Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc báo chí ở Việt Nam của Trần Dạ Dũng

 

Trần Dạ Dũng – cái tên không còn xa lạ trên diễn đàn “vietnamthoibao”, mới đây lại phát tán bài viết“Báo chí Việt Nam đồng nghĩa với tuyên truyền?”. Vẫn chiêu trò “bình mới, rượu cũ” lợi dụng vấn đề “tự do báo chí” để xuyên tạc, bịa đặt hòng phủ nhận bản chất, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nền báo chí nước nhà

1. Không có tự do báo chí tuyệt đối, không điều kiện

Trần Dạ Dũng đã cố tình xuyên tạc, bịa đặt rằng báo chí Việt Nam chỉ là “báo do chính quyền thành lập do bọn tay sai điều khiển” và ở “Việt Nam không có tự do báo chí”. Đây rõ ràng là luận điệu hoàn toàn sai trái, vô căn cứ. Bởi, trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị, hoặc cố tình phủ nhận sự thật.

Trên thực tế, các công ước quốc tế cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản, nhưng đó không phải là sự tự do tuyệt đối mà phải có giới hạn nhất định. Phải khẳng định rõ, nền báo chí chính thống của bất kỳ một chế độ xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Không bao giờ có một sản phẩm báo chí “chung chung”, “đứng ngoài chính trị”. Vì vậy, tự do báo chí ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải gắn với chế độ chính trị, điều kiện xã hội, nền tảng đạo đức, pháp lý trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Báo chí của Việt Nam là báo chí cách mạng. Do vậy, Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với báo chí; báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy việc phục vụ Đảng và Nhân dân làm mục tiêu cao cả, phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đó cũng là nền báo chí thấm đẫm tính nhân văn, vì quyền và lợi ích chính đáng của công dân, vì sự phát triển con người, thể hiện đạo đức cao cả, vì hệ giá trị dân tộc và chuẩn mực đạo đức cộng đồng, vì lợi ích công. Thực tế, tự do báo chí ở phương Tây mà Trần Dạ Dũng ca ngợi, cổ súy có phải là thứ tự do không giới hạn, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật? Chúng ta thấy, ngay cả những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ nhất định của nước đó. Trong cuốn “Một nền báo chí không có tự do của chúng ta-100 năm phê bình truyền thông”, các tác giả đã đấu tranh, chỉ trích nhau và từ đó bộc lộ rõ thêm bản chất nền báo chí Hoa Kỳ. Trong thực tế, rất dễ nhận biết, báo chí Hoa Kỳ và báo chí phương Tây nói chung, khuynh hướng chính trị rất rõ ràng, phục vụ đường lối chính trị của giai cấp thống trị rất quyết liệt. Như vậy, Trần Dạ Dũng đang cố tình đánh tráo khái niệm về “tự do báo chí” hòng tạo ra một lập luận “tự do báo chí mù mờ”, thể hiện rõ dã tâm của một kẻ cơ hội, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

2. Báo chí ở Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị – xã hội và là diễn đàn của nhân dân

Không chỉ xuyên tạc bản chất, Trần Dạ Dũng còn cố ý phủ nhận vai trò của báo chí Việt Nam với nhận định thiển cận “khi báo chí trở thành công cụ tuyên truyền, là khi báo chí mất đi tính chính danh”.

Là người đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, trách nhiệm của báo chí phải là “người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”. Hiện nay, báo chí nước ta phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm các loại, lượng phát hành hơn 600 triệu bản/năm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng báo chí ở Việt Nam luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình là đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân để dân hiểu, dân biết và làm theo. Đồng thời tập trung phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản biện chính sách, qua đó gợi mở, góp ý, bổ sung vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí cũng thường xuyên bám sát các vấn đề, đưa tin về những sự kiện, vụ việc liên quan, cung cấp số liệu, tình hình thực tế để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, củng cố thêm cơ sở khoa học trong hoạch định đường lối, chính sách. Quá trình đó cũng chính là tham gia tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có sức sống trong thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, báo chí là một trong bốn lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.”  Đây là minh chứng sinh động đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của những kẻ cơ hội như Trần Dạ Dũng.

Như vậy, đằng sau luận điệu xuyên tạc bản chất, vai trò của báo chí Việt Nam của Trần Dạ Dũng là ý đồ sâu xa cố tình phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hệ thống chính trị trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Do đó, vấn đề “tự do báo chí” cần được hiểu đúng và nhận diện rõ âm mưu, ý đồ xấu để lên án, đấu tranh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét