Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Chế độ một Đảng không phải là nguyên nhân của tham nhũng

  

Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc trong xây dựng hệ thống chính trị, môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong phòng, chống tham nhũng, hòng hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực nhằm hạ uy tín của Đảng. Trong bài “Tại sao Đảng che dấu nguyên nhân cơ bản của tham nhũng” đăng trên mạng xã hội, với những luận điệu xuyên tạc, Nguyễn Đình Cống đã cho rằng, “chế độ độc tài ở Việt Nam là nguyên nhân của tham nhũng” có “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng chẳng thấy phòng được gì”. Đây là những luận điệu sai trái, phản động, hòng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ nhất, tham nhũng không chỉ xảy ra ở những nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, mà ở cả những nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa.

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự hình thành của giai cấp, sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, nó là “căn bệnh” của nhà nước. Sở dĩ có hiện tượng này là do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra; có nhà nước là có tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Tuy nhiên, nếu quyền lực nhà nước được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; khi đó người có quyền lực sẽ “không thể”, “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa.

Thực tế trên thế giới cho thấy, ở các nước tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn hoành hành, với rất nhiều vụ việc lớn trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí một số nguyên thủ quốc gia ở một số nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Brazil… cũng dính vào tội tham nhũng. Theo công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công hằng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế đối với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng cho thấy, nước nào có chỉ số cao nhất cũng chỉ đạt 90/100 điểm, không có quốc gia nào là hoàn toàn trong sạch và minh bạch; điều này có nghĩa là quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ, bởi không quốc gia, vùng lãnh thổ nào đạt được 100 điểm.

Vì vậy, việc cho rằng “chế độ độc tài ở Việt Nam là nguyên nhân của tham nhũng” chỉ là những luận điệu sai trái, phản động của Nguyễn Đình Cống và đồng bọn hòng chống phá Đảng, gây hoài nghi của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nhận thức được tác hại của tham nhũng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, cản trở đến ổn định và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, bộ Luật, Luật về phòng, chống tham nhũng và đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là những năm gần đây. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2023, các cơ quan điều tra của Bộ Công An đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ/1.800 bị cáo; đã giải quyết 699 vụ/1.800 bị cáo, trong đó xét xử 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng. Đã thi hành xong và thu hồi hơn 20.405 tỷ đồng. Đã xử lý trách nhiệm của 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (khiển trách 16 người, cảnh cáo 13 người, cách chức 13 người).

Vì vậy, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những kết quả đó không chỉ được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; mà còn được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022, do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố năm 2023 cho thấy, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng 9 điểm kể từ năm 2018 và đứng thứ 77 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam là Hướng tới Minh bạch đã khẳng định “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhờ nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước”. Ông Giles T.Cooper – Đồng chủ tịch Nhóm Công tác Quản trị và Liêm chính, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng “Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chứng kiến một nỗ lực chống và xử phạt tham nhũng tích cực, rất đáng hoan nghênh từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam”.

Từ những con số biết nói và tiếng nói của cộng đồng quốc tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm là bằng chứng thuyết phục bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét