Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CỦA C.MÁC

                                                                                                                                          Nguyễn Văn

Trong những thập kỷ gần đây, trước sự biến động nhanh chóng của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, cộng với mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một số học giả cho rằng, Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác không còn đúng nữa, đã lỗi thời và chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất. Bài viết dưới đây góp phần phân tích và luận chứng một cách khoa học để, trước hết, phê phán những quan điểm cho rằng học thuyết giá trị tặng dư của C.Mác đã lỗi thời; thứ hai, luận giải một cách khoa học để thấy học thuyết giá trị tặng dư - hòn đá tảng trong lý luận kinh tế chính trị của C.Mác vẫn còn nguyên giá trị.  

Thứ nhất, những giá trị lý luận trong học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác

Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác là nội dung cơ bản của học thuyết kinh tế chính trị học Mác -nin,hòn đá tảng trong học thuyết kinh tế chính trị của C.Mác. Quá trình nghiên cứu sự sản xuất ra giá trị thặng dư, C.Mác đã vạch rõ nguồn gốc và bản chất của nó, từ đó vạch rõ bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa,... Các nhà kinh tế học trước C.Mác, ngay cả những nhà kinh tế học lỗi lạc, A.Đ.Smith, Đ.V.Ricardo đã quan niệm một cách hời hợt, bề ngoài rằng, mua bán giữa tư bản và công nhân hình như là mua bán lao động nên cả hai ông đều gặp bế tắc trong việc lý giải một cách khoa học bản chất và nguồn gốc của lợi nhuận. Chẳng hạn, nếu lao động là hàng hóa thì nó phải được kết tinh vào vật, như vậy là công nhân bán hàng hóa chứ không bán lao động; lao động được xác định là thước đo của mọi giá trị thì không thể tự lấy nó để đo lường giá trị của bản thân nó. Mặt khác, nếu mua bán lao động mà trao đổi ngang giá thì không còn cơ sở tồn tại của lợi nhuận, nhưng thực tế lợi nhuận tồn tại một cách khách quan. Với các cách giải thích đó, quy luật giá trị mâu thuẫn với quy luật sản xuất ra lợi nhuận và ngược lại. Như vậy, các Ông cũng không giải thích nổi tại sao trao đổi hàng hóa đúng giá trị trong khi các nhà tư bản vẫn thu được giá trị thặng dư.

Quá trình nghiên cứu C.Mác đã phân biệt được phạm trù sức lao động và lao động; nhờ phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa đó là lao động cụ thể và lao động trừu tượng, nên Ông đã giải thích được quan hệ mua bán giữa công nhân và tư bản không phải là mua bán hàng hóa lao động mà là mua bán một loại hàng hóa đặc biệt - hàng hóa sức lao động. Hàng hóa này có giá trị và giá trị sử dụng khác với các hàng hóa thông thường. Giá trị của hàng hóa sức lao động là giá trị những tư liệu sinh hoạt tối thiểu cần thiết để tái sản xuất sức lao động của công nhân và bao hàm những yếu tố tinh thần, lịch sử và dân tộc… - Giá trị sử dụng của hàng hóa này (tức là tiêu dùng nó trong quá trình sản xuất) có khả năng tạo ra một lượng giá trị lớn hơn giá trị của chính nó là sức lao động. Do đó dù nhà tư bản trả đủ giá trị sức lao động cho công nhân trên cơ sở trao đổi ngang giá thì vẫn thu được phần giá trị dôi ra, biến thành lợi nhuận. Như vậy, quy luật giá trị và quy luật sản xuất ra lợi nhuận không phủ định lẫn nhau mà song song tồn tại: trao đổi giữa tư bản và công nhân tuân theo quy luật ngang giá (quy luật giá trị sức lao động) nhưng nhà tư bản vẫn thu được phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động; phần dôi ra đó được C.Mác gọi là giá trị thặng dư.

Chính sự phát hiện ra giá trị sử dụng đặc biệt của hàng hóa sức lao động có đặc tính sản sinh ra giá trị lớn hơn giá trị của chính nó và nhờ phân biệt được quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị (quá trình sản xuất giá trị thặng dư), C.Mác đã vạch rõ bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, thực chất của quá trình sản xuất giá trị thặng dư. Qua đó, đã làm rõ giá trị thặng dư được tạo ra trong sản xuất, chứ không phải là trong lĩnh vực lưu thông; lưu thông rất cần cho quá trình sản xuất và thực hiện giá trị thặng dư. Vì vậy, nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư là sức lao động của công nhân làm thuê, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị, trong đó có giá trị thặng dư. Nguồn gốc của giá trị thặng dư là sự tiêu dùng sức lao động kéo dài ngoài thời gian tái sản xuất ra giá trị của nó.

Trên cơ sở kế thừa quan điểm lao động thặng dư của phái trọng nông, C.Mác không những đã phát hiện ra giá trị thặng dư (lao động thặng dư kết tinh dưới hình thái giá trị) mà còn vạch rõ mối quan hệ giữa năng suất lao động, lao động thặng dư và giá trị thặng dư. Nghiên cứu quá trình sản xuất ra của cải vật chất, ra hàng hóa, giá trị, giá trị thặng dư, C.Mác đã tính đến vai trò của các yếu tố lao động sống, máy móc, các tư liệu sản xuất khác, tài nguyên, điều kiện thiên nhiên, ... Ông hiểu, máy móc càng hiện đại, càng tinh xảo thì năng suất lao động càng cao. Ngoài ra, còn vô số các yếu tố khác mà không có chúng thì không thể sản xuất được. C.Mác đã chứng minh rằng, trong tổng số giá trị do một quá trình sản xuất nhất định tạo ra, thì máy móc (tức lao động quá khứ) không tạo ra giá trị mới, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị mới: [v (tiền công) + m (giá trị thặng dư)].

C.Mác đã vạch rõ thực chất của giá trị thặng dư, Ông đã trình bày rõ sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự thống nhất, đối lập giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị (quá trình sản xuất giá trị thặng dư). Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, quy luật giá trị thặng dư có tác dụng quyết định đối với sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Sản xuất giá trị thặng dư là nội dung đặc biệt và là mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, cho nên, quy luật giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản, giữ vị trí chủ đạo và đóng vai trò quyết định trong hệ thống các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.  

Qua đó, thấy rõ đặc điểm bản chất bóc lột của tư bản chủ nghĩa đó là: kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa là sự phát triển của kinh tế hàng hóa giản đơn. Tuy nhiên, kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa khác với kinh tế hàng hóa giản đơn ở chỗ không những về lượng, mà còn khác về chất, tức là không phải chỉ khác ở số lượng lớn sản phẩm bị thu hút vào chu chuyển hàng hóa và hình thái hàng hóa của sản phẩm trở thành hình thái thống trị. Lúc này, hàng hóa xuất hiện một loại hàng hóa mới là sức lao động, do đó, với thị trường hàng hóa nói chung được bổ sung bằng một bộ phận đặc biệt là thị trường sức lao động. Tuy nhiên, thị trường sức lao động không phải do C.Mác phát hiện ra, vì ai cũng biết đến sự tồn tại của lao động làm thuê trong các xã hội trước tư bản chủ nghĩa. Nhưng điểm nhấn ở đây đó là chỉ có C.Mác mới nhìn thấy lao động làm thuê (hàng hóa sức lao động và chỉ trên cơ sở sản xuất hàng hóa, lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất mới trở thành lao động làm thuê) là một nhân tố cơ bản làm cho tiền chuyển hóa thành tư bản và kinh tế hàng hóa giản đơn chuyển hóa thành kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa - thời đại của tư bản công nghiệp. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở của một hình thức bóc lột đặc biệt, tức là hình thức chiếm đoạt lao động của người khác (lao động thặng dư) dưới hình thái giá trị thặng dư. Khác với phạm trù "lợi nhuận", giá trị thặng dư biểu hiện một cách chính xác đó là: Thứ nhất, là giá trị, tức lao động vật hóa; Thứ hai, là lao động thặng dư vật hóa, là phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động và bị nhà tư bản chiếm đoạt.

Do đó, đặc điểm bóc lột của chủ nghĩa tư bản không phải là ở sự tồn tại lao động thặng dư, mặc dù dưới sự thống trị của tư bản, trình độ bóc lột được nâng lên rất cao, mà đặc điểm của nó là lao động thặng dư đã hao phí mang hình thái giá trị thặng dư, còn tỷ lệ giữa thời gian lao động thặng dư và thời gian lao động cần thiết thì mang hình thái tỷ lệ giữa giá trị thặng dư và tư bản khả biến. Quan hệ bóc lộc bị vật hóa, bị che lấp đằng sau quan hệ giữa vật với vật. Vì vậysự bóc lột trong chủ nghĩa tư bản là rất tinh vi và không có giới hạn.

Với những nội dung cốt lõi nêu trên, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, ngay từ khi mới ra đời đã vấp phải sự phê phán, phủ nhận từ phía những người biện hộ và bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản hiện đại mặc dù có những bước phát triển mới, có sự điều chỉnh ở mức độ nào đó về chế độ sở hữu, quản lý và phân phối, về kiến trúc thượng tầng, nhất là về hệ thống pháp luật và sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản độc quyền,… để tồn tại và thích nghi với bối cảnh mới, nhưng học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác vẫn còn nguyên giá trị, bởi bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn hiện hữu, không hề thay đổi.

Thứ hai, vấn đề bóc lột của chủ nghĩa tư bản hiện đại trên cơ sở xem xét các biểu hiện mới.

Do sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, một số nền kinh tế phát triển đang chuyển sang phát triển kinh tế tri thức. Những nhân tố chủ yếu trong sản xuất của xã hội công nghiệp (đất đai, lao động, nguyên liệu, vốn) trở thành thứ yếu, tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất trong nền sản xuất hiện đại. Từ đó, một số học giả cho rằng: trước kia chỉ có công nhân sản xuất mới tạo ra giá trị gia tăng, hiện nay chính tri thức chứ không phải lao động mới là nguồn gốc của giá trị thặng dư.

Ngày nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, xã hội thông tin, thì lý lẽ bác bỏ lý luận giá trị thặng dư có vẻ thuyết phục hơn. Vì vậy, một số học giả cho rằng: chủ nghĩa tư bản nếu còn bóc lột thì chỉ bóc lột người máy. Vì trong các xí nghiệp hiện đại, tự động hóa, quá trình sản xuất ra sản phẩm không cần hoặc cần rất ít lao động sống, nhưng giá trị do các xí nghiệp này tạo ra tăng gấp bội so với các xí nghiệp cổ điển dùng rất nhiều công nhân như trước đây,... Họ cho rằng, ở các nước tư bản phát triển, mức sống của đại đa số công nhân được nâng cao hơn trước rất nhiều, một số công nhân đã có cổ phiếu trong các xí nghiệp, công ty tư bản, xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo. Vì vậy, nảy sinh luận điệu: không còn có sự phân biệt tư bản và lao động, không ai bóc lột ai, ... Những luận điểm đó mới nghe quả thật cũng có sự hấp dẫn, nhưng chúng không bác bỏ được sự thật. Mặc dù có những bước phát triển bằng những biểu hiện mới về mặt lượng và chất cục bộ, như nhiều người thường diễn tả nó vừa là nó, vừa không phải là nó, nhưng bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi.

Một là, mọi người đều thấy sự bóc lột đã từng tồn tại các xã hội trước chủ nghĩa tư bản, đó là: chiếm hữu nô lệ, phong kiến.

Trong xã hội có giai cấp đối kháng, bóc lột là hành vi của một số người hoặc tập đoàn người trong xã hội dựa vào sự độc quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ để chiếm hữu lao động không công (lao động thặng dư), thậm chí cả lao động tất yếu của một bộ phận hoặc tập đoàn người khác. Vậy là, điểm chính yếu và thực chất của sự bóc lột là chiếm hữu không hoàn trả lao động, hoặc tài sản của người khác. Có thể nói đây là nghĩa gốc của sự bóc lột.

Vì vậy, khi xem xét quan hệ bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày nay không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê ở các nước tư bản chủ nghĩa, mà phải xem xét cả quan hệ thống trị, bóc lột của các nước phát triển với các nước đang kém phát triển, điều này được thể hiện ở sự phân hóa thành hai cực: giàu, nghèo của thế giới. Do sự bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản đã mang tính quốc tế. Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, quốc tế hóa sản xuất và đời sống; chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quốc tế, thông qua nhiều hình thức như: di chuyển lao động từ nước này sang nước khác, việc bành trướng của các công ty xuyên quốc gia, xuất khẩu tư bản, tình trạng bất bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế, sự xuất hiện cái gọi là chủ nghĩa thực dân kinh tế, giữa các nước giàu với các nước nghèo,...  khiến cho việc sản xuất giá trị thặng dư mang tính quốc tế, được tư bản hóa, được xuất khẩu để quốc tế hóa tư bản với sự đa dạng của các hình thức sản xuất ra giá trị thặng dư.

Hai làcuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản ?

Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã và đang chuyển sang phát triển kinh tế tri thức, làm thay đổi sâu sắc về cách thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tổ chức quản lý, vị trí con người trong sản xuất... Kinh tế tri thức xuất hiện, là sự thừa nhận vai trò của tri thức trong nền kinh tế của các nước phát triển - tri thức là một trong những yếu tố quan trọng của sản xuất.

Thông qua sử dụng ồ ạt các thiết bị tự động hóa, nhà tư bản ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại với quy mô lớn vào quá trình sản xuất, đã nâng cao năng suất lao động lên gấp nhiều lần. Vì vậy, công nhân họ thuê ít hoặc không thuê công nhân điều khiển máy móc mà vẫn có thể giành được giá trị thặng dư nhiều hơn. Điều đó, cũng không thể phủ định lý luận giá trị lao động và nguyên lý cơ bản của lý luận giá trị thặng dư, tức là giá trị và giá trị thặng dư đều do lao động sống của người lao động sáng tạo ra, lao động sống là nguồn gốc duy nhất của giá trị và giá trị thặng dư. Các yếu tố sản xuất khác (máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ,… kể cả người máy) đều không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Trong nền công nghiệp trước đây đã như thế, thì hiện nay, trong điều kiện kinh tế tri thức cũng vậy không hề thay đổi. Điều mà ai cũng biết, khoa học, kỹ thuật và thiết bị tự động hóa, cùng yếu tố sản xuất khác đều là sản phẩm lao động và có giá trị, đều thuộc về tư liệu sản xuất và điều kiện vật chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. C.Mác chưa bao giờ phủ định "tác dụng quan trọng" của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất. Khi nghiên cứu sự hình thành giá trị và làm tăng thêm giá trị, C.Mác đã nhấn mạnh tiền đề của nó là tư liệu sản xuất (nguyên liệu và tư liệu lao động) không thể thiếu của sản xuất giá trị thặng dư.

Thực tế cho thấy, cho dù máy móc tự động hóa đã thay thế lao động trực tiếp và một bộ phận lao động trí óc của con người, nhưng không thay thế được địa vị lao động của con người, càng không thể thay đổi địa vị chủ thể của con người trong quá trình sản xuất. Thiên nhiên không tạo ra máy móc, kể cả người máy dù tiên tiến, hiện đại đến đâu đi nữa vẫn do con người chế tạo, lắp đặt, vận hành, điều khiển, bảo dưỡng và sửa chữa. Việc chế tạo, điều khiển người máy chính là sự kết tinh lao động sống của con người, tất nhiên là lao động phức tạp, chứ không phải là lao động giản đơn. Nếu tách rời lao động sống thì người máy cũng chỉ là vật chết. Hệ thống máy móc tự động ở đây có thể làm cho lao động trực tiếp giảm xuống tới mức tối thiểu về mặt lượng, nhưng vẫn là một yếu tố cần thiết, song trở thành thứ yếu so với lao động trí tuệ, nhưng lao động sẽ biểu hiện ra là một loại lao động, trong đó con người kiểm soát, điều tiết bản thân quá trình sản xuất và đứng bên cạnh quá trình ấy. Vì vậy, bất cứ lao động nào, dù là lao động giản đơn hay lao động trí tuệ mà không được trả công tương xứng với giá trị mà lao động đó sáng tạo ra (sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết) trong tư bản chủ nghĩa đều bị bóc lột giá trị thặng dư.

Có thể thấy, dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại, cho dù khoa học - công nghệ phát triển mạnh đến đâu và hình thành kinh tế tri thức, nhưng không thể làm thay đổi nguồn gốc của giá trị thặng dư, không thể làm thay đổi thực chất nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư của người lao động làm thuê và bản chất của chủ nghĩa tư bản là không thay đổi.

Ba là, những biểu hiện mới về bóc lột giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản hiện đại

Hiện nay chủ nghĩa tư bản không chỉ bóc lột công nhân lao động cơ bắp mà chủ yếu là bóc lột công nhân trí thức. Bởi , dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, một số nước có nền kinh tế phát triển thì công nhân trí thức đã và đang có xu hướng tăng lên, chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động. Tỷ suất giá trị thặng dư ngày càng cao và bóc lột rất tinh vi, bằng phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là chủ yếu, đồng thời với việc nâng cao thu nhập, mức sống của người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chính sự sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quốc tế đã làm cho sự bóc lột giá trị thặng dư mang tính hai mặt đó là: Thứ nhất, đó là tăng cường vì có môi trường đầu tư thuận lợi: cung cấp tư liệu sản xuất, chỉ dẫn và định hướng quá trình sản xuất giá trị thặng dư; điều chỉnh dòng chảy giá trị thặng dư tư bản hóa,... Thứ hai, đó là hạn chế vì sử dụng các luật lệ, chính sách để điều chỉnh khi sự bóc lột của các công ty tư bản "quá ngưỡng" có thể xảy ra nguy cơ xung đột về chính trị và xã hội. Ngày nay, sự điều tiết phân phối giá trị thặng dư của các nhà tư bản qua thuế, quỹ phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp,… cũng tạo nên một số thu nhập nào đó cho người lao động.

Quan hệ phân phối giá trị thặng dư trong xã hội tư bản hiện đại. Đó là: (1) Xuất hiện tầng lớp trung lưu (một bộ phận công chức, lao động có tay nghề cao có mức sống khá); (2) Một bộ phận công nhân có cổ phần, là cổ đông trong các công ty cổ phần; (3) Người lao động đầu tư dưới hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm mà thu được lợi tức cổ phần, lợi tức trái phiếu và lãi suất tiền gửi. Như vậy, họ cũng là người góp phần tham dự vào việc phân phối lại giá trị thặng dư trong xã hội tư bản, nhưng sự phân phối đó là không nhiều. Thu nhập nói trên của một bộ phận công nhân chẳng qua chỉ là họ lấy lại một phần rất nhỏ trong khối lượng lớn giá trị thặng dư mà do chính họ sáng tạo ra.

Sự xuất hiện những hiện biểu hiện mới, lý thuyết phân phối giá trị thặng dư trong xã hội tư bản hiện đại không vì thế mà giảm đi ý nghĩa của nó, nếu xét thực chất và theo quy luật số lớn chiếm trong số giá trị thặng dư. Hơn nữa, họ chỉ là một bộ phận rất nhỏ so với các nhà tư bản tài phiệt và điều đó cho thấy, những khoản lợi nhuận khổng lồ gắn với tài sản rất cao trong xã hội tư bản, một nhóm nhỏ các nhà tư bản chiếm hữu phần lớn của cải, tài sản xã hội và những nhà tư bản trục lợi nắm trong tay một khối lượng lớn cổ phần, trái phiếu, bất động sản và các khoản tài chính khác. Vì vậy, một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào 99 chống lại 1 diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản.

Tóm lại, những phân tích trên chưa thể nói lên tất cả những mâu thuẫn, xung đột ngày càng gay gắt trong lòng xã hội tư bản hiện đại, nhưng phần nào đã phác họa được bức tranh khái quát về những hình thức biểu hiện mới của vấn đề bóc lột của tư bản đối với lao động trên toàn thế giới. Dù những hình thức bóc lột có biến tướng, tinh vi đến mức nào chăng nữa thì bản chất bóc lột của tư bản đối với lao động vẫn là bóc lột giá trị thặng dư - tức là bóc lột lao động sống của người lao động chứ không thể bóc lột lao động “chết” của máy móc. Mặc dù đã có sự thay đổi và điều chỉnh, nhưng mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại thì khi ấy, học thuyết giá trị thặng dư vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét