chắc sự biến đổi nhanh chóng và mau lẹ của tình hình thế giới để xác định thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa. Với sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ mọi yếu tố cho khởi nghĩa trong thời gian lâu dài và biết lựa chọn đúng thời cơ khởi nghĩa mà cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta giành được thắng lợi to lớn, triệt để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thực tế trên đã khẳng định rằng, Ngày Độc lập của dân tộc Việt Nam là ngày 2-9-1945 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta là bởi sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chứ không phải như luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao, kích động.

Hiện nay, đất nước đang đứng trước tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, ý nghĩa, kết quả và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hòng phục vụ mục đích đen tối là từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội ở nước ta. Vì vậy, để đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động: 1. Các cấp, ngành và các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc; tăng cường tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, giá trị to lớn và vai trò của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ đó đến nay. 2. Tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của các thế lực thù địch, phản động. Xuyên tạc, bóp méo sự thật hòng hạ thấp ý nghĩa, vai trò và thành quả Cách mạng Tháng Tám của dân tộc ta, từ đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là bản chất không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch, phản động. 3. Tập trung phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Thông qua đó khẳng định giá trị lịch sử, tầm vóc to lớn và kết quả thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại. 4. Mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuyên truyền cho nhân dân thế giới hiểu đúng, khách quan về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nước ta và những thành tựu mà Việt Nam đạt được kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Tuyên truyền cho nhân dân thế giới nhận biết rõ bộ mặt thật, những sai trái, xuyên tạc trong luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động làm cho các luận điệu đó trở thành tiếng nói lạc lõng, bị phê phán, cô lập.

                                                                                                                                          Bibin Nguyen 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét