Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

GIÁ TRỊ CÁCH MẠNG VÀ KHOA HỌC TRONG HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ THẶNG CỦA C.MÁC

 Bùi Ngọc

         

Cùng với Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin là một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin. Học thuyết kinh tế Mác mà nền tảng là học thuyết giá trị và “hòn đá tảng” là học thuyết giá trị thặng dư là những cống hiến vô cùng to lớn, vĩ đại của C.Mác và Ph. Ăngghen cho tư tưởng kinh tế của nhân loại. Giá trị cách mạng và khoa học của học thuyết giá trị thặng dư vẫn mai là kim chỉ nam cho việc xem xét bản chất của chủ nghĩa tư bản và việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Mặc dù bộ mặt của chủ nghĩa tư bản ngày nay đã khác rất xa so với chủ nghĩa tư bản thời C.Mác nghiên cứu, nhưng toàn bộ học thuyết kinh tế Mác, mà đặc biệt là học thuyết giá trị thặng dư - một trong hai cống hiến vĩ đại nhất của C.Mác cho nhân loại vẫn còn nguyên giá trị và cho đến nay chưa có ai vượt qua. Học thuyết giá trị thặng dư là học thuyết kinh tế cốt lõi, nền tảng của Kinh tế chính trị học Mác - Lênin mà C.Mác là người khởi sướng và Ph. Ăng ghen cũng là người có công lao đặc biệt to lớn. Trước C.Mác cũng như hiện nay chưa có ai có được một học thuyết hoàn chỉnh, toàn diện, hệ thống, lô gic chặt chẽ, khoa học và cách mạng như vậy. Điều đó được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

Một là, C.Mác là người đầu tiên nghiên cứu về giá trị thặng dư với tư cách là một phạm trù kinh tế đặc thù của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên nền tảng học thuyết giá trị lao động.

Trước C.Mác, các đại biểu của Kinh tế chính trị tư sản cổ điển, dù đã rất có gắng, nhưng cũng không thể nhận thức được phạm trù giá trị thặng dư. Mọi cố gắng của họ cũng mới chỉ dừng lại ở việc làm rõ được những khía cạnh nhất định của các hình thái biểu hiện của giá trị thặng dư là lợi nhuận, lợi tức và địa tô. Chẳng hạn như D.Ricacrdo đại biểu tiểu biểu nhất của Kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh cũng mới chỉ biết được rằng, lợi nhuận là kết quả lao động của công nhân, là phần giá trị do công nhân lao động tạo ra không được trả công. Khắc phục những hạn chế của các bậc tiền bối, bằng việc kế thừa có phê phán những nhân tố hợp lý của họ, C.Mác đã sử dụng thành thạo phương pháp nghiên cứu đi từ trừu tượng đến cụ thể, kết hợp lô gic với lịch sử; đồng thời lựa chọn điểm xuất phát đúng đắn là hàng hóa để từ đó xây dựng nên một học thuyết giá trị - lao động hoàn chỉnh và khoa học. Để rồi chính trên cái nền tảng của học thuyết giá trị - lao động C.Mác đã đi vào phân tích làm rõ bản chất của phạm trù giá trị thặng dư cũng như những hình thái biểu hiện của nó trong xã hội tư bản.

Hai là, C.Mác là người đầu tiên khái quát nên công thức chung của tư bản và phân tích làm rõ những mâu thuẫn của công thức chung để từ đó làm tiền đề cho việc phân tích, vạch trần bản chất của phạm trù giá trị thặng dư.

C. Mác là người đầu tiên khái quát nên công thức chung của tư bản và phân tích một cách khoa học về tính hợp lý cũng như sự vô lý của công thức đó, mà trước ông chưa ai làm được còn sau này đến giờ vẫn chưa có ai thay đổi được điều đó. C.Mác chỉ rõ, lưu thông hàng hóa là điểm khởi đầu của tư bản. Mỗi tư bản, ở bất cứ đâu, bao giờ cũng xuất hiện dưới hình thái tiền. C.Mác viết: "Khi mới xuất hiện lần đầu tiên trên vũ đài, tức là trên thị trường, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, hay thị trường tiền tệ, thì mỗi một tư bản bao giờ cũng xuất hiện dưới dạng tiền, số tiền này phải được chuyển hóa thành tư bản thông qua những quá trình nhất định"[1]. Trong sự vận động của tiền tệ, những đồng tiền nào vận động theo hình thái (T - H - T) đều chuyển hóa thành tư bản, trở thành tư bản, hay đó chính là công thức vận động của tiền với tư cách là tư bản. So sánh sự giống và khác nhau trong sự vận động của tiền với tư cách là tiền và tiền với tư cách là tư bản, C.Mác đã chỉ ra rằng: điểm khác nhau của hai sự vận động của tiền với hai tư cách khác nhau đó, không chỉ khác nhau về trình tự, giới hạn của sự vận động mà còn có sự khác nhau rất đặc biệt, có tính quyết định đến bản chất của tư bản là ở nội dung của sự vận động. Trong lưu thông T - H - T, thoạt nhìn thì có vẻ không có nội dung, do tính chất trùng lặp của nó. Cả hai cực đều có một hình thái là tiền, do đó chúng không phải là những giá trị sử dụng khác nhau về chất. Tuy nhiên, sẽ là hết sức phi lý nếu người chủ tiền bỏ tiền ra dùng một con đường vòng đầy mạo hiểm để rồi lại thu về chính số tiền đó, mà phải là số tiền lớn hơn. Vì vậy, sở dĩ quá trình T - H - T có được nội dung của nó thì đó không phải là nhờ sự khác nhau về chất giữa hai cực của nó, vì cả hai đều là tiền, mà chỉ nhờ sự khác nhau về lượng của chúng. Vì vậy, hình thái đầy đủ của quá trình là T - H - T' trong đó T' = T + Dt, nghĩa là số tiền ứng ra ban đầu cộng với một số tăng thêm nào đó. Số tăng thêm đó, hay số dư so với giá trị lúc ban đầu, C. Mác gọi là giá trị thặng dư (surplus value)[2]. Như vậy, tư bản là giá trị tự tăng thêm trong lưu thông, C. Mác viết, "giá trị được ứng ra lúc ban đầu không những được bảo tồn trong lưu thông, mà còn thay đổi đại lượng của nó, còn cộng thêm một giá trị thặng dư, hay là đã tự tăng thêm giá trị. Chính sự vận động ấy đã biến giá trị đó thành tư bản"2. Mục đích của tư bản là việc không ngừng tăng thêm giá trị bằng cách đưa tiền vào lưu thông. Quá trình vận động đó, giá trị luôn luôn chuyển từ hình thái này qua hình thái khác nhưng không bao giờ mất đi và tiền là điểm xuất phát đồng thời cũng là điểm kết thúc của mọi quá trình làm tăng giá trị. Đứng trên nguyên lý giá trị lao động, phân tích bản chất của lưu thông, hàng hóa, tiền tệ và những qui luật nội tại của sản xuất hàng hóa C.Mác đã vạch ra mâu thuẫn của công chung của tư bản, đó là “Tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện bên ngoài lưu thông; nó phải xuất hiện trong lưu thông, đồng thời không phải trong lưu thông. Giá trị thặng dư vừa được sinh ra trong lưu thông vừa không phải trong lưu thông”[3].

Ba là, C.Mác cũng là người đầu tiên và duy nhất vạch ra cơ chế bóc lột của chủ nghĩa tư bản là bóc lột giá trị thặng dư mà tất cả các đại biểu kinh tế trước và sau C.Mác đều không thể làm được.

Từ công thức vận động chung của tư bản, C. Mác chỉ ra rằng, sự biến đổi giá trị của tiền không thể xảy ra trong bản thân số tiền đó hoặc cũng không thể phát sinh từ hành động thứ hai từ việc bán hàng hóa mà chỉ có thể xảy ra với thứ hàng hóa được mua vào trong hành vi thứ nhất mua (T - H). Tuy nhiên, sự biến đổi đó không thể từ giá trị, vì trao đổi được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, hàng hóa được trả theo giá trị của chúng. Do vậy, sự biến đổi đó chỉ có thể phát sinh từ giá trị sử dụng của hàng hóa, nghĩa là chỉ phát sinh trong việc tiêu dùng hàng hóa đó. Nhưng muốn rút được giá trị từ việc tiêu dùng hàng hóa thì người chủ tiền phải tìm được trên thị trường một thứ hàng hóa mà giá trị sử dụng có đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị. Thứ hàng hóa đặc biệt đó theo C. Mác chính là năng lực lao động hay sức lao động. Chính nhờ việc tìm kiếm được trên thị trường một loại hàng hóa đặc biệt ấy mà tiền đã thực sự hoàn thành việc chuyển hóa thành tư bản.

Từ đó, C.Mác vạch ra rằng, tư bản không hề phát minh ra lao động thặng dư, rằng “Nơi nào mà một bộ phận xã hội chiếm độc quyền về những tư liệu sản xuất thì nơi đó người lao động, tự do hay không tự do, đều buộc phải thêm vào thời gian lao động cần thiết để nuôi sống bản thân mình một số thời gian lao động dôi ra dùng để sản xuất những tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu tư liệu sản xuất"[4]. Quy luật kẻ chiếm hữu tư liệu sản xuất bóc lột người lao động không có tư liệu sản xuất, được thực hiện dưới những hình thức và cơ chế khác nhau trong những hình thái xã hội khác nhau.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, giai cấp nô lệ bị lệ thuộc hoàn toàn về thân thể vào giai cấp chủ nô, thì ngoài việc bị bóc lột lao động thặng dư, nô lệ còn bị chiếm một phần lớn sản phẩm cần thiết của giai cấp nô lệ. Trong chế độ phong kiến, giai cấp nông nô đã có một phần tự do về thân thể đối với giai cấp địa chủ và chế độ bóc lột lao động thặng dư biểu hiện dưới hình thức bóc lột địa tô, lao động thặng dư và lao động cần thiết được phân chia rõ ràng. Bởi vậy, theo C.Mác cơ chế bóc lột thời phong kiến có nhiều tiến bộ hơn chiếm hữu nô lệ.

Giai cấp tư sản bước lên vũ đài lịch sử cũng là giai cấp độc chiếm tư nhân những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Khác với cơ chế bóc lột trong hai hình thái kinh tế - xã hội trước chủ yếu dựa trên quan hệ hiện vật, cơ chế bóc lột tư bản chủ nghĩa dựa trên quan hệ giá trị; nói cách khác là quan hệ trao đổi những vật ngang giá (tức là tuân theo quy luật giá trị). Quan hệ này che dấu sự bóc lột trong một cơ chế trao đổi với vẻ bề ngoài như là tự do và bình đẳng.

Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, quan hệ mua bán giữa công nhân và tư bản không phải là mua bán hàng hóa lao động mà là mua bán một loại hàng hóa đặc biệt - hàng hóa sức lao động. Hàng hóa này có giá trị và giá trị sử dụng khác với các hàng hóa thông thường. Giá trị của hàng hóa sức lao động là giá trị những tư liệu sinh hoạt tối thiểu cần thiết để tái sản xuất sức lao động của công nhân và bao hàm những yếu tố tinh thần, lịch sử và dân tộc... Giá trị sử dụng của hàng hóa này (tức là tiêu dùng nó trong quá trình sản xuất) có khả năng tạo ra một lượng giá trị lớn hơn giá trị của chính nó là giá trị sức lao động. Trong quá trình sử dụng sức lao động, tức quá trình lao động cho nhà tư bản, một mặt bằng lao động cụ thể của mình người công nhân chuyển hóa và bù đắp giá trị của những chi phí tư bản bất biến; mặt khác bằng lao động trừu tượng của mình người công nhân tạo ra giá trị mới để vừa bù đắp giá trị tư bản khả biến vừa tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Do đó dù nhà tư bản trả đủ giá trị sức lao động cho công nhân trên cơ sở trao đổi ngang giá thì vẫn thu được phần giá trị dôi ra. Như vậy, quy luật giá trị và quy luật sản xuất ra giá trị thặng dư không phủ định lẫn nhau mà song song tồn tại: trao đổi giữa tư bản và công nhân tuân theo quy luật giá trị nhưng nhà tư bản vẫn thu được phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động tức là giá trị thặng dư. Trên cơ sở sự phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến C.Mác còn chỉ ra rằng, máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ là yếu tố giúp làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu suất sử dụng lao động sống, nhờ đó làm tăng giá trị thặng dư cho nhà tư bản, nhưng bản thân máy móc thì không làm tăng thêm một phân tử giá trị nào cả. Mọi bí mật của sự làm tăng thêm giá trị là nằm ở bộ phận tư bản khả biến. C.Mác khẳng định, bóc lột lao động thặng dư biểu hiện thành bóc lột giá trị thặng dư là quy luật bóc lột đặc thù, tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đồng thời đó còn là phương thức bóc lột tiến bộ nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.

Bốn là, C.Mác đã vạch trần hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư và cơ chế phân chia giá trị thặng dư giữa các nhà tư bản; đồng thời chỉ ra cơ sở kinh tế của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.

C.Mác đã chỉ ra rằng, giá trị thặng dư được tạo ra trong sản xuất, nhưng phải được thực hiện trong lưu thông.  Nếu không trải qua lưu thông thì nhà tư bản cũng không thể thu được giá trị thặng dư. Nhưng khi bước ra ngoài lưu thông thì nó lại mang một cái tên mới là lợi nhuận. Thực chất, lợi nhuận mà nhà tư bản thu được là do chỗ hắn bán một cái mà hắn đã không phải trả tiền. Giá trị thặng dư hay lợi nhuận chính là phần giá trị dôi ra ấy của giá trị hàng hóa so với chi phí sản xuất của nó, nghĩa là phần dôi ra của tổng số lượng lao động chứa đựng trong hàng hóa so với số lượng lao động được trả công chứa đựng trong hàng hóa. Về bản chất, lợi nhuận chỉ là hình thái chuyển hóa hay hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư, chỉ là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị thặng dư trong lưu thông. Tuy nhiên, xét về hình thức thì lợi nhuận và giá trị thặng dư tuy là một nhưng không phải là một, giá trị thặng dư là thời gian lao động thặng dư, được tạo ra trong sản xuất và là con đẻ của tư bản khả biến, còn lợi nhuận là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị thặng dư, được thực hiện trong lưu thông, là còn đẻ của toàn bộ tư bản ứng trước và cũng là kết quả của toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là sự thống nhất của cả sản xuất và lưu thông.

Nghiên cứu về cạnh tranh và quan hệ cung cầu để làm rõ cơ chế hình thành giá trị thị trường, giá cả sản xuất và lợi nhuận trung bình, C.Mác chỉ rõ, sự cạnh tranh trong nội bộ các ngành sản xuất sẽ dẫn đến sự hình thành giá trị thị trường của những hàng hóa trong cùng ngành sản xuất; đồng thời do sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản ở các ngành sản xuất khác nhau thông qua việc dịch chuyển tư bản đầu tư, từ ngành sản xuất có tỷ suất nhuận thấp sang ngành sản xuất có tỷ suất lợi nhuận cao hơn đã dẫn đền sự hình thành lợi nhuận trung bình và giá cả sản suất. Theo đó, C.Mác đã chỉ rõ, “Lợi nhuận trung bình không thể là cái gì khác hơn ngoài tổng khối lượng giá trị thặng dư đã được phân phối cho những khối lượng tư bản trong mỗi lĩnh vực sản xuất tùy theo lượng của chúng. Đó là tổng số lao động không công đã thực hiện và toàn bộ khối lượng lao động không công này cũng như lao động sống và chết được trả công biểu hiện trong tổng số lượng hàng hóa và tiền mà nhà tư bản chiếm được”[5]. Từ những phân tích về cạnh tranh giữa các ngành dẫn đến sự hình thành lợi nhuận trung bình, giá cả sản xuất, C.Mác kết luận rằng, mỗi nhà tư bản cá biệt, cũng như toàn bộ những nhà tư bản trong mỗi lĩnh vực sản xuất riêng biệt, thông qua tổng tư bản, đều tham gia vào việc bóc lột toàn thể giai cấp công nhân. Trong đó toàn thể giai cấp tư sản vừa thống nhất với nhau, vừa mâu thuẫn với nhau trong việc bóc lột giai cấp công nhân. Đó không chỉ do sự đồng tình giai cấp mà còn do lợi ích kinh tế trực tiếp nữa.

C.Mác còn chỉ ra rằng, với tư cách là sự thống nhất của cả sản xuất và lưu thông trong môi trường cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, qui luật giá trị chuyển hóa thành qui luật giá cả sản xuất, qui luật giá trị thặng dư chuyển hóa thành qui luật lợi nhuận trung bình. Trong điều kiện ấy, lợi nhuận trung bình là mục đich tối thiểu của mỗi nhà tư bản dù họ đầu tư tư bản vào lĩnh vực nào. Từ đó C.Mác đã làm rõ cơ chế phân chia lợi nhuận với tư cách là kết quả của toàn bộ quá trình sản xuất thành lợi nhuận doanh nghiệp, lợi nhuận công nghiệp, lợi tức cho vay và địa tô tư bản chủ nghĩa. C.Mác cũng chỉ ra rằng, về hình thức thì lợi nhuận công nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp, lợi nhuận thương nghiêp, lợi tức cho vay và địa tô tư bản chủ nghĩa là khác nhau và nó gắn liền với thu nhập của các nhà tư bản chức năng trong mỗi lĩnh vực của sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng về bản chất thì chúng đều là những hình thái khác nhau của giá trị thặng dư do toàn thể giai cấp công nhân làm ra và bị toàn thể giai cấp các nhà tư bản chia nhau chiếm đoạt.

Học thuyết giá trị thặng dư vẫn mãi là kim chỉ nam cho việc xem xét, phân tích về bản chất và vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản ngày nay. Vẫn đang là học thuyết nền tảng “hòn đá tảng” có giá trị vô cùng to lớn giúp cho nhân loại, kể cả những người sống trong xã hội tư bản nhìn lại, ngẫm lại và suy xét về tương lai của xã hội mà họ đang sống trong đó.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lấy xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Vận dụng sáng tạo các học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác có vai trò cực kỳ quan trọng. Những nguyên lý cơ bản trong học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác giúp chúng ta nhìn nhận đúng, sâu sắc về chủ nghĩa tư bản và thực hiện chiến lược xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Trước hết, cần nhận thức được rằng, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác về thực chất là học thuyết luận giải một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc, khoa học nhất về cách thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Một cách thức bóc lột riêng có của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng là cách thức bóc lột tiến bộ nhất so với các xã hội trước đó. Cách thức bóc lột này chỉ ra đời khi có đầy đủ các điều kiện kinh tế cần và đủ của nó là tiền phải trở thành tư bản, sức lao động phải trở thành hàng hóa. Các điều kiện này ra đời và tồn tại là do sự tác động của các qui luật kinh tế khách quan. Vì vậy, sự tồn tại của cách thức bóc lột đó là do các điều kiện kinh tế khách quan qui định chứ không phải do ý muốn chủ quan của con người. Chúng ta cần nhận thức rõ điều đó để thấy được tính hợp lý của kinh tế tư bản chủ nghĩa trong những điều kiện cụ thể khi nó còn cho thấy là tiến bộ, khi nó còn đủ các điều kiện để nó tồn tại. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, quan hệ bóc lột theo kiểu tư bản chủ nghĩa chưa thể bị xóa bỏ ngay, sạch trơn theo cách tiếp cận giáo điều và xơ cứng như trước đây. Cần phải thấy rằng, chừng nào quan hệ bóc lột còn có tác dụng giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, thì chừng đó chúng ta còn phải chấp nhận sự hiện diện của nó. Việc chúng ta có thể làm, nên làm là hãy tạo mọi ra điều kiện tiền để cả về kinh tế, chính trị, xã hội để đẩy nhanh sự phát triển của chính các quan hệ bóc lột ấy để rồi tự nó sẽ phủ định nó theo những qui luật khách quan vốn có.

Hai là, những khái niệm, phạm trù kinh tế như năng suất lao động, giá cả sản xuất, lao động thặng dư, giá trị thị trường, cạnh tranh, lợi nhuận, lợi nhuận thương nghiệp, lợi tức cho vay, địa tô, vốn cố định, vốn lưu động, tái sản xuất, tích lũy, tiết kiệm, hàng hóa sức lao động, tiền lương danh nghĩa và tiền lương thực tế.v.v. được C.Mác trình bày trong học thuyết giá trị thặng dư vừa phản ánh bản chất riêng của nó trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, những cũng vừa là những phạm trù kinh tế mang những thuộc tính chung của nền kinh tế thị trường hiện đại, nên đều rất bổ ích đối với việc quản lý kinh tế, sản xuất kinh doanh trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Ba là, trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mọi biện pháp hòng tìm cách để phân định rành mạch, máy móc và xơ cứng về mức độ bóc lột trong việc hoạch định các chủ trương chính sách, cũng như có thái độ phân biệt đối xử với tầng lớp doanh nhân mới là không phù hợp với các qui luật khách quan. Điều có cần và có thể làm hiện nay là thực hiện luật hóa hệ thống quan hệ phân phối, bảo đảm cho mọi người đều được hưởng xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra; đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những quan hệ phân phối dẫn đến hình thành các khoản thu nhập bất minh, bất chính. Ai chấp hành đúng pháp luật thì được xã hội thừa nhận và tôn vinh theo phương châm: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Về nhận thức, cần phải thấy sự tồn tại của bóc lột theo kiểu tư bản chủ nghĩa ở nước ta hiện nay cũng chính là mức độ bóc lột được xã hội chấp nhận, tức là làm giàu hợp pháp. Trong quản lý xã hội thì phải kiểm soát chặt chẽ thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp để, một mặt, chống thất thu thuế, mặt khác, bảo đảm sự công bằng trong phân phối thông qua nhà nước và bằng các "kênh" phân phối lại và điều tiết thu nhập xã hội. Đó cũng là một hướng tiếp cận vấn đề bóc lột giúp chúng ta tránh được những nhận thức giáo điều, phi biện chứng về quan hệ bóc lột, cũng như việc vận dụng nó trong một giai đoạn lịch sử cụ thể của việc giải phóng sức sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Bốn là, Nhà nước cần phải bảo vệ những quyền lợi chính đáng của cả người lao động lẫn giới chủ sử dụng lao động bằng hệ thống luật pháp và các chế tài cụ thể một cách công khai, minh bạch và bền vững. Những mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình sử dụng lao động là điều khố tránh khỏi, nhưng cần phải có các biện pháp phân xử các mâu thuẫn ấy sao cho hài hòa để tránh những xung đột không cần thiết cũng lại là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, thể hiện trong bản chất của chế độ mới. Bảo vệ được những quyền lợi chính đáng, quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên trong quan hệ lao động là một bảo đảm cho việc vận dụng một cách hợp lý quan hệ bóc lột trong điều kiện hiện nay, đồng thời cũng là những đóng góp cơ bản nhất cho cả quá trình hoàn thiện và xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.

 



[1]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb CTQG, ST, H.1993, tr. 222.

[2] Sđd, t.23, tr.224-228.

[3] Sđd, t.23, tr.249.

[4] Sđd, t.23, tr.347

[5] Sđd, t.25, Phần I, tr.265

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét