Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CHỦ NGHĨA XÉT LẠI VÀ NHỮNG BIỂU HIỆN XÉT LẠI LỊCH SỬ Ở NƯỚC TA !

Bước vào đầu thế kỷ XXI, Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động đẩy mạnh trào lưu xét lại lịch sử thế giới, nhất là họ tập trung tấn công vào Học thuyết Mác - Lê Nin (MLN), xuyên tạc và phủ nhận tính khoa học và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác, cho rằng Chủ nghĩa MLN là lỗi thời, lạc hậu, là ảo tưởng từ những tư tương không tưởng của các nhà Mác xít. Và chính vì không tưởng nên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã tan rã và không còn hiện thực trên toàn thế giới. Cùng với đó họ đề cao tính ưu việt của Chủ nghĩa tư bản và khẳng định nó là xã hội tiến bộ, tốt đẹp nhất của nhân loại... nhằm che đậy cho những mâu thuẫn nội tại và tính chất phản động của Chủ nghĩa đế quốc.

Song song với việc đó họ quy tội Liên Xô là đồng lõa với Chủ nghĩa Phát xít gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, và bỉ ổi nhất là đã cướp công của Liên Xô, khẳng định Mỹ và đồng minh phương Tây mới là những nước quyết định đánh bại Chủ nghĩa Phát xít, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt vong. Từ đó chĩa mũi nhọn cô lập, bao vây, cấm vận Nga; tiến hành chống phá các nước XHCN một cách quyết liệt nhằm làm suy yếu và phân rã nước Nga và các nước XHCN còn lại. Cùng với trào lưu đó trên thế giới, trong nước ta cũng đã dấy lên hiện tượng xét lại lịch sử một cách mạnh mẽ. Một số nhà sử gia đã từ bỏ phương pháp luận Mác xít họ núp dưới các quan điểm: khách quan, toàn thể, đứng giữa các bên, không phụ thuộc vào ý thức hệ... để từ đó cổ súy cho việc xem xét đánh giá lại các sự kiện, giai đoạn lịch sử, bổ sung, bổ khuyết các khoảng trống trong lịch sử...v.v... Từ những quan điểm đó họ từng bước thay đổi dần những nhận thức đã được khẳng định trong lịch sử. Gần đây nỗi lên một số vấn đề sau: Trước hết là nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long kẻ "rước voi giày mả Tổ, cõng rắn cắn gà nhà" bằng các cách biện giải họ đã biến nhân vật này thành một ông vua có công với đất nước vì đã đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất quốc gia... Khi được phóng viên hỏi: Nguyễn Ánh có tội hay không khi rước quân Xiêm vào xâm lược nước ta, ký Hiệp ước rước quân Pháp vào giúp đỡ để chống nhà Tây Sơn? Nhà sử học Phan Huy Lê đã trả lời một cách lập lờ ngụy biện rằng: "Trong những cuộc đấu tranh bên trong quyết liệt, việc nhờ đến ngoại viện là việc thường xảy ra trong lịch sử" (với cách lập luận đó thì rồi đây họ sẽ nói Trần Ích Tắc cũng không có tội và Lê Chiêu Thống cũng sẽ là người yêu nước, thậm chí Ngô Đình Diệm cũng không phải là kẻ bán nước...).

Sau Nguyễn Ánh họ dấn tới bước nữa là tôn vinh hai kẻ bán nước là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký thành những người yêu nước (họ yêu nước theo cách của mình), danh nhân lịch sử và đã được rất nhiều địa phương đặt tên đường, tên trường. Họ phủ nhận thực tế là họ Phan đã đầu hàng giặc sau hai lần cắt 6 tỉnh Nam bộ dâng cho thực dân Pháp. Nhân dân Nam bộ hồi đó khí uất tận trời xanh "Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân"; họ xóa đi thực tế là cả cuộc đời từ lúc trưởng thành cho đến khi chết Trương Vĩnh Ký đã một lòng, một dạ làm tay sai và gián điệp cho thực dân Pháp. Oái ăm hơn, tại Hội thảo khoa học về sự kiện 160 năm thực dân Pháp xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam Dương Trung Quốc đã công khai bào chữa cho thực dân Pháp là "Pháp không xâm lược Việt Nam mà chỉ mượn đường qua Việt Nam để đánh nhà Thanh". Cùng với những việc đó họ tấn công vào các biểu tượng anh hùng của dân tộc mà mở đầu là việc ông Phan Huy Lê công khai khẳng định anh hùng, liệt sĩ thiếu niên Lê Văn Tám là không có thật. Ông ta đã bịa ra chuyện nhà sử học, Bộ trưởng Trần Huy Liệu khi còn làm Bộ trưởng đã yêu cầu ông sau này có trách nhiệm đính chính câu chuyện Lê Văn Tám là không có thực, chỉ là hình tượng do cụ Trần Huy Liệu sáng tác ra để cổ vũ tinh thần yêu nước, kháng Pháp. Thậm chí khi bị các nhà khoa học, sử học chân chính lên án, vạch ra cái giả dối của ông Phan Huy Lê là khi cụ Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng, ông Lê mới 11 tuổi làm sao gặp được cụ và cụ tiên đoán ông Lê sau này thành một nhà sử học để dặn dò như vậy. Cùng với những tư liệu, báo chí của ta và của Pháp đã khẳng đinh sự kiện này, ông Lê vẫn tìm mọi cách để phủ nhận anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tám. Cùng với đó, họ phủ nhận tinh thần anh hùng của chị Võ Thị Sáu, của anh Tô Vĩnh Diện, của anh Nguyễn Văn Trỗi,... họ xuyên tạc đời tư của Bác Hồ, thậm chí ông Nguyễn Đình Đầu còn dám nói Bác Hồ không ra đi từ bến Cảng nhà Rồng, vì năm 1911 bến cảng này chưa có (trong khi đó Cảng nhà Rồng đã được đưa vào sử dụng từ năm 1864)... Gần đây nhất họ hướng và lái báo chí nước nhà khi nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành cuộc chiến tranh Việt Nam, với dụng ý nói đây là cuộc nội chiến mà Mỹ chỉ là một bên tham chiến chứ không phải là kẻ xâm lược. Đặc biệt khi viết sử bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XXI họ đã thay dần và chính thức công khai vào năm 2017 trong buổi họp báo công bố việc tái bản bộ Thông sử 15 tập của Viện Sử học. Ông Trần Đức Cường lúc đó là Viện trưởng Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nói rõ trong Bộ sử này không dùng cụm từ "ngụy quân, ngụy quyền" khi viết về chế độ tay sai Sài Gòn với mấy lý do sau: để cho khách quan; để tránh miệt thị; để thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc; để có cơ sở pháp lý đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa; sau năm 1954, ở Việt Nam có hai quốc gia song song tồn tại đó là Việt Nam dân chủ cộng hòa với thủ đô Hà Nội ở miền Bắc và Việt Nam cộng hòa với thủ đô Sài Gòn ở miền Nam. Có thể khẳng định tất cả lý do mà họ nêu ra đều là ngụy biện, phi khoa học, bởi vì họ không có bất cứ một tư cách nào để bỏ hai cụm từ này, khi họ chỉ là những người chép lại lịch sử của Dân tộc, lịch sử lúc đó Dân tộc ta đã gọi bọn tay sai bán nước là "ngụy quyền, ngụy quân", bỏ cụm từ này là phản bội lại lịch sử và dùng ý chí chủ quan của lớp hậu bối để thay cho sự thật khách quan, để rửa tội cho bọn tay sai. Ngày nay Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta chỉ có đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc, việc hòa giải hòa hợp dân tộc đã giải quyết ngay từ sau ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước. Những luận điệu rất sai trái khi họ chia cắt đất nước thành hai quốc gia, họ đã đi ngược lại với Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 và truyền thống của cả dân tộc được đúc kết trong câu nói bất hủ của Bác Hồ: "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó vẫn không bao giờ thay đổi". Thực chất là họ có ý đồ biến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành cuộc nội chiến của hai miền Bắc - Nam... Trên các lĩnh vực khác cũng xuất hiện những quan điểm xét lại: Phủ nhận quá khứ trong lĩnh vực Văn học, nghệ thuật, Văn hóa, giáo dục...như cho rằng Văn học thời kỳ Cách mạng giải phóng dân tộc chỉ là văn học minh họa, phục vụ cho chính trị, không có giá trị nghệ thuật cao, hay như mới đây có quan điểm phủ nhận truyền thống "Tiên học lễ, hậu học văn" phủ nhận yêu cầu "trồng người" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong câu: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"... Tất cả những vấn đề trên đặt ra cho chúng ta một yêu cầu cần nhận rõ tác hại của chủ nghĩa xét lại và trào lưu xét lại lịch sử ở nước ta. Mục đích của họ là làm nhiễu loạn lịch sử, gây hoài nghi và đi đến phủ nhận sự thật một số sự kiện lịch sử, rửa tội cho một số nhân vật lịch sử, và làm cơ sở để từng bước đi đến đổi trắng thay đen phủ nhận thành quả của Cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Nếu họ chính danh hóa bộ máy tay sai bán nước, khẳng định Ngụy quyền Sài Gòn là một chính quyền, một quốc gia độc lập thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở thành cuộc nội chiến (cuộc chiến tranh Việt Nam) của hai miền Nam - Bắc và đế quốc Mỹ không phải là kẻ xâm lược và khi đó mọi sự thật lịch sử sẽ bị đảo lộn... Chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái này, nhằm bảo vệ sự thật lịch sử oai hùng của dân tộc. Bảo vệ lịch sử cũng là bảo vệ thành quả Cách mạng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn

Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét