Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam khẳng định tinh thần: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Hai nước đã tiến tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, phát triển năng động và ngày càng sâu rộng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joseph Robinette Biden Jr. (tháng 9/2023) đã nâng cấp mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tỏ ra nghi ngờ và nhận định Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế. Bài viết đăng trên Facebook: Đài Á Châu tự do của Phạm Quý Thọ là điển hình: “Nâng “vượt cấp” quan hệ với Mỹ thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam thế nào?”, cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam sẽ cải cách thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh dân chủ hoá đất nước; chống tham nhũng theo mô hình các nước phương Tây. Thực chất, Phạm Quý Thọ đang cố tình xuyên tạc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm của Nhà nước Việt Nam về những nội dung này.
1. Kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại, được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng một cách đúng đắn, khách quan, khoa học, sáng tạo, trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bên cạnh tính ưu việt của mô hình này, vẫn còn tồn tại những hạn chế cố hữu, đó là: gia tăng tình trạng tham nhũng; bội chi ngân sách; cạnh tranh gay gắt, cá lớn nuốt cá bé; mâu thuẫn tổng cung và tổng cầu; gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản; gia tăng tình trạng thất nghiệp, lạm phát; bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; tài nguyên bị cạn kiệt; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng… những hạn chế cố hữu này, bản thân kinh tế thị trường không những không thể tự khắc phục được, mà còn gia tăng theo thời gian. Để khắc phục những hạn chế cố hữu này, không có cách nào khác tốt hơn bằng sự định hướng và can thiệp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa thông qua đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật và lực lượng vật chất Nhà nước có trong tay để định hướng, điều tiết nền kinh tế để bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, ưu việt cao cả của chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Trên thực tế, dân chủ ở Việt Nam là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là bản chất của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đảng, Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của nhân dân, không có sự đoàn kết, sáng tạo của quần chúng nhân dân thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ thất bại. Dân chủ chính là biểu hiện quan điểm giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, là nhân tố tạo ra sự ổn định, phát triển và thịnh vượng. Dân chủ ở Việt Nam được vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
3. Đảng ta khẳng định tham nhũng là: “quốc nạn”, “giặc nội xâm”, phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị ngày càng cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, với phương châm, “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, đã thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương quản lý và rất nhiều cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Việc xử lý kỷ luật và xét xử các vụ án tham nhũng được nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Có thể khẳng định rằng, thành tựu của phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sự tiến bộ của dân chủ xã hội chủ nghĩa và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. Đây là chân lý thực tế mà các thế lực thù địch không thể xuyên tạc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét