Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Phê phán luận điệu cho rằng: “Hệ giá trị là cái gì mà phải xây dựng?”

 

Sau Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, đa số các ý kiến trong Hội thảo và mọi người dân đều đồng thuận cao, cho rằng việc triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.

Thế nhưng, đi ngược lại những giá trị nhân văn đó, vẫn còn một số đối tượng xấu, bất mãn, thù địch đăng tải nhiều bài viết, thông tin xuyên tạc với nội dung: “Hệ giá trị là cái gì mà phải xây dựng?”. Đây là luận điệu phiến diện, thiếu khách quan, cần vạch trần, bác bỏ và làm rõ những vấn đề sau:

Xây dựng các hệ giá trị là điều tất yếu khách quan đối với các quốc gia trên thế giới.

Hệ giá trị là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia – dân tộc, như là một “thương hiệu”, “cột mốc định danh”, “bảng giá trị” phản ánh những đặc trưng riêng của một quốc gia – dân tộc và có vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực của cộng đồng.

Chính vì tầm quan trọng đó, mỗi quốc gia, châu lục đều xác định cho mình một hệ giá trị riêng và điều chỉnh các giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, ví dụ: Trên cơ sở 7 giá trị cốt lõi, từ năm 2012, Ủy ban châu Âu đưa ra 5 giá trị mới (Hòa bình, Dân chủ, Nhân quyền, Tuân thủ pháp luật, Tinh thần đoàn kết); Ở châu Á, điển hình như Trung Quốc đã sớm định hình bảng giá trị của con người là “ngũ phúc”, nhân cách con người là “ngũ thường”, nhưng từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã xác định các nhóm thuộc hệ giá trị xã hội chủ nghĩa; trong bối cảnh mới; Nhật Bản đã xác định mới 5 giá trị cốt lõi để hội nhập quốc tế; Singapo xác định 5 giá trị, Malaysia xác định 5 nguyên tắc quốc gia…

Từ thực tiễn đó cho thấy, các quốc gia phát triển, thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, nhằm huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.

Nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết trong thời kỳ mới.

Hệ giá trị là vấn đề đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ sớm, đây chính là cơ sở, động lực, tạo nên sức mạnh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước. Kế thừa những tinh thần đó, trong công cuộc đổi mới Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện từng bước, được thể hiện trong Cương lĩnh, các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đến Đại hội XIII của Đảng, đã xác định rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng cho thấy, việc xác định các giá trị phù hợp với tình hình đất nước có ý nghĩa quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Tuy nhiên, những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu quốc tế qua mỗi giai đoạn lịch sử có những thay đổi nhất định, không ít giá trị cũ đã không còn phù hợp với bối cảnh mới, trong khi đó, nhiều quan niệm, giá trị mới được du nhập thông qua giao lưu, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, đây là thời điểm quan trọng để đất nước bước sang một giai đoạn mới, với các mục tiêu đến năm 2025, 2030 –  kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; tầm nhìn đến năm 2045, 100 năm thành lập nước.

Cho nên, việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam là cần thiết; nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tạo lập cơ sở vững chắc cho nền tảng tinh thần của xã hội; nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước trên con đường phát triển nhanh và bền vững. Những luận điệu cho rằng “hệ giá trị là cái gì mà phải xây dựng” là nhận thức ấu trĩ, cần đấu tranh, bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét