Ở một số tỉnh, thành phố lân cận, như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang... số người dân đi lại khi cách ly xã hội cũng không nhỏ. Dẫu biết những người ra đường cơ bản là có lý do chính đáng nhưng cũng không ít trường hợp biện minh, ra khỏi nhà khi chưa cần thiết.

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu ai cũng viện lý do để ra đường, thì bao giờ địa phương mới khống chế được dịch bệnh? Có thể kể ra đây một vài ví dụ nghe đã thấy khó có thể chấp nhận. Đó là một người phụ nữ ra đường vì “ở nhà lâu quá rồi”, một người chồng xin qua chốt kiểm soát để tìm mua trứng vịt lộn cho vợ bị nghén, hay một cô gái xin qua chốt để sang nấu cơm cho nhà anh trai ở quận bên. Ở Long An và Bình Dương lại có trường hợp ra đường để sửa quạt điện hỏng, đưa thú cưng đi chữa bệnh, hay ra cửa hàng mua sạc pin điện thoại... Khi lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu quay về nhà thì có người la hét, cãi bừa và... ăn vạ, thậm chí họ chửi bới, xúc phạm lực lượng chức năng...

YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH
 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh:TTXVN

Từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến nay, trung bình mỗi ngày, thành phố phát hiện hơn 1.000 ca nhiễm mới. Tính từ 0 giờ ngày 9-7 đến 12 giờ ngày 15-7, toàn thành phố đã tổ chức được hơn 10.000 cuộc kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính khoảng 18.600 vụ, với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Những con số này cho thấy tâm lý chủ quan, thái độ chấp hành Chỉ thị 16 của một số người dân chưa nghiêm, cá biệt còn có hiện tượng tụ tập đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Trên thực tế, dù việc triển khai, áp dụng nghiêm các biện pháp, kể cả chế tài xử phạt nặng đến đâu, thì ý thức người dân vẫn là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Ai cũng hiểu, thực hiện Chỉ thị 16 là một quyết định khó khăn của cấp ủy, chính quyền, vì nó ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhưng tại TP Hồ Chí Minh và một số nơi của các tỉnh, thành phố phía Nam, đó là quyết định đúng đắn, đúng hướng, cần thiết, đó cũng là cách để chúng ta có thể bảo vệ tính mạng của người dân và ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra...

Thực hiện nghiêm các quy định theo Chỉ thị 16 là “thời điểm vàng” để chúng ta nỗ lực tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm các nội dung của chỉ thị, không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện nghiêm thông điệp "5K". Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Có như vậy, dịch bệnh mới sớm được khoanh vùng, khống chế, cuộc sống của người dân mới sớm bình thường trở lại.