Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

THỂ CHẾ – KHOA HỌC VÀ NIỀM TIN

 

Bàn về thể chế, có rất nhiều nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đã thống nhất: Thể chế là hệ thống quy tắc, quy định, luật lệ và thiết chế để điều chỉnh các hành vi của các thành viên trong xã hội, hay là những nguyên tắc, phương thức thực hiện, những cách thức tổ chức xã hội đảm bảo cho xã hội vận hành thông suốt. Việt Nam đã, đang hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các thể chế trong vận hành xã hội đi lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, sự phủ nhận về thể chế của Đỗ Ngà trong bài: “Lỗi thể chế, tác hại vô cùng lớn” trên Bureau CMT Media – Âu Châu chỉ là những lời lẽ bên bàn trà ở ngoài quán nước rìa đường, bởi vì:

Việt Nam đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện thể chế trên tất cả các lĩnh vực một cách chặt chẽ, khoa học. Thể chế luôn là vấn đề trọng yếu, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị của mỗi quốc gia. Bởi vậy, từ việc xây dựng đến việc bổ sung không ngừng hoàn thiện thể chế luôn được thực hiện thường xuyên, theo quy trình, nguyên tắc chặt chẽ và có sự tham gia đóng góp của các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Thể chế vận hành xã hội thông qua các bộ quy tắc, chế định, luật pháp. Các bộ quy tắc, chế định, luật pháp thường được quy định bằng các văn bản như chế định về sở hữu, quản lý, phân phối, tổ chức và hoạt động của cơ quan xã hội với tư cách là các chuẩn mực cho hành vi đối với các chủ thể xã hội. Những chuẩn mực này là những căn cứ cho sự lựa chọn hình thức, cách thức hoạt động cụ thể của từng chủ thể trong từng trường hợp nhất định, với những phương tiện và công cụ tương ứng. Thực tế, Việt Nam đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện thể chế trên tất cả các lĩnh vực một cách đồng bộ, khoa học, không như Đỗ Ngà xuyên tạc về thể chế ở Việt Nam là sự “đẽo gọt”, nhồi nhét cho vừa khung thể chế chính trị.

Việt Nam vẫn đang tiếp tục không ngừng hoàn thiện về thể chế trong đó tập trung vào thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn thúc đẩy kinh tế phát triển. Trước yêu cầu phát triển với đòi hỏi cao về tri thức và đổi mới sáng tạo toàn cầu, việc tiếp tục không ngừng hoàn thiện về thể chế là thường xuyên, lâu dài, nhất là việc chuyển mạnh sang kinh tế số dựa trên tri thức, trí tuệ và đổi mới công nghệ, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: Xây dựng khuôn khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế số, hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp các ngành, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển nền kinh tế trong điều kiện mới. Đây là sự kế thừa, phát triển và có bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cũng như sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Song đây cũng là sự thật mà Đỗ Ngà đã hàm hồ phủ nhận trong bài viết của y cũng như y đã phủ nhận thành công của Việt Nam sau 35 năm đổi mới.

Các thể chế đang được Việt Nam vận hành trên các lĩnh vực đều phát huy hiệu quả tốt. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, chuyển từ thể chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Những năm qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng được hoàn thiện hơn. Hệ thống cơ chế, chính sách được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với các yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, nhiều rào cản tham gia thị trường được cắt bỏ, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; kinh tế nhà nước phát huy tốt hiệu quả; kinh tế tư nhân khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta. Điều này được cả thế giới công nhận, nhất là thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực trong “thời Covid”. Kết quả này đã bác bỏ những lời nhăng cuội của Đỗ Ngà cho rằng: thể chế đó là sự “què quặt”; “quái thai”; “không tạo ra được thịnh vượng” cho người dân.

Thực tiễn đã chứng minh, Việt Nam đang xây dựng và vận hành các thể chế lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành xã hội đúng đắn. Các thể chế này hoạt động theo các quy luật khách quan kết hợp với tính năng động chủ quan của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ưu việt nên sự vận hành tạo ra hiệu quả cao trên các lĩnh vực xã hội. Tuy còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, song những năm qua các thể chế này luôn tạo được những đột phá mang tính động lực, thúc đẩy đất nước phát triển và nó càng làm cho ta có cơ sở để tin tưởng vào việc tiếp tục hoàn thiện các thể chế cho sự phát triển của đất nước trong những giai đoạn tiếp theo./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét