Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Nguyên Anh về nền dân chủ ở Việt Nam

 

Nguyên Anh cho rằng, “nền dân chủ đích thực” chỉ có ở các quốc gia văn minh, còn ở “các quốc gia cộng sản” thì “nền dân chủ không có đất sống bởi vì họ duy trì tình trạng độc đảng, độc tôn và độc tài”.  Y xuyên tạc rằng, Đảng ta đã làm cho người dân bị “tước bỏ hoàn toàn cái quyền dân chủ của mình”, “nước CHXHCH Việt Nam hoàn toàn không phải là một nhà nước dân chủ mà họ nên đổi tên lại là nước CHXHCN Việt Nam Đảng Chủ – Mất Tự Do, Không Hạnh Phúc và Độc Lập thì còn phải xem xét lại”. Thực tế đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phản động trên.

Thứ nhất, “nền dân chủ đích thực” không phụ thuộc vào một đảng hay đa đảng lãnh đạo

Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực. Vấn đề dân chủ và vấn đề đa đảng có mối quan hệ nhưng không đồng nhất với nhau. Trong bất cứ một chế độ xã hội nào, cho dù là một đảng lãnh đạo hay nhiều đảng, khi thiết chế xã hội đó bảo đảm thực sự quyền lực thuộc về nhân dân thì xã hội đó sẽ có dân chủ. Còn nhiều đảng nhưng không bảo đảm được quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì dân chủ thực chất cũng chỉ là sự hô hào giả hiệu mà thôi.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước thực hiện chế độ đa đảng, chẳng hạn như Armenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng… nhưng có ai dám khẳng định Armenia dân chủ hơn Hà Lan, Hà Lan dân chủ hơn Na Uy? Mặt khác, trên thế giới hiện nay có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng, trong số đó có nhiều nước phát triển và bảo đảm được dân chủ đích thực. Singapore, Hàn Quốc cuối những năm 1980 duy trì chế độ một đảng cầm quyền duy nhất nhưng đất nước vẫn phát triển mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, chế độ chính trị do một đảng lãnh đạo không chỉ tồn tại ở các nước xã hội chủ nghĩa mà có thể tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị và nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân ở quốc gia đó.

Hơn nữa, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho ai, là đa số nhân dân lao động hay một bộ phận nhỏ người chiếm hữu phần lớn số tài sản trong xã hội. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô vẽ như thế nào chăng nữa, thì nền dân chủ đó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị của giai cấp tư sản đối với nhà nước, xã hội.

Ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, điển hình là nước Mỹ, mặc dù là quốc gia đa đảng, nhưng thực sự chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Đây là hai đảng của giai cấp tư sản. Thêm vào đó, cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” chỉ là nền dân chủ của giới nhà giàu hay nền dân chủ “đấu giá”, giả hiệu. Tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 25/11/2000: “Cuộc bầu cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá cao nhất”. Tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cùng ngày đã ví thói mê tiền như là “căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ”. Một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người”, như các học giả phương Tây vẫn rêu rao. Sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri ở các nước đó bóc trần bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử, với mức độ ngày càng gia tăng. Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ những năm 1996 và 2000 chỉ có khoảng 50% tổng số cử tri tham gia.

Thứ hai, không thể phủ nhận thành tựu dân chủ ở Việt Nam

Ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt ở Việt Nam, nền dân chủ thực sự phục vụ đại đa số nhân dân lao động, tiến bộ, tốt đẹp nhất trong lịch sử, đồng thời cũng luôn là mục tiêu để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để kích động, chống phá.

Năm 2010, khi trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ nhân chuyến thăm quốc gia này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.

Trải qua gần 40 năm đổi mới, việc xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có những bước tiến quan trọng, thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quan điểm và thực tiễn thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã cho thấy rõ điều đó. Đáng chú ý, sự phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội là minh chứng rõ nét cho những thành tựu phát huy dân chủ thực chất ở Việt Nam: Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.521 USD; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 giảm trên 1,4%/năm.

Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân chủ không những không bị hạn chế, mà còn được bảo đảm, được phát huy ngày càng rộng rãi, thực chất trên thực tế và phát triển lên đỉnh cao của nó, khẳng định rõ bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tất cả những luận điệu cho rằng ở các nước xã hội chủ nghĩa là độc đảng, độc tôn, độc quyền thì không có “nền dân chủ đích thực” chỉ là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động mà thôi.

Như vậy, những nội dung trong bài viết “Hành trang dân chủ” chỉ là luận điệu xuyên tạc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét