Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

BÀI HỌC CỦA ĐẢNG VÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH CẦN TIẾP TỤC VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 Bài học thứ nhất, trí tuệ sáng suốt của Đảng có được là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận khoa học với thực tiễn hoạt động trong những điều kiện lịch sử cụ thể, nhờ có năng lực tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, không máy móc, giáo điều, cứng nhắc, trí tuệ khoa học phải gắn liền với đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng trước mọi biến cố và thử thách. Trí tuệ sáng suốt đòi hỏi sự vận dụng đúng thiên thời, địa lợi với nhân hòa mà nhân hòa là gốc, là quan trọng nhất. Đó cũng là sự sáng suốt trong nhận thức và xử lý các mối quan hệ Thời - Thế và Lực: tranh thời, tạo thế, xây dựng và củng cố vững chắc lực lượng. Đó là khoa học và nghệ thuật trong đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa giành chính quyền và giữ vững chính quyền.

Các sự kiện trong lịch sử của Đảng ta từ khi Bác Hồ về nước, hơn 80 năm trước, như Hội nghị Trung ương 8 quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh, nêu cao tinh thần đại đoàn kết (ngày 19-5-1941), Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22-12-1944), Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13 - 15-8-1945), Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (ngày 16 - 17-8-1945). Lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc và các thư từ, lời kêu gọi đồng bào của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, giải quyết sáu nhiệm vụ cấp bách ngay sau ngày tuyên bố độc lập... cho đến cải tổ Chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp, soạn thảo Hiến pháp và Tổng tuyển cử bầu Quốc hội... đã trở thành những ví dụ kinh điển về trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những bước ngoặt lịch sử.

Bài học quan trọng này cần được vận dụng và phát triển trong thời điểm hiện nay là tiếp tục đổi mới sáng tạo, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, khơi dậy, phát huy khát vọng Việt Nam, khát vọng Hồ Chí Minh; vận dụng tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước thời cơ mới, thách thức mới với nỗ lực hành động mới; nêu cao quyết tâm, tín tâm và đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta để thực hiện khát vọng dân tộc cường thịnh và trường tồn.

- Bài học thứ hai, dựa vào nhân dân, phát huy cao độ lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cách làm tốt nhất là đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân. Thấm nhuần sâu sắc ý thức dân tộc và tính chất nhân dân của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, nên Đảng phải ra sức giải phóng sức dân, phát triển sức dân, thường xuyên bồi dưỡng sức dân lại phải biết “tiết kiệm sức dân” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có sự giúp đỡ của nhân dân, trí tuệ sáng suốt của nhân dân mà Đảng nuôi dưỡng và không ngừng phát triển trí tuệ sáng suốt của mình. Khi đã cầm quyền, Đảng càng phải gần dân, học dân, hỏi dân, phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo của dân, dựa vào dân để phát huy mọi nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát hiện và trọng dụng nhân tài, bởi con người là vốn quý nhất, nhân tài, hiền tài ở ngay trong quần chúng. Trong đội ngũ của Đảng, càng có nhiều nhân tài, hiền tài càng tốt; đó là cơ sở và nguồn lực, tiềm lực làm cho Đảng luôn có trí tuệ sáng suốt.

Bài học này đang tiếp tục được phát huy trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thực hành đoàn kết, dân chủ và trong công tác dân vận, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng; Đảng phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, không được xa rời nhân dân.

- Bài học thứ ba, trí tuệ sáng suốt bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng không phạm sai lầm khi đưa ra những quyết định. Nhờ có trí tuệ sáng suốt mà Đảng tránh rơi vào giản đơn, chủ quan, duy ý chí; thận trọng nhưng kiên quyết, không do dự trước những tình huống đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt. Muốn vậy, phải làm cho Đảng có tiềm lực tư tưởng, lý luận, làm chủ lý luận, “làm mới” tri thức và phương pháp lý luận để không rơi vào sự xơ cứng, lạc hậu, tránh rơi vào trì trệ, bảo thủ, ngại đổi mới do không tự giải phóng mình khỏi những kinh nghiệm, thói quen cũ. Nhiều khi tình hình mới xuất hiện rất khác lạ, rất mới, đòi hỏi phải có cách giải quyết mới, có câu trả lời mới rất khác với những chuẩn tắc cũ, đã quá quen thuộc. Muốn bứt phá, đột phá, Đảng phải bứt phá, đột phá từ lý luận. Muốn cách mạng phải đổi mới. Muốn đổi mới phải sáng tạo. Vững tin, tự tin nhưng phải luôn luôn kiểm chứng niềm tin vào chân lý từ thực tiễn mới.

Bài học này rất thấm thía với Đảng ta khi phải giải quyết những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, chưa hề có tiền lệ. Dưới đây là những ví dụ điển hình:

+ Có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi tới chủ nghĩa xã hội được không, nhất là với điểm xuất phát rất thấp như Việt Nam?

+ Đất nước còn bị chia cắt, yêu cầu giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, nhất là cách mạng miền Nam. Vậy nên tập trung chỉ thực hiện một nhiệm vụ chiến lược hay đồng thời tiến hành cả hai: Cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc để hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam? Tình huống đặt ra: Có thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc được không? Khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại, hủy diệt miền Bắc, có thể tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh chiến tranh tàn phá ác liệt được hay không?

+ Thống nhất đất nước, đưa miền Nam cùng với miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội hay để miền Nam “có một thời gian phục hồi, ổn định”, tập trung phát triển kinh tế đã rồi sẽ quá độ tới chủ nghĩa xã hội?

+ Đặc biệt là, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã tan rã, Liên Xô - “thành trì” cách mạng thế giới đã đổ vỡ thể chế, trong nước đang rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, cần kiên định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào?

+ Tiến hành đổi mới với kinh tế thị trường, chấp nhận phân hóa và cạnh tranh; cùng tồn tại, cùng hợp tác và cùng cạnh tranh trong mở cửa, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Có thể phát triển kinh tế thị trường mà vẫn trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học được không? Giữ vững hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa nhưng không để sự khác biệt ý thức hệ trở thành rào cản trong hợp tác đa phương, đa dạng hóa? Đảng phải lãnh đạo dân tộc và đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường, với nhà nước pháp quyền, chủ động mở cửa, hội nhập, đặt quan hệ với các đảng tư sản cầm quyền chứ không chỉ với các đảng cộng sản?...

Trước bao nhiêu tình huống mới lạ như vậy, Đảng ta đưa ra câu trả lời khẳng định. Những quyết định đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng là: Kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kiên định và giữ vững nền tảng tư tưởng: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, không đa nguyên, đa đảng, không “tam quyền phân lập” trong xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường hiện đại, nhưng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu của hơn 35 năm đổi mới đã minh chứng cho những quyết định sáng suốt đó của Đảng.

Phát hiện ra hệ thống các mối quan hệ lớn mang tính quy luật của đổi mới, hình thành nhận thức mới với hệ thống quan điểm, nguyên tắc về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là thành quả lý luận quan trọng của trí tuệ sáng suốt của Đảng ta, đang tiếp tục soi sáng thực tiễn cách mạng nước ta hiện nay.

Do đó, từ bài học này, Đảng ta đặc biệt chú trọng vai trò của lý luận, công tác tư tưởng lý luận của Đảng và ra sức đẩy mạnh thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, làm động lực thúc đẩy thực hành dân chủ trong xã hội, kết hợp thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội(14). Quan hệ này được phát hiện từ trí tuệ của Đảng tại Đại hội XIII. Đảng muốn nuôi dưỡng trí tuệ sáng suốt thì phải ra sức chú trọng phát triển và thực hành dân chủ, cả trong Đảng, trong xã hội. Đó là môi trường xã hội và nguồn dinh dưỡng để phát triển trí tuệ sáng suốt, là con đường tạo dựng nhân cách trung thực, bản lĩnh vững vàng, phòng tránh tình trạng “giả nhân cách”, đi liền với “giả đạo đức”, “giả chính trị”, “giả khoa học” và “giả cách mạng” chỉ vì không nhận thức đúng, không tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan(15).

- Bài học thứ tư, suốt đời rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không màng danh lợi, đánh bại chủ nghĩa cá nhân bằng sức mạnh của đạo đức cách mạng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bài học cốt tử của Đảng Cộng sản cầm quyền. Trí tuệ sáng suốt phải có bệ đỡ của đạo đức. Suy thoái, đổ vỡ là do thoái hóa, tha hóa từ đạo đức, đã làm biến dạng bản chất của Đảng và nhân cách đảng viên. Do đó, rèn trí tuệ sáng suốt nhất thiết không xa rời yêu cầu về rèn luyện đạo đức. Từ năm 1949, khi thành lập Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai tâm, khai trí, khai minh cho mọi cán bộ, đảng viên về việc học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, để phụng sự giai cấp và nhân dân, để phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(16). Để vận dụng bài học này vào hiện tại, phải ra sức nâng cao trí tuệ, lý luận khoa học gắn với ra sức rèn luyện đạo đức, nhất là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trí phải minh, Đức phải sáng, Tâm phải trong để có Đức lớn, thực đức, có Tài lớn, thực tài và đem thực đức, thực tài đó phục vụ Dân, phục vụ Nước, làm tròn sứ mệnh của Đảng. Đảng vì Dân, Đảng của Dân thì Dân sẽ coi Đảng là Đảng của mình.

- Bài học thứ năm, để không ngừng nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ sáng suốt của Đảng cầm quyền, Đảng phải tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ dân tộc và thời đại. Trong Đảng phải đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng các tài năng, các tinh hoa của Đảng, không chỉ là ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, mà tinh hoa trí tuệ của Đảng còn phải hiện hữu qua đội ngũ chuyên gia tài giỏi, ưu tú của Đảng. Đó là nguồn trữ năng tinh thần, tạo nên tiềm lực tư tưởng, trí tuệ của Đảng, sản sinh và cung cấp nguồn trí tuệ sáng suốt cho Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, thực sự là trí tuệ, lương tri, danh dự của dân tộc, của thời đại. Có tiên phong về lý luận, có bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được hay không, phần quan trọng là ở đội ngũ chuyên gia, tinh hoa này của Đảng. Đảng phải có chiến lược đào tạo nhân tài, đó là điểm nhấn trong chiến lược cán bộ của Đảng. Phải đặc biệt chăm lo đội ngũ cán bộ các thế hệ tương lai để trí tuệ, đạo đức của Đảng mãi mãi tỏa sáng trong lòng dân tộc và ngang tầm thời đại./.

Nguồn: Tạp chí xây dựng Đảng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét