Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững

 

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo cùng chung sống. Thời gian qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên để thực hiện hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Vừa qua, trên trang “Rfavietnam” có bài viết: “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam: Chính phủ ngược đãi người thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống”, cho rằng Chính quyền Cộng sản Việt Nam đang kỳ thị, ngược đãi người thiểu số và đàn áp tự do tôn giáo ở Tây Nguyên. Thực tế, RFA đang xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên.

1. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đã, đang và sẽ đồng hành cùng dân tộc. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Việt Nam, khẳng định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo;…. Đồng thời, quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo;…; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.

2. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng ta khẳng định: Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, của nhân dân các dân tộc không phân biệt là dân tộc đa số hay thiểu số. Vì lợi ích trực tiếp của nhân dân các dân tộc thiểu số, đồng thời vì lợi ích chung của cả nước, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Chính sách dân tộc thể hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm chính trị cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Vì vậy, phải tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc.

3. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính Phủ, Vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo với tổng số khoảng 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo, hằng năm, các cấp chính quyền ở Tây Nguyên đều tổ chức các cuộc thăm, gặp mặt, đối thoại với các tổ chức, chức sắc tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo và tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo; bảo đảm các lễ hội tôn giáo diễn ra bình thường. Hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc, tín đồ tôn giáo được giải quyết nhanh chóng. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được duy trì và mở rộng. Việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tôn giáo. Việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo được quan tâm giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Đồng bào tôn giáo ở Tây Nguyên luôn biết ơn Đảng, Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 12-KL/T W của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Có thể khẳng định rằng, quy mô kinh tế của vùng Tây Nguyên tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 – 2020 đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường.

Việc các thế lực thù địch bôi nhọ, vu cáo, trắng trợn, xuyên tạc vấn đề tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên là đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp và lợi ích nguyện vọng, chính đáng của nhân dân ta. Do đó, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh vạch rõ bộ mặt xảo trá của chúng để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét