Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

XUNG ĐỘT GIỮA NGA VÀ UKRAINE – NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG THỂ “XUYÊN TẠC”

 Một vấn đề từ lâu dần trở thành quy luật trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống Việt Nam, đó là mỗi khi tình hình chính trị khu vực và thế giới biến động phức tạp thì các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn chống đối lại “thừa nước đục thả câu”, “bới lông tìm vết”, tung ra những luận điệu phản tuyên truyền… nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Chiêu bài đó, đã và đang được thực hiện lại trong những ngày qua, khi chính trường thế giới liên tục dậy sóng trước những căng thẳng leo thang xoay quanh quan hệ giữa Nga và Ukraine mà điểm nút là khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (24/02/2022).

Trên các trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài có nội dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quan điểm, cách nhìn nhận, ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine… từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.

Ở phương diện khác, từ những ý kiến, lời bình của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam về tình hình chiến sự tại Ukraine trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các đối tượng đã “cắt xén”, “thêm thắt”, bịa đặt, làm sai lệch thông tin để quy kết cho phần lớn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga, chính quyền Putin cũng như cuộc chiến tranh “xâm lược Ukraine”…

Có thể thấy, dù trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay lập lờ, truyên truyền đen hay tuyên truyền xám thì các luận điệu này cũng đều nhuốm màu “lệch lạc”, “sai trái”, “thù địch”, nhằm công kích vào quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nói chung cũng như quan điểm và ứng xử đối với diễn biến tại chính trường Ukraine; hạ thấp vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng vốn đã được gây dựng bấy lâu của Đảng, Nhà nước cũng như dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ cho ý đồ trước mắt và lâu dài.

Để thấy rõ được tính chất sai trái, xuyên tạc trong luận điệu, đồng thời chủ động trong nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, thiết nghĩ, cần công tâm, khách quan, thấu đáo trong nhìn nhận, xem xét từ thực tiễn công tác đối ngoại của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ nói chung cũng như trước những bất ổn về chính trị xảy ra tại Ukraine thời gian qua ở mấy vấn đề sau:

- Đầu tiên, phải khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia yêu chuộng và luôn đề cao hòa bình, hòa hợp dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, đi qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, gian khổ, với muôn vàn đau thương, mất mát và hy sinh. Hơn ai hết toàn thể Nhân dân Việt Nam ý thức rõ được giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, như đã và đang xảy ra tại Ukraine. Điều dễ dàng nhận thấy, trên các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam những ngày qua liên tục phát đi “thông điệp” thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xung đột quân sự xảy ra tại Ukraine, đồng thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu; đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của binh lính và người dân vô tội ở các nơi xảy ra xung đột.

- Khi đề cập đến đường lối ngoại giao nhân dân của Việt Nam, không thể bỏ qua dấu ấn đậm nét tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi, sinh thời, Bác Hồ luôn đề cao tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người, trong quá trình hoạt động ngoại giao cho dân tộc, Bác luôn tìm mọi cách để ngăn ngừa xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, với tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo";... Không những thế, Người nhiều lần căn dặn “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình, biết người, biết thời, biết thế; hiểu rõ vị trí chiến lược Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn, để “cương nhu kết hợp”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Tư tưởng cốt lõi ấy đã và đang được Đảng, Nhà nước ta vận dụng khéo léo, linh hoạt, uyển chuyển trong đề ra và thực hiện chính sách đối ngoại nói chung cũng như trong bày tỏ quan điểm và thể hiện hành động trước tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine thời gian qua. Cùng với việc kêu gọi kiềm chế, giảm xung đột leo thang, Đảng, Nhà nước ta bày tỏ mong muốn Nga và Ukraine nhanh chóng chấm dứt việc dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, thay vào đó là những cái bắt tay, những vòng đàm phán, những phiên đối thoại, những thỏa thuận, hòa giải nhằm tìm kiếm những giải pháp căn cơ, lâu dài cho các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình.

- Thực tế đã chứng minh, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nhân dân Việt Nam luôn phấn đấu vì một nền đối ngoại giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa; sẵn sàng giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân cũng như nhân loại tiến bộ trên thế giới. Kiên định đường lối đối ngoại trung lập, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; tôn trọng và đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Đây là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, điều hành, tổ chức và quản lý công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đặc biệt, trong quan hệ đối ngoại, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện chính sách “năm không”: Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết nước này để chống nước kia. Do đó, đối với vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine vừa qua, Việt Nam luôn đứng ở vị trí trung lập để xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động. Thông qua các phát biểu gần đây của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo diễn ra vào ngày 23/2 cũng như phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ngày 01/3 đều khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine.

- Hơn thế nữa, trên con đường hội nhập và phát triển, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên tinh thần Nhân dân Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Nga và Ukraine. Dù là Nga hay Ukraine, Việt Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đầu vì một môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đối nội, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thêm một điều không thể phủ nhận đó là, Việt Nam - một trong những quốc gia đóng góp nhiều sáng kiến hòa bình cho khu vực cũng như thế giới, luôn tích cực tham gia đấu tranh cho hòa bình nhân loại. Thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề xung đột trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, trước tiên phải là trách nhiệm của các bên liên quan, Việt Nam sẽ tham gia khi đảm bảo các điều kiện về đối nội và đối ngoại, có nghĩa là khi cộng đồng quốc tế chính thức vào cuộc và lợi ích quốc gia – dân tộc được đảm bảo. Trong ngày thứ 2 của phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tổ chức về tình hình Ukraine, đại diện Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp quốc; đồng thời bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã tích cực kêu gọi và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường, đảm bảo an ninh an toàn của người dân cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế. Những phát ngôn ấy đã được cộng đồng quốc tế đón nhận, ủng hộ và hoan nghênh. Thực tế đó, đã phần nào minh chứng được, vai trò và sự tham gia tích cực, đúng đắn của Việt Nam trong giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như gìn giữ hòa bình thế giới.

Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định rằng, tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thận thiện, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa trong chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua, không đơn thuần là sự tiến bộ, cách mạng của chính sách, chủ trương, mà tinh thần ấy đã trở thành một trong những nét đẹp của bản sắc Việt, là tinh hoa, là hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy, chính sách ấy, quan điểm ấy vừa cứng rắn vừa mềm dẻo; vừa tuân thủ nguyên tắc, định hướng vừa linh hoạt, uyển chuyển; hội tụ đầy đủ, toàn diện, phù hợp với các quy luật của lịch sử, hiện tại và tương lai, đảm bảo lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc, góp phần khẳng định và nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế. Và như vậy, thêm một lần nữa, chính sách ấy lại chứng minh được giá trị của mình và quan trọng là nó đã góp phần đập tan những âm mưu, ý đồ, chiêu trò chống phá sự nghiệp cách mạng nước nhà.

  

GIỮ "PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA"

 “Nghĩ mình phương diện quốc gia/Quan trên trông xuống người ta trông vào...”. Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, đã lẩy Kiều để nhắc nhở cán bộ phải tỉnh táo, giữ mình trong sạch.

Cách nói tu từ, dân dã, có ý nghĩa sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta được nhiều người trong giới chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý... học tập, vận dụng để tự răn mình, góp phần nâng cao công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái..., thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Lợi dụng tiêu cực của cán bộ để xuyên tạc hình ảnh quốc gia

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đời sống kinh tế-xã hội của cả nước đã có sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid-19 mang lại khí thế, diện mạo mới cho môi trường sản xuất, kinh doanh, tái hoạt động các đường bay quốc tế, từng bước đón du khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương, vùng kinh tế trọng điểm đã tăng tốc ngay từ đầu năm mới. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/2 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 có sự phục hồi tích cực. Dù xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiến  triển tích cực.

Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1/2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã trở thành phong trào thiện nguyện, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào yêu nước. Những thành tích, dấu ấn tích cực ấy đã thể hiện rõ nét tính ưu việt của văn hóa Việt Nam, bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng với dân.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế-xã hội đất nước đầu năm 2022 vẫn có những mảng tối, tiêu cực. Và đây chính là cái cớ để các phần tử cực đoan chính trị, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, khoét sâu, tăng cấp độ, quy mô, tính chất xuyên tạc, chống phá.

Vụ việc tiêu cực từ Công ty Việt Á, vụ việc nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), việc kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị... đã bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, bôi đen, nhằm ý đồ lèo lái dư luận, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Trên một số trang mạng xã hội như “Việt Tân”, “RFA Tiếng Việt”, “Tiếng dân”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Diễn đàn dân chủ”... và tài khoản của một số đối tượng cực đoan, có tư tưởng thù địch, xuất hiện nhiều bài viết, clip có nội dung xuyên tạc.

Chúng bám vào những vụ việc tiêu cực đó để chỉ trích Chính phủ và hệ thống chính trị, quy kết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh quốc gia, vị thế dân tộc, kêu gọi các nhà đầu tư và du khách quốc tế tẩy chay Việt Nam. Với chiêu bài lấy hiện tượng quy kết bản chất, lấy cái cá thể chụp mũ tổng thể, các thế lực thù địch và đối tượng phản động cho rằng, “Việt Nam là đất nước của tham nhũng, tiêu cực”, rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo, một đảng thì không thể có dân chủ, không thể chống được tham nhũng”...

Trước những luận điệu xuyên tạc ấy, công chúng yêu nước dễ dàng nhận ra bản chất, bộ mặt của những đối tượng, tổ chức mang tư tưởng thù địch với đất nước. Mấy tháng trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng đã kích động, rêu rao rằng “công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã thất bại”, “Việt Nam chống dịch kém nhất thế giới”...

Đến khi chúng ta khống chế dịch thành công, chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, thì chúng lại chuyển sang bám vào những vụ việc tiêu cực, những mảng tối của “hậu Covid-19” để xuyên tạc, kích động chống phá. Không ít đối tượng nhân danh hoạt động “phản biện”, “góp ý”, “đấu tranh”... ra sức bôi đen hình ảnh đất nước, hạ thấp uy tín quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Mục đích của chúng là hòng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên méo mó, lệch lạc trong mắt kiều bào và bạn bè quốc tế, phá hoại công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước.

Bổn phận công bộc trong giữ gìn "phương diện quốc gia"

Từ điển tiếng Việt giải thích “phương diện quốc gia” từ ý thơ của cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” là: “Vị quan đảm đương công việc một vùng đất nước”. Trong thời đại ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đều có một phần “phương diện quốc gia” trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, mọi việc làm, hành vi ứng xử của cán bộ, nhất là trong môi trường có yếu tố nước ngoài, đều có ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh đất nước, vị thế quốc gia, dân tộc. Cán bộ giữ cương vị càng cao, sự ảnh hưởng càng lớn. Cán bộ tốt thì dân được nhờ, đất nước được tiếng thơm. Cán bộ tiêu cực, không biết giữ mình thì đất nước mang tiếng xấu. Sự lợi dụng của các thế lực thù địch, phần tử phản động nhằm mưu đồ chống phá Đảng, chống phá đất nước cũng từ những hành vi tiêu cực đó mà ra.

Chính vì vậy, để giữ “phương diện quốc gia”, mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự thống nhất cao về mặt nhận thức, có thái độ đấu tranh kiên quyết, bài trừ những thông tin tiêu cực về tình hình đất nước trên không gian mạng, nêu gương và dẫn dắt quần chúng. Cần nhận thức một cách thấu đáo và khách quan, việc đấu tranh phát hiện, xử lý những vụ việc tiêu cực vừa qua là sự thể hiện thái độ kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm của Đảng, Nhà nước ta đối với tham nhũng, tiêu cực.

Việc các cơ quan chức năng điều tra, khám phá thành công những vụ án, vụ việc tiêu cực trong nội bộ, chính là kết quả, thành công của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lấy những vụ việc, biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, quy chụp, lên án cả hệ thống chính trị, bôi nhọ đất nước... là thủ đoạn võ đoán, quy chụp, thể hiện rõ ý đồ thù địch.

Để giữ “phương diện quốc gia”, bên cạnh tập trung các giải pháp đấu tranh phản bác, phủ nhận, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cần đặc biệt coi trọng việc củng cố trận địa từ bên trong. Đó chính là ý thức trách nhiệm, bổn phận của đội ngũ công bộc trước lợi ích quốc gia, dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...”.

Như vậy, văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ... chính là những nhân tố cốt lõi để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là công bộc của dân, là đại diện cho vị thế quốc gia. Trong có ấm thì ngoài mới êm. Nếu mỗi công bộc của dân có ý thức, bổn phận giữ “phương diện quốc gia” đúng mực thì chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong bộ máy công quyền, các thế lực thù địch khó tìm cớ để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Đó cũng là phương châm lấy xây để chống trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ phải gắn liền với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là phương châm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế, nhất là cán bộ, doanh nhân trong các ngành liên quan đến ngoại giao, du lịch, thương mại... Trong từng môi trường, hoàn cảnh có yếu tố quốc tế, chính họ là cầu nối, là “sứ giả” của văn hóa dân tộc, thể hiện phong cách, thái độ, trình độ văn hóa, văn minh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè. Hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cũng đến từ những ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam thông qua những hình ảnh thân thiện ấy.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng và thông điệp từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 phải được thể hiện, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống xã hội. Chúng ta xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là cách thiết thực để giữ “phương diện quốc gia” trong ý thức, hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, để khi “quan trên trông xuống người ta trông vào” không hổ thẹn với lương tâm.

Theo QDND.vn

  

KHÁT VỌNG HÙNG CƯỜNG

  - Kết thúc năm 2021, GDP của Việt Nam tăng khoảng 2,58%. Trước đó, sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch và kiềm chế được dịch bệnh, GDP quý IV/2021 ước tính tăng 5,22%, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019. Dù mức tăng trưởng đó thấp hơn chỉ tiêu nhưng trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng liền, một số “đầu tàu kinh tế” bị tăng trưởng âm, thì tăng trưởng này vẫn là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, từ thực tế đó, có một số người đã “tranh thủ” công kích, phê phán năng lực lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và mai mỉa, giễu cợt các định hướng lớn về phát triển đất nước được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng. Chẳng hạn, Đài Á châu Tự do (RFA) cho rằng, sau một năm nhìn lại, tình hình kinh tế - xã hội, trái lại, có phần ảm đạm hơn, những khó khăn và thách thức vẫn rất lớn cho những năm sắp tới của nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng như chiến lược phát triển... Thái độ này thực ra rất bình thường đối với một cơ quan truyền thông cực kỳ thành kiến với Việt Nam. Dẫu vậy, vẫn có một số người nhẹ dạ và nhân đó tỏ ra hoài nghi về các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới.

Chúng ta đều nhớ rằng, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội cũng xác định rõ: “Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới, như: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các cột mốc 2030 gắn liền với kỷ niệm 100 năm ra đời của Đảng, còn mốc 2045 là tròn 100 năm thành lập nước. Định hướng này rõ ràng là có tầm chiến lược và mang tính phấn đấu rất cao. Chính văn kiện Đại hội cũng nêu rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Tức là mục tiêu đó là một chỉ dẫn quan trọng, cần được sự đồng lòng, chung tay, góp sức của tất cả mọi người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, tất cả cán bộ, đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, mục tiêu luôn là một định hướng để người ta có thể đi xa, bởi khi đó người ta biết rằng mình đi về phía nào và từ đó có thể chuẩn bị đi bằng phương tiện gì. Dù đối với từng cá nhân, tổ chức hay một đất nước, một dân tộc, mục tiêu với những định hướng rõ ràng, cụ thể vẫn luôn có ý nghĩa dẫn dắt, thúc đẩy sự phấn đấu tích cực nhằm đạt đến cái đích đó (để rồi tiếp tục có những cái đích khác theo những điều kiện cụ thể).

Do đó, những mục tiêu ở các cột mốc năm 2025, 2030, 2045 hoàn toàn không phải đặt ra cho có hoặc để làm đẹp văn kiện mà chính là ý chí của Đảng nhằm vươn tới những mục tiêu tốt đẹp cho nhân dân, cho dân tộc, cho đất nước. Ý chí đó cũng không phải mang tính chủ quan của Đảng hay của Ban Chấp hành Trung ương mà chính là nguyện vọng, mong mỏi của mọi người Việt Nam, của toàn dân tộc, đồng thời căn cứ vào những tính toán mang tính khoa học với rất nhiều thông số đã có, như dân số, tài nguyên, khả năng tăng trưởng qua các năm, tiềm lực quốc gia, sự ổn định chính trị - xã hội, xu hướng vận động của đất nước và của thế giới… Và, các định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp dự báo của các tổ chức quốc tế, vốn cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào giữa thế kỷ này.

Năm 2021, Việt Nam với GDP khoảng 400 tỷ USD, đứng thứ 41 trong số các nền kinh tế của thế giới. Quy mô kinh tế đó dĩ nhiên vẫn còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0,4% tổng GDP toàn cầu) và vẫn là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp. Dẫu vậy, đó vẫn là sự tiến bộ vượt bậc ở một đất nước chỉ thực sự tập trung cho phát triển kinh tế trong hơn 35 năm, sau hơn 40 năm bị xâm lược và phải chiến đấu kiên cường với rất nhiều tổn thất, hy sinh. Ở thời điểm khi vừa thành lập nước, năm 1945, cái tên Việt Nam thậm chí còn chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới, vốn vẫn được gọi bằng những cái tên do kẻ thống trị đặt hoặc bằng cách gán ghép với những quốc gia khác…

Nhưng hiện nay, vị thế của Việt Nam đã hoàn toàn khác. Không chỉ có sự tiến bộ vượt bậc về kinh tế và các yếu tố liên quan đến chất lượng sống của người dân mà còn vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Những điều đó đã minh chứng đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng ta là đúng đắn, đồng thời khẳng định những mục tiêu từ nay đến năm 2045 là phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển của đất nước, chứ hoàn toàn không phải là viển vông hay ảo tưởng.

Tình hình đất nước năm 2021 cực kỳ khó khăn không phải hoàn toàn bất ngờ mà đã được dự báo từ trước. Đại hội XIII đã xác định: “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19”; đồng thời “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”. Và cũng vì không bất ngờ nên Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng để thể hiện sự quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra trong nhiệm kỳ.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã có những thử thách lớn lao chắc chắn sẽ thúc đẩy những năm còn lại phải nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu cao hơn, quyết tâm lớn hơn. Điều đó cũng có nghĩa là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tự mình đặt các mục tiêu cao hơn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả hơn để góp phần bù đắp lại những thiếu hụt, tổn thất do dịch bệnh gây ra trong năm 2021. Tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” như trong kháng chiến chống Mỹ giờ đây cần được khơi gợi, thúc đẩy để từng người trong vai trò, vị trí của mình đều phải thực sự cố gắng và có được kết quả như mong muốn.

Do đó, chúng ta phải cùng thống nhất một nhận thức rằng: Khát vọng hùng cường là phù hợp ý nguyện của mọi người Việt Nam… Vì vậy, đã có khó khăn thì chúng ta càng cần phấn đấu chứ không nên nghe theo những lời “bàn ra”. Và, càng có nhiều thử thách thì chúng ta càng kết đoàn, bền chí, như đúng cách mà cha ông ta đã thể hiện…

M.H

MỘT SỐ VỤ VIỆC TIÊU CỰC KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN TOÀN BỘ ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH Y TẾ!

- Vụ kit test Việt Á được phát hiện mới đây thực sự rất đáng tiếc và có thể coi là một vụ việc ít nhiều làm giảm uy tín của ngành y tế, nhất là sau một số trường hợp tiêu cực khác có liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Dù vậy, ở góc độ tích cực, đây là một nỗ lực của Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc đưa ra ánh sáng các hành vi sai trái nhằm trừng trị đích đáng những kẻ trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của người dân và giữ vững kỷ cương, pháp luật. Và do đó, vụ việc này không thể là “mồ chôn uy tín của Đảng và Nhà nước” như một số kẻ cơ hội rêu rao và nhân đó công kích vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Xuyên suốt các đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ y bác sĩ nói riêng và toàn bộ lực lượng y tế nói chung đã gồng mình chống dịch và được gọi bằng từ “tuyến đầu” như cách trước giờ vẫn gọi những người trực tiếp chiến đấu với quân thù. Trong cuộc chiến chống dịch, vốn được coi như chống giặc, lực lượng y tế đã không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, trong nhiều trường hợp trực tiếp cứu chữa người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh. Nhiều người đã tạm gác cuộc sống riêng tư rất đỗi bình thường như gần gũi với người thân, được nghỉ ngơi sau giờ làm việc, được làm những điều mình muốn… để xông pha nơi tiền tuyến. Một số người đã nhiễm bệnh và vẫn thực hiện những công việc trong điều kiện sức khỏe của mình lúc đang dưỡng bệnh với tinh thần hỗ trợ tối đa cho đồng nghiệp, chăm sóc hết sức cho người bệnh. Có người đã không may ra đi giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và đồng nghiệp thì đang cần người giúp sức…

Trong lúc cao điểm của dịch và hiện nay, đã có nhiều hình ảnh, câu chuyện, đoạn phim ghi lại sự tất bật của các y bác sĩ, khắc lại vết hằn trên khuôn mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục, phản ánh chân thực sự nhọc nhằn và hy sinh… Báo chí, mạng xã hội đã lan tỏa những điều đó và hầu hết chúng ta đã hơn một lần lắng lòng, xúc động. Từ đó, chúng ta càng thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và gia đình, càng tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cũng như tình nguyện tham gia một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong công tác này, nhằm “chia lửa” cho tuyến đầu và hỗ trợ những người yếu thế…

Dịch bệnh đã bộc lộ những hạn chế nhiều mặt trong đời sống xã hội, trong đó có những khiếm khuyết của ngành y tế, như lực lượng quá mỏng so với nhu cầu trong một bối cảnh đặc biệt, y tế dự phòng và tuyến cơ sở còn quá nhiều bất cập, tình trạng thiếu thốn thiết bị, phương tiện diễn ra ở hầu hết các địa phương, kể cả tâm thế sẵn sàng để ứng phó với những tình huống mang tính thảm họa của ngành và một bộ phận y bác sĩ cũng chưa đầy đủ… Thực trạng này có những yếu tố khách quan, như chúng ta chưa từng phải đối phó với một thảm họa mang tính khẩn cấp và rộng khắp như vậy, do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế nên việc bố trí nhân sự đủ và trang bị hiện đại, ngay cả việc hỗ trợ của quốc tế trong bối cảnh cả thế giới đều phải chống dịch cũng khó thực hiện được như mong đợi…

Dù vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận có những hạn chế, yếu kém mang tính chủ quan. Trong đó, đáng nói nhất là sự tham lam, ích kỷ (vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành “chủ nghĩa cá nhân”) cũng như sự suy thoái, thiếu tu dưỡng, thiếu bản lĩnh của một số ít người, nên đã không vượt qua được cám dỗ của lợi ích vật chất, nhất là trong lúc cả hệ thống đang nỗ lực chống dịch, sự giám sát, kiểm tra của tổ chức có phần lơi lỏng. Đáng nói là có cả những người vì thiếu kiên quyết, không đủ trách nhiệm với cộng đồng, chưa đủ lòng nhân ái trước nỗi đau của đồng bào, đã bị gian thương dẫn dắt, lôi kéo, mua chuộc và sa vào cạm bẫy của lợi ích. Vì lý do gì, trục lợi bất chính khi bản thân là thầy thuốc, khi người dân đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh cũng là hành vi không thể chấp nhận, vừa trái với đạo lý vừa trái với pháp luật.

Có thống kê cho thấy, chỉ riêng trong năm 2021, có ít nhất 25 cá nhân ở ngành y tế trong các vụ án lớn bị khởi tố, bắt giam, trong đó có một số vụ liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch. Có vụ gây bức xúc không nhỏ trong xã hội, bởi tính chất nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với ngành nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Tuy nhiên, so với vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác và so với tổng số cán bộ, nhân viên của ngành thì các con số này có thể không phải quá nhiều. Suy cho cùng, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những cá nhân suy thoái, biến chất, dù chúng ta không chấp nhận người thầy thuốc lại thiếu lương tâm, vô đạo đức nhưng điều đó cũng không hoàn toàn tránh khỏi. Nhìn nhận như vậy để thấy rằng các vi phạm trong ngành y tế vừa qua tuy rất đáng trách nhưng cũng có thể lý giải được.

Chúng ta luôn mong muốn cán bộ ngành y tế phải luôn thể hiện tinh thần “lương y phải như từ mẫu”, cũng như người thầy giáo thì “phải như mẹ hiền”, nhưng không vì thế mà hoàn toàn không có các cá nhân tiêu cực, hư hỏng. Cũng không vì một số vụ việc như thế mà phủ nhận toàn bộ các nỗ lực và đóng góp của ngành trong hoạt động thực tiễn, nhất là suốt trong các đợt dịch vừa qua. Chúng ta tin tưởng quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, nhất là qua “chiến dịch đốt lò” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, với việc xử lý nhiều trường hợp cán bộ cấp cao vi phạm. Do đó, những “con sâu” trong ngành y tế chắc chắn sẽ bị phát hiện và trừng trị thích đáng.

Ngành y tế nói riêng và hệ thống chính trị nói chung hẳn cần những ý kiến hiến kế, đề xuất giải pháp để khắc phục những hạn chế mà qua dịch đã bộc lộ rõ. Những ý kiến đó cần tính xây dựng hơn là chỉ phê phán, công kích và nhất là không a dua theo những luận điệu thổi phồng, xuyên tạc của những kẻ xấu, hòng bôi đen toàn bộ nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng chống dịch nói riêng và trong tất cả các hoạt động nói chung.

 

HUẤN LUYỆN GIỎI VỚI RÈN LUYỆN NGHIÊM

Đó là tinh thần chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị về công tác huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy trong nhiều năm qua và năm 2022 vẫn được nhấn mạnh.

Năm 2021 vừa qua, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt hơn năm 2020, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, với nhiều dấu ấn nổi bật; việc thực hiện ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI từng bước được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực, nhất là trong huấn luyện, diễn tập, đào tạo và tham gia hội thao quân sự quốc tế đạt thành tích cao... song, bên cạnh đó vẫn có những đơn vị, có nội dung kết quả chưa cao, chưa thực sự vững chắc. Đặc biệt, công tác xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật ở một số đơn vị còn hạn chế, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng...

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định năm 2022 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “ba đột phá” và chủ đề năm 2022 là: “Năm triển khai kế hoạch điều chỉnh lực lượng” nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức biên chế; huấn luyện, đào tạo; chấp hành kỷ luật, pháp luật và cải cách hành chính quân sự. Cụ thể là: Toàn quân tiếp tục đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, trong đó tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện cường độ cao trong mọi điều kiện, sát với nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, phương án tác chiến và bảo đảm phù hợp, thích ứng an toàn với diễn biến dịch Covid-19.

Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, sức cơ động, khả năng tác chiến cho các đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, luyện tập, diễn tập với rèn luyện thể lực bộ đội, huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật; đẩy mạnh một bước về huấn luyện, diễn tập tác chiến chiến lược, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tác chiến không gian mạng; triển khai diễn tập ở nhiều cấp, nhiều hình thức và phương pháp, trên nhiều địa hình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trên các chiến trường trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp...

Công tác giáo dục-đào tạo tích cực đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng kiểm tra, phúc tra, khảo thí trong các học viện, nhà trường, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ theo phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới.

Cùng với đó, toàn quân tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; phấn đấu giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật, pháp luật phải xử lý dưới 0,2%; hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng...

Như vậy, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy của toàn quân năm 2022 được đặt ra rất cao. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo đảm và các hoạt động của quân đội; việc triển khai kế hoạch điều chỉnh lực lượng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội tinh, gọn mạnh, tiến lên hiện đại cũng có nhiều tác động tới sự ổn định về tổ chức biên chế của các đơn vị và tư tưởng bộ đội... đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải thật sự có quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn mới hoàn thành tốt được yêu cầu đề ra.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu huấn luyện giỏi gắn với rèn luyện nghiêm, trước hết, các cấp ủy, người chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần quán triệt sâu sắc: Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các đơn vị trong toàn quân và việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nội dung quan trọng, quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Trước yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại thì việc huấn luyện gắn với rèn luyện bộ đội, rèn luyện để nâng cao chất lượng huấn luyện càng phải được chú trọng đặc biệt.

Phải tạo bước đột phá về rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, vì đây là những vấn đề cơ bản, cấp thiết, cùng với trình độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là những yếu tố hàng đầu của quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quân đội hiện đại. Việc tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy còn có giá trị vô cùng to lớn nhằm giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, như nội dung Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương đã xác định và toàn quân đang triển khai thực hiện.

Nâng chất lượng huấn luyện gắn với rèn luyện kỷ luật nghiêm cần yếu tố tiên quyết là tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên quan tâm sâu sát, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là người đứng đầu. Có như vậy mới thực sự tạo động lực cho bộ đội phấn đấu, thi đua nỗ lực vượt khó huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Nguồn BQĐND

 

NƠI "MỘT GIÂY CŨNG QUÝ NHƯ VÀNG"

Nỗ lực hết mình, tận dụng từng giây để giành lại sự sống cho người bệnh là trách nhiệm và công việc hằng ngày của các bác sĩ, điều dưỡng viên thuộc Bộ môn-Trung tâm Hồi sức cấp cứu, chống độc (HSCC, CĐ), Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y).

“Chuyên ngành hồi sức cấp cứu có đặc điểm hầu hết bệnh nhân vào đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch, do đó, các bác sĩ và điều dưỡng viên luôn phải làm việc với cường độ cao, tính chất căng thẳng, nhiều áp lực. Nhưng chúng tôi đều tự nhủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì trước mắt mình chính là tính mạng của người bệnh”. Những chia sẻ của Đại úy, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Công, Khoa Hồi sức ngoại thuộc Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ, Bệnh viện Quân y 103 phần nào giúp chúng tôi hình dung được công việc của các thầy thuốc ở đây.

Tại các bệnh viện, khoa cấp cứu thường được ví như nơi “đầu sóng ngọn gió” cũng là vì thế. Đối với Bệnh viện Quân y 103, Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ gồm 3 khoa: Khoa Hồi sức ngoại, Khoa Hồi sức nội và Khoa Cấp cứu nội. Được biết, tiêu chuẩn chọn các bác sĩ về làm việc tại đây đòi hỏi toàn diện: Phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, năng lực chuyên môn tốt, sức khỏe bảo đảm... để có thể đáp ứng được cường độ làm việc ở nơi “nước sôi lửa bỏng” suốt 24/24 giờ, quanh năm.

Hôm chúng tôi đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện, phải đợi khá lâu mới gặp được Chủ nhiệm khoa là PGS, TS Hoàng Tiến Tuyên vì anh đang có nhiều ca cấp cứu cùng lúc. Anh Tuyên chia sẻ: “Đối với bệnh nhân cấp cứu, có khi quyết định tính mạng chỉ nhanh hay chậm trong vài giây thôi nên chúng tôi phải tận dụng từng giây. Ở đây, một giây cũng quý như vàng”.

Tiếp tục đến khu điều trị tích cực gồm Khoa Hồi sức nội và Khoa Hồi sức ngoại, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân nặng. Như trường hợp cháu Phạm Văn Hải, 17 tuổi, bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, đã trải qua hai lần mổ, khâu phục hồi đại tràng vỡ, lấy máu tụ ngoài màng cứng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Hảo, bố cháu Hải cho biết: “Gia đình tôi vô cùng biết ơn các y, bác sĩ đã tận tình chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho con tôi. Lúc mới vào, nhìn thấy con băng bó đầy mình, phải thở máy, gọi hỏi không biết gì, tôi rất tuyệt vọng. Nhưng giờ cháu đã tỉnh táo, nói chuyện được, ăn uống qua miệng bình thường, gia đình tôi mừng lắm”.

Trách nhiệm, nhiệt tình, ân cần, chu đáo... là nhận xét về các thầy thuốc quân y ở đây khi chúng tôi hỏi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh nhiệm vụ điều trị, Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ còn có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, bộ môn có 8 giảng viên cơ hữu và 3 trợ giảng, đều có trình độ thạc sĩ trở lên. Hằng năm, lực lượng này đảm nhiệm giảng dạy hơn 2.000 giờ, tham gia huấn luyện ở các tuyến trong và ngoài quân đội; chủ biên, tham gia viết nhiều đầu sách về chuyên ngành HSCC phục vụ công tác đào tạo và điều trị; tham gia và chủ trì các đề tài nhánh thuộc lĩnh vực ghép tạng và các lĩnh vực hồi sức khác. Những năm gần đây, đơn vị đã chủ trì 17 đề tài nhánh cấp Nhà nước, được nghiệm thu đạt khá và xuất sắc; 19 đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng và tương đương về chuyên ngành HSCC, nghiệm thu đạt xuất sắc.

Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của y học, Bộ môn-Trung tâm HSCC, CĐ được giao thêm một số nhiệm vụ mới như điều trị, hồi sức bệnh nhân ghép tạng, lần lượt góp phần triển khai thành công các kỹ thuật ghép tạng tại bệnh viện như: Ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tụy thận, ghép phổi. Đặc biệt, ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy với hơn 1.000 ca.

Những năm gần đây, số bệnh nhân được thu dung, điều trị ngày càng tăng. Mỗi năm, Khoa Cấp cứu khám hơn 50.000 lượt bệnh nhân; Khoa Hồi sức ngoại và Khoa Hồi sức nội thu dung, điều trị hàng nghìn bệnh nhân nặng. Trong hai năm qua đã có gần 30 lượt bác sĩ, điều dưỡng viên tham gia vào đội hình các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Bộ môn-Giám đốc Trung tâm HSCC, CĐ, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào về bề dày thành tích trong suốt hành trình xây dựng, trưởng thành 45 năm qua. Bộ môn-trung tâm luôn được sự quan tâm của thủ trưởng Bệnh viện Quân y 103, thủ trưởng Học viện Quân y, đặc biệt là tâm huyết của các thế hệ tiền bối về phát triển năng lực chuyên môn, xây dựng đội ngũ. Đó là điểm tựa vững chắc để các thế hệ cán bộ, nhân viên đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học. Tất cả cán bộ, nhân viên đều phải xác định học hỏi liên tục, cập nhật, trao đổi thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa trong bệnh viện để cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Chính vì vậy, những năm qua, chất lượng điều trị không ngừng được cải thiện, nhất là các ca bệnh nặng, cấp cứu tối khẩn cấp. Một trong những ưu tiên trong thời gian tới của bộ môn-trung tâm là nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, cải thiện tinh thần, thái độ làm việc, hướng tới sự hài lòng của người.

Nguồn: QK7

  

PHẨM CHẤT BỘ ĐỘI CỤ HỒ LÀ “NGỌC CÀNG MÀI CÀNG SÁNG”

 Việc giữ gìn và phát huy truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết, nó như “ngọc càng mài càng sáng”.

Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, chỉ ra rất rõ đó là: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tham ô, nhận hối lộ hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình trục lợi; cố ý làm trái các quy chế, quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...”.

Từ sự “vạch mặt chỉ tên” chủ nghĩa cá nhân đó, càng cho thấy, việc giữ gìn và phát huy truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết, nó như “ngọc càng mài càng sáng”.

1. Một đồng chí cán bộ lãnh đạo vốn trưởng thành từ người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường rồi chuyển ngành, phát triển thành cán bộ cấp cao. Ông đã trải qua tất cả thăng trầm của sự nghiệp và cuộc sống cho đến lúc về hưu. Vậy nhưng mỗi khi nói điều gì đó về mình, ông luôn nhận rằng: “Tôi là người lính chiến”.

Đọc kỹ lý lịch của ông tôi biết, những năm tháng là người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường của ông không dài, thậm chí rất ngắn so với quãng thời gian ông đã chuyển ngành cho đến lúc về hưu. Vì sao ông vẫn luôn hoài niệm, tự hào với những năm tháng trong quân ngũ? Điều gì làm nên giá trị đó?

Không khó lý giải, đó là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Khi còn sống, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu vinh dự mà nhân dân trao tặng.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa, là những giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của Quân đội ta được hun đúc qua nhiều thế hệ, trở thành bản chất, truyền thống của quân đội. Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc và đây là thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị.

Trong khi đề cập rất sâu kỹ những giá trị tốt đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình...; trong đó có cả cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

2. Nhận định của Quân ủy Trung ương thể hiện trong Nghị quyết 847 là thẳng thắn, khách quan. Thời gian qua, hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước có vi phạm kỷ luật, pháp luật bị xử lý.

Trong quân đội, số cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật rất đáng suy nghĩ, trong đó có cả các đồng chí là cán bộ cấp cao. Qua nhiều vụ án, tìm hiểu về lai lịch chính trị của các cá nhân vướng vào vòng lao lý, mỗi chúng ta không khỏi xót xa, tiếc nuối.

Nhiều người trong số đó đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường, cận kề giữa cái sống và cái chết. Có những người từng sẵn sàng nhường mạng sống cho đồng đội. Họ không bị gục ngã bởi bom đạn, không bị khuất phục bởi sức mạnh của kẻ thù, vậy mà giữa thời bình, họ đã gục ngã bởi “những viên đạn bọc đường”.

Cơ chế thị trường, sự tác động của ngoại lai... khiến một số người không còn giữ được những phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ ngày nào. Chủ nghĩa cá nhân đã lấn át, đã ăn sâu vào họ. Các Mác vĩ đại có một câu kinh điển: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội".

Bản chất con người không phải trừu tượng mà là hiện thực, không phải tự nhiên mà là lịch sử. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người làm biến đổi tự nhiên, xã hội, đồng thời biến đổi chính bản thân mình. Mọi thay đổi của mỗi con người thường bắt đầu từ những hành vi, thói quen, nhưng nếu là thói quen xấu, lại tự mình không nhận ra, không được người khác góp ý, phê bình sẽ dần dần tạo thành tính cách.

Khi có chức vụ, có địa vị, có tiền bạc, con người ta dễ dẫn đến tư tưởng hưởng thụ, thỏa mãn, coi thường. Đôi khi, một số người có được chức vụ, tiền bạc một cách dễ dàng, ít phải đổ mồ hôi, công sức dẫn đến tư tưởng tự mãn, quan liêu, độc đoán, gia trưởng. Và chính họ đã sa vào chủ nghĩa cá nhân mà không nhận ra. Chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những cá nhân sai phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Luật pháp là công bằng. Thượng tôn pháp luật là lẽ sinh tồn của quốc gia. Luật pháp Việt Nam không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Không ai được phép đứng trên pháp luật, đứng ngoài Hiến pháp. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính là bảo vệ hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, bảo vệ tài sản, các lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân, để giữ vững ổn định và phát triển của toàn xã hội. Nhưng rồi, sau mỗi vụ việc đều để lại bao điều trăn trở, giá như... Trách người vi phạm là lẽ thường, nhưng tổ chức đã ở đâu khiến cho các cá nhân đó lún sâu vào vi phạm? Vì sao các nguyên tắc, quy định của tổ chức, của Đảng lại bị xem nhẹ, bị bỏ qua trong các vụ việc đó?

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Điều đó cho thấy, quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải là quá trình thường xuyên, liên tục, nó như việc “rửa mặt” hằng ngày. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

Trong điều kiện hiện nay, việc gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là vô cùng cần thiết, nó vẫn còn nguyên tính thời sự, như Nghị quyết 847 đã đề cập. Phẩm chất, giá trị Bộ đội Cụ Hồ không phải là cái bất biến mà nó đòi hỏi cần luôn gìn giữ và phát huy cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Điều này cũng bác bỏ quan điểm của một số người còn băn khoăn, chần chừ khi cho rằng, phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ chỉ được thể hiện sâu sắc trong thời chiến, còn thời bình đã có phần phai nhạt. Cách suy nghĩ này là không thuyết phục. Cái đã trở thành văn hóa thì nó đã trở thành bản chất, thành cái thường xuyên ở trong mỗi con người.

Phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ không đi ra ngoài quy luật đó. Tuy vậy, nó đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi con người nhận thức đúng về nó. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên hay quần chúng đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng.

Giáo dục, rèn luyện, gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đi liền với chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, là trách nhiệm của mọi người để xứng đáng với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà lớp lớp cha ông đã vun đắp.

Nguồn: qđnd

Quân, dân đồng lòng giữ vững biên cương !

-----

Khắc phục những bất cập về khí hậu, thời tiết và đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều năm nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, đã tạo nên sự đồng lòng, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn nơi đóng quân.

Có dịp tìm hiểu về công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật (GDPBPL) ở Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), chúng tôi được Thiếu tá Vũ Văn Hòa, Chính trị viên Đồn, kể: Những năm gần đây, tình hình chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH) cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án…được địa phương triển khai thực hiện tốt theo kế hoạch. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới đã từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cũng đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, tình hình ANCT, TTATXH còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, khó lường như: Hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, âm mưu tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; di dịch cư tự do; hoạt động tội phạm ma túy; sử dụng vũ khí tự tạo; các hoạt động vi phạm quy chế biên giới.

Đáng chú ý, địa bàn đơn vị quản lý, bảo vệ rộng với 17,369 km, trong đó có 5 mốc quốc giới (từ mốc số 36 đến mốc số 40); dân cư đông với gần 1.100 hộ dân và hơn 5.900 nhân khẩu thuộc 7 dân tộc (Kinh, Thái, Mông, Tày, Dao, Mường, Khơ Mú) sinh sống trên 11 bản dân cư. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 96,7% số khẩu. Đặc biệt, tại 11/11 điểm bản đều có hoạt động tôn giáo với hơn 860 hộ, hơn 5.250 nhân khẩu theo 2 tôn giáo chính là Công Giáo và Đạo Tin Lành với 5 hệ phái, có 19 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Với những đặc điểm và khó khăn trên, đòi hỏi cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác GD, PBPL, góp phần giữ gìn ANCT, TTATXH trên địa bàn đơn vị quản lý.

Để công tác tuyên truyền GDPBPL, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH) đạt hiệu quả, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản và điện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên về đảm bảo an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết. Quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng kịp thời nắm tình hình địa bàn, phát hiện và xử lý hàng chục người về hành vi xuất nhập cảnh trái phép và hành vi vi phạm biên giới. Gần đây nhất, đơn vị phối hợp với Công an huyện Nậm Pồ, phát hiện, bắt giữ, xử lý 2 đối tượng có hành vi trồng, chăm sóc cây thuốc phiện trái phép, nhổ phá gần 500m2 với khoảng 5.000 cây thuốc phiện…

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh Điện Biên và đến hết tháng 2-2022, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn hơn 300 buổi với trên 24.800 lượt người nghe. Phối hợp, tổ chức gần 30 buổi chiếu phim, chương trình văn nghệ có nội dung về pháp luật phục vụ cho gần 5.000 lượt người xem. Tổ chức tuyên truyền, vận động hơn 1.000 hộ dân ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19, không xuất nhập cảnh trái phép và từ bỏ tà đạo. Tổ chức hàng chục đợt và hội nghị tuyên truyền GDPBPL cho gần 150 lượt người là cán bộ, đại biểu người có uy tín. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với địa phương, tổ chức văn nghệ, lồng ghép nội dung GDPBPL với trên 1.000 lượt người nghe; phát trên 1.000 tờ rơi tuyên truyền về pháp luật.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Bởi vậy, từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận hơn 200 tin có giá trị liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật; vận động giao nộp, tiếp nhận gần 90 vũ khí, vật liệu nổ, súng tự tạo các loại. Bắt và khởi tố trên 20 vụ án và đối tượng phạm tội ma túy, mua bán người. So với giai đoạn trước, giảm 2 vụ/2 đối tượng…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng A Tú, người dân bản Na Cô Sa 1, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, bày tỏ: “Không chỉ giỏi vận động, thuyết phục bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu và tà đạo, mà các chú Bộ đội Biên phòng còn quan tâm, chăm lo giúp người dân thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân chúng tôi đã được nâng lên rõ rệt, không còn đói, khổ, lạc hậu nhiều như trước nữa”.

Còn ông Giàng A Trừ, trú ở bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa, thì bộc bạch: “Trước kia, cuộc sống của đồng bào khổ cực lắm với đủ thứ tệ nạn, từ trồng, hút thuốc phiện đến buôn bán ma túy... Nhờ có Bộ đội Đồn Biên phòng Na Cô Sa, mà đời sống của người dân đã tốt lên. Giờ người say, người nghiện ma túy đã ít hơn trước rất nhiều rồi…”.

Theo Thiếu tá Vũ Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Cô Sa, thời gian tới đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên về công tác bảo đảm ANCT, TTATXH trên địa bàn. Phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới, địa bàn, kịp thời xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ. Quan tâm, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

Nguồn: QĐND

 

Các đơn vị tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2022 !

-----

Ngày 1-3, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2022.

* Sáng 1-3, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 5 đã đồng loạt tổ chức Lễ ra quân huấn luyện và phát động đợt thi đua trong huấn luyện năm 2022. Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu đã trực tiếp đến dự và chỉ đạo Lễ ra quân huấn luyện tại các cơ quan, đơn vị. Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 dự, chỉ đạo Lễ ra quân huấn luyện tại Sư đoàn 2.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra quân huấn luyện ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Trung tướng Thái Đại Ngọc đã biểu dương những kết quả mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị đạt được năm 2021, nhất là nhiệm vụ huấn luyện.

Tại buổi lễ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung đoàn 1 đã tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua trong huấn luyện với chủ đề “luyện giỏi, rèn nghiêm, tư tưởng vững vàng, sẵn sàng chiến đấu cao”. Thời gian từ 1-3 đến 31-12; phong trào thi đua trong huấn luyện chiến sĩ mới “Tư tưởng tốt, hòa nhập nhanh, đoàn kết tốt, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối” thời gian từ 1-3 đến 1-6.

* Sáng 1-3, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 đã tổ chức Lễ ra quân huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Đại tá Nguyễn Đức Họp, Phó tư lệnh Binh đoàn dự, chỉ đạo.

Đơn vị xác định phương châm huấn luyện năm 2022 là “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” lấy thực hành là chính trong đó tập trung giáo dục chính trị, thực hành kiểm tra bắn súng cho các đối tượng theo quy định; huấn luyện điều lệnh, các phương án sẵn sàng chiến đấu cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; phương án cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ kho tàng, vườn cây, huấn luyện thể lực, võ tay không và sử dụng gậy, nhị khúc cho lực lượng tự vệ.

Năm 2022, đơn vị xác định bảo đảm việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định, bình quân 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị an toàn về mọi mặt cũng như bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị, an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.

Tại buổi lễ, Thượng tá Nay Gia Phú, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã trao Giấy khen của công an tỉnh cho tập thể Trung đoàn đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2021.

Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và cán bộ, công nhân viên, lực lượng tự vệ của đơn vị đã tham gia tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ. Theo đó, năm 2022, đơn vị sẽ trồng gần 4 vạn cây xanh bao gồm cây ăn trái, cây lấy gỗ và cây công nghiệp.

* Sáng 1-3, các cơ quan, đơn vị trong toàn Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) đồng loạt tổ chức quán triệt mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu và phát động phong trào thi đua trong huấn luyện năm 2022.

Năm 2022, toàn đơn vị tiếp tục đổi mới, đột phá nhiệm vụ huấn luyện theo Kết luận số 60/KL/QUTW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 533-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”; huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị. Huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, phương án và thực tế chiến đấu, lấy thực hành làm chính. Huấn luyện cho bộ đội sử dụng thuần thục và làm chủ vũ khí trang bị được biên chế. Hội thi, hội thao, kiểm tra đúng kế hoạch, đảm bảo cho toàn đạt kết quả cao.

* Ngày 1-3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ Ra quân huấn luyện và phát động Phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2022 với chủ đề “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, chính quy, linh hoạt, an toàn sẵn sàng chiến đấu cao”. Đến dự và chỉ đạo có Đại tá Trương Quang Nhạn, Đảng ủy viên Quân khu 5, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5.

Năm 2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai và các đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh, hướng dẫn về huấn luyện, xây dựng đơn vị của cấp trên. Bám sát nhiệm vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, để xây dựng cho bộ đội bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Trong huấn luyện, thực hiện tốt phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực cho bộ đội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cần đoàn kết, sự nỗ lực và quyết tâm cao. Trong đó cần tập trung vào những nhiệm vụ huấn luyện trọng tâm như: Huấn luyện chiến đấu đi vào chiều sâu, sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngay sau Lễ Ra quân, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai đã tổ chức ký giao ước thi đua; diễu hành biểu dương lực lượng; tổ chức trưng bày giới thiệu về vũ khí, khí tài; mô hình học cụ.

*Sáng 1-3, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 tổ chức Lễ ra quân huấn luyện và khởi động tháng Thanh niên năm 2022.

Trung đoàn đã quán triệt mệnh lệnh công tác quân sự và nội dung, chỉ tiêu của Phong trào Thi đua Quyết thắng “Đoàn kết, mẫu mực, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, quyết thắng”. Trong đó đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết số 765 và Kết luận số 60 của QUTW.

Triển khai hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày lao động cộng sản”... chủ yếu bằng các hoạt động tình nguyện trong cơ quan, đơn vị; thực hiện “Ngày đoàn viên” vào ngày 26-3-2022 với các nội dung: Tuyên truyền, giáo dục truyền thống 91 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn; tổ chức “Ngày, giờ học thanh niên tự quản”, “Tuần thanh niên mẫu mực”…

*Ngày 1-3, Trung đoàn Ra-đa 295, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không – Không quân) tổ chức Lễ ra quân huấn luyện và phát động Phong trào thi đua năm 2022. Dự và chỉ đạo buổi lễ có Thiếu tướng Trần Trọng Tuyến, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân. Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 363 cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn.

Tại buổi lễ, Thượng tá Vũ Văn Tịnh, Trung đoàn trưởng đã quán triệt mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu năm 2022 đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn.

Tại buổi lễ ra quân huấn luyện, Trung đoàn Ra-đa 295 đã tổ chức phát động Phong trào thi đua trong huấn luyện năm 2022 với chủ đề "Luyện giỏi - Rèn nghiêm - Ra quân quyết thắng".

Ngay sau phần lễ, Trung đoàn đã tổ chức hội thao nhiều nội dung như: Hội thao mô hình học cụ, vật chất, sổ sách huấn luyện; Các động tác thể dục, võ thể dục, Điều lệnh đội ngũ; Thể dục thể thao, Hát các bài hát quy định…, tạo không khí đoàn kết, thi đua sôi nổi ngày từ ngày đầu ra quân huấn luyện.

* Sáng 1-3, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật (Vùng 3 Hải quân) tổ chức Lễ ra quân huấn luyện và phát động phong trào thi đua trong huấn luyện năm 2022.

Năm 2022, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân chủng Hải quân và Đảng ủy Vùng 3 Hải quân về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu năm 2022.

Tại buổi lễ, Đảng ủy, chỉ huy, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật đã phát động phong trào thi đua trong huấn luyện năm 2022 với chủ đề: “Huấn luyện giỏi, an toàn, làm chủ, chính quy, hiện đại”, thời gian từ ngày 1-3 đến 31-12-2022.

Sau buổi lễ, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật đã tổ chức Ngày chạy thể thao do Hội đồng Thể thao quân sự thế giới (CISM) phát động.

*Sáng 1-3, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2022. Năm 2021, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trong điều kiện cả nước tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện và phòng, chống dịch đạt nhiều thành tích nổi bật, đơn vị đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Năm 2022, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản – Thiết thực – Vững chắc”, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện theo đúng Mệnh lệnh chiến đấu của Tư lệnh Quân khu; huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế, nâng cao khả năng tác chiến, hiệp đồng tác chiến trong khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ và diễn tập chỉ huy tham mưu, chỉ huy cơ quan các cấp, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra./.

Nguồn: QĐND