Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Thái Hạo cần có cái nhìn công tâm về nền giáo dục Việt Nam

 

Sự nghiệp giáo dục – đào tạo là sự nghiệp quan trọng, lâu dài, xuyên suốt trong mọi quá trình tồn tại của một dân tộc. Ít có lĩnh vực nào được xã hội, người dân quan tâm như lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Cũng ít có hoạt động nào mà lại liên quan mật thiết đến mọi người, mọi nhà như giáo dục. Ở Việt Nam chúng ta, từ khi nước nhà độc lập, nói đến giáo dục – đào tạo là nói đến triển vọng, là tương lai của cả gia đình, tiền đồ và thử thách của toàn dân tộc trên con đường phát triển.

Trên trang Baotiengdan, bút danh Thái Hạo viết bài “Về khởi điểm của giáo dục”. Bài viết bày tỏ “tâm trạng” về nền giáo dục Việt Nam khi bàn về cách tiếp cận nền tảng khởi đầu giáo dục của con người… Tuy nhiên, tác giả lại có cái nhìn thiếu khách quan, phiến diện về quá trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam từ xa xưa đến nay: Cho rằng chưa thật quan tâm đến “điểm xuất phát” của giáo dục; so sánh “cây” và “đất” rất khập khiễng và nhiều mâu thuẫn; so sánh “người” và “cá” rất tầm thường…Tác giả không hiểu “con người” chúng ta đều có “quá trình nhận thức” đã được các nhà khoa học duy vật và khoa học tự nhiên trong lịch sử nghiên cứu rất sâu sắc và khẳng định rất rõ ràng. Cách nhìn nhận thiếu khách quan, phiến diện thể hiện ở chỗ là chỉ nhìn một số hiện tượng tiêu cực, bất cập trong giáo dục rồi phủ nhận những nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc; mới nhìn bề mặt mà chưa đánh giá đúng bản chất, chiều sâu vấn đề giáo dục ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, phương diện của hoạt động giáo dục…

Cần phải hiểu một cách biện chứng nền giáo dục mà Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới. Bộ Quốc gia giáo dục là một trong những “Bộ thành viên Chính phủ” được thành lập ngay từ những ngày đầu. Chính phủ đã ký sắc lệnh quan trọng thành lập “Nha bình dân học vụ”, chống nạn mù chữ. Cùng với việc chống nạn mù chữ, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương “cải tổ và xây dựng” bước đầu đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia.

Trong Cương lĩnh năm 2011, quan điểm phát triển giáo dục của Đảng ta được bổ sung, phát triển thể hiện qua 4 nội dung cơ bản: (1) Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước. (2) Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. (3) Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo “theo nhu cầu” phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. (4) Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiếp tục làm rõ quan điểm về đổi mới với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và “nhu cầu” học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, sở trường, “khả năng sáng tạo” của mỗi cá nhân…

Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định, nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực giáo dục đào tạo: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng người tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội…”

Vấn đề giáo dục, đào tạo vốn là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm. Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục đã xuất hiện nhiều ý kiến phong phú, đa chiều, thậm chí có cả những tranh luận gay gắt. Điều đáng nói ở đây là cái tâm, cái tầm của người tham gia phản biện. Người có tâm trong sáng, bản lĩnh vững vàng, giàu tri thức và am hiểu về lĩnh vực, chuyên ngành tham gia tranh luận, góp ý trên tinh thần thiện chí thì chắc chắn đó là những “lời nói gói vàng”.

Còn những ai chạy theo bề nổi của dư luận, thích nổi tiếng bằng những phát ngôn trái chiều, vội vàng đưa ra ý kiến theo cảm tính chủ quan, thì dễ làm dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề, gây nhiễu thông tin, không có lợi đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Việc “thông tin phiến diện, một chiều, thổi phồng khuyết điểm” về tình hình đất nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục, cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra, cần phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét