Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Kỷ Nguyên về lịch sử dân tộc Việt Nam

 

Kỷ Nguyên cho rằng: “Xuyên suốt dòng lịch sử, chúng ta đã chỉ là một dân tộc nô lệ dưới ách thống trị của các chế độ bạo ngược. Việt Nam chưa bao giờ là một nước có dân chủ, chúng ta cũng chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Các cuộc chiến tranh và nội chiến diễn ra, đã chỉ đưa đến sự cai trị luân phiên giữa những ách nô lệ ngoại bang và các ách nô lệ bản xứ đối với dân tộc”. Kể từ năm 1945, dưới sự lãnh đạo của “chính quyền độc tài cộng sản Việt Nam”, đã để lại “hậu quả là đất nước đã thật sự rơi vào thảm kịch gần 80 năm qua”. Đây là luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, bóp méo lịch sử, cố tình phủ nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, công lao to lớn của Đảng ta và các vị tiền nhân.

Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước. Do đặc điểm địa lý, chính trị, Việt Nam luôn bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, xâm lược, đồng hóa. Đứng trước họa ngoại xâm, cha ông ta luôn khẳng định truyền thống, quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Mỗi khi giành được độc lập, các lực lượng lãnh đạo đất nước luôn quan tâm, chăm lo khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế – xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Hơn nữa, trước vận mệnh dân tộc, nhất là khi Tổ quốc lâm nguy, các lực lượng lãnh đạo đất nước luôn phát huy cao độ lòng yêu nước, trí tuệ, sức lực của toàn dân tộc. Hội nghị Bình Than, Diên Hồng (thời Trần) là một trong những giá trị dân chủ tốt đẹp, tiến bộ nhất trong lịch sử dân tộc mà cha ông ta để lại cho hậu thế, là niềm tự hào to lớn với mỗi người Việt Nam. Chính vì thế mà nhân dân ta luôn “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn đến các vị tiền nhân, những người có công lao với đất nước, với nhân dân, lập nhiều đền, miếu để thờ tự cho đến ngày nay. Nếu họ là đại diện của “chế độ bạo ngược”, làm cho người Việt Nam chịu cảnh “ách nô lệ bản xứ” thì có được cha ông ta tri ân, tưởng nhớ, trân trọng như “thánh”, “thần” như vậy?

Thời đại Hồ Chí Minh, những giá trị truyền thống đó được Đảng ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với tinh thần “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công vĩ đại, làm cho đất nước Việt Nam sáng rực trong dòng chảy của lịch sử nhân loại.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, trình độ dân trí thấp, với 95% dân số không biết viết, không biết đọc. Nạn đói do phát xít Nhật gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người, bằng khoảng 10% dân số của cả nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo cơ đồ, vị thế, địa vị làm chủ của nhân dân ta. Sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu nhiệm vụ cấp bách, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, “diệt giặc đói”, xây dựng nền văn hóa mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch chế độ thực dân phong kiến, phát triển phong trào bình dân học vụ. Giặc đói được đẩy lùi. Uy tín của Đảng, Chính phủ ngày càng được nâng cao trong quần chúng. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra thành công trong cả nước, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Kể từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn gian lao thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, không những là niềm tự hào của dân tộc ta mà còn là chiến thắng của nhân loại tiến bộ.

Từ một đất n­ước bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc chiến tranh xâm l­ược của ngoại bang, bị các thế lực thù địch, phản động điên cuồng chống phá, bị bao vây, cấm vận kinh tế, lại phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai khắc nghiệt gây ra, chúng đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội; đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động không ngừng đ­ược cải thiện; chính trị ổn định; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ đ­ược củng cố; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nư­ớc, Việt Nam trở thành một trong những nư­ớc xã hội chủ nghĩa đầu tiên tiến hành đổi mới thắng lợi theo định h­ướng xã hội chủ nghĩa. Không chỉ chúng ta khẳng định mà bạn bè quốc tế đều ghi nhận. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam – ng­ười lãnh đạo, ng­ười đầy tớ trung thành của nhân dân, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ thắng lợi trong đấu tranh giành và giữ chính quyền trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, mà cả trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đất n­ước đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu: dân giàu, n­ước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dân ta cũng tự hào và biết ơn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những anh hùng, liệt sỹ đã trọn đời vì nước, vì dân, làm rạng danh non song đất nước Việt Nam.

Như vậy, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm cho dân tộc được độc lập, thống nhất, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển, có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của lịch sử loài người. Đó mới thực sự hiện thực hóa khát vọng của người Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có cơ sở khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đủ tâm, đủ tầm, đủ tài, xứng đáng là Đảng cầm quyền, duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong tương lai. Đồng thời, đây là cơ sở bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về lịch sử dân tộc, phủ nhận những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét