Nguồn gốc và bản chất của “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals”
Năm 1993, 10 tổ chức tự nhận là hoạt động vì nhân quyền trên thế giới đã đứng ra thành lập cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” để trao cho người được họ cho rằng “đã thể hiện thành tích xuất sắc trong việc chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền bằng những biện pháp can đảm, cần được bảo vệ”. Từ đó đến nay, giải thưởng này liên tục được trao cho những đối tượng mà họ coi là “nhà hoạt động nhân quyền”, được tán tụng ví như “giải Nobel về nhân quyền”!
Tuy nhiên, thực tế cho thấy “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” ra đời không phục vụ ý nghĩa trong sáng như mục đích họ rêu rao là “những người dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, vì sự tiến bộ của nhân loại”. Nếu để tâm theo dõi các hoạt động của họ thời gian qua, chúng ta sẽ thấy trong suốt quá trình hoạt động, “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” không đúng nghĩa là một giải thưởng bởi phần lớn giải được trao cho những người có hoạt động chống lại lợi ích quốc gia, dân tộc ở đất nước mà họ đã sinh ra và lớn lên… Đa phần những người được tổ chức nhân quyền Martin Ennals trao giải khi đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã mãn hạn tù vì phạm tội lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền, xâm phạm an ninh quốc gia, bị chính quyền và nhân dân nước sở tại đấu tranh, yêu cầu xử lý.
Bản chất của tổ chức nhân quyền Martin Ennals không giống như cái “bánh vẽ ngọt ngào” mà thoạt đầu nghe có vẻ rất tốt đẹp, rất cần thiết để xây dựng một thế giới mà ở đó quyền con người làm trung tâm. Cho nên, về góc độ nào đó, chúng ta hiểu rằng, tổ chức nhân quyền Martin Ennals được tạo ra và hoạt động không đúng theo tôn chỉ, mục đích cao đẹp như họ rêu rao mà chủ yếu núp bóng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia. Đối với Việt Nam, thông qua hình thức trao giải cho các đối tượng trên, tổ chức nhân quyền Martin Ennals hướng tới mục tiêu là đưa Việt Nam vào thế vi phạm dân chủ, nhân quyền, từ đó soạn thảo các bản phúc trình, lập hồ sơ “những nạn nhân bị đàn áp bởi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”, vận động tổ chức các diễn đàn, tạo cơ hội cho số chống đối cực đoan trong và ngoài nước lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo trên diễn đàn quốc tế. Họ cũng không quên kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào tình hình nội bộ Việt Nam.
Theo dõi danh sách những người được trao “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” từ năm 1994 đến năm 2022 cho thấy rõ sự bất công bằng trong cách điều hành của ban tổ chức khi đa số những người được trao giải đều đến từ các quốc gia vốn đã nằm trong “tầm ngắm” với quan điểm mà tổ chức này cho là thù địch vì đã lựa chọn con đường phát triển không theo ý muốn của một số thế lực quốc tế, đặc biệt họ hướng trọng tâm vào các nước thuộc khối XHCN, trong đó có Việt Nam. Chính vì thế, gần như tuyệt nhiên không thấy người ở các quốc gia vẫn thường xuyên có những hành động xâm phạm quyền con người, phân biệt chủng tộc một cách đáng lo ngại như Mỹ và một số nước phương Tây được nhận giải.
Phải chăng lâu nay các tổ chức HRW, AI, FIDH, FLD, HURIDOCS… đang cố tình tảng lờ, tránh đưa những sự việc đình đám về vi phạm dân chủ, nhân quyền tại các quốc gia trên. Trong khi mạng xã hội và các kênh truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin những hành vi, vụ việc vi phạm nhân quyền của nhiều quốc gia phương Tây nhưng những vấn đề đó đều bị họ phớt lờ đi. Điều đó cho thấy sự mất công bằng hay nói cách khác là trò hề của tổ chức nhân quyền Martin Ennals hay những tổ chức với danh xưng tương tự vẫn thực hiện lâu nay với các quốc gia mà họ cho rằng “đối nghịch”!
Để dẫn tới sự bất công bằng đó, một phần là do giám khảo “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” gồm thành viên là các tổ chức lập giải thưởng nên chỉ lựa chọn người phù hợp ở các quốc gia theo mục đích của họ. Mặt khác, cơ sở để đánh giá, lựa chọn người trao giải dù được quảng bá bao gồm các tổ chức đang hoạt động ở mọi nơi trên thế giới nhưng điểm danh lại chỉ thấy chủ yếu tập hợp tình hình ở châu Phi, châu Á và nhất là các nước thuộc khối XHCN. Do đó, rõ ràng “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” là công cụ quyền lực kép để các thế lực quốc tế sử dụng nhằm áp đặt những lệnh trừng phạt hoặc tạo cớ để can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia mà họ xếp vào danh sách “thù địch” hoặc “thiếu thiện cảm”.
Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals lột tả mối quan hệ cộng sinh
Theo dõi hoạt động của tổ chức nhân quyền Martin Ennals, có thế thấy rõ mục đích thâm hiểm của những người sáng lập ra giải thưởng này. Nó không hoàn toàn theo nghĩa tốt đẹp như đã nêu trên mà chính là nhằm tạo động lực về vật chất, chống lưng về tinh thần để hà hơi, tiếp sức, kích động số đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam.
Mặt khác, họ còn thông qua hình thức trao “giải thưởng nhân quyền” vừa nhằm khuếch trương thanh thế, tạo chỗ dựa cho các đối tượng chống đối trong nước và cũng là thủ đoạn để họ hợp thức hóa việc hỗ trợ về vật chất qua các phần thưởng có giá trị lớn. Cho nên “giải thưởng nhân quyền” chẳng khác nào là “mồi nhử” của các tổ chức đội lốt nhân quyền sử dụng để câu móc, lôi kéo và tạo dựng thêm những phần tử chống đối chính trị, những nhân vật có tư tưởng bất mãn, hám tiền bạc, sẵn sàng nhận lệnh và tiến hành các hoạt động chống phá ngay trong nước ta. Điều này càng minh chứng rõ ràng cho vấn đề mang tính quy luật, đó là các tổ chức ở bên ngoài dù có tiềm lực kinh tế mạnh nhưng không thể trực tiếp tiến hành chống phá Việt Nam mà phải thông qua số “chân rết” ở trong nước và ngược lại, các đối tượng chống đối ở nội địa cũng luôn trông ngóng các nguồn tài trợ từ bên ngoài để được chống lưng về vật chất lẫn tinh thần nhằm duy trì hoạt động.
Do vậy, “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” được xem là động lực để các đối tượng chống đối tích cực chống phá. Đồng thời, thông qua giải thưởng này, các đối tượng có cơ hội đánh bóng tên tuổi bằng việc khoe khoang thành tích về số lần, số năm phải chấp hành hình phạt tù, hình phạt bổ sung của pháp luật hành chính, hình sự, qua đó tạo tiếng vang nhằm thu hút sự chú ý của các tổ chức thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam.
Thực tế thời gian qua cho thấy, ở Việt Nam đã xuất hiện không ít hội nhóm phản động, chống đối trong và ngoài nước đã được lập ra như “Hội anh em dân chủ”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội nhà báo độc lập”... với vỏ bọc đòi đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền nhưng thực chất là nhằm tập hợp số chống đối chính trị, bất mãn để thực hiện các hành động chống phá Đảng, Nhà nước. Và muốn tồn tại, muốn có kinh phí tự nuôi sống bản thân, triển khai các hoạt động chống phá, các tổ chức này phải sống “dựa hơi” vào nhiều thế lực khác.
Một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, các tổ chức đứng ra trao cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam. Thông qua giải thưởng, các tổ chức này vừa “lên dây cót” tinh thần, vừa giúp đỡ về vật chất cho các đối tượng chống phá trong nước tích cực hoạt động. Theo đó, “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” đã bị đánh lận về mục đích, thực hiện không đúng theo tên gọi và chỉ là bình phông cho các tổ chức này thực hiện mưu đồ chống phá. Trong thời gian tới, để tiếp tục dung dưỡng cho các phần tử chống phá Việt Nam, “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals” vẫn tiếp tục sẽ là chủ đề thu hút được sự quan tâm, chú ý.
Mặc dù mưu đồ của các thế lực thù địch, phản động là hết sức nguy hiểm, gây những hiểu nhầm trong dư luận nhưng trò lố đó không thể phủ nhận được những tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Với việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và chứng minh hùng hồn, sống động những thành tựu to lớn của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Đồng thời, những thành tựu ấy càng làm cho những luận điệu, chiêu trò “trao giải nhân quyền” trở nên lố lăng, kệch cỡm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét