Nhiều người hiện nay dành khá nhiều thời gian “sống” trên môi trường MXH. Trong khi đó, ranh giới giữa tốt-xấu trên MXH có lúc mập mờ, khó phân định. Trước ma trận thông tin hư hư, thực thực xuyên biên giới, ngay cả những người có nhận thức tốt đôi khi cũng bị “lạc lối”, mê muội đến đánh mất cả nhân phẩm, danh dự. Những sự việc lùm xùm diễn ra trên MXH gần đây liên quan đến một số cán bộ, công chức, người nổi tiếng càng cho thấy những nguy cơ nói trên đối với người dùng.

Luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, Đảng, Nhà nước ta, trực tiếp là các cơ quan chức năng đã luôn bám sát thực tiễn để đề ra biện pháp góp phần làm lành mạnh đời sống văn hóa của người dân, trong đó có hoạt động trên MXH. Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành cũng nhằm thực hiện mục tiêu đó.

ĐỂ KHÔNG “LẠC LỐI” TRÊN MẠNG XÃ HỘI
 Ảnh minh họa:TTXVN

Bộ quy tắc gồm 3 chương, 9 điều với 4 quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử dành cho 3 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Sự ra đời của bộ quy tắc được kỳ vọng sẽ đồng hành với hơn 72 triệu người dùng MXH tại Việt Nam hiện nay góp phần chung tay lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp trên MXH, đồng thời đẩy lùi những thông tin độc hại trên môi trường mạng.

Cái khó trong việc thực hiện những quy tắc ứng xử hiện nay không chỉ vì một bộ phận người dùng MXH quá đề cao "cái tôi" của bản thân, mà còn khó bởi xuất phát từ đặc điểm cộng đồng “dân cư số” với đủ thành phần trong xã hội. Đây là những hoạt động trên môi trường ảo, không giới hạn địa lý hành chính nên khó trong việc điều chỉnh hành vi. Nhưng khó không có nghĩa là bất khả thi khi mỗi chúng ta có những hành động cụ thể, thiết thực.

Trong số những đối tượng được quy định tại bộ quy tắc, xã hội đang kỳ vọng vào sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan công quyền. Đội ngũ cán bộ, công chức được Nhà nước, nhân dân ủy quyền làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội. Do đó, bằng trình độ, năng lực chuyên môn, trách nhiệm của mình, các cán bộ, công chức tham gia MXH sẽ góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn minh trên môi trường mạng.

Để có thể làm mẫu, làm gương về văn hóa ứng xử chuẩn mực trên MXH, cùng với nghiên cứu kỹ, nắm chắc, vận dụng thuần thục các quy định của bộ quy tắc khi tham gia MXH, cán bộ, công chức cần phải thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng cũng như Đề án Văn hóa công vụ năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có yêu cầu "phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”.

Với bản lĩnh, ý thức, trách nhiệm, đặc biệt là đạo đức của người thực thi công vụ, tin rằng khi thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, cán bộ, công chức sẽ không "lạc lối" trên không gian mạng; đồng thời góp phần tiên phong mở ra những lối đi đúng đắn, chuẩn mực trên môi trường này để nhân dân học tập, noi theo.