Mặt trận tư tưởng được coi là “mặt trận không tiếng súng” nhưng
mối nguy hại từ những luồng tư tưởng xấu lại có sức công phá lớn đe dọa đến sự
tồn vong của quốc gia, dân tộc. Lành mạnh hóa không gian, môi trường sống với
nền tảng tư tưởng vững mạnh, hệ thống thông tin đáng tin cậy cùng bản lĩnh
chính trị của người truyền phát - tiếp nhận thông tin là nhân tố quan trọng góp
phần chống lại những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch trong và ngoài
nước.
Sự nhiễu loạn thông tin trên mặt trận tư tưởng
Thông
tin là sức mạnh, vì thế việc kiểm soát tốt thông tin, nhất là những thông tin
chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, khoa học có vai trò quan trọng quyết
định đến sự lớn mạnh, ổn định, phát triển của mỗi quốc gia. Trên mặt trận tư
tưởng, thông tin là hạt nhân, là cầu nối quan trọng giữa chủ thể truyền phát
(cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội) với chủ thể tiếp nhận (công
chúng). Đó là mối quan hệ, tương tác hai chiều, tác động qua lại và chi phối
lẫn nhau. Thông tin tốt sẽ định hướng, tập hợp được quần chúng, tạo sự đồng
thuận cùng hướng đến những lý tưởng mục tiêu tốt đẹp. Trái lại, những thông tin
xấu, độc có tác động tiêu cực, gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin;
kích động bạo lực, lật đổ với mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm
thay đổi nhận thức, hành động của con người theo chiều hướng xấu, tạo sự khủng
hoảng và những cơn dư chấn mạnh trong đời sống chính trị - xã hội, gây “những
tổn thương tinh thần” cho nhiều thế hệ… Do vậy, việc kiểm soát tốt thông tin
với tính chất là khâu đầu tiên “thanh lọc” những vấn đề tốt - xấu để định
hướng, tuyên truyền, mang đến cho người tiếp nhận những tri thức hữu ích nhằm
không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên ngành, phục vụ tốt nhất
cho hoạt động sản xuất vật chất và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là
việc làm cần thiết, cấp bách, lâu dài, có ý nghĩa chiến lược.
Kiểm
soát thông tin, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý, các tổ chức đoàn
thể chính trị, nhưng vai trò của chủ thể nhân dân cũng không kém phần quan
trọng. Việc chủ động, nâng cao trình độ nhận thức sẽ là những điều kiện đầu
tiên, căn bản để người dân tự kiểm soát, chắt lọc, nhận diện thông tin.
Trong
bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ
thông tin, internet mang lại những cơ hội thuận lợi để con người ở các châu lục
có điều kiện tiếp cận, trao đổi, giao lưu một cách dễ dàng, thuận tiện, nhanh
nhạy trên mọi lĩnh vực, không phân biệt màu da, dân tộc, giai tầng, lứa tuổi;
giúp các quốc gia, dân tộc xích lại gần với nhau hơn; xóa nhòa khoảng cách về
không gian địa lý, mở ra những cơ hội, vận hội mới để cùng nhau hợp tác, phát
triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của internet, mạng
xã hội cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ, tác động tiêu cực đến đời sống tư
tưởng, tình cảm con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Trên không gian
mạng hiện nay, bên cạnh những thông tin chính thống, phản ánh sự thật lại là sự
áp đảo của các thông tin xuyên tạc, bịa đặt được cung cấp bởi các thế lực thù
địch, các nhà mạng nước ngoài. Sự tràn ngập của các thông tin tốt - xấu lẫn
lộn, sự xâm lăng văn hóa, sự xuất hiện của những xuất bản phẩm kém giá trị, sự
lộng hành của các trang web “đen”, những hạn chế, yếu kém trong công tác quản
lý truyền thông… đang tạo những nguồn cơn dẫn đến nguy cơ của cuộc chiến tranh
mới mà Đại hội XII của Đảng gọi là “chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng”(1),
đe dọa đến sự an toàn, an ninh con người ở nước ta hiện nay.
Một
trong những thách thức trong công tác tư tưởng là sự nhiễu loạn của hệ thống
thông tin với những tin tốt - xấu lẫn lộn, khó kiểm soát. Với sự bùng nổ của
công nghệ thông tin, sự trỗi dậy của các nhóm, thế lực phản động, chúng đã tận
dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ số, mạng xã hội để tuyên truyền những
tư tưởng độc hại nhằm gây nhiễu thông tin chính thống, làm ô nhiễm môi trường,
không gian mạng, gây hoang mang dư luận; phá vỡ niềm tin và cắt đứt sợi dây
liên kết giữa Đảng với nhân dân, nhất là vào những thời điểm mang ý nghĩa chính
trị - lịch sử quan trọng như trước và sau các kỳ Đại hội Đảng, các ngày lễ kỷ
niệm, các sự kiện trọng đại của đất nước với tần số bài viết đăng tải lớn trên
nhiều kênh, phương tiện truyền thông nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của các đồng
chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, gây sự chú ý, tò mò của công chúng, làm lạc
hướng dư luận. Không chỉ tấn công vào hệ thống chính trị trong những thời điểm
cụ thể mà hằng ngày, hằng giờ trên không gian mạng, các trang web có nội dung
thiếu lành mạnh, cắt ghép hình ảnh, thêm bớt thông tin theo chiều hướng bất lợi
xuất hiện liên tục, bàn luận đến nhiều vấn đề, sự kiện trong nước, chủ yếu xoáy
sâu vào những góc khuất, những mặt trái của xã hội với cái nhìn định kiến, bịa
đặt, xuyên tạc, kình địch với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận những
thành quả cách mạng trong công cuộc đổi mới của nước ta.
Giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trên mặt trận tư tưởng
Mặt
trận tư tưởng được coi là mặt trận sống còn trong công tác xây dựng Đảng. Sự
thống nhất, đồng thuận về tư tưởng, nhận thức, giữ vững và phát triển sáng tạo
chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ là động lực quan trọng làm nên
sự ổn định, vững bền của quốc gia. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong công tác an
toàn, an ninh thông tin, sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch, mặt
trái của công nghệ thông tin, internet… tạo những kẽ hở để những thông tin xấu
hoành hành, gây hậu quả nghiêm trọng, chi phối đến nhận thức, hành động của
nhiều thế hệ.
Dự
thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công An soạn thảo, sau 14 lần chỉnh sửa đã chính
thức trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhận được sự quan
tâm lớn của dư luận, cho thấy “cuộc chiến trên không gian mạng” là vô cùng khó
khăn, quyết liệt. Để tạo không gian, môi trường tư tưởng lành mạnh, có văn hóa
trên các trang mạng, các phương tiện truyền thông, người dân được tiếp cận với
những thông tin chính thống, đúng sự thực, bản chất vấn đề, công tác tư tưởng
của Đảng được thông suốt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng
nhiệt tình của đông đảo nhân dân, với những biện pháp cụ thể.
Thứ nhất, cần thống nhất trong
nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về vai trò đặc biệt của
công tác tư tưởng, lý luận đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, cũng như công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Triển khai có hiệu quả các chỉ thị,
nghị quyết của Đảng có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc đấu tranh
chống lại các luận điệu sai trái trên mặt trận tư tưởng; ngăn chặn, đẩy lùi âm
mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng như những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, như: Nghị quyết Trung ương 5
khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Nghị quyết
số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên
cứu đến năm 2030; Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về
tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, thực thi
pháp luật của các cơ quan chủ quản, người tham gia sử dụng công nghệ thông tin,
internet, mạng xã hội cần được quan tâm, tăng cường, nhất là những quy định
trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ về quản lý,
cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Luật An ninh quốc
gia (năm 2004); Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015); Luật báo chí (năm
2016)… Đây là hành lang pháp lý và những tri thức công cụ cần được trang bị
trước khi sử dụng, tham gia hoạt động đăng tải và tiếp nhận thông tin trên mạng
internet.
Thứ hai, để cung cấp cho
công chúng những thông tin tốt, có chất lượng, bảo đảm độ chính xác, tin cậy
đến với nhân dân, các cơ quan, đoàn thể phụ trách về công tác thông tin truyền
thông, tuyên truyền cần phối hợp tốt với các cấp chính quyền trong việc cung
cấp thông tin chính thống cho báo chí; kịp thời định hướng dư luận, tránh sự
hiếu kỳ, đồn thổi. Nhằm có những thông tin tốt, có trọng lượng, đòi hỏi người
làm công tác thông tin tuyên truyền phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính
trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xử lý khéo léo, linh hoạt trong mọi tình
huống. Có khả năng dự báo tình hình, đoán định những kịch bản có thể xảy ra.
Thường xuyên đổi mới tư duy, cập nhật những vấn đề mới; có những tham mưu, tư
vấn hữu ích đối với những nhà hoạch định đường lối, chính sách.
Thứ ba, với những diễn biến
phức tạp trên mạng xã hội hiện nay, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước
về thông tin truyền thông là yêu cầu bức thiết. Đặc biệt đối với các cơ quan
thông tấn, báo chí cần bám sát mục tiêu, tôn chỉ, đường lối của Đảng; biểu
dương, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, những mô hình, cách thức; phản ánh
những hành vi sai trái, những luận điệu xuyên tạc, tạo dựng niềm tin, xây dựng
lý tưởng, khát vọng cho nhân dân.
Sự
bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều loại hình báo, đài ra đời, nhất là các
trang thông tin điện tử khiến cho công tác quản lý, định hướng gặp nhiều khó
khăn, không theo kịp sự phát triển. Trong khi đó, do tác động của cơ chế thị
trường, đồng tiền, danh vị, nhiều cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên
tập đã cho đăng tải những thông tin kém giá trị, những hình ảnh phản cảm, có
tác động xấu đến việc hình thành tư tưởng, tình cảm cho tầng lớp thanh thiếu
niên. Một số cây bút chạy theo tâm lý thời thượng, không kiểm soát được nội
dung thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức.
Bên
cạnh đó, những vụ, việc đưa tin thất thiệt, những bình luận cá nhân về những
vấn đề chính trị, hành động đăng tải những hình ảnh, clip thiếu chuẩn mực văn
hóa trên mạng xã hội facebook đã vô tình gây nguy hại lớn cho cá nhân, gia đình
và toàn xã hội. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục ý thức pháp luật, nâng cao
năng lực, hành vi của người dùng internet cũng như có hình phạt xứng đáng, có
tính răn đe với những hành vi vi phạm mới có thể làm lành mạnh, trong sạch
không gian, môi trường thông tin trên mạng xã hội.
Việc
triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
cần được triển khai đồng bộ, thống nhất theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao
tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ quan báo chí trên mặt trận tư
tưởng. Xây dựng những báo điện tử lớn, có độ tin cậy và tầm ảnh hưởng sâu rộng
trong công chúng để việc tuyên truyền, định hướng thuận lợi, có kết quả.
Để
quản lý hoạt động tư tưởng, các nhà ban hành luật, chính sách cần nhanh nhạy,
kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn, tránh máy móc, hành chính quan liêu, xử
lý không khéo dẫn đến khủng hoảng truyền thông, gây bất lợi cho các cơ quan,
đoàn thể. Đối với việc quản lý, theo dõi các trang mạng nước ngoài hoạt động
trên lãnh thổ Việt Nam, cần có chế tài và sự phối hợp nhịp nhàng để tranh thủ
sự ủng hộ của các nhà mạng; có cơ chế phối hợp để cùng họ kiểm soát, quản lý
tốt thông tin cá nhân, tổ chức được đăng tải, phù hợp với quy định, thông lệ
quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường hợp tác,
trao đổi kinh nghiệm về quản lý internet, mạng xã hội với các nước tiên tiến
trên thế giới. Tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật,
đổi mới công nghệ nhằm kiểm soát thông tin tối ưu. Bởi trong bối cảnh quốc tế
hóa sâu rộng hiện nay, việc liên kết giữa các quốc gia trong khu vực, vùng lãnh
thổ là điều kiện tiên quyết trong việc hợp tác cùng xử lý những bất cập nảy
sinh trên không gian mạng - một không gian xuyên biên giới, tác động đến mọi
quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các “bức
tường lửa” ngăn chặn sự tấn công, hoành hành của các nhà mạng nước ngoài có
động cơ can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, muốn truyền bá những tư tưởng,
xuất bản phẩm độc hại.
Thứ năm, đối với chủ thể sử
dụng, tham gia hoạt động cung cấp, tiếp nhận thông tin cần trang bị cho mình
những tri thức cần thiết, nhất là kiến thức pháp luật để ứng xử có văn hóa trên
không gian mạng. Người dùng internet ở Việt Nam rất đa dạng và ngày càng trẻ
hóa, thuộc mọi giai tầng, lứa tuổi, vùng, miền. Nếu họ không được trang bị
những kiến thức tối thiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của bản thân,
những ích lợi và hậu quả khôn lường từ mạng xã hội thì sự tiêm nhiễm những tư
tưởng độc hại rất dễ xảy ra. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về công tác giáo dục
của gia đình, nhà trường, xã hội, cần tạo ra những không gian lành mạnh, nhân
văn để thế hệ trẻ có nền tảng tư tưởng, văn hóa cần thiết, biết nhận diện đâu
là tốt, là xấu để cống hiến và bảo vệ nền tảng tư tưởng mà Đảng, nhân dân đã
lựa chọn.
Trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, công tác tư tưởng của Đảng cần
phải đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức tuyên truyền, cần lựa chọn, bổ
sung những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” trên mặt trận đầy chông gai, thử
thách. Cần tỉnh táo, chủ động trong tiếp nhận thông tin cùng bản lĩnh chính trị
vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
hướng về nhân dân để phục vụ, như vậy công tác tư tưởng sẽ là “thành trì” vững
mạnh bảo vệ sự ổn định, phát triển vững bền của quốc gia, dân tộc trong bối
cảnh, tình hình phức tạp hiện nay./.
-------------------------
(1)
Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng
Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 71
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét