Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

NGÃ XUỐNG THỜI BÌNH

Suốt mấy ngày nay, trời Khu 4 buồn, đổ mưa gió trắng trời, trắng đất. Vài ngày trước, khi nghe hung tin Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng 12 cán bộ trong đoàn công tác của Quân khu 4 bị núi lở vùi lấp khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn những công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích, một không khí trĩu nặng trùm lên làng quê tôi.

Trời trở rét căm căm. Trên đường, hình như mọi người cũng đi chậm hơn, ít cười, ít nói hơn. Với người dân quê tôi, từ lâu lắm rồi, người lính Cụ Hồ luôn là một phần ruột thịt của mỗi gia đình. Họ đã tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm chiến đấu quên mình vì nhân dân của bộ đội trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ cũng đã từng chứng kiến những anh bộ đội giữa thời bình xông pha trong ngút trời bão lửa để cứu rừng, hay bất chấp hiểm nguy lao mình xuống lũ dữ cứu dân. Ở đâu gian nguy là ở đó Bộ đội Cụ Hồ có mặt. Mấy ngày nay, dù nhà nào cũng có truyền hình nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn kéo đến nhà tôi, dán mắt vào màn hình ti vi. Họ giải thích “sợ xem ti vi một mình, nếu có hung tin thì không chịu nổi!”. Thế nên họ kéo đến để lỡ xảy ra cái điều đau đớn nhất còn có nhau mà chia sẻ. Mắt dán lên ti vi nhưng ai cũng âm thầm nuôi hy vọng, một hy vọng dù rất mong manh, là nhờ phép thần nào đó cho anh em ta tai qua nạn khỏi. Ai có người quen ở quân khu thì lăm lăm trong tay chiếc điện thoại di động, cứ năm, mười phút lại gọi, những mong nghe được một tin tốt lành. Rồi khi máy bên kia trả lời, đàn ông thì lặng lẽ thở dài, các bà, các chị thì quay mặt đi âm thầm gạt nước mắt, không dám nói những điều mình nghĩ: “Chẳng thà bom rơi, đạn lạc các chú ấy... Chứ bây giờ hòa bình rồi... mà vẫn...!!!”. Hơn ai hết, tôi biết trái tim họ đang thắt lại, đang rớm máu...
Vùng quê Khu 4 của tôi vốn khắc nghiệt, mùa hạ ngùn ngụt gió phơn, mùa thu nơi nào lá vàng bay cứ bay, chứ nơi này triền miên bão tố. Nhiều năm nay biết bao cơn bão, biết bao cơn hồng thủy kéo nhau qua vùng đất này. Gió cùng mưa lũ dữ dằn đẩy nước sông suối dâng cao, cuộn trào như hung thần làm xói lở núi non; hợp sức cùng biển dâng sóng chặt đê điều ra từng khúc, tàn phá nhà cửa, ruộng nương, vùi dập sinh linh. Chính những lúc đó, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ ngời ngời tỏa sáng. Những người lính từng xông pha trận mạc, giữa thời bình, ở đâu có thiên tai, ở đâu nhân dân đang gặp nạn là họ lập tức có mặt. Họ dũng cảm dãi gió dầm mưa, băng mình trong nước lũ, chịu đựng gian nan, hiểm nguy, cứu dân bằng mệnh lệnh của trái tim, vì một mong muốn thiết tha cho cuộc sống nhân dân bình yên. Nhưng người lính cũng là con người. Vì thế trong gian nan, hiểm nguy, người lính như một người mang vác nặng, chính họ nhiều khi phải gồng mình lên mà bước tiếp. Và, bởi cũng là con người nên đằng sau họ cũng rất riêng những cuộc đời. Tôi đã nhìn thấy linh hồn của những cuộc đời rất riêng ấy. Những cuộc đời của yêu thương, giận hờn, của mong nhớ, thấm đẫm biết mấy mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa.
Một người bạn trong Bộ tư lệnh Quân khu 4 kể với tôi rằng: “Khi biết tin 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích, rồi nhận lệnh đi cứu trợ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh quân khu đã nói với anh em trong đoàn công tác: “Các đồng chí! Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, dù khó khăn thế nào cũng phải đi”. Tôi nghe và nghĩ đó không chỉ là một câu nói, không chỉ là một mệnh lệnh của người chỉ huy mà là cả tấm lòng yêu thương nhân dân, là ý chí của một người lính, của một vị tướng quyết tâm chiến đấu quên mình vì cuộc sống an lành của nhân dân. Rồi khi nghe tin đoàn công tác cứu hộ-cứu nạn bị vùi lấp, biết tin có 8 người trong đoàn thoát nạn, tôi đã tìm đến gặp vài người trong số họ. Anh em đang điều trị ở Viện Quân y 4 (Bệnh viện Quân y 4). Câu chuyện chắp nối, họ kể về Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và những người trong đoàn công tác khiến tôi vô cùng xúc động. Lúc phải để xe lại, cả đoàn luồn rừng, trèo đèo, lội suối xuyên đêm mà đi. Trên đầu mưa giội; bên mình gió quật; dưới chân lổn nhổn cây mục, rắn rết, đá nhọn, bùn đất trơn trượt... Là người nhiều tuổi nhất nhưng Thiếu tướng Man vừa động viên, vừa nhiều lần vượt lên trước, quay lại bấm đèn pin làm chuẩn cho anh em đi theo. Tìm đường xuyên rừng dưới mưa tầm tã vuốt mặt không kịp, áo quần ướt cả, ai nấy đều mệt lử. Vào trạm kiểm lâm, ngoài trời mưa rừng ào ạt, mọi người nhóm lên bếp lửa ngồi vây quanh vị Phó tư lệnh vừa hong quần áo vừa ăn lương khô, bàn bạc công việc ngày mai. Lời nói cuối cùng bên bếp lửa của Thiếu tướng, Phó tư lệnh với anh em là cả tấm lòng vì dân: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân, chúng ta phải làm!”.
Thế rồi cái điều đau xót nhất giữa thời bình cũng đến. Do trời mưa lâu ngày, đất núi đã nhão ra, nửa đêm ấy núi lở. Hơn 2 triệu tấn đất đá của một quả đồi đổ xuống ào ào như nham thạch núi lửa phun trào, trùm lên ngôi nhà trạm kiểm lâm nhỏ bé. Ngày còn là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, Đại tá Nguyễn Văn Man từng chỉ huy bộ đội xông pha cứu sống biết bao bà con trong vùng trũng ngập lũ Quảng Ninh, Lệ Thủy... Vị tướng này khi còn công tác ở Quảng Bình, mỗi khi mùa lũ tới, thấy bộ đội đến, người dân Quảng Bình mừng rỡ nói với nhau: “Có bộ đội ông Man, rứa là miềng sống rồi!”. Vậy mà ông đã cùng đồng đội hy sinh ngay giữa thời bình khi đang xông pha đi làm nhiệm vụ cứu dân giữa mưa lũ rừng sâu, núi thẳm!
Gặp những cán bộ, chiến sĩ đi tìm kiếm 13 đồng đội ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 trở về, ai cũng nhìn chúng tôi bằng đôi mắt tái tê. Các anh kể rằng, suốt trong hai ngày 14, 15-10, trong tiếng gầm của máy xúc, máy gạt, máy đào; trong tiếng cuốc xẻng, tiếng gió hú dài trong rừng vắng; trong làn khói hương trầm mặc là những ánh mắt hoang hoải của người lính nhìn vào bãi bùn mênh mông và tiếng hú gọi đồng đội day dứt, xé lòng vọng vào rừng thẳm, rồi dội lại âm âm, xót xa: “Các anh ơi, có ai còn sống không?”, “Còn ai đây nữa không, các anh ơi?”. Một nỗi đau thương nghẹn đắng không thể nói được nên lời! Hỡi những con người thiển cận, vẫn nhìn người lính bằng lòng hẹp hòi, đố kỵ: “Thời bình, giặc giã gì đâu mà sao lương bộ đội cao thế?”. Ai đó hãy đến đây, có dám lội xuống biển bùn lổn nhổn đất đá, có những hòn đá to hơn cả gian nhà, nhìn cảnh người lính thời bình lặn lội tìm đồng đội mình trong mùi hương quặn thắt dưới mưa núi trắng trời, giữa rừng sâu heo hút này không? Nếu còn có chút lòng tự trọng, họ sẽ vô cùng xấu hổ!
Tôi đã tìm về xã Nghi Liên, TP Vinh (Nghệ An), đến nhà ông Nguyễn Cảnh Anh, cha của Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80-người sĩ quan trẻ nhất trong đoàn công tác. Cường sinh năm 1991, mới cưới vợ được 10 tháng. Bố Cường cũng từng là một người lính. Ông nghẹn ngào:
- Thấy quân đội dạy dỗ cháu trưởng thành, hiếu thảo, bầy tui mừng lắm. Ông bà tui mong vợ chồng nó sinh đứa cháu cho vui cửa vui nhà. Chú ơi! Tui đi mua thuốc về đó mà đã kịp sắc cho vợ chồng nó uống đâu. Rứa mà...!
Nguyễn Cảnh Cường không về. Người sĩ quan trẻ ra đi khi đang phơi phới tuổi thanh xuân, để lại cho mình những ước mơ dang dở, để lại cho đời những nỗi đau đớn khôn nguôi...
Cũng như Nguyễn Cảnh Cường, ở thôn 3, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), biết tin Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4 hy sinh trong khi đi cứu các công nhân thủy điện Rào Trăng 3, các ban, ngành, đoàn thể, anh em, bạn bè kéo đến thăm hỏi. Mọi người không ai nén nổi nước mắt khi nghe cháu Nguyễn Thị Hà Phương-con gái duy nhất của anh-khóc nức nở: “Bố ơi! Bố hứa nếu con gắng học giỏi, cuối năm bố sẽ có phần thưởng cho con! Bố đi rồi, giờ ai sẽ cho con phần thưởng đây? Bố ơi! Bố nói với con bố mẹ gắng sinh thêm em bé để con có chị, có em cơ mà...!”.
Không thể nói hết những nỗi đau, những tấm lòng của bố mẹ, vợ con, anh chị em, của đồng đội, đồng bào với những cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác đã hy sinh vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân. Những nỗi đau không nói nên lời nhưng không hề bi lụy mà cứ cháy sáng lấp lánh, gieo niềm hy vọng, tình yêu thương trong mỗi trái tim. Có lẽ vì thế mà qua chiến tranh tàn khốc, qua mưa bão, lũ lụt dữ dằn, trong lòng mỗi người dân Việt Nam bao giờ cũng sừng sững hình ảnh, mênh mông tấm lòng, thiết tha tình yêu người lính Cụ Hồ. Bởi họ là chiến sĩ Quân đội nhân dân, bộ đội của nhân dân. Bởi ngay giữa thời bình, qua biết mấy thiên tai, địch họa, bao giờ, lúc nào, mãi mãi, họ vẫn là Bộ đội Cụ Hồ, biết hy sinh, chiến đấu bằng mệnh lệnh của trái tim, vì nhân dân quên mình...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét