Xuyên tạc, phủ nhận đường lối ngoại giao và thành quả cách mạng Việt Nam là một mục tiêu mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tập trung chống phá.
Mới đây, trên trang “Baotiengdan. com”, bút danh Nguyễn Thông đăng bài “Ngoại giao cây tre”. Trong bài viết, Nguyễn Thông đã nói nhiều đến cây tre Việt Nam, song với suy luận “gãy khúc”, “đứt đoạn”, lồng ghép mưu đồ đen tối, Y cho rằng: “ngoại giao cây tre, thứ sản phẩm ngang ngược của nhà cầm quyền… Ngoại giao cây tre chỉ lừa được kẻ dại khờ hoặc bị kẻ tham lam lợi dụng, chứ không qua mặt được người tử tế”. Thực chất, đây là một luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ và chống phá đường lối ngoại giao của Việt Nam. Bởi:
Thứ nhất, trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, cây tre là hình tượng đặc trưng, luôn gắn bó với dân tộc Việt Nam, mang trong mình cốt cách riêng của nền văn hóa, con người Việt Nam, kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt, dung dị mà sáng tạo. Hình tượng, cốt cách cây tre rất gần gũi với nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.
Bản sắc của ngoại giao Việt Nam là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam. Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại là tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Bản sắc đó được nâng lên tầm cao mới bởi tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, với những bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, biết nhu, biết cương, giúp bạn là tự giúp mình, vì hòa bình, hợp tác và sự tiến bộ của nhân loại. Đặc trưng quan trọng của bản sắc ngoại giao Việt Nam là không ngừng kế thừa và phát triển, sàng lọc qua thực tiễn và chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại. Như vậy, hình tượng cây tre đã gắn với bản sắc văn hóa Việt Nam, gắn với ngoại giao Việt Nam một cách nhuần nhị, thấm đượm triết lý dựng nước và giữ nước, đối nhân xử thế và quan hệ bang giao của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, đường lối ngoại giao của Việt Nam ngày càng khẳng định tính đúng đắn, sự phù hợp và những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Trong các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao.
Phát huy truyền thống ngoại giao của ông cha ta, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng nên nền ngoại giao đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: Cây tre Việt Nam, cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. Có thể thấy được ở tre Việt Nam những nội hàm ấy. Điều đó được thể hiện từ trong bản sắc đến đường lối, chính sách và phong cách của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của đất nước, ngoại giao của Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng giữ vững hòa bình, ổn định tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới thành công và ngày càng phát triển; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia; quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước G20. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016, 2023 – 2025; Hội đồng Kinh tế – Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018 .v.v. Điều đó, khẳng định tính đúng đắn, cách mạng, khoa học, phù hợp với xu thế thời đại về đường lối ngoại giao của Việt Nam.
Như vậy, những luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Thông là một mưu đồ đen tối, nhằm chống phá đường lối đối ngoại và ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta, cần được nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét