Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

VĂN HOÁ XƯNG HÔ TRONG MÔI TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

Để thực hiện có hiệu quả, bản thân người cán bộ cơ sở phải thực sự gương mẫu về lối sống, phẩm chất đạo đức cho chiến sĩ noi theo.

Vừa rồi nhân dịp đi công tác ở cơ sở, được nghe một đại đội trưởng ở một đơn vị nọ nói với chiến sĩ thuộc quyền, câu thứ nhất thì thằng, câu thứ hai thì mày và câu thứ ba thì tao. Hiện tượng này tuy không nhiều, nhưng với một số cán bộ nói như vậy đã là câu cửa miệng và họ đã tìm mọi cách để chống chế: “Như vậy là coi chiến sĩ như em trong gia đình”. Người Việt Nam ta có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Câu thành ngữ ấy nhắc nhở ta về ý nghĩa đẹp của giao tiếp trong ứng xử của người Việt. Bởi vốn từ ngữ Việt Nam rất phong phú, chúng ta còn rất nhiều từ và lời nói hay hơn và đúng điều lệnh quy định.

Nhưng giao tiếp ở đây nghĩa là đề cập đến là trong xưng hô của cán bộ lãnh đạo. Xưng hô không chỉ được thể hiện bằng ngôn ngữ nói mà còn là hành động, là cách thức, quy tắc trong ứng xử, giao tiếp của quân nhân trong quân đội, thể hiện nét đẹp văn hóa trong xưng hô của cán bộ đối với bộ đội. Thực tiễn, trong quá trình xây dựng con người, xây dựng tổ chức đòi hỏi phải sử dụng tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp; nhưng phải dùng phương pháp giáo dục, thuyết phục là chính. Để thực hiện có hiệu quả, bản thân người cán bộ cơ sở phải thực sự gương mẫu về lối sống, phẩm chất đạo đức cho chiến sĩ noi theo.

Ở nhà, người chiến sĩ học tập ông bà, cha mẹ, anh chị và mọi người xung quanh. Trong đơn vị, chiến sĩ nhìn vào cán bộ lãnh đạo, chỉ huy để làm theo. “Cán bộ nào phong trào ấy”, xem tác phong chiến sĩ sẽ biết một phần cán bộ. Vì vậy, người cán bộ trong đơn vị, nhất là cấp phân đội đối với chiến sĩ phải công tâm như người anh, dịu dàng, trìu mến như người chị, biết thông cảm, biết lắng nghe, biết chia sẻ buồn, vui của người chiến sĩ trong cuộc sống đời thường.

Xây dựng môi trường văn hoá và xây dựng bản lĩnh chính trị và nhân cách cho người chiến sĩ nói riêng phải được bắt đầu từ những cái nhỏ nhất. Như thế, mỗi cử chỉ trong lãnh đạo, chỉ huy phải làm cho chiến sĩ gần gũi, làm theo. Mỗi lời truyền đạt, mỗi câu nói phải giản dị, trong sáng để chiến sĩ dễ nhớ, dễ hiểu và dễ chấp hành. Khi phê bình cũng phải chân thành, thẳng thắn.

Giáo dục, rèn luyện người chiến sĩ từ cách ăn, cách mặc đến xây dựng cho họ lý tưởng, niềm tin cộng sản. Nếu cán bộ chưa gương mẫu ngay trong từng câu nói, thì chiến sĩ suy nghĩ và họ phải rèn luyện như thế nào?

Khi chỉ huy phân đội sâu sát, chấn chỉnh kịp thời, gắn với xây dựng nếp sống đẹp, môi trường văn hóa trong đơn vị, thì những thói quen xấu trên sẽ dần hạn chế, tiến tới không còn “đất” tồn tại trong đơn vị và tập thể quân nhân./.

Nguồn: Báo điện tử, Đảng cộng sản Việt Nam

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét