Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất
quán của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận.
Sự thực đó không một thế lực nào, thủ đoạn tuyên truyền nào có thể xuyên tạc,
phủ nhận.
Gần đây, chủ đề hòa hợp, hòa giải dân tộc lại được những
người tự xưng là “bất đồng chính kiến” - những người phản bội dân tộc - cả ở
trong và ngoài nước xới lên, nhằm kích động, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa
ở nước ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ
ra sức rêu rao rằng: hòa hợp, hòa giải dân tộc chỉ là “cái bẫy” của cộng sản để
thực hiện những mục tiêu nhất thời…, không thể có hòa hợp, hòa giải dân tộc nếu
còn chế độ cộng sản; thậm chí họ còn “lái” khái niệm hòa hợp, hòa giải dân tộc
sang “hòa hợp” với những “người bất đồng chính kiến”.
Vậy vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc bắt nguồn từ đâu? Lực
lượng chính trị nào đã gây ra mâu thuẫn, bất đồng, chia cắt đất nước đối với
dân tộc Việt Nam? Quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về
hòa hợp, hòa giải dân tộc như thế nào?
Trước năm 1945, với chính sách “chia để trị”, thực dân Pháp
đã chia nước ta làm ba miền: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Cách mạng Tháng Tám năm
1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giành được
độc lập cho dân tộc Việt Nam. Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực
dân Pháp đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược thêm 09 năm (1945 - 1954). Sau
những chiến thắng lớn cả ở ba miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là chiến thắng
Điện Biên Phủ tháng 5-1954, thực dân Pháp buộc phải chấp nhận thất bại trên
chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán, nhằm lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng,
tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, thực dân Pháp và tay sai cùng với các thế lực chính trị
nước ngoài đã thúc ép các bên ký hiệp định, Chính phủ ta đã chấp nhận lấy vĩ
tuyến 17 làm ranh giới tạm thời chia đất nước làm hai miền Nam - Bắc. Theo quy
định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai miền Nam - Bắc sẽ tổng tuyển cử, thống nhất
đất nước, nhưng lực lượng tay sai của thực dân Pháp, có sự giúp sức của đế quốc
Mỹ đã phá hoại cuộc tổng tuyển cử. Đây là nguyên nhân đất nước ta bị chia cắt
lần thứ nhất.
Lần chia cắt thứ hai, cũng do đế quốc Mỹ và lực lượng tay
sai thực hiện. Với mong muốn giải phóng hoàn toàn đất nước (do đế quốc thống
trị ở miền Nam), đồng bào miền Nam đã nổi dậy vào năm 1955 - 1956. Cuộc nổi dậy
đã được quân dân ta ở miền Bắc chi viện với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn
đi cứu nước”. Cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc ta sau 17 năm (1956 -
1973) đã đi đến hồi kết. Năm 1973, tại Hội nghị Pa-ri (Pháp), Chính phủ ta và
Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam đã ký Hiệp định Pa-ri, nhằm kết thúc chiến
tranh lập lại hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước.
Theo Hiệp định Pa-ri, lực lượng các bên phải ở yên các vị
trí,… nghĩa là một bộ phận lãnh thổ của chúng ta ở miền Nam vẫn ở trong tay lực
lượng phản động do đế quốc Mỹ chống lưng. Ngay sau khi ngừng bắn, lực lượng tay
sai của Mỹ đã cố tình tấn công lấn chiếm, mở rộng vùng cai trị của chúng, buộc
quân dân miền Nam phải giáng trả. Âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai là
chia cắt vĩnh viễn Việt Nam, nhằm ngăn chặn “làn sóng đỏ”1 xuống
khu vực Đông Nam Á.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân
dân ta (đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh) giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước
được thống nhất. Trong dịp này, đáng tiếc, một số công chức làm việc cho chính
quyền tay sai Sài Gòn và người dân do bị bọn tay sai tuyên truyền đã rời bỏ đất
nước, di tản, sinh sống ở nước ngoài. Gần đây, do thiếu thông tin chân thực ở
trong nước, do bị tuyên truyền xuyên tạc nên đã có không ít người nhận thức sai
lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta
nói chung, về hòa hợp, hòa giải dân tộc nói riêng, dẫn đến kỳ thị với chế độ xã
hội và Nhà nước ta. Cứ gần đến các ngày lế, tết, các sự kiện chính trị quan
trọng, nhất là dịp đất nước ta kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước (30-4 hằng năm) thì những luận điệu xuyên tạc về chính sách hòa giải, hòa
hợp dân tộc của các thế lực thù địch lại rộ lên, với nhiều giọng điệu hằn học,
nhằm khơi dậy hằn thù, phủ nhận chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng
và Nhà nước ta, kích động kiều bào yêu nước về thăm quê, tham gia xây dựng,
phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc
tế.
Để làm rõ hơn chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng
và Nhà nước ta, đồng thời vạch mặt dã tâm của các thế lực thù địch, chống đối,
xuyên tạc chính sách nhân văn đó, cần thấy rằng chính sách hòa hợp, hòa
giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là có cơ sở lịch sử, chính trị và pháp lý
vững chắc, được tổ chức thực hiện minh bạch, hiệu quả. Các cương lĩnh
của Đảng ta, từ Chánh cương vắn tắt, ngày 03-02-1930 đến Cương lĩnh thông qua
tại Đại hội XI của Đảng, năm 2011, đều nhất quán xác định mục tiêu của Đảng
Cộng sản Việt Nam là giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn
lãnh thổ và xây dựng chế độ xã hội do nhân dân làm chủ (mà ngày nay là chế độ
xã hội xã hội chủ nghĩa) - do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc độc
lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ
của dân tộc ta: “… nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai
có thể chia cắt được”2, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông
có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”3.
Các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho
đến Hiến pháp năm 2013 đang được thực thi hiện nay, đều quy định rõ ràng về chế
độ chính trị, nhà nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Điều 1, Hiến
pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước
độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải
đảo, vùng biển và vùng trời”. Về những yếu tố chủ yếu của dân tộc, đã được quy
định tại Điều 5: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống
nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình
đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi
kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có
quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục,
tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình,…” .
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật của Nhà nước
ta đã có chế tài nghiêm khắc với những tội danh xâm phạm an ninh quốc gia,
tuyên truyền phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chẳng hạn, Điều 9, Luật Báo
chí năm 2016, quy địnhcác hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những hành vi
đăng, phát thông tin có nội dung: “Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa
Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân…; Gây hằn
thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng
các dân tộc Việt Nam”.
Hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số kiều bào
Việt Nam định cư ở nước ngoài lên đến trên 4,5 triệu người. Thực hiện chính
sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, trong những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về
người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động, như: tổ chức Hội
nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới; trại hè Việt Nam dành cho thế
hệ trẻ kiều bào; Đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa
hằng năm, v.v. Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân
kiều bào trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, chính kiến và
có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước.
Vừa qua, ngày 26-01-2019, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, đã diễn ra buổi gặp mặt 100 kiều bào tiêu biểu từ 34
quốc gia về nước đón Tết cổ truyền và tham dự chương trình Xuân Quê hương năm
2019. Tại cuộc gặp mặt, thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí
thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã
đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí nói: kiều bào ta không chỉ tham gia phát triển
kinh tế - xã hội mà còn hưởng ứng các cuộc vận động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào
trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như hỗ trợ các chương trình vì
người nghèo. Tại buổi gặp mặt, bà con kiều bào đều bày tỏ vui mừng trước sự
thay đổi, phát triển của đất nước, sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Đảng, Nhà
nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh
sống và làm việc, học tập ở nước ngoài. Bà con kiều bào cũng thể hiện niềm vui
được về đón Xuân Kỷ Hợi, bày tỏ nguyện vọng được đóng góp công sức, trí tuệ vào
công cuộc xây dựng đất nước. Một số kiều bào mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp
tục hỗ trợ bà con kiều bào giải quyết vấn đề địa vị pháp lý, như: vấn đề cấp
quốc tịch Việt Nam, cấp VISA dài hạn; quan tâm giúp đỡ đến việc dạy học tiếng
Việt; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc của cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về đầu tư tại
quê hương, v.v. Thực tế trên được các phương tiện thông tin truyền thông trong
và ngoài nước đưa tin công khai, không thể xuyên tạc.
Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất
quán của Đảng và Nhà nước ta.
Trong đó, khẳng định rõ: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ
động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân
biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc
cảm với chế độ xã hội. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những
người từng làm việc trong chế độ cũ, có nhiều tội ác với nhân dân được về thăm,
đóng góp để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ,
v.v. Thiết nghĩ, lòng yêu nước, được đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở bất cứ đâu. Quyền và nghĩa vụ
này luôn được Đảng, Nhà nước trân trọng và bảo đảm. Và như thế, những luận điệu
xuyên tạc chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta không
lừa gạt được ai và nhất định bị phủ nhận bởi thực tiễn sinh động về hòa giải,
hòa hợp dân tộc trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
_____________
1 - Tư liệu trong Cuốn hồi ký “Nhìn lại thảm họa và những
bài học Việt Nam”, xuất bản năm 1995 và bộ phim “Chiến tranh Việt Nam”, phát
hành năm 2017 tại Hoa Kỳ.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11,
Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264.
3 - Sđd, Tập 4, tr. 280.
Nguồn: tapchiqptd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét