Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Phạm Trần – biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe!

 

Đại ý câu tục ngữ của cha ông ta là khuyên người ta không nên nói bậy bạ, đồng thời nó còn là câu châm biếm những kẻ nhanh mồm nhanh miệng, nói mà không biết suy nghĩ. Câu tục ngữ răn dạy của người xưa càng nghĩ càng thấy đúng với Phạm Trần và những kẻ như y.

Trước hết, Phạm Trần là ai? Đây là cái tên quen thuộc của làng “dân chủ”, thường xuyên có những bài viết bôi nhọ, xuyên tạc để chống phá chế độ ta. Thủ đoạn quen thuộc của y là triệt để lợi dụng vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, thường xuyên kích động, xuyên tạc thông qua các vấn đề tiêu cực yếu kém trong xã hội để lòe bịp những người ít hiểu biết. Trong bài viết gần đây của Phạm Trần với tiêu đề “Tại sao phải bảo vệ chính trị nội bộ?”, một lần nữa, kẻ “mồm năm, miệng mười” này lại tiếp tục ba hoa về đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam. Y cho rằng “các thế lực thù địch” chỉ là là “đòn tung hỏa mù của Tuyên giáo để che đậy sự thật”, và y kết luận “kẻ thù địch chính là những đồng chí của chúng ta”. Để củng cố cho luận điệu đó, Phạm Trần viện dẫn một loạt các nghị quyết, bài viết trên báo chí của ta. Theo y, thì việc ngăn chặn đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là “sáo ngữ… lặp đi lặp lại…, tốn kém và không biết bao giờ mới chấm dứt”. Hồ đồ hơn, Phạm Trần còn cho rằng “Xây dựng chỉnh đốn đảng càng kéo dài bao nhiêu thì càng có thêm nhiều cán bộ, đảng viên xấu xuất hiện để làm khổ dân”. Và cái bản chất của Phạm Trần cũng lộ ra khi Y nói “bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ quyền lợi của Đảng… bảo vệ quyền cai trị độc tôn và độc tài của đảng”.

Trước hết, phải nói rõ rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một việc làm thường xuyên của Đảng ta, cần phải tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cũng giống như cơ thể người, việc vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày, giúp bảo vệ cơ thể và càng làm cho chúng ta khỏe mạnh lên, không thể làm cho xong việc. Quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng cũng chính là quá trình phát hiện, xử lý những yếu kém, tồn tại và ngăn ngừa những mầm bệnh độc hại phát triển. Việc Đảng ta thẳng thắn nhìn vào sự thật, thấy rõ những sai lầm, khuyết điểm và những nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để đấu tranh, khắc phục, sửa chữa là việc làm đáng hoan nghênh. Bởi chỉ có dám nhìn thẳng vào sự thật, dám “bắt đúng bệnh” thì mới “chữa được bệnh”. Và tất nhiên, cán bộ, đảng viên của Đảng tốt lên thì Đảng cũng mạnh lên, không thể có chuyện loại bỏ được những kẻ “suy thoái” thì lại “làm khổ dân” như giọng điệu của Phạm Trần.

Việc Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là biểu hiện rõ nét trong quyết tâm chính trị của Đảng đối với việc làm trong sạch bộ máy. Cần phải thấy rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, việc thay đổi nhận thức, tư duy và hành động, cả theo chiều tích cực và tiêu cực, là hoàn toàn có thể xảy ra. Và tất nhiên, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng còn khó khăn gấp trăm, gấp vạn lần cải tạo một con người. Xây dựng, chỉnh đốn đảng là một công việc phức tạp, đầy thách thức, chắc chắn không phải là một con đường “không có gì chông gai, hay lực cản gì hết” như Phạm Trần nói. Bởi lẽ, nhận diện những thế lực thù địch, những kẻ chống phá đã khó, nhận diện những cán bộ, đảng viên biến chất, rơi vào chủ nghĩa cơ hội… còn khó hơn. Nhưng điều chắc chắn có thể khẳng định “thế lực thù địch” không bó hẹp trọng một loại đối tượng cụ thể nào và quan điểm nhất quán là: những tổ chức, cá nhân có hoạt động chống lại Nhà nước XHCN Việt Nam, xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm đến độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của quốc gia, của dân tộc, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đều được xem là thế lực thù địch.

Tựu chung lại, lý tưởng cao cả của mỗi người cán bộ, đảng viên là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, và nếu ai đó sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì tất yếu phải bị thanh lọc. Đồng thời, những kẻ hàm hồ, chuyên xuyên tạc, chống phá như Phạm Trần chắc chắn là “thế lực thù địch” và cần phải đấu tranh, loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét