Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị…”(1), đồng thời xác định tầm nhìn, định hướng chiến lược, trong đó “nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045”. Song, với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước XHCN Việt Nam. Mới đây, trên trang “doithoaionline. com”, đối tượng Hà Nguyễn đã đăng tải nội dung “Mơ về một nhà nước pháp quyền không định hướng ở Việt Nam”, trong đó đã bóp méo, xuyên tạc, công kích vào bản chất, vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam… Bài viết trên là hoàn toàn sai trái về lý luận và thực tiễn, do đó chúng ta cần làm rõ sự thật và đấu tranh phản bác kịp thời.
Một là, cần phải khẳng định rằng, quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là thống nhất bởi đó là quyền lực của nhân dân cho nên không thể có sự phân chia cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước dẫu là lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là từ nhân dân mà ra, do nhân dân ủy quyền, giao quyền cho những người trong bộ máy nhà nước. Đây là nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước.
Hai là, ngay từ sớm vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ra như là một yêu cầu tất yếu, bắt buộc để giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước. Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 và khoản 3, Điều 2, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước” (Điều 94); “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1, Điều 102), “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (Khoản 2, Điều 103). Những quy định này đồng thời được cụ thể hóa trong các luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân… Theo đó, quyền lực Nhà nước Việt Nam là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuyệt đối không hề có sự mập mờ tạo điều kiện cho tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực sai mục đích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước.
Ba là, đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích vì lợi ích của dân. Bởi vì, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” (2). Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, lợi ích chung của dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân và quay trở lại phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân.
Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa là Đảng đứng trên Nhà nước, làm thay Nhà nước, đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp, pháp luật Nhà nước ban hành mà là để bảo đảm giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”(3).
Thực tế, những quan điểm của các thế lực thù địch, phản động, xuyên tạc bản chất của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa luôn nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Do đó, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét