Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

PHÊ PHÁN NHỮNG LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA

Từ nhiều năm trước và đến hiện nay, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền KTTT định hướng XHCN; KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn. Do đó, mặc dù Việt Nam đã tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều nước vẫn chưa công nhận kinh tế Việt Nam là KTTT.

Họ còn cho rằng: Một mặt, Nhà nước ta chủ trương phát triển KTTT, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng các hình thức sở hữu; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhưng mặt khác, Nhà nước ta lại xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế thì như vậy là có sự phân biệt đối xử, không thể bình đẳng. Do đó, không thể có KTTT thật sự, KTTT theo thông lệ quốc tế. Hơn nữa, Nhà nước ta lại xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động cả trong nước và ngoài nước thì nền KTTT sẽ phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa như các nước tư bản khác chứ không phải phát triển theo định hướng XHCN. Nói định hướng XHCN chỉ là chủ quan, duy ý chí hay là tự lừa dối chính mình, lừa dối người khác mà thôi...

Những luận điệu như vậy không phải là không có tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên CNXH; ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần phải được đấu tranh, phản bác.

Thứ nhất, Sai lầm của những người cho rằng không thể có nền KTTT định hướng XHCN, là do họ đã đồng nhất KTTT với KTTT chủ nghĩa tư bản, cho rằng, chỉ có một loại KTTT là KTTT tư bản chủ nghĩa (TBCN). Song, thực chất các quan hệ KTTT và các quan hệ tư bản là hoàn toàn khác nhau. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của KTTT. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT TBCN. Giá trị và tư bản là những phạm trù khác nhau, cũng như quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư là những quy luật khác nhau.

Thứ hai, sai lầm của những người này là dường như cho rằng KTTT TBCN từ khi ra đời đến nay là không thay đổi, “nhất thành, bất biến”. Họ không thấy rằng trải qua thời gian, KTTT TBCN cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, KTTT TBCN là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền KTTT hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã lấy KTTT làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, đã xuất hiện nhiều mô hình KTTT ở các nước tư bản phát triển, dù ở mức độ khác nhau, đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của CNXH trong lòng chủ nghĩa tư bản (là những sự phủ định đối với tư bản tư nhân, dù vẫn chưa phá bỏ được chế độ tư bản). Do tính chất của thời đại, một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, cũng có thể quá độ lên CNXH. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở những nước này, sử dụng cả KTTT và cả kinh tế TBCN để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho CNXH.

Về sai lầm của luận điểm cho rằng các quy luật của KTTT và định hướng XHCN hoàn toàn đối lập, loại trừ nhau: Là một nền KTTT thì phải vận hành theo các quy luật của KTTT. Đó là các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật lưu thông tiền tệ, trong đó trung tâm là quy luật giá trị. Đặc trưng của KTTT là cạnh tranh. Các doanh nghiệp (dùng doanh nghiệp để chỉ chung cho tất cả các chủ thể kinh tế) luôn phải cạnh tranh với nhau để chiếm được các nguồn lực sản xuất (đất đai, tài nguyên, vốn, lao động, khoa học - công nghệ...), các dự án đầu tư, chiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cạnh tranh là sức ép, động lực thúc đẩy các doanh nghiệp năng động, sáng tạo, cải tiến quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; qua đó, thúc đẩy kinh tế phát triển, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Quy luật cạnh tranh là mạnh được, yếu thua. Đây là mặt tích cực của cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng dẫn đến những hậu quả tiêu cực: Khai thác tối đa sức lực người lao động (kéo dài giờ làm, tăng cường độ lao động), giảm chi phí cho lao động (giảm lương, giảm bảo hộ lao động); khai thác cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, như làm hàng giả, kém chất lượng, ăn cắp công nghệ, buôn lậu, trốn thuế, chuyển giá, triệt hạ đối thủ... Trong nền KTTT có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển hiện nay, nhà nước tạo khung khổ pháp luật cho cạnh tranh; bảo vệ, tôn trọng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; nhưng đồng thời, ngăn ngừa, hạn chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.

Về những luận điểm sai lầm liên quan đến vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và KTTN trong nền KTTT định hướng XHCN: Sai lầm của những người cho rằng nếu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì không có bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế và không thể có nền KTTT, một là, do bị ám ảnh bởi kinh tế nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp trước đây; hai là, do hiểu sai về vai trò chủ đạo, cho rằng chủ đạo là phải được sự ưu đãi, ưu ái của Nhà nước, phải chiếm tỷ trọng lớn, chèn ép, lấn lướt các thành phần kinh tế khác. Trong nền kinh tế trước đổi mới, chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không có KTTN (KTTN không được phép tồn tại); kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong nền kinh tế, do Nhà nước trực tiếp quản lý bằng kế hoạch hóa tập trung, thì không thể có KTTT. Ngày nay, kinh tế nhà nước hoàn toàn khác. Kinh tế nhà nước bao gồm các nguồn lực kinh tế của Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước là một công cụ của Nhà nước, để cùng với các công cụ khác, như pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Nhà nước quản lý, điều tiết hoạt động của nền kinh tế. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được huy động, phân bổ, sử dụng theo yêu cầu phải phù hợp, phục vụ việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước; nhưng khi thực hiện phải theo cơ chế thị trường, thông qua đấu thầu cạnh tranh, có sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, để việc phân bổ hợp lý, sử dụng có hiệu quả cao. Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước đầu tư, phát triển ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước (nhất là khi các thành phần kinh tế khác không được, không muốn hay không đủ sức đầu tư), làm lực lượng tiên phong, nòng cốt cho sự phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn đó. Các doanh nghiệp nhà nước tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Khi đã có các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn này và không nhất thiết phải có doanh nghiệp nhà nước, thì Nhà nước có thể thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển vốn nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng khác để thực hiện chiến lược, mục tiêu mới của Nhà nước. Như vậy, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với ý nghĩa là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết, thúc đẩy, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với vai trò đó, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không mâu thuẫn, cản trở hoạt động của các quy luật kinh tế, với sự phát triển của KTTT.

Về sai lầm của luận điểm cho rằng, KTTN với vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh thì nền kinh tế không thể phát triển theo định hướng XHCN mà sẽ trở thành nền kinh tế TBCN. Quả thật, nếu để KTTN phát triển một cách tự phát thì nền KTTT nước ta sẽ đi theo con đường TBCN. Nhưng nền KTTT nước ta có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, KTTN không phát triển tự phát, mà phải tuân thủ pháp luật, chính sách của Nhà nước, được định hướng hoạt động phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước, bảo đảm điều kiện lao động, quan hệ lao động hài hòa, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khi Nhà nước khuyến khích KTTN phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động ở cả trong nước và ngoài nước thì pháp luật, chính sách của Nhà nước cũng định hướng các tổng công ty, tập đoàn kinh tế phát triển thành các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các lực lượng xã hội. Bằng cách đó, Nhà nước ta sẽ đưa KTTN vào con đường phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước, một nấc thang quá độ lên CNXH, để KTTN đóng góp vào phát triển nền KTTT định hướng XHCN.

Một điểm khá giống nhau là nhiều báo cáo nêu “do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường”. Nhiều chỉ tiêu phát triển không đạt, hoặc hạn chế, khuyết điểm của đơn vị bị đổ lỗi do tác động nêu trên. Người soạn thảo báo cáo dường như đã quá quen với mệnh đề này, thường lấy nó để biện minh cho những sai lầm, khuyết điểm do chủ quan.

Ai cũng thấy nền kinh tế thị trường là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Nhờ có kinh tế thị trường mà đất nước ta phát triển như ngày nay. Từ việc xây dựng thể chế pháp luật cho đến các quan hệ xã hội đều có sự thay đổi theo cơ chế thị trường. Việt Nam đang tích cực vận động để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Gần đây, Trung ương ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, không nên đưa vào các báo cáo chính trị câu “do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường” nữa, vì không còn phù hợp trong bối cảnh đã hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Đúng vậy. Nếu có thì hãy nêu những điểm chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ của nền kinh tế, những yếu kém từ nhận thức tới hành động của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu về kinh tế thị trường. Các báo cáo chính trị cần đánh giá sâu những kết quả đạt được do thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về kinh tế thị trường; nêu rõ những tàn dư của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, cơ chế xin - cho. Thể hiện nhận thức nhất quán với đường lối của Đảng, nên chăng các báo cáo sử dụng những cụm từ như “nhờ có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, hoặc “nhờ đổi mới tư duy kinh tế”, “nhờ phát huy mặt tích cực của kinh tế thị trường”. Bởi thời gian tới, việc hoàn thiện và vận hành kinh tế thị trường như thế nào để phát triển nhanh, bền vững là một mục tiêu lớn của đất nước ta. Lâu nay người ta thường qui kết nguyên nhân chủ yếu nhiều tiêu cực của cán bộ, công chức, nhất là tham nhũng, là do “mặt trái của cơ chế thị trường”. Vậy có phải chỉ đơn giản như vậy ?

Trong thực tế sự vật nào cũng có mặt trái. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Mỗi huân chương đều có mặt trái”. Cơ chế thị trường cũng vậy, cũng có hai mặt. Như mọi người đã biết, thị trường là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán theo các qui luật khách quan.

Cơ chế thị trường có ưu điểm là tự do kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh, thông qua thị trường mà phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả nhất, phát huy đến mức cao nhất các tài năng sáng tạo... Thế nhưng, cơ chế thị trường cũng có những khuyết tật mà chủ yếu là cạnh tranh vô tổ chức, độc quyền, gây ra phân hóa giàu nghèo, hủy hoại môi trường.

Nói thị trường cũng là nói những lĩnh vực được coi là hàng hóa và có sự trao đổi hàng hóa. Đương nhiên không phải mọi giá trị đều là hàng hóa có thể mua bán; không phải mọi quan hệ xã hội đều là quan hệ thị trường. Việc bầu cử, bổ nhiệm chức vụ công tác vốn không phải là quan hệ thị trường, bởi vì chức vụ công tác vốn không phải là hàng hóa nhưng bởi vì chức vụ, trong một số trường hợp, có thể bị cán bộ, công chức thoái hóa lạm dụng chức quyền, thu lợi cá nhân, do đó có người “chạy” và “mua” chức vụ (có thể bằng tiền), và sau đó họ phải tìm mọi cách để sớm “thu hồi vốn” và có lãi, do đó nảy sinh “thị trường quan chức”. Đó đích thực là tội tham nhũng, hối lộ phi pháp.

Để khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động kinh tế, xã hội cũng như trong quản lý nhà nước, rất cần nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của công tác quản lý nhà nước và vai trò giám sát của xã hội.

Thông qua hệ thống thể chế, chính sách, Nhà nước hướng dẫn thị trường, ban hành hệ thống luật pháp (như Luật cạnh tranh, hạn chế độc quyền, Luật bảo vệ môi trường,...) và kiểm tra việc thực hiện thể chế, chính sách đó. Đồng thời Nhà nước ban hành các qui định về tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm trong sạch bộ máy và cán bộ, công chức của mình, đặc biệt là theo dõi việc thực hiện các qui định pháp luật, xử lý nghiêm túc các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm.

Song, Nhà nước cũng có những khiếm khuyết của nó, chuyển từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, những khuyết tật của Nhà nước lại càng lộ rõ, nhất là khi hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường chưa được hình thành đồng bộ, hoàn chỉnh, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập.

Trong cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu, bao cấp không phải không có tham nhũng, chỉ có hình thức và mức độ khác với ngày nay. Trong tình hình chống tham nhũng được coi như chống “nội xâm” thì việc làm trong sạch bộ máy và cán bộ, công chức lại càng có ý nghĩa quyết định, chính là để cán bộ, công chức không thể lợi dụng những khiếm khuyết của thị trường mà mưu cầu lợi ích không chính đáng.

Khắc phục tệ nạn tham nhũng phải bằng những biện pháp đồng bộ, mà quan trọng nhất là hình thành hệ thống pháp luật khiến công chức không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng và cũng không thể tham nhũng. Có lẽ giải pháp trước tiên và quan trọng nhất chính nằm trong cơ chế tuyển chọn và sử dụng cán bộ, công chức; mà đây lại chính là một lĩnh vực cần và có thể vận dụng cơ chế thị trường: qua thị trường mà tuyển chọn được người tài. Nếu không làm được đầy đủ thì chớ đổ lỗi cho “mặt trái của cơ chế thị trường”!

Điều quan trọng nhất là phải đề cao sự giám sát của xã hội. Xã hội giám sát thị trường, giám sát Nhà nước, có tác dụng quyết định chống những tiêu cực của mỗi cán bộ, công chức. Thông qua các tổ chức dân cử, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự, các phương tiện thông tin đại chúng... và rất quan trọng là bằng tai, mắt, lời nói, việc làm của chính người dân, xã hội giám sát thị trường (các tổ chức sản xuất, kinh doanh) trong các hoạt động kinh tế, nhất là trong việc tuân thủ pháp luật.

Xã hội giám sát Nhà nước trong việc đề ra và thực thi hệ thống pháp luật, vì lợi ích của cộng đồng. Xã hội giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, từ việc chi tiêu ngân sách (được đóng góp bằng tiền thuế của dân), nhất là đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn nhà nước cho đến tổ chức, cơ chế hoạt động của bộ máy công quyền, giám sát hành vi của từng cán bộ, công chức.

Điều quan trọng là những hoạt động của cơ quan công quyền liên quan đến người dân phải được công khai hóa để người dân biết và giám sát. Cán bộ, công chức ở mọi ngành, mọi cấp đều phải được đặt dưới sự giám sát của dân, của xã hội; không có sự giám sát chặt chẽ, không tránh khỏi lạm quyền, độc quyền và tham nhũng xảy ra là dễ hiểu. Gần đây, báo chí đã có công phanh phui những vụ bê bối, tham nhũng lớn trong một số ngành, tổng công ty nhà nước, đó là điều rất đáng biểu dương.

Như vậy, không nên đổ lỗi tất cả những tiêu cực của cán bộ, công chức, nhất là tệ tham nhũng, cho cái gọi là “mặt trái của cơ chế thị trường” khi đã công nhận và thực thi cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; mà trước hết cần sửa đổi tận gốc cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán bộ, công chức, nhất là đề cao vai trò giám sát của xã hội đối với cơ quan nhà nước, đối với cán bộ, công chức.

Định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường là một yêu cầu khách quan của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sự định hướng này vừa đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, vừa đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, khẳng định định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là “cái đuôi” được gán ghép chủ quan vào nền kinh tế thị trường, hay kinh tế thị trường làm sai lệch bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó chính là tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bổ sung, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu, kế thừa thành tựu văn minh nhân loại vào thực tiễn tình hình đất nước. Sự thành công của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay khẳng định tính đúng đắn chủ trương đổi mới của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và một nền kinh tế thị trường hiện đại, hiệu quả và hội nhập quốc tế sâu rộng.

                                                                  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), NXB Chính trị quốc gia, H.2015.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, H. 2016

3. Đoàn Thị Kim Hoa, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. https://dtcblehongphong.hanoi.gov.vn/

nghien-cuu-trao-doi/-/view_content/3292217-giu-vung-dinh-huong-xhcn-trong-nen-kinh-te-thi-truong-o-viet-nam-hien-nay.html

4. Nguyễn Phú Trọng, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển, Tạp chí cộng sản số 1 (122) năm 2007.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét