Dự thảo cuốn sổ tay gồm 50 câu hỏi - đáp, được chia làm hai phần: Phần thứ nhất: Một số vấn đề lý luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; Phần thứ hai: Sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch - Nhận thức và kỹ năng.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu các cơ quan thông tấn, báo chí đã phát biểu ý kiến, đánh giá cao sự bổ ích, thiết thực của cuốn sổ tay dành cho sinh viên - một trong những nhóm đối tượng bị các thế lực thù địch tập trung chống phá hàng đầu trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Sổ tay được xây dựng theo dạng hỏi - đáp ngắn gọn, phù hợp với trình độ hiểu biết, nhận thức của sinh viên.

Tọa đàm “Sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”
Quang cảnh tọa đàm. 

Các đại biểu cho rằng, cuốn sổ tay cần có tính phổ quát, phổ cập, phổ thông, mang tính khái quát cao; hướng tới tiêu chí “3 chữ Đ” (“đạt” về yêu cầu, “đúng” về nội dung, “đủ” về liều lượng); nội dung câu hỏi cần cụ thể, rõ ý hơn; nội dung đấu tranh không chỉ trên mạng xã hội mà cần mở rộng sang các mặt trận khác; kết cấu, thứ tự các nội dung cần chỉnh sửa cho phù hợp; lựa chọn từ ngữ cần chính xác, mang tính đại chúng. 

Bên cạnh đó, nội dung cuốn sổ tay cần được biên tập kỹ lưỡng, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc; cân đối giữa nội dung lý luận và thực tiễn, các câu hỏi kiến thức và kỹ năng; đưa thêm các câu hỏi mới, tránh trùng lặp nội dung trả lời; bổ sung phần tra cứu, chia sẻ địa chỉ trang web các trang Báo Điện tử, tạp chí có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

PGS, TS Phạm Minh Sơn khẳng định, Ban chủ nhiệm đề tài trân trọng ý kiến đóng góp của các đại biểu, từ đó sẽ chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện cuốn sổ tay, khi có bản dự thảo mới sẽ tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.