Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI – KHÁT VỌNG CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

Gần đây, trên Bloger của hoianhemdanchu có bài viết: “Chủ nghĩa Xã hội đối lập với độc tài Cộng sản Việt Nam”, cho rằng: chế độ độc tài cộng sản Việt Nam và chủ nghĩa xã hội là mâu thuẫn, đối lập với nhau. Đây là mâu thuẫn có tính chất triệt tiêu lẫn nhau. Những giá trị cốt lõi và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam mà đang hiện diện trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội hàng ngày ở các nước Tư bản Dân chủ. Do vậy, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội mà Đảng cộng sản Việt Nam đang áp dụng ở Việt Nam là tất yếu, khách quan và không thể đảo ngược. Thực tế chứng minh rằng, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử nhân loại.

Thứ nhất, trải qua 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa. Có thể khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Thứ hai, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đó chính là cơ sở kinh tế – xã hội, tiền đề, nền tảng cho chủ nghĩa xã hội hiện thực. Cụ thể là: kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới đạt 2.91%. Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhiều chỉ số về Giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận…; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có COVID-19. Về quan hệ đối ngoại, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước (ba nước là đối tác chiến lược toàn diện) và 14 nước đối tác chiến lược; có quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới kể trên là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây chính là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai của chúng ta./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét