Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI LÀ TẤT YẾU LỊCH SỬ (tiếp)

 

MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN MÀ LIÊN HỢP QUỐC CÔNG NHẬN LÀ PHÁP QUYỀN TƯ SẢN, PHÁP QUYỀN CAO HƠN

CHỦ QUYỀN QUỐC GIA – DÂN TỘC

Liên Hợp quốc (LHQ) là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung của toàn cầu. Nhưng cần phải thấy rằng, đa phần các nước trong Liên Hợp quốc là các nước tư sản. Thứ “pháp quyền” mà LHQ đề cao chủ yếu là pháp quyền tư sản. Ngay cả Hiến chương của LHQ và các chuẩn mực về dân chủ, nhân quyền, các hiệp định và hiệp ước của LHQ cũng dựa trên tinh thần và chịu sự chi phối bởi những tư tưởng, tiêu chí của dân chủ tư sản, tự do tư sản và luật pháp vè pháp quyền tư sản. Cũng vì thế mà mỗi lần LHQ ban hành một nghị quyết lên án, phản đối gì đó về pháp luật, chính sách, pháp quyền của một nhà nước nào đó, nhất là với nhà nước XHCN thì đều dựa trên sự đề xuất bởi những nước TBCN, nhất là những nước tư bản nằm trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, luôn tự cho mình là “mẫu hình” pháp quyền của “thế giới tự do”.

Dựa trên tinh thần pháp quyền tư sản để áp đặt chính sách, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Nguyên Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã từng thừa nhận: “Nhà nước pháp quyền là quan điểm cốt lõi trong sứ mệnh của Liên Hợp quốc. Đó là quan điểm về một cách tổ chức quản trị, theo đó mọi người, mọi chế định, tổ chức – công cũng như tư, trong đó có Nhà nước – phải phục tùng luật pháp. Đến lượt nó, pháp luật cần được công bố công khai, được thực thi một cách bình đẳng đối với mọi người, được áp dụng bởi Tòa án độc lập, pháp luật đó phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các quy chuẩn quyền con người”[1]. Như vậy, điều quan trọng nhất là đòi hỏi, bắt buộc của mọi loại hình nhà nước pháp quyền trên thế giới là “phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các quy chuẩn quyền con người”. Nhưng chuẩn mực quốc tế đó là chuẩn mực tư sản, vì lợi ích của giai cấp tư sản và của đa số nhà nước tư bản nhằm quy định đối với mọi nhà nước, áp đặt lên chủ quyền quốc gia – dân tộc của nhà nước khác, trong đó có nhà nước XHCN. Về tính phổ biến của sự tuân thủ luật pháp quốc tế thì điều này là không thể chấp nhận được; cũng ví như mọi nhà nước tư sản đều chối bỏ, phủ nhận pháp luật của nhà nước XHCN lên chế độ nhà nước của mình vậy.

Là thành viên của LHQ, điều dĩ nhiên là nhiều nước, trong đó có Việt Nam sẽ phải tuân thủ những quy định, luật pháp chung của LHQ. Nhưng có một thực tiễn mang tính phổ biến đang diễn ra trong đời sống pháp lý của LHQ đó là hầu khắp mọi quốc gia thành viên cũng chỉ lựa chọn những quy định, luật pháp quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc mình để thực hiện mà thôi; họ sẽ “lờ đi” và bỏ qua những quy định không bảo đảm quyền và lợi ích của quốc gia – dân tộc mình. Theo đó, Việt Nam cũng vậy, cũng chỉ lựa chọn những quy định, luật pháp quốc tế phù hợp với lợi ích Việt Nam. Ngay cả một nước lớn, thành viên Thường trực của Hội đồng bảo an LHQ như Hoa Kỳ cũng không thừa nhận nhiều điều quan trọng của Hiến chương LHQ, phủ nhận những chuẩn mực quốc tế cơ bản về quyền con người, về quyền nhân quyền do LHQ định ra, tự ý rút bỏ tư cách “Thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ”; nhưng vì lợi ích chiến lược mang tính “toàn cầu” của họ, Hoa Kỳ sẽ luôn lợi dụng Hiến chương LHQ để xen lồng những tiêu chuẩn pháp quyền của họ vào đời sống pháp lý của các quốc gia – dân tộc khác.

Từ những vấn đề thực tiễn hiển nhiên trên đây cho thấy, pháp quyền mà LHQ thừa nhận là pháp quyền tư sản; nhà nước pháp quyền mà LHQ bênh vực là nhà nước pháp quyền TBCN; các quốc gia tư bản luôn áp đặt những chuẩn mực pháp quyền tư sản vào đời sống pháp lý của LHQ để hòng áp đặt tư tưởng, chuẩn mực pháp quyền tư sản lên các quốc gia – dân tộc khác trên thế giới. Ngay cả những nước lớn, có quyền quyết định trong LHQ cũng đôi khi xem thường pháp lý và pháp quyền mà LHQ định ra và theo đuổi. Về bản chất, họ chỉ dùng pháp lý, pháp quyền tư sản như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, nhất là những nước có chế độ chính trị khác biệt với họ./. (còn tiếp)

[1] Pháp quyền và công lý chuyển tiếp trong các xã hội xung đột và hậu xung đột: báo cáo của Tổng thư ký LHQ, 2004, https://digitallibrary.un.org/record/527647

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét