Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Phản bác luận điệu kêu gọi “Tự do dân chủ” ở Việt Nam

 

Phan Văn Lợi là một thành viên kì cựu của “khối 8406” (một tổ chức quy tụ những kẻ dân chủ giả cầy, trong đó có những kẻ đã phải quỳ gối trước công lý, pháp luật như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân…). Suốt thời gian vừa qua, Lợi thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước. Mới đây, trên một số trang mạng xã hội, Phan Văn Lợi đăng tải bài viết “cảm nghĩ nhân lễ Giáng sinh 2023” với những lời lẽ sai trái của kẻ luôn mang dã tâm phản quốc, khoác trên mình chức sắc tôn giáo. Lợi xuyên tạc rằng “… những kẻ nắm quyền chính trị giành lấy hầu hết mọi tự do để bắt toàn dân phải làm nô lệ…”; “… chế độ cai trị mất hẳn tính người và tình người”; “công lý đang bị coi thường, lãng quên, thậm trí bị trấn áp, tiêu diệt”…

Là một linh mục lẽ ra phải rao giảng lời hay ý đẹp theo thánh kinh, kính Chúa, yêu nước thì Lợi lại rao giảng cho con chiên theo hướng tà giáo, phản đạo, phản quốc. Điều 1211 của Bộ Giáo luật ghi rõ “Những nơi Thánh bị xúc phạm do những hành vi vì bất xứng nghiêm trọng đã phạm tại đó và đã gây gương xấu cho các tín hữu…”, có lẽ trước khi trở thành linh mục, Phan Văn Lợi đã được đọc điều đó, nhưng vẫn cố tình phớt lờ để thỏa mãn nhu cầu bản thân. Đó là kích động, xúi giục đồng bào có đạo chống phá cách mạng Việt Nam.

Tôn giáo du nhập, hình thành ở Việt Nam từ rất sớm, được người dân đón nhận bởi những giá trị nhân bản mà tôn giáo mang lại phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc, biểu hiện rõ nét nhất là các giá trị đạo đức, văn hóa. Điều đó đã được thể hiện qua các cuộc kháng chiến cứu quốc, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia, ủng hộ kháng chiến. Tiêu biểu như linh mục Phạm Bá Trực, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; linh mục Hồ Ngọc Cẩn, Vũ Xuân Kỷ, Hồ Thành Biên, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thanh Trinh… Trong chống Mỹ cứu nước, hơn 5 vạn thanh niên Công giáo lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều bà mẹ Công giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ngày nay, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo tiếp tục kề vai cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao vị thế con người và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Thời gian qua, cùng với các hoạt động tôn giáo, Công giáo Việt Nam đã tích cực tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Giáo hội Công giáo đẩy mạnh các hoạt động như thành lập các trường mẫu giáo, nhà trẻ; tổ chức lớp học tình thương, bổ túc văn hoá cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật; lập quỹ khuyến học hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên nghèo, trao học bổng cho học sinh; mở phòng khám nhân đạo, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, chăm sóc người già neo đơn, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS; làm đường liên thôn, bắc cầu và làm cây nước cho bà con nghèo vùng sâu; tham gia tích cực công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng… Đó là những đóng góp quan trọng của bà con Công giáo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ  và phát triển đất nước.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận…”.

Vì vậy, những luận điệu mà Phan Văn Lợi đưa ra thể hiện sự phản động, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế, xã hội, con người ở Việt Nam nhằm lôi kéo, dụ dỗ đồng bào theo đạo chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của Phan Văn Lợi và các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét