Cách đây nửa năm, dư luận cả nước "nóng hầm hập" vì một số nam thanh niên ở Cẩm Giàng (Hải Dương) đi hát karaoke trong lúc dịch Covid-19 lan rộng. Nhiều người hát nhiễm virus SARS-CoV-2 bị truy vết khiến không ít gia đình “mất ăn mất ngủ”. Vậy, vì đâu mà những ổ dịch lường trước ấy vẫn trở thành nỗi lo cho cả xã hội?

Phải nói rằng, karaoke du nhập vào nước ta thời gian đầu là một hình thức giải trí văn hóa đơn thuần, lành mạnh. Qua thời gian, hình thức này bị biến tướng với nhiều mục đích khác nhau. Nhiều địa điểm karaoke trở thành nơi ăn chơi thiếu lành mạnh. Thậm chí trở thành phòng “bay lắc” cho những nam thanh, nữ tú. Từ karaoke gây ra bao hệ lụy cho xã hội, cho mỗi gia đình bởi tiềm ẩn nhiều vấn đề tệ nạn xã hội. Với một lực lượng hùng hậu các “con nghiện” karaoke như vậy, thật dễ hiểu khi Nhà nước cấm kinh doanh karaoke để phòng, chống dịch Covid-19 (PCD), nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn tổ chức hoạt động này với hình thức khá tinh vi. Họ chia lẻ khách đến, không đi xe cá nhân, khóa cửa khi hoạt động, thậm chí lắp hệ thống camera... để đối phó với hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng. Có nhiều tụ điểm còn liên tục tái phạm. Hệ lụy là tại nhiều địa phương, không ít các trường hợp mắc Covid-19 bị khui ra khi đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến các quán karaoke chui.

NGHIÊM TRỊ NGƯỜI GIEO RẮC MẦM DỊCH
Chống dịch không phải việc của riêng ai. Trong ảnh: Một chốt kiểm soát dịch trên đường Nguyễn Kiệm, TP Hồ Chí Minh vào ngày 2-6.

Đã đến lúc chúng ta phải coi những việc vi phạm này là vô cùng nguy hiểm. Những hành động như vậy dứt khoát phải bị nghiêm trị, nhằm làm gương cho những ai có ý đồ buông lỏng trách nhiệm, khiến cả xã hội phải lao đao. Có lẽ không thể nhẹ tay mãi, cơ quan chức năng cần mạnh dạn áp dụng tình tiết tăng nặng khi xử phạt. Không chỉ đơn thuần là những biện pháp xử phạt hành chính, các chủ cơ sở kinh doanh, người tham gia sử dụng dịch vụ tùy theo tình tiết để xử lý hình sự hoặc buộc tham gia lao động công ích, phục vụ công tác PCD ở địa phương... như vậy mới góp phần chặn đứng những hành vi gieo rắc mầm dịch.

Về phía các cơ quan chức năng ở cơ sở, thực tế họ đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng có lẽ với lực lượng khá mỏng, họ khó có thể quán xuyến, sát sao hết mọi công việc. Nếu không biết dựa vào “tai mắt” của nhân dân để có các biện pháp chủ động, chặt chẽ, nghiêm mình thì công tác PCD rất dễ “phá sản” bởi những đốm lửa nhỏ karaoke chui vẫn âm ỉ cháy.

Chống dịch không phải việc của riêng ai. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, kéo dài, đất nước còn khó khăn, lượng vaccine chưa thể đến với toàn dân, cùng với các biện pháp PCD, một biện pháp hiệu quả trong ngăn chặn dịch là ý thức người dân. Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 suốt hơn một năm qua là nhờ tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành tốt các quy định PCD của người dân. Với nhiều người, không cần phải làm những việc to tát, chỉ cần chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định của chính quyền là thể hiện trách nhiệm công dân. Đồng thời, các lực lượng chức năng không thể lơ là các biện pháp kiểm soát, tạo tiền đề để người dân thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, cùng chung tay PCD một cách hiệu quả, góp phần đưa cuộc sống nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.