Vừa qua, trên trang Facebook: Hội những người cầm bút can đảm, bút danh Trường Chinh đã đăng tải bài viết: “Hồ Chí Minh: người yêu nước hay một tên cơ hội?” với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh, hạ thấp công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, cần khẳng định một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, Hồ Chí Minh là một người yêu nước! Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, cũng là động lực tinh thần lớn nhất giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để chỉ rõ hướng đi, con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về lòng yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, đặt lên hàng đầu khí phách độc lập tự cường, hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì lợi ích cho dân tộc. Lịch sử đã chứng minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một nhà yêu nước chân chính vĩ đại trở thành một chiến sĩ cách mạng vô sản, thực hiện thành công sứ mệnh đánh đổ xã hội cũ đầy áp bức, bóc lột, bất công và xây dựng xã hội mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là sự thật không thể phủ nhận!
Thật vậy, từ năm 1911 đến năm 1920, trên chặng đường hiện thực khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đi đến các nước: Pháp, Mỹ, Anh… hoà mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa ra sức học tập, hoạt động cách mạng. Qua cuộc khảo sát thế giới, thấu hiểu bản chất xấu xa của chủ nghĩa thực dân, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản, tìm được con đường cách mạng Việt Nam. Những năm 1921-1930 là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và những quan điểm cách mạng của mình về trong nước và cũng là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc bổ sung, phát triển lý luận của mình về vấn đề dân tộc thuộc địa, về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Năm 1930, tại Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng đã chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối, về lực lượng lãnh đạo trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Điều này, đã trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh: người yêu nước hay một tên cơ hội?” mà Trường Chinh và những kẻ tráo trở, lật lọng như Y còn mơ hồ không thể trả lời được!
Thứ hai, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng hiện thực khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Nhờ lựa chọn con đường cách mạng phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được đông đảo quần chúng, nhân dân lao động dưới ngọn cờ cách mạng tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời, khẳng định mỗi bước tiến, mỗi thành công của nhân dân ta, của Đảng ta trong những năm qua đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính trong những trích dẫn “phê phán” về sự “biện hộ” của Bùi Tín, Phạm Đình Trọng ở bài viết của bút danh Trường Chinh cũng đã mặc nhiên thừa nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng của Người để lại cho nhân dân ta vẫn còn sức sống bất diệt! Những tư tưởng và tình yêu thương của Người vẫn sáng chói, dẫn đường cho chúng ta bước tiếp trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mọi sự phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với đất nước, nhân dân Việt Nam chỉ là sự suy diễn lố bịch, phi lý!
Lịch sử luôn là sự minh chứng khách quan, công bằng cho mọi sự nhìn nhận, đánh giá về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế luôn ghi nhận những thành quả cách mạng đã giành được qua hơn 35 năm đổi mới dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam cần đấu tranh khẳng định: Không thể lấy ý kiến cá nhân để đặt điều, vu cáo, bôi nhọ biểu tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét