Đó là điều ông R'Ô Bleo (82 tuổi), Việt kiều Mỹ về thăm thân nhân ở tổ 10, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) muốn nhấn mạnh khi đề cập về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Về quê, chứng kiến sự đổi thay trên quê hương, ông Bleo thán phục những nỗ lực và thành quả to lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc chăm lo phát triển đời sống dân sinh, dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Ông R'Ô Bleo lên án mạnh mẽ những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO lưu vong.
"Tôi đã đi nhiều nơi và tường tận nhiều việc, qua đèo Chư Sê, đèo Tô Na, cầu Bến Mộng trên sông Ba… những vùng sâu, vùng xa trên đất Tây Nguyên tất cả đều đẹp đẽ và yên bình. Không nên tin những gì bọn FULRO lưu vong ở Mỹ nói về cuộc sống bà con ở Tây Nguyên, bởi chúng hoàn toàn vu khống, bịa đặt. Bà con mình ở đây, ai chịu khó học cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi thì ngày càng giàu, sắm sửa nhiều xe cộ, xây nhà to đẹp. Còn ai thường xuyên uống rượu bê tha, lười lao động, thậm chí bán đất để tiêu xài, ăn nhậu, cuối cùng không được gì, mất cả đất chứ có ai chiếm đất của mình đâu. Trở về Mỹ, có dịp, tôi sẽ nói lại cho mọi người bên đó hiểu được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con quê mình để không bị kẻ xấu lừa phỉnh", ông R'Ô Bleo nói.
Ông Bleo quê ở xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai từng làm việc cho chế độ ngụy quyền, giữ chức Trưởng ty phát triển sắc tộc tỉnh Pleiku, Bình Định, Phú Bổn. Năm 1995, ông R'Ô Bleo xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO, định cư ở thành phố Greensboro, tiểu bang Bắc Carolina. Bày tỏ quan điểm về việc các tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ như MFI, MHRO, MRO... đòi thành lập cái gọi là "Nhà nước Đêga tự trị" ở Tây Nguyên, ông Bleo cho biết: "Tôi thấy buồn cười với cái tham vọng đó của Ksor Kơk, của Rah Lan Nglol (Ama Chăm)... Không có nhà nước nào là nhà nước dành riêng cho người dân tộc thiểu số cả".
Cũng như ông R'Ô Bleo, nhiều Việt kiều về Gia Lai thăm người thân không ngại bày tỏ chính kiến về những việc làm của các đối tượng phản động lưu vong. Ông Rmah Djuan (66 tuổi, về thăm người thân ở thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) là một trong những người như thế. Ông thẳng thắn vạch trần chiêu bịp của bọn FULRO lưu vong, nhất là đối tượng Rah Lan Nglol - kẻ tự xưng là "Chủ tịch" Hội người Thượng tị nạn (MRO) hay "Tổng thống" cái gọi là "Cộng hòa Đê ga".
Ông Djuan cho biết: "Dạo này Ama Chăm sính lên mạng lòe thiên hạ. Ví dụ như thế này, vì từng là kẻ kêu gào, kích động người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên biểu tình, gây rối nên thỉnh thoảng họp về nhân quyền, một số đối tượng bên Mỹ mời Ama Chăm đến dự rồi hỏi vài câu chiếu lệ thôi. Nhưng nhân cơ hội đó, hắn chụp hình đăng lên mạng xã hội rồi tuyên truyền, vu khống chính quyền Việt Nam, bôi nhọ Đảng, Nhà nước để thực hiện âm mưu kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Tôi ở bên đó tôi biết, Ama Chăm và tay chân của hắn thực chất không có văn phòng làm việc, chỉ chuyên làm mấy trò lừa bịp. Còn nhà thờ cái gọi là "Blung Hlơu" mà hắn rêu rao sẽ là tôn giáo chính khi nhà nước Đêga thành công là một nhà thờ Tin Lành do người Mỹ làm chủ, hắn chỉ phụ trách một nhóm nhỏ Việt kiều sinh hoạt đạo ở đó mà thôi. Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng vì Ama Chăm lợi dụng tôn giáo đi theo con đường sai trái, con đường của bọn phản động thì chính quyền ở Việt Nam cấm người khác đi theo là đúng rồi".
Ông Rmah Djuan từng sinh sống ở thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, có thời gian tin theo FULRO làm điều sai trái. Năm 2007, ông Djuan đưa vợ và 6 người con đi Mỹ, sinh sống ở thành phố Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina. Trải qua cuộc sống khó khăn ở Mỹ mà không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào như FULRO lưu vong đã từng hứa hẹn, ông Djuan dần nhận ra bản chất và âm mưu đen tối của tổ chức này. Ông thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, video tố cáo, vạch trần bản chất phản động, lừa bịp của tổ chức FULRO lưu vong để kiều bào cũng như bà con ở quê nhà không mắc mưu của chúng. Những ngày được trở về quê thăm thân, vợ chồng ông Rmah Djuan tranh thủ đi thăm bà con lối xóm. Ông không ngại kể về cuộc sống khó khăn ở đất khách quê người.
Qua Mỹ được 3 năm thì sức khỏe suy yếu, ông Djuan đành nghỉ việc, thu nhập chính dựa vào đồng lương của bà Kpă H'Bap - vợ ông, làm cho công ty thực phẩm đóng hộp. Nói về cuộc sống cá nhân, ông Djuan không giấu được chút mặc cảm: "Làm gì có chuyện ở Mỹ không làm mà vẫn có ăn. Như tôi sức khỏe yếu, không đi làm thì vợ con phải làm nhiều hơn để nuôi tôi…", ông Djuan nói.
Nghe ông Djuan kể về thực tế cuộc sống ở Mỹ, một số bà con dân làng đã thôi ảo tưởng về giấc mộng đi xa để đổi đời. Ông Rơ Mah Tol (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện) cho biết: "Djuan đã đi bên kia, thấy hết được tình hình xấu tốt, về đây nói lại cho bà con, khuyên bà con không đi vào đường xấu, lời nói của ông ấy rất thuyết phục và đáng tin. Ông Djuan cũng khuyên bà con sống tốt đời, đẹp đạo, không nghe bên ngoài xúi giục, phá hoại cuộc sống yên bình"./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét