Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

NHÂN QUYỀN ĐANG HIỆN HỮU Ở VIỆT NAM

 

Ngay đầu năm mới 2024 đã xuất hiện nhiều bài viết, videoclip có nội dung xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội. Bài viết “Nhân quyền Việt Nam: đợi tới năm 2099!” của Quang Nguyên là một trong những bài viết thể hiện rõ sự xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Với góc nhìn lệch lạc, y cho rằng Các chế độ cộng sản rất sợ khi phải thoả mãn nhân quyền cho toàn dân, và nghi ngờ sự thỏa mãn về nhân quyền ở Việt Nam. Thực chất, đây là những luận điệu không mới, là “bổn cũ soạn lại” được đưa ra vào dịp đón năm mới, hòng gây nên những xáo trộn trong dư luận xã hội để tạo cớ cho các hành động chống phá tiếp theo của Quang Nguyên và những kẻ chống đối.a

Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ, nhân quyền – quyền con người vừa là điểm xuất phát, đồng thời cũng là mục tiêu cuối cùng của Chủ nghĩa xã hội, gắn với nó là bản chất của một chế độ chính trị xã hội mới, một nhà nước kiểu mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và rằng “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Người cho rằng, phải thực hiện quyền con người trên nền tảng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Kế thừa, phát triển nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định quyền con người là thành quả, khát vọng chung của nhân loại. Việt Nam luôn thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý về quyền con người được thế giới thừa nhận rộng rãi và chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính về phẩm giá con người. Đồng thời, chủ động tham gia, tích cực đóng góp  trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định về quyền con người. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người được công bố rộng rãi, được người dân đồng tình ủng hộ và bạn bè quốc tế thừa nhận. Điều này không chỉ góp phần tạo cơ sở phát triển bền vững đất nước mà còn là sự bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Không một ai có quyền nghi ngờ điều đó! Sự nghi ngờ chỉ xuất phát từ những kẻ đã mang sẵn trong mình tư tưởng thù địch, chống đối, muốn cản trở sự phát triển đi lên của đất nước.

Thành tựu về nhân quyền của nước ta trong thời kỳ đổi mới là bằng chứng sinh động, đanh thép đáp trả những luận điệu về cái gọi là nghi ngờ về sự thỏa mãn nhân quyền ở Việt Nam. Thành tựu đó không chỉ dựa trên mức sống vật chất và cơ sở hạ tầng xã hội như lời của Quang Nguyên, mà được phản ánh đầy đủ trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhóm người dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS…luôn chiếm một vị trí quan trọng trong bảo đảm quyền con người ở nước ta. Việc bảo đảm quyền con người còn được quan tâm thông qua việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh; thực hiện các biện pháp cứu trợ khẩn cấp đối với những vùng chịu thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh. Việt Nam không chỉ nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia, mà còn cho khu vực và thế giới, được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam là đại diện duy nhất ở ASEAN ứng cử và trúng cử vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025, với số phiếu cao. Bình luận về sự kiện này, Giáo sư James Borton, Viện Chính sách đối ngoại, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng: Điều này không chỉ làm sâu sắc thêm sự hội nhập vào hệ thống quốc tế mà còn đem đến cơ hội thúc đẩy hơn nữa quyền con người trong khu vực. Ông Jean-Pierre Archambault, Nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt thì cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”. Không có cớ gì để nghi ngờ về sự thỏa mãn nhân quyền ở Việt Nam! Chỉ những kẻ mang đầu óc u mê, đen tối, luôn tìm mọi cách chống phá đất nước như Quang Nguyên mới cố tình “vẽ” ra sự nghi ngờ ấy.

Việt Nam trước sau như một, kiên trì quan điểm giải quyết vấn đề quyền con người trên nguyên tắc nhân quyền không được cao hơn chủ quyền; bảo đảm quyền con người phải căn cứ vào hoàn cảnh kinh tế – xã hội và truyền thống văn hoá. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng “nhân quyền” để xuyên tạc, chống phá đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét