Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Cảnh giác với các biểu hiện mơ hồ, thiếu niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng


Mơ hồ, thiếu niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng tất yếu sẽ gia tăng nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển đất nước. Đây là thực trạng cần được nhận thức đầy đủ, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh loại bỏ.
V. I. Lê-nin khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”1, “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”2. Vai trò lý luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản được chứng thực trong thực tiễn hơn 170 năm qua. Từ “một bóng ma ám ảnh châu Âu” đến chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã soi rọi cho phong trào cộng sản đi đến thắng lợi, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và hạnh phúc cho nhân loại. Lịch sử cũng chứng minh, khi nào, ở đâu sự mơ hồ, thiếu niềm tin, dao động, xa rời hay vận dụng một cách giáo điều,… chủ nghĩa Mác – Lê-nin thì nơi đó tất yếu dẫn đến lúng túng, sai lầm. Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trong những năm 90 của thế kỷ trước là một bài học như thế.
Đối với Việt Nam, vai trò “làm cốt”, “nền tảng tư tưởng”, “kim chỉ nam cho hành động” của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”3. Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin để lãnh đạo nhân dân ta làm nên những kỳ tích lịch sử, thay đổi căn bản thân phận của dân tộc, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước. Đó là sự thật, là bài học kinh nghiệm hàng đầu về trung thành, giữ vững nền tảng tư tưởng, lý luận trong xây dựng và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên theo hướng bền vững hơn; con đường, mô hình phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng rõ và được quốc tế công nhận,… nhưng thật đáng tiếc, trong Đảng, trong xã hội lại đang hình thành và tồn tại các biểu hiện mơ hồ, thiếu niềm tin vào chính “lý luận nền tảng” để có được những thành tựu ấy. Đó là sự nguy hại khôn lường, bởi đó không chỉ phản ánh tình trạng nhận thức và tình cảm đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giảm sút, mà còn dẫn đến hành động thực tiễn sai lầm, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Mơ hồ về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là biểu hiện của việc hạn chế về nhận thức, hiểu không sâu, không chắc, hiểu một cách phiến diện, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, không nắm được bản chất của những nguyên lý khoa học của lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là điều bình thường. Bởi, khó có ai có thể tường tận một học thuyết khoa học, cách mạng và toàn diện, thâu tóm gần như toàn bộ tri thức nhân loại như chủ nghĩa Mác – Lê-nin; càng không có nhiều người vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ nghĩa ấy vào thực tiễn cách mạng chưa có tiền lệ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm ở Việt Nam. Nhưng điều đáng nói là một số người vì mơ hồ mà dao động, thiếu niềm tin, đòi xét lại, phủ nhận, phản bội chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó hoài nghi về mô hình và con đường phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Càng nguy hiểm hơn, đây là điều kiện lý tưởng cho các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam ngay từ cái gốc, cái nền tảng tư tưởng, lý luận.
Biểu hiện mơ hồ, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang diễn ra ở nhiều nơi, trong mọi thành phần xã hội. Không khó để nhận thấy, một số người, thậm chí là cán bộ, đảng viên do mơ hồ, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà suy thoái về tư tưởng chính trị, mất lập trường giai cấp, mất phương hướng, tỏ rõ thái độ hoài nghi chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ không nhận thức được hết ý nghĩa, tầm quan trọng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lười học tập, nói và làm không theo nghị quyết của Đảng, trái pháp luật Nhà nước; suy thoái về tư tưởng chính trị, xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Khi được giao chức, giao quyền thì họ chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng, vi phạm nguyên tắc của Đảng, không giữ tư cách đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên,… làm tổn hại đến uy tín của Đảng. Khi cần “tiêu chuẩn” để thăng quan, tiến chức thì họ chạy “tiêu chuẩn”. Khi được học tập để nâng cao trình độ thì họ lại học theo kiểu “đánh trống ghi tên”, lười học chính trị, học không liên hệ với thực tiễn, học rồi để đấy, học cốt là để đủ tiêu chí “thăng quan”; không biết hoặc không có ý thức vận dụng lý luận được học vào thực tiễn công tác, dẫn đến bệnh kinh nghiệm chủ quan, tự mãn với những gì đã có, coi thường và hạ thấp lý luận, tuyệt đối hóa những kinh nghiệm cá biệt, cụ thể, biến chúng thành những kinh nghiệm phổ biến để áp dụng trên mọi lĩnh vực, mọi trọng trách được giao.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn công tác, vì mơ hồ về nền tảng tư tưởng của Đảng mà họ mắc bệnh giáo điều, bảo thủ, tuyệt đối hóa lý luận, coi thường và hạ thấp thực tiễn. Một số người khác lại bóc tách một cách siêu hình, không nghiên cứu lý luận một cách thấu đáo, toàn diện những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách máy móc theo kiểu “tầm chương trích cú”, không tính đến điều kiện lịch sử cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước mình trong từng thời kỳ. Hậu quả là dẫn đến thất bại và làm méo mó, biến dạng, hoen ố, thui chột những giá trị sống động, biện chứng của lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, dẫn đến những biểu hiện sống thụ động, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thích tham gia bình luận, tranh luận chính trị trên mạng xã hội nhưng không hề có nền tảng kiến thức chính trị cơ bản nào; thậm chí họ cảm thấy ngán ngại khi nhắc đến lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v. Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho điều này, nhưng không thể không đề cập đến nguyên nhân từ những bất cập trong việc giáo dục lý luận chính trị, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng hiện nay.
Các thế lực thù địch hiện đang đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực với những thủ đoạn hết sức tinh vi, nguy hiểm. Nhiều người vì mơ hồ, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà thiếu bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, đã ngộ nhận hoặc cố tình tuyên truyền không công cho kẻ thù; vào hùa với các thế lực thù địch và những người mang nặng định kiến, cực đoan chống lại đất nước, chế độ đã sinh ra, dung dưỡng họ. Họ thường lợi dụng và thổi phồng những khó khăn của đất nước, những hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội để xuyên tạc, quy chụp nguyên nhân là do chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, do bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam,… nhằm phủ nhận giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, trong xã hội đang hình thành một thứ “văn hóa đổ lỗi” cho Đảng, như: đổi trắng thay đen, so sánh thiệt hơn trình độ phát triển của nước ta với các nước khác một cách phiến diện, thiếu công tâm, không tính đến điều kiện đặc thù mỗi nước,... việc đó đã tạo hiệu ứng tiêu cực cho xã hội.
Thực trạng trên đang cảnh tỉnh cho chúng ta cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục “Kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”4; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội; lan tỏa những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng trong đời sống tinh thần xã hội.
Với bản chất khoa học và cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử và sự chống phá điên cuồng của kẻ thù. Vượt lên trên tất cả mọi sự xuyên tạc, bôi nhọ,… với mọi thủ đoạn thâm độc của các thế lực phản động, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn sáng ngời và trường tồn với dân tộc. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Hiện nay, sự vận động biến đổi nhanh chóng của thực tiễn trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức mới về lý luận. Đây cũng là cái cớ để các thế lực thù địch ra sức phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những luận điệu và thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Do đó, cần nhận thức đúng, nâng cao cảnh giác, khắc phục những biểu hiện mơ hồ, thiếu niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

______________________
1 - V. I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. 1975, tr. 30.
2 - Sđd, tr.32.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 199.
Nguồn: www.tapchiqptd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét