Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Đưa Nghị quyết Hội nghị TW8 khóa XIII vào cuộc sống – Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới

Chính sách xã hội ở Việt Nam là hệ thống chính sách chăm lo cho con người, vì con người, nhằm mục tiêu khơi dậy và phát huy động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Chăm lo thực hiện tốt chính sách xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chính sách xã hội. Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định thực hiện chính sách xã hội nhằm: “Tạo cơ sở phát triển sức sản xuất, tăng thêm thu nhập quốc dân, từng bước mở rộng quỹ tiêu dùng xã hội, làm cho nó giữ vị trí ngày càng lớn trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và các sự nghiệp phúc lợi khác”. Kế thừa, phát triển tinh thần đó, trải qua các kỳ đại hội và trong nhiều văn kiện của Trung ương, Đảng ta đều nhất quán khẳng định đẩy mạnh việc hoàn thiện các chính sách xã hội, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn kết chặt chẽ giữa chính sách kinh tế với đảm bảo phúc lợi xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới.

Qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, việc thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hoà hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, chính sách xã hội ở nước ta vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới nhận định: Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân… Thời gian tới, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập, thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, việc thực hiện chính sách xã hội cần có sự đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Để hiện thực hóa mục tiêu: “Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” mà Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XIII đã xác định, cần triển khai tốt một số nội dung giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Khẳng định, chính sách xã hội ở Việt Nam là dựa trên quyền con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể; phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, tạo động lực góp phần phát triển đất nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện chính sách xã hội là hoạt động tất yếu bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội. Phương châm là linh hoạt, hiệu quả, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế. Tăng cường xã hội hoá, hợp tác công – tư trong huy động các nguồn lực cho thực hiện các chính sách xã hội.

Ba là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, bảo đảm khả thi, phù hợp, nhất quán, đồng bộ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, tham khảo và áp dụng một cách khoa học hệ thống tiêu chuẩn của quốc tế và khu vực. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về chính sách xã hội; từng bước áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân trên cơ sở hệ hống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi đôi với phát triển, hoàn thiện thị trường lao động theo hướng hiện đại, hội nhập. Từ đó, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nguy cơ tái nghèo cho người dân. Vận dụng linh hoạt các chính sách tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thúc đẩy thực hiện chính sách việc làm công, nhất là trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm.

Năm là, phát huy cao độ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức hội quần chúng trong việc giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp vận động nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ xã hội và tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính sách xã hội ở nước ta là yêu cầu cấp thiết. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương; có kế hoạch triển khai đồng bộ, sát thực tiễn địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và giám sát thực hiện Nghị quyết. Từ đó, làm cho Nghị quyết thực sự đi sâu vào cuộc sống, làm thay đổi căn bản, toàn diện hệ thống chính sách xã hội “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” ở Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét