Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Cách nhìn phiến diện của Hoa Nghi về Phật giáo Việt Nam

 

Phật giáo Việt Nam có lịch sử lâu đời, luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng những đóng góp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, dưới cách nhìn phiến diện của những kẻ mưu đồ bất chính như Hoa Nghi thì y không thấy được những đóng góp của Phật giáo đối với đất nước, mà chỉ lăm le, soi mói, thổi phồng một vài tiêu cực tại các tự viện, chùa chiền trong thời gian qua, rồi lớn tiếng rêu rao cho rằng: Phật giáo chỉ là nơi “buôn thần bán thánh”, “lợi nhuận hóa”, “nơi hưởng thụ nhiều hơn tu đạo và phổ độ chúng sinh”. Thực chất, đây là âm mưu của Hoa Nghi và đồng bọn, cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận những đóng góp của phật giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn cho thấy, từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay với tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân tộc, có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo luôn ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều chùa chiền, tự viện là nơi hoạt động của những nhà cách mạng; đông đảo phật tử tích cực tham gia sự nghiệp kháng chiến cứu nước; nhiều tu sĩ đã tạm gác việc tu hành chốn thiền môn trực tiếp cầm súng tham gia cách mạng như: Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào, Thích Thế Long… nhiều tu sĩ đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập tự do của dân tộc. Tiêu biểu đó là, Hòa thượng Thích Quảng Đức – “vị pháp thiêu thân” đã thắp sáng lương tri toàn thế giới, kêu gọi nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc “hộ quốc, an dân”; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật”.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, với đường hướng hành đạo là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, hầu hết các cơ sở phật giáo trên cả nước luôn tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tuân thủ Hiến chương Giáo hội phật giáo Việt Nam. Luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, hết lòng phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; các cơ sở chùa chiền, tự viện thực hiện nghiêm Hiến chương của Giáo hội, tích cực giảng dạy, khuyên răn điều hay lẽ phải, giáo lý, giáo luật cho các phật tử góp phần giáo dục đề cao giá trị con người, hướng thiện, xây dựng xã hội an lành. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch bệnh Covid -19, các cấp Giáo hội phật giáo đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh. Nhiều tăng ni, phật tử đã xung phong vào tuyến đầu chống dịch; nhiều chùa, tự viện được sử dụng làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid -19 để chung tay chiến thắng đại dịch. Từ những đóng góp trên, nhân dịp Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao hai Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 Huân chương Lao động hạng Ba; 4 tập thể và 13 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 17 cá nhân tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, những luận điệu cho rằng “Phật giáo chỉ là nơi “buôn thần bán thánh”, “nơi hưởng thụ” là luận điệu hàm hồ, phiến diện không có cơ sở, cần đấu tranh bác bỏ.

Cũng phải nhìn nhận rõ rằng, dưới tác động của xu hướng toàn cầu hóa, mặt trái của kinh tế thị trường thì một số hoạt động văn hóa tâm linh bị biến tướng, trục lợi ở số ít tự viện, chùa chiền là có, thậm chí còn xuất hiện chùa giả, động rởm hòng thu lợi bất chính như thu phí, đặt hòm công đức, ra giá cúng, khấn thuê, dâng sao giải hạn… những hoạt động này đã và đang được các cấp bộ, ngành xử lý nghiêm túc, nghiêm minh đúng pháp luật, dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục.

Do vậy, các bộ, ngành, cơ quan cần chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, để mỗi người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý; đồng thời, lên án, xử lý nghiêm các hành vi mê tín, dị đoan, trục lợi tâm linh; kịp thời đấu tranh, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tôn giáo chống phá chính quyền, nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc như kiểu Hoa Nghi và đồng bọn của y./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét