Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM: “KINH TẾ THỊ TRƯỜNG LÀ SẢN PHẨM RIÊNG CÓ CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN” VÀ KHẲNG ĐỊNH SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

 

                                         Đỗ Hồng

Hiện nay, nhiều học giả tư sản cho rằng: Kinh tế thị trường (KTTT) là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Việt Nam phát triển kinh tế thị trường là sự rập khuôn, máy móc, không đúng với quy luật kinh tế khách quan. Thực chất, đây là quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối phát triển kinh tế ở nước ta. Trên cả phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh, phát triển KTTT định hướng XHCN là tất yếu khách quan, sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

1. Nhận thức chung về kinh tế thị trường

C.Mác-F.Ăngghen là người đầu tiên nghiên cứu xây dựng học thuyết về CNXH trên cơ sở nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển ở giai đoạn cạnh tranh tự do và đại công nghiệp cơ khí. Mặc dù chưa đưa ra khái niệm về KTTT, nhưng C.Mác nói đến “kinh tế tiền tệ”. C.Mác cho rằng, kinh tế tiền tệ là kinh tế chung cho tất cả mọi nền sản xuất hàng hoá. F.Ăngghen dùng phạm trù “kinh tế tiền tệ” để đối lập với “kinh tế tự nhiên”. Kế thừa và phát triển quan điểm của C. Mác, V.I.Lênin đã đưa quan niệm về kinh tế hàng hoá. Trong chính sách cộng sản thời chiến, Lênin đã thử nghiệm không thực hiện kinh tế hàng hoá, quan hệ hàng hoá - tiền tệ. Thực tiễn chứng minh, quan điểm trên chỉ phù hợp khi đất nước có chiến tranh, không phù hợp khi đất nước hòa bình đi lên CNXH. Vì vậy, đến cuối năm 1921, khi Liên Xô chuyển sang thời kỳ hoà bình, V.I.Lênin đã thực thi chính sách kinh tế mới (NEP). Nhờ sử dụng có kết quả KTTT vào mục tiêu phát triển lực lượng sản xuất và tăng cường tiềm lực của CNXH. Việc thử nghiệm thành công mô hình KTTT với những thành tựu mà Liên Xô đã đạt được, chứng tỏ rằng KTTT là con đường tất yếu cho những nước kinh tế chưa phát triển tiến lên CNXH.

Về phương diện kinh tế có thể khái quát rằng, lịch sử phát triển sản xuất và đời sống xã hội của nhân loại đã và đang trải qua hai kiểu tổ chức kinh tế thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội, hai thời đại kinh tế khác hẳn nhau về chất. Đó là kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp; và kinh tế hàng hoá mà giai đoạn cao của nó được gọi là kinh tế thị trường.

Kinh tế hàng hoá, bắt nguồn từ kinh tế hàng hoá đơn giản, ra đời từ khi chế độ cộng sản nguyên thuỷ tan rã, dựa trên hai tiền đề cơ bản là: có sự phân công lao động xã hội và có sự tách biệt về kinh tế do chế độ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Kinh tế thị trường là nền kinh tế dựa trên nền sản xuất hàng hoá phát triển, và hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong KTTT, thị trường đóng vai trò điều tiết mọi quan hệ kinh tế - xã hội. Người sản xuất, người tiêu dùng, mọi thành viên trong xã hội tự chủ hoạt động trên thị trường, nhưng lại bị chi phối bởi các quan hệ thị trường. Theo cách hiểu chung nhất, KTTT là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa, trong đó toàn bộ các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất đều thông qua thị trường.

2. Kinh tế thị trường có phảisản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản?

Trên cả phương diện lý luận và thực tiễn phát triển của các hình thái kinh tế xã hội, khẳng định: Quan niệm trên là hoàn toàn sai trái. Bởi vì:

Thứ nhất, KTTT là nền kinh tế hàng hóa phát triển giai đoạn cao; xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời.

Nhìn lại lịch sử phát triển của KTTT trên thế giới cho thấy, kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển đến giai đoạn cao; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động mạnh mẽ thông qua hệ thống thị trường tương đối đồng bộ và ở trình độ cao; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động và các mối quan hệ trong nền kinh tế. Với những đặc trưng cơ bản đó cho thấy, KTTT xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời và nó còn tồn tại, phát triển cả sau chủ nghĩa tư bản, khi những cơ sở kinh tế - xã hội cho nó tồn tại và phát triển vẫn còn.

Kinh tế hàng hóa (giai đoạn thấp của KTTT) cũng đã phát triển trong lòng xã hội phong kiến. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản, KTTT đạt đến đỉnh cao khi sức lao động trở thành hàng hóa và lực lượng sản xuất đạt đến trình độ cao. KTTT không phải là cái riêng có của CNTB mà là thành tựu phát triển chung của nhân loại.

Hai là, KTTT là kết quả của quá trình phát triển lực lượng sản xuất, là sản phẩm của văn minh nhân loại.

KTTT có cả một quá trình phát triển lâu dài từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, với các giai đoạn: 1) Giai đoạn kinh tế thị trường sơ khai, KTTT phát triển chưa đầy đủ, đây chỉ là bước chuẩn bị, tạo những tiền đề cần thiết cho KTTT phát triển. Giai đoạn này chính là quá trình tích luỹ nguyên thuỷ tư bản chủ nghĩa, làm chuyển biến từ nền sản xuất hàng hóa nhỏ lên nền sản xuất hàng hóa TBCN. 2) Giai đoạn kinh tế thị trường tự do, đánh dấu bước phát triển về chất trong nền kinh tế thế giới, với cuộc cách mạnh công nghiệp (từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX) đã tạo ra chỗ dựa vững chắc để KTTT phát triển theo hướng tự do, hay nói cách khác nền kinh tế tự điều tiết bởi “bàn tay vô hình”, tức là Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động kinh tế. 3) Giai đoạn kinh tế thị trường hiện đại, Nhà nước đã can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, đó là nền kinh tế được điều tiết bởi cả “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”. Sự điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế không chỉ bằng các công cụ pháp luật, chính sách mà còn bằng cả lực lượng vật chất, tài chính, tiền tệ. Giai đoạn này diễn ra từ đầu thế kỷ XX, gắn liền với quá trình chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đặc biệt, từ nửa sau thế kỷ XX đến nay), với sự thống trị của chủ nghĩa tư bản nhà nước, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại và quá trình toàn cầu hoá kinh tế diễn ra mạnh mẽ đã đưa nền kinh tế thế giới bước sang giai đoạn mới - KTTT hiện đại.

  Từ khi ra đời tới nay, KTTT tồn tại và phát triển chủ yếu dưới CNTB, nó trở thành nhân tố thúc đẩy CNTB phát triển. Song, KTTT không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản mà là kết quả của quá trình phát triển lực lượng sản xuất, là sản phẩm của văn minh nhân loại. Tuy vậy, sự phát triển của kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường chịu sự tác động của những quan hệ xã hội nhất định, nhất là chế độ kinh tế - xã hội .

Thứ ba, thực tiễn đã chứng minh, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản chỉ đánh dấu một giai đoạn mà kinh tế thị trường đã trở thành phổ biến, bao trùm toàn xã hội và phát triển tới đỉnh cao.

KTTT với tính chất là trình độ phát triển cao hơn của kinh tế hàng hóa, từ kinh tế hàng hóa giản đơn đã từng xuất hiện rất sớm, từ trước khi có chủ nghĩa tư bản. Ở các giai đoạn tiền tư bản đã xuất hiện sự sản xuất để trao đổi, để cho người khác dùng và sản phẩm chỉ được thực hiện trên thị trường làm nảy sinh các quan hệ cung - cầu, giá trị và giá cả.

Cơ sở kinh tế khách quan của sự hình thành và phát triển kinh tế hàng hóa cũng là cơ sở kinh tế khách quan của sự hình thành và phát triển KTTT. Phát triển KTTT gắn chặt với việc phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường; quá trình đó phải tuân theo những quy luật kinh tế khách quan, đặc thù của một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội như: quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh. Do vậy, kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội khác với kiểu tổ chức kinh tế - xã hội tự nhiên, chỉ xuất hiện trong những điều kiện kinh tế - lịch sử nhất định của xã hội do sự phát triển của lực lượng sản xuất tạo ra. KTTT xuất hiện cùng với sự ra đời và thống trị của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, phản ánh sự nhảy vọt về chất của lực lượng sản xuất và các quan hệ kinh tế khác so với các giai đoạn phát triển trước đó.

Như vậy, sự phát triển KTTT trong lịch sử cho đến nay là một quá trình gắn liền với các giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất và các quan hệ sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng nó không phải là riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là sản phẩm của nhân loại.

Với âm mưu xuyên tạc, phản động, một số học giả tư sản đã đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản. Hoặc có quan điểm khác cho rằng: phát triển KTTT là đi theo chủ nghĩa tư bản, là xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, sự phát triển của KTTT, gắn liền với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản đến mức làm cho người ta tưởng như là một. Về bản chất, kinh tế tư bản chủ nghĩa là một thực thể kinh tế khác với KTTT, chúng sản xuất vì giá trị thặng dư, vì lợi nhuận. Do vậy, KTTT và chủ nghĩa tư bản là hai thực thể, hai động lực kinh tế hoàn toàn khác nhau, không đồng nhất với nhau và càng không thể coi KTTT là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản.

3. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Chủ trương phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001). Đây là kết quả của quá trình 15 năm đổi mới tư duy và thực tiễn ở nước ta, được đúc kết lại trên cơ sở đánh giá và rút ra các bài học lớn qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội VII, VIII. Theo tinh thần đó, Đại hội IX xác định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].

Tiếp đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng làm rõ nội hàm, mục tiêu của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đưa ra khái niệm về KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa về cả nội hàm, mục tiêu và cách thức thực hiện.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra khái niệm KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ nội hàm, vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế: “KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước…”[2].

Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều nhất quán chủ trương phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn xuất phát từ cơ sở sau:

Thứ nhất, phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu, phù hợp với quy luật khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của KTTT là do những điều kiện kinh tế, xã hội khách quan sinh ra nó quy định. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, những điều kiện ra đời, tồn tại của kinh tế hàng hoá như: phân công lao động xã hội, các hình thức khác nhau của quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất không hề mất đi thì việc sản xuất và phân phối sản phẩm vẫn phải được thực hiện thông qua thị trường với những quan hệ hàng hoá - tiền tệ. Mặc dù C.Mác  đã từng dự báo về sự mất đi của kinh tế hàng hoá trong xã hội tương lai, nhưng khi các điều kiện kinh tế, xã hội chưa chín muồi, C.Mác khẳng định: “Sau khi đã xoá bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng vẫn còn duy trì nền sản xuất xã hội, thì sự quy định giá trị vẫn có tác dụng chi phối, theo ý nghĩa là việc điều tiết thời gian lao động và phân phối lao động xã hội giữa những nhóm sản xuất khác nhau, và cuối cùng việc ghi chép tất cả những khoản đó vào sổ kế toán sẽ trở thành quan trọng hơn bao giờ hết”[3].

 Mặt khác, nước ta thực hiện bước quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, về thực chất là quá trình phát triển “rút ngắn” của lịch sử, đây không phải là sự “đốt cháy” giai đoạn. Do đó, phát triển KTTT sẽ có tác dụng phá vỡ tính chất tự cấp, tự túc của nền kinh tế; đẩy mạnh phân công lao động xã hội, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động; thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, khuyến khích ứng dụng kỹ thuật - công nghệ mới, tăng năng suất lao động; góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống xã hội; mở rộng giao lưu kinh tế giữa các vùng trong nước và với nước ngoài;…

Phát triển KTTT ở nước ta là bước đi quan trọng nhằm xã hội hoá nền sản xuất, là nấc thang tất yếu của sự phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, là bước quá độ để đi lên CNXH, đó thực sự là một nhiệm vụ kinh tế cấp bách ở nước ta.

Thứ hai, phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là phương tiện cần thiết để đi tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu  quả hơn.

Từ lịch sử phát triển kinh tế thế giới cho thấy, KTTT luôn là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh và có hiệu quả. Dưới tác động của các quy luật thị trường, nền kinh tế luôn phát triển theo hướng năng động, kích thích tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giá thành hạ. Do vậy, trong thời kỳ quá độ cần phải phát triển KTTT, sử dụng KTTT là phương tiện để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh và có hiệu quả, thực hiện mục tiêu của CNXH. Như vậy, phát triển KTTT là bước đi, cách làm đúng quy luật khách quan, là phương tiện cần thiết để đảm bảo cho mục tiêu của CNXH được thực hiện một cách có hiệu quả hơn.

Thứ ba, phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là sự lựa chọn về định hướng phát triển hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển khách quan và xu thế tất yếu của thời đại.

KTTT dù nó tồn tại ở đâu và bất kể thời điểm nào của lịch sử cũng là mô hình kinh tế vận hành theo những quy luật riêng vốn có. Tuy nhiên, trong tính hiện thực của nó, sẽ không thể có một nền KTTT trừu tượng, chung chung cho mọi giai đoạn phát triển, mà là những nền KTTT cụ thể tồn tại trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội cụ thể và chịu sự chi phối của các quan hệ sản xuất thống trị trong xã hội đó. Ngay trong cùng một chế độ kinh tế - xã hội, sự phát triển của KTTT ở mỗi nước khác nhau cũng sẽ mang màu sắc, đặc tính không giống nhau. Ví như, cũng là KTTT tư bản chủ nghĩa nhưng lại có sự khác nhau giữa KTTT tiêu dùng của Mỹ với KTTT xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức, với KTTT có hướng dẫn Nhật Bản… Nền KTTT ở mỗi nước trên, ngoài những tính quy luật chung về KTTT, về quan hệ sản xuất tư bản thống trị, chúng còn in đậm dấu ấn riêng về trình độ phát triển kinh tế, kết cấu kinh tế - xã hội, phong tục tập quán… mà chúng tồn tại trong đó. Thực tiễn lịch sử chưa có một nền KTTT xã hội chủ nghĩa; song, trong hiện thực Việt Nam đang thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì việc lựa chọn mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với tính đặc thù và định hướng phát triển của mình.

Sự lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại và đặc điểm phát triển của nước ta, sự lựa chọn đó không hề mâu thuẫn với tiến trình phát triển của đất nước. Đây thực sự là bước đi, cách làm mới mẻ hiện nay của các dân tộc, quốc gia đang trên con đường hướng tới xã hội xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam đã chứng minh: Trong quá trình đổi mới, Đảng ta nhận thức ngày càng rõ, sát thực tế hơn tính tất yếu, mục tiêu, bản chất, đặc trưng, cấu trúc, thể chế và cơ chế vận hành của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng, đường lối phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được thể chế hoá thành pháp luật, cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi và vận hành của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và chế độ phân phối đã phát triển đa dạng, từng bước tuân thủ các quy luật của KTTT và phù hợp với điều kiện của đất nước. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường đang hình thành, phát triển, cơ bản đã có sự liên thông, gắn kết thị trường trong nước với thị trường khu vực và thị trường quốc tế. Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước hình thành và phát triển; thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Thực lực của nền kinh tế tăng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì hợp lý và được đánh giá là thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới.

3. Giải pháp phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục thống nhất nhận thức trong toàn xã hội về KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa

KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế chưa có tiền lệ trên thế giới. Trên thực tế, ở Việt Nam, xây dựng và phát triển mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nếu chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn được mô hình KTTT thì sẽ không có niềm tin vào mô hình kinh tế đã lựa chọn. Vì vậy, trong xây dựng và phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho mọi chủ thể kinh tế và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ bản chất, mục tiêu và đặc trưng của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng cho việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế này.

Để có nhận thức đúng về nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung lý luận cơ bản về mô hình kinh tế này. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những kiến thức, thông tin của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, KTTT của các nước trên thế giới cho mọi đối tượng trong xã hội. Đồng thời, để nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh, có hiệu quả thì từ nhận thức phải có tư duy sáng tạo để xây dựng nền kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, vừa phù hợp với xu thế thời đại để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa

Hoàn thiện thể chế KTTT đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng thúc đẩy KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển. Thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là một hệ thống khung khổ pháp lý, các quy tắc; các chủ thể tham gia và cơ chế vận hành. Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta xác định rõ: “Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn”[4], cụ thể là: Xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ba là, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường và chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Các yếu tố thị trường và các loại thị trường là nhân tố để giải quyết các mối quan hệ trong nền KTTT; đáp ứng yêu cầu đầu vào và đầu ra của nền kinh tế. Việt Nam chuyển đổi từ nên kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường; do đó, các yếu tố thị trường chưa hoàn thiện và các thị trường phát triển chưa đồng bộ để nền KTTT phát triển. Vì vậy, phải hình thành và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Cụ thể là: tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế - xã hội để các yếu tố của thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả; phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ cả thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là tiền đề, điều kiện quan trọng để nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tập trung vào nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư,... Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong phát triển KTTT định hướng XHCN cần tập trung vào hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương về kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân trong phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện để nhân dân tham gia có hiệu quả vào quá trình thực thi và giám sát việc thực hiện luật pháp, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 11-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 khóa XII “ Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. C.Mác - Ph, Ăngghen, Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 1995.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đến XIII.

4. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb CTQG. H. 2016.

5. V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 43, 45,  Nxb CTQG, H. 1995.

 

 



[1]    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2001, tr.86.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.128-129.

[3] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 25 phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 593.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.132.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét