Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN ĐIỂM THÙ ĐỊCH, SAI TRÁI PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC CHỨC NĂNG ĐỘI QUÂN LAO ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Từ khi được thành lập đến nay, Quân đội không chỉ thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, mà còn tích cực tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân dưới nhiều nội dung, hình thức khác nhau, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, phức tạp, trong khi đó, nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác quốc tế... do vậy yêu cầu mới đặt ra đối với Quân đội là càng phải phát huy tốt hơn nữa chức năng đội quân lao động sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang chống phá phủ nhận, xuyên tạc xoay quanh vấn đề quân đội thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất.

Từ khóa: Quân đội nhân dân Việt Nam; Đội quân lao động sản xuất.

Các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng: Quân đội chỉ nên thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, không nên có chức năng đội quân lao động sản xuất, mục đích nhằm phủ nhận truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, làm suy yếu sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội qua đó làm suy yếu sức mạnh quân sự của quốc gia, không muốn phát huy vai trò Quân đội đối với phát triển nền kinh tế quốc dân, muốn kéo lùi nền kinh tế Việt Nam, không muốn Việt Nam phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu, làm không ít người nảy sinh tư tưởng giao động, hoài nghi, thậm chí bất mãn, có ý đồ và hành động chống phá ngăn cản các đơn vị Quân đội thực hiện chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất. Bên cạnh đó, các quan điểm phản động, sai trái thường lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về việc sử dụng thuật ngữ “Quân đội làm kinh tế” để nói xấu Quân đội, cho rằng “Quân đội làm kinh tế” để phục vụ lợi ích của một số người. Vậy trong tình hình hiện nay, chúng ta cần nhận thức như thế nào? có nên sử dụng cụm từ “Quân đội làm kinh tế” hay không?.

Để lý giải thấu đáo, làm cơ sở vận dụng vào thực tiễn đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái về chức năng lao động sản xuất của Quân đội, cần có cơ sở lý luận, thực tiễn khách quan, khoa học về vấn đề này.

Thứ nhất, xuất phát từ quan điểm các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với chiến tranh, quốc phòng. Trong đó, suy cho cùng kinh tế quyết định chiến tranh và quốc phòng. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Không có gì phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”[1]. Kinh tế quyết định nguồn gốc, bản chất, mục đích của chiến tranh; quyết định đến số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và vũ khí, trang bị kỹ thuật của chiến tranh và quốc phòng, qua đó quyết định đến tổ chức biên chế, chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. Một nền kinh tế phát triển (lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, có sức cơ động và sức sống cao) là điều kiện vật chất để xây dựng nền quốc phòng mạnh và ngược lại.  Như vậy, Quân đội cần phải tham gia phát triển kinh tế để tạo thế chủ động xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự, tạo nên sức mạnh quân sự của quốc gia đủ sức răn đe, bảo vệ hòa bình và chiến thắng mọi đối tượng tác chiến nếu buộc phải tiến hành chiến tranh tự vệ. Đồng thời khi bàn đến vai trò của quân đội đối với kinh tế, C.Mác đã chỉ rõ: “Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”[2]. Phát triển quan điểm của C.Mác, V.I.Lênin cho rằng “Cần phải tập trung toàn lực vào nhiệm vụ đó, cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự đã biểu lộ rõ tác dụng của mình trong việc xây dựng quân sự. Đó là tình hình đặc thù, là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động”[3]. Đặc biệt, V.I.Lênin đề xuất chuyển một số đơn vị chính quy của Hồng quân thành những đội quân lao động, sớm đặt nền móng hình thành lý luận về chức năng, nhiệm vụ xây dựng kinh tế của quân đội kiểu mới.

Thứ hai, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội về thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất.

Ở Việt Nam, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vấn đề quân đội lao động sản xuất luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng và phát huy hiệu quả vào công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Thể hiện tiêu biểu nhất đó là chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”. Điều căn bản cốt lõi của chính sách “ngụ binh ư nông” là gửi quân dự bị ở nông thôn, lao động, sản xuất tại địa phương, khi đất nước cần thì huy động họ trở thành binh lính thường trực bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” để vừa bảo đảm cho triều đình luôn duy trì một lực lượng cân đối giữa xây dựng kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; giữa sản xuất và chiến đấu, hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh giữ nước, bảo đảm cho quân đội luôn có một đội quân thường trực có số lượng đủ mức cần thiết, tinh thông võ nghệ, sẵn sàng chiến đấu cao và quân dự bị đông đảo, dễ dàng huy động khi có chiến tranh (như ở triều Nhà Trần khi đánh quân Mông Nguyên đã huy động lên đến 20 vạn quân). Chính sách này còn thể hiện mối liên kết hài hòa giữa quân sự và kinh tế (trước hết là nông nghiệp), giữa kinh tế và quân sự, có khả năng chuyển hóa nhanh nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến và ngược lại. Trong Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo rất coi trọng chuẩn bị kinh tế cho chiến tranh của nhân dân và quân đội: “Việc ăn là gốc của dân, là việc tính mệnh của binh, tất phải mưu sao cho không hết, chở sao cho có luôn, hộ vệ sao cho chu đáo, tiêu dùng sao cho có chừng”; “Thợ rèn, thợ tên, thợ cung, thợ nỏ, thợ tre gỗ, thợ thuốc súng, thợ đá đất đều phải sẵn nhiều trong thành để phòng khi cần dùng”[4]. Nhờ thực hiện tốt chính sách này đã tạo ra một lượng của cải vật chất to lớn phục vụ quốc kế dân sinh; đảm bảo vũ khí, trang bị và các nhu cầu thiết yếu khác cho quân đội cả trong thời bình lẫn thời chiến.

Vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền thống của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được Người thể hiện qua rất nhiều bài nói, bài viết và việc làm thực tế. Tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội”[5]. Nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của Quân đội, Người nhấn mạnh “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội”[6]. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chức năng đội quân chiến đấu, quân đội tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng ta, thông qua nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng như: Tháng 3 năm 1958, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và xác định: Xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải khéo léo sắp xếp cho ăn khớp với xây dựng kinh tế. Nghị quyết 79/NQ-ĐUQSTW ngày 27 tháng 8 năm 1992 đã xác định quân đội có ba chức năng: Quân đội là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất. Nghị quyết 06/NQ-ĐUQSTW ngày 10 tháng 01 năm 1995 đã cụ thể hoá nhiệm vụ lao động sản xuất và làm kinh tế của quân đội ta. Nghị quyết 150 /NQ-ĐUQSTW ngày 01 tháng 8 năm 1998 đã xác định rõ nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược của quân đội. Ngày 31 tháng 7 tháng 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng. Nghị quyết 71/NQ-ĐUQSTW ngày 25 tháng 4 năm 2002 về nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế của quân đội trong thời kỳ mới, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội. Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25 tháng 9 năm 2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Điều 68, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) ghi rõ: “... kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh kinh tế của Quân đội. Ngày 18 tháng 5 năm 2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết 425-NQ/QUTW về: “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17 tháng 12 năm 2021 về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2030”. Điều đó cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Quân đội lao động sản xuất là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là ở nơi dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội cũng chính hướng tới mục tiêu đó.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội ta như (Tổng Bí thư Lê Duẩn; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Đại tướng Phạm Văn Trà…) cũng có nhiều bài nói khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta về chức năng đội quân lao động sản xuất của Quân đội. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ học tập Nghị quyết Bộ Chính trị về những công tác trước mắt ở miền Nam, ngày 28 tháng 7 năm 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Xây dựng kinh tế cũng là một nhiệm vụ cách mạng quan trọng, thể hiện bản chất của quân đội ta, chế độ ta, bởi quân đội ta đánh giặc cứu nước cuối cùng để chăm lo xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân mà thôi”[7]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị xây dựng kinh tế toàn quân, tháng 7 năm 1976 với bài nói chuyện có chủ đề: “Thực hiện lời Bác: Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Đại tướng khẳng định: “Tôi muốn nói đến vấn đề cơ bản vào bậc nhất, đến cơ sở của một nền quốc phòng vững mạnh. Cơ sở ấy chỉ có thể là nền kinh tế ngày càng giàu mạnh của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với một cơ cấu công-nông nghiệp ngày càng hiện đại, với một thế bố trí chiến lược ngày càng hợp lý về cả kinh tế và quốc phòng. Đó cũng tức là vấn đề thực sự sẵn sàng chiến đấu về lâu dài”[8]. Theo đó, Quân đội lao động sản xuất cũng là sẵn sàng chiến đấu về lâu dài, như vậy mặt trận sản xuất cũng chính là mặt trận chiến đấu. Bởi lẽ, mục tiêu tham gia lao động sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế của Quân đội là gia tăng sức mạnh của Quân đội và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có kinh tế quốc phòng; tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, xuất phát từ bản chất, truyền thống, điều kiện thực tiễn của Quân đội ta. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân, là Quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hoàn toàn khác với bản chất của quân đội các thể chế chính trị, xã hội khác, thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Quân đội với nhân dân, quan hệ cán bộ, chiến sĩ và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Quân đội của các nước tư bản chủ nghĩa là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa, là thành trì kiên cố nhất để bảo đảm cho pháp quyền tư sản và sự thống trị của giai cấp tư sản, là nhà trường giáo dục một cách nô lệ và sự phụ thuộc của người lao động đối với tư bản. Đây là điểm khác biệt cốt yếu của quân đội tư sản với Quân đội ta. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc. Ngoài mục tiêu đó, Quân đội không có mục đích nào khác. Tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng cũng là thực hiện mục tiêu đó.

Hơn 77 năm qua cho thấy, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội ta cũng vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Trong kháng chiến chống Pháp, với vô vàn khó khăn chồng chất, trước hết là ăn, mặc, tiếp đến là trang bị vũ khí…, nếu không có các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất, chế tạo vũ khí, khí tài, đạn dược…, liệu Quân đội có thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, hậu phương lớn miền Bắc vừa tiến hành công cuộc cải tạo, phục hồi kinh tế từ một nước sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu trong điều kiện chiến tranh, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, nếu các đơn vị quân đội không tham gia lao động sản xuất, không có các căn cứ hậu cần tại chỗ trên chiến trường miền Nam, nhất là ở các địa bàn chiến lược như: Khu 5, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ,... đặc biệt là Bộ đội Trường Sơn, Quân chủng Hải quân để xẻ núi, bạt đèo, xây dựng hàng chục ngàn cây số đường bộ, đường sông, đường ống, đường biển, mở các tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, Cam-pu-chia, liệu có thể có Chiến thắng của ngày 30 tháng 4 lịch sử.

Sau ngày 30 tháng 4, đất nước hoàn toàn thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước ra sức hô hào, cổ súy, viện trợ tiền của, vũ khí cho bọn ngụy quân, ngụy quyền, bọn Fulro tăng cường hoạt động chống phá, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Một lần nữa, Quân đội lại tiên phong trên các mặt trận, vừa phải làm tròn chức năng là đội quân chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, vừa là đội quân xung kích vào những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, cùng cả nước xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; giữa xây dựng thế trận quốc phòng với phát triển kinh tế, góp phần cùng cả nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để bước vào hội nhập và giao lưu quốc tế với uy tín và vị thế mới.

Thực tiễn lao động sản xuất, phát triển kinh tế luôn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn lại được tiến hành ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, nếu không có các đơn vị quân đội mà để cho các doanh nghiệp ngoài Quân đội đảm nhiệm thì khó có thể tiếp cận được, điều này lại một lần nữa khẳng định rất rõ ràng trong tổng kết hoàn thành tuyến đường Tuần tra biên giới, các đại biểu, trong đó nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định nếu không có các đơn vị quân đội xây dựng mà giao cho các doanh nghiệp khác hoặc các địa phương thì đến nay đường Tuần tra biên giới còn chưa hoàn thành. Ở khía cạnh này chúng ta thấy, các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất khẳng định một cách dứt khoát vừa đem lại lợi nhuận, vừa bảo đảm sự toàn vẹn của lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Với thế mạnh của mình và về nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị, Quân đội tham gia sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó có thể đảm đương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn C, địa bàn K, những nơi đời sống của nhân dân còn hết sức thiếu thốn, lạc hậu. Không chỉ tham gia lao động sản xuất đơn thuần, mà các đơn vị quân đội còn có thế mạnh là sử dụng nguồn lực có chất lượng của mình để tổ chức các lớp học văn hóa, giúp nhân dân nâng cao dân trí, xây dựng kết cấu hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc, các thiết chế văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Có thể nói, những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, nhất là các đoàn kinh tế quốc phòng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữa quân sự, quốc phòng với phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua là rất lớn và không thể phủ nhận.

Hiện nay, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách đảm bảo cho quốc phòng có mức độ, việc Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã tạo ra nguồn lực to lớn, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và cải thiện đời sống người lao động, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ năm 2000 đến nay, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận hơn 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với hơn 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đi vào hoạt động có nền nếp, v.v. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt gần 350 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 40 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp Quân đội còn có sứ mệnh rất vẻ vang của sự nghiệp cách mạng đó là làm cho kinh tế nhà nước - hòn đá tảng thử vàng của chủ nghĩa xã hội luôn giữ vị thế đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, doanh nghiệp quân đội phát triển nghĩa là chế độ công hữu được xây dựng. Mặt khác, các doanh nghiệp quân đội (như Viettel, Tân Cảng Sài Gòn…) còn là các doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng ta về mở rộng hội nhập quan hệ kinh tế quôc tế, góp phần xây dựng vào nền hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Để phát hoàn thành tốt chức năng đội quân lao động sản xuất đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp:

Một là, hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đối với hoạt động tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân của quân đội

Hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa quân đội với các bộ, ban ngành ở Trung ương và địa phương, cũng như giữa các đơn vị trong quân đội với nhau trong tham gia phát triển nền kinh tế quốc. Bổ sung, hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đối với các đoàn kinh tế - quốc phòng. Rà soát và điều chỉnh lại một số dự án trong các đoàn kinh tế - quốc phòng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, sự biến động của thị trường. Xây dựng chế độ chính sách ưu đãi đối với cán bộ, chiến sĩ trong các đoàn kinh tế - quốc phòng. Chính sách cho các đoàn kinh tế - quốc phòng vay vốn; chính sách về đất đai, chính sách quy hoạch dân cư trong các khu kinh tế quốc phòng.

Hai là, Quân đội cần tiếp tục tăng cường giáo dục, quán triệt, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế; trọng tâm là Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17 ngày 12 tháng 2021 về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện, đạt kết quả quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong tuyên truyền, giáo dục nhận thức cần nhận thức đầy đủ về chức năng lao động sản xuất là thế nào? Chúng ta không nên sử dụng cụm từ “Quân đội làm kinh tế”, bởi đây là lý do để các thế lực thù địch chống phá vì khi nói “Quân đội làm kinh tế” nghĩa là chạy theo lợi nhuận đơn thuần, không gắn với quốc phòng, chỉ quan tâm đến tiền. Do vậy, phải được hiểu chức năng đội quân lao động sản xuất dưới góc độ “quân đội lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng”; không được hiểu với nghĩa kinh tế đơn thuần, dù doanh nghiệp đó sản xuất trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhận thức sai lầm, ngộ nhận dù vô tình hay cố ý đối với thuật ngữ này chính là một sự đánh tráo khái niệm, nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Quân đội, gây sự hiểu nhầm trong xã hội, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Quân đội; giữa Quân đội và nhân dân.

Ba là. nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên các địa bàn đứng chân của các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Để nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất của các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ tăng gia sản xuất, lao động sản xuất của đơn vị mình; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc tăng gia sản xuất của đơn vị; tổ chức hoạt động tăng gia sản xuất khoa học trên cơ sở điều tra về điều kiện khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng đất đai, phong tục tập quán canh tác của địa phương để quyết định nuôi, trồng các loại cây, con sao cho có hiệu quả. Đối với các đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên, tổ chức các trạm trại tăng gia sản xuất tập trung; mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực thực phẩm của đơn vị; đầu tư đưa vào trồng, chăn nuôi con giống có năng suất, chất lượng cao; sử dụng kết quả tăng gia sản xuất đúng mục đích, tiết kiệm, tránh tham ô lãng phí...

Bốn là, tích cực nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội của các đoàn kinh tế - quốc phòng; các doanh nghiệp quân đội

Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng không chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân, mà điều quan trọng hơn là mục tiêu củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, biên giới. Các đoàn kinh tế - quốc phòng phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, đặc điểm của địa bàn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, phong tục tập quán sản xuất của nhân dân địa phương và yêu cầu của thị trường mà xác định đúng mục tiêu, chiến lược phát triển lâu dài cũng như trong từng giai đoạn cụ thể. Để giúp đỡ đồng bào phát triển sản suất, nâng cao đời sống, vượt qua đói, nghèo trước hết các đoàn kinh tế - quốc phòng phải làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.  

Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp quân đội để phần lớn các doanh nghiệp phải có quy mô lớn và vừa, công nghệ tiên tiến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội công ích; thực hiện cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu đối với các doanh nghiệp kinh doanh, các bộ phận trong doanh nghiệp công ích nhưng không có nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, hoặc nhiệm vụ kết hợp kinh tế quốc phòng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp quân đội được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và hợp tác với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trên cơ sở pháp luật. Tập trung đầu tư ngân sách cho phát triển một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao phục vụ quân sự; công nghệ đặc thù sản xuất, sữa chữa vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

Những việc làm đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Rõ ràng, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội không chỉ là mệnh lệnh, mà còn là một chức năng, nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Quân đội ta, một giá trị cốt lõi làm nên nhân cách, phẩm giá “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì thế, những luận điệu xuyên tạc của tổ chức, cá nhân thời gian qua dù vô tình hay cố ý là không thể chấp nhận và đáng bị vạch trần, lên án.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H.1996, tr. 246.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17/12/2021 về Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2030.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, tr512.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Bài nói với quân đội về tình hình và nhiệm vụ trước mắt tại Hội nghị cao cấp toàn quân. Nxb CTQG, tr143.

5. Trần Hưng Đạo, Binh thư yếu lược, Nxb CAND, Tr 184. H.2001.

6. V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 40, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 122.

7. Nguyễn Văn Rinh, 2014, Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận sản xuất xây dựng kinh tế, Nxb Quân đội nhân dân, H.



[1] C. Mác và Ph. Ăngghen - Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H.1996, tr. 235.

[2] C. Mác và Ph. Ăngghen - Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H.1996, tr. 246.

[3] V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 40, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 122.

[4] Trần Hưng Đạo, Binh thư yếu lược, Nxb CAND, Tr 184. H.2001.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Nxb CTQG, tr.512.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của Quân đội. Nxb CTQG, tr.143.

[7] Nguyễn Văn Rinh, 2014, Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận sản xuất xây dựng kinh tế, Nxb Quân đội nhân dân, H. tr. 50.

[8] Nguyễn Văn Rinh, 2014, Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận sản xuất xây dựng kinh tế, Nxb Quân đội nhân dân, tr.59.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét