Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

AI CŨNG CHỌN VIỆC NHẸ NHÀNG, GIAN KHỔ SẼ DÀNH PHẦN AI!

 Có lẽ chưa năm nào, các y, bác sĩ lại đón Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) đặc biệt như năm nay. Họ bỏ lại phía sau những bó hoa rực rỡ, những lời chúc mừng để dồn sức, căng mình phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Lựa chọn công việc không nhẹ nhàng, sẵn sàng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đến những điểm nóng của dịch bệnh, có mặt ở những nơi gian khó nhất để giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn - Đó là tinh thần của những bác sĩ, chiến sĩ quân y trên trận tuyến chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, hàng nghìn y, bác sĩ quân y đã lên đường “chia lửa” cùng miền Nam thân yêu. Là lực lượng ở tuyến đầu, bởi thế công việc của các bác sĩ luôn căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm thường trực nhưng những chiến sĩ mang hai màu áo vẫn lặng thầm gánh trên vai sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc.

Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2021, thực hiện mệnh lệnh của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về việc huy động lực lượng của Học viện Quân y tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các tỉnh phía Nam, Học viện đã nhanh chóng tổ chức lực lượng tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ được giao.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi gặp gỡ, động viên, giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y trước khi xung kích vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã khẳng định tinh thần, khí chất của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ:

“Tôi tự hào khi quân đội có đội ngũ y, bác sĩ, những người làm công tác quân y có đủ trình độ, năng lực để chung tay cùng các lực lượng khác khống chế thành công đại dịch Covid-19 này. Tôi tin các đồng chí sẽ là những tấm gương sáng để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ, dứt khoát chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ…

Đội ngũ thầy thuốc quân y sẽ cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với chúng ta. Chúng ta hãy vì nghĩa lớn, vì tình đồng bào để thực hiện nhiệm vụ”.

Nhiệm vụ chính của các đoàn là hỗ trợ địa phương điều trị và chăm sóc trường hợp F0 tại nhà. Dù người dân đã được tiêm vắc xin, nhưng nhiều ca nhiễm Covid-19 có chuyển biến rất nhanh, người mắc bệnh nền chuyển biến bệnh càng nhanh hơn. Do đó cần có lực lượng y tế có kinh nghiệm để phát hiện triệu chứng, hướng dẫn bà con điều trị, kịp thời phát hiện diễn biến nặng để cùng tuyến y tế cơ sở.

Mang theo tinh thần của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, hàng nghìn y, bác sĩ của Học viện Quân y, Bệnh viện quân y 103 đã “Tiến về Sài Gòn” để hỗ trợ đồng bào miền Nam trong thời điểm dịch bùng phát.

“Hôm nay, tôi và các đồng nghiệp vào tận “hang cùng ngõ hẻm” của một khu vực dân cư nghèo ở TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống của bà con nơi đây còn rất vất vả, chỉ có vài chục mét vuông trên căn gác lửng trong một gia đình mà có tới 2/5 thành viên đang là F0 được điều trị tại nhà.

Vào tận nơi chứng kiến các F0 điều trị tại nhà ra sao để chúng tôi có kiến nghị với cấp trên, đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Người dân TP Hồ Chí Minh những ngày này, nhiều người đang bị “ốm” và cần phải điều trị. Chúng tôi, những chiến sĩ, bác sĩ tiếp tục đồng hành cùng nhân dân trên mặt trận không tiếng súng, để một ngày không xa sẽ đem tin chiến thắng trở về”.

Đó là những dòng nhật ký của Thiếu tá, TS, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 viết trên trang Facebook cá nhân.

Giờ đây, khi dịch bệnh ở thành phố mang tên Bác đã không còn nguy hiểm nhưng nhìn lại quãng thời gian tuy vất vả, khó khăn nhưng là chặng đường đầy ý nghĩa của người thầy thuốc này, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn vẫn không thể nào quên: Tháng 8 năm vừa qua là một giai đoạn vô cùng khó khăn, không chỉ với đội ngũ y tế mà đó là sự khó khăn đối với nhân dân cả nước khi tất cả cùng chung tay chống dịch, hướng về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Là một bác sĩ quân y, nhớ về thời điểm đó, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất tự hào vì những lúc đồng bào gặp khó khăn, gian khổ nhất, luôn có bóng dáng của lực lượng quân y, hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời cho người dân, đặc biệt là những F0 điều trị tại nhà. Chúng tôi là những tổ quân y cơ động, có mặt tại các cơ sở y tế, hỗ trợ điều trị cho các F0.

“Khi vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, chúng tôi đã xác định bản thân là những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ nên sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng ổn định khi được phân công vào các cơ sở điều trị. Lúc ấy, chúng tôi ở trong nhà cộng đồng của một tổ dân phố. Tuy khó khăn, thiếu thốn, vất vả nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ chính quyền và người dân địa phương, kết hợp với thói quen thích ứng linh hoạt của người lính, chúng tôi đã nhanh chóng ổn định để bắt tay vào công việc đồng thời ngay lập tức tiếp nhận điều trị bệnh nhân”, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ.

Trong thời điểm dịch bệnh, khi biết đoàn các bác sĩ quân y đang đóng quân tại trạm y tế phường, người thì mang chai cồn đưa cho bác sĩ rửa tay, người thì mang chai nước, người thì gửi nước lau sàn, rồi cả những ấm chè, mớ rau, con cá... Đó là những món quá bình dị nhưng chứa chan tình quân dân, nghĩa đồng bào ở nơi tâm dịch.

Lắng một chút để cảm nhận cuộc sống, để nhớ lại tháng ngày chứng kiến sự “chia ngọt sẻ bùi” của các bác sĩ quân y chống dịch ở miền Nam, người dẫn chương trình Nguyên Khang (MC Nguyên Khang) bộc bạch: Trong đợt dịch vừa qua, tôi cũng như hàng trăm nghìn tình nguyện viên ở TP Hồ Chí Minh rất cảm kích và ngưỡng mộ tinh thần chung tay chống dịch của các bác sĩ quân y từ miền Bắc vào miền Nam. Tôi có người bạn là Thiếu tá, TS, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, một người có trái tim ấm áp và luôn yêu thương quan tâm mọi người. Anh đã lập ra những chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo thời điểm dịch như: ATM mì tôm. Anh cũng từng hỗ trợ khi tôi làm chương trình “Trái tim nhân ái” phát gần 4 tấn gạo cho người nghèo trong 3 ngày tại TP Hồ Chí Minh... Đó là những việc làm thể hiện tinh thần của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

“Tôi nhớ đoàn của bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn khi đó trực tại Quận 8, một trong những vùng đỏ của thành phố vì số lượng ca F0 khá cao. Anh thường chia sẻ trên Facebook những ngày trực xuyên đêm để xử lý sự cố khẩn cấp những trường hợp F0 khó thở, đi khám và cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Anh cũng chia sẻ những bữa cơm đạm bạc ấm tình quân dân vào thời điểm cả Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa, người cho con gà, người tặng quả trứng, người biếu miếng thịt heo. Ngày ấy, tôi là một tình nguyện viên nghệ sĩ. Một trong những nhiệm vụ của tôi là đi chợ hộ người dân. Tôi hay nhắn tin hỏi anh thích ăn gì không, tôi mua qua tiếp tế. Anh bảo chỉ thèm rau, thế là tôi lại mua ít đồ ăn mang qua. Tôi biết những điều mình làm còn khá nhỏ so với những gì các y, bác sĩ đã làm, nhưng tôi tin nó như một món quà tinh thần mà tôi gửi đến các bác sĩ quân y nơi tuyến đầu dịch bệnh”, MC Nguyên Khang bộc bạch.

Ngày chia tay đoàn của bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn ra sân bay về Hà Nội, MC Nguyên Khang đã mang những chiếc bánh bông lan trứng muối - một trong những đặc sản của miền Nam gửi tặng các bác sĩ quân y cùng những lời cám ơn chứa chan tình cảm. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay, nam MC này đã gửi lời chúc mừng đến những “thiên thần áo trắng” trên mặt trận không tiếng súng luôn phát huy và lan tỏa tinh thần của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

Chứng kiến khoảnh khắc chia tay bà con để trở về Hà Nội của bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, người thì sụt sùi, người thì khóc nức nở, lại có bác cố kìm nén cảm xúc để không bật ra tiếng khóc… vô cùng xúc động. Bình thường các anh mạnh mẽ là thế nhưng đứng trước sự chia xa vẫn không khỏi bồi hồi. Những giọt nước mắt đã rơi, những ánh mắt mong muốn bà con miền Nam luôn khỏe để không còn chịu cảnh tang thương, ly biệt do dịch một lần nữa khẳng định rằng, quân với dân như cá với nước.

Khi vào chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, lực lượng quân y và các lực lượng quân đội khác được tăng cường rất nhiều. Màu xanh áo lính phủ khắp các ngõ ngách. Từ đó, những hình ảnh đẹp nhất về các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào một lần nữa lại được sống dậy, đem lại cho người dân sự yên tâm, cảm giác hạnh phúc khi có những người lính áo xanh, những bác sĩ quân y luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Giữa lằn ranh sinh tử

Hà Nội hiện đang trải qua những ngày tăng hàng nghìn ca nhiễm. Mặc dù tỉ lệ bao phủ vắc xin khá cao nhưng trước tình hình ca F0 ngày càng gia tăng thì đồng nghĩa với việc, các bác sĩ ở tuyến đầu vẫn rất vất vả hơn.

Năm nay, Trung úy, bác sĩ Lưu Quang Huy, Khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 354 chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại trong khu điều trị bệnh nhân F0 tại bệnh viện. Tính đến tối 25-2, Khoa của anh có hơn 60 bệnh nhân F0 đang điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền và chưa được tiêm vắc xin nên việc chăm sóc, chữa trị cũng vất vả hơn. Tuy nhiên, đã từng có thời gian hơn 100 ngày tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh nên với bác sĩ này, anh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm để điều trị cho các bệnh nhân hiện tại.

Trường hợp nhiễm Covid-19 của bệnh nhân Nghiêm Huy T là một ví dụ điển hình. Bệnh nhân này đã hơn 80 tuổi, bị bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính, phổi bị xẹp một bên. Khi nhập viện có dấu hiệu bệnh nặng, SpO2 giảm còn 80-90%. Bệnh nhân mệt nhiều. Thường những trường hợp như vậy thì tiên lượng khó qua khỏi.

Là một bác sĩ trẻ nhưng đã có kinh nghiệm chống dịch ở TP Hồ Chí Minh nên bác sĩ Lưu Quang Huy được phân công điều trị cho bệnh nhân này. Trong quá trình điều trị, ngoài phác đồ chữa trị thì bác sĩ còn hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục đồng thời động viên người bệnh cố gắng ăn uống để nhanh chóng hồi phục sức khỏe bởi bệnh nhân nhiễm Covid thường mất mùi vị, không muốn ăn.

Giờ đây, lằn ranh sinh tử đã qua, bệnh nhân Nghiêm Huy T đã khỏi bệnh và ra viện. Cứu sống mỗi bệnh nhân qua cơn nguy kịch với bác sĩ Lưu Quang Huy đó chính là sự động viên tinh thần vô cùng quý giá để anh cùng đồng nghiệp tiếp tục cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Nơi tuyến đầu, áo trắng phải hy sinh

Đã từng thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 5D (Bình Dương) năm 2021, Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu, công tác ở Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần), đã phải nén lại nỗi nhớ xa gia đình, xa hai con đang ở tuổi cắp sách đến trường, để quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng.

Giờ đây khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trong thâm tâm chị, những bài thơ viết từ trong tâm dịch gửi cho con để lưu giữ kỷ niệm về những tháng ngày vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa, Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu đã viết rằng: “…Với Covid mục tiêu cần chốt chặn/Nên tuyến đầu áo trắng phải hy sinh/Mang trái tim, dòng máu nóng riêng mình/Để bảo vệ bình an cho Tổ quốc/Đồng đội ơi không kẻ nào thắng được/Khi chúng ta đã đoàn kết một lòng/Máu cha ông đã tô thắm cờ hồng/Tim cháu con nguyện dâng cho đất nước…”.

Những ngày làm việc ở Bệnh viện dã chiến số 5D, chứng kiến những nỗi đau của đồng nghiệp mất đi cha mẹ, người thân mà không được về chịu tang, Đại úy QNCN Vũ Thị Hậu đã gửi gắm vào những vần thơ để động viên đồng đội vượt qua đau thương, mất mát để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ. Trong đó có một bài thơ mà chị viết để chia buồn với Trung sĩ Khổng Đức Khải (Học viện Quân y) khi nhận được tin mẹ qua đời trong lúc em đang làm nhiệm vụ chống dịch. Bài thơ có đoạn: Lại lần nữa cùng đồng đội sót thương/Nén tâm hương xin tiễn người đã khuất/Nơi chiến trường nhận hung tin mẹ mất/Đớn đau nào hơn thế nữa Khải ơi/Chỉ huy bên em đồng đội chẳng rời/Cùng cắt cử lo lễ tang cho mẹ/Nơi trận địa cùng sẵn sàng chia sẻ/Cố lên nào, mạnh mẽ nhé em ơi.../Mẹ ra đi về nơi ấy xa xôi/Nhưng mẹ mãi ở bên em Khải nhé!/Từng bước em đi, từng đường em rẽ/Luôn là người nâng đỡ bước chân em...

Bài thơ là lời động viên đồng đội nén đau thương để người chiến sĩ trẻ hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận không tiếng súng.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và những chiến sĩ, bác sĩ quân y vẫn đang ngày đêm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả người chiến sĩ áo trắng. Một ngày không xa nữa, khi dịch bệnh qua đi thì tình người sẽ còn ở lại mãi trong lòng người dân.

Với mệnh lệnh đến từ trái tim, các y, bác sĩ, chiến sĩ quân y trên mặt trận không tiếng súng đã, đang và sẽ còn nhiều vất vả, hy sinh. Và ở nơi tuyến đầu của dịch bệnh, nhiều bác sĩ đã hy sinh cả hạnh phúc, thậm chí hoãn cả việc tổ chức đám cưới… để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người chiến sĩ áo trắng. Nhưng với họ, sức khỏe và sự bình an của mỗi bệnh nhân chính là bó hoa tươi thắm nhất, món quà ý nghĩa nhất của người thầy thuốc quân y./.

Nguồn: QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét