Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của Hạo Nhiên

 

Mới đây, Hạo Nhiên – kẻ bồi bút quen thuộc trên các diễn đàn phản động đã phát tán nội dung xuyên tạc“Tại sao xã hội Việt Nam ngày càng trở nên sa đọa, tha hóa” trên trang “vietnamthoibao”. Nội dung bài viết không có gì mới, chỉ là những nhận định quy chụp, vô căn cứ hòng phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong quá trình thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thời kỳ đổi mới, phủ nhận bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Bằng việc thu nhập những thông tin, chứng cứ rời rạc về những hạn chế, tiêu cực trong xã hội, Hạo Nhiên đã vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với nhận định rằng “Một xã hội bất công, không tình thương” và ngày càng “tha hóa, đồi bại”. Đó chỉ là nhận định chủ quan, phiến diện của kẻ cơ hội chính trị mà thôi. Thực tế chúng ta thấy, giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội ưu việt, thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn. Vì vậy, bên cạnh các chính sách đảm bảo tăng trưởng phát triển kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, thể hiện tính ưu việt, công bằng xã hội của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhìn lại hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên cơ sở thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên phương diện này. Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2021 đạt hơn 3.500 USD. Xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đạt thành tựu mang tính điển hình của thế giới, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công, sớm hơn dự định nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã mở rộng cơ hội tham gia, thụ hưởng của người dân, thu hút người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh, hiện nay 92% dân số đã có bảo hiểm y tế. Hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được chú trọng đầu tư, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng, được thể hiện trong việc phổ cập giáo dục; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình nhà ở cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Chỉ số phát triển con người ngày một tăng cao, năm 2021, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,703, thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI cao trên thế giới. Trong công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế được đặc biệt quan tâm. Ví dụ, những chính sách trợ giúp xã hội đột xuất hỗ trợ kịp thời người dân bị rủi ro do thiên tai bão lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, cứu đói giáp hạt và nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm… đặc biệt trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020, “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng… Những trợ giúp đó không chỉ tạo điều kiện cho những hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch mà còn tạo nên sự công bằng tương đối trong cộng đồng lúc hoạn nạn, thể hiện tính tương thân của dân tộc, tính ưu việt của chế độ. Và, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia an toàn và hạnh phúc nhất trên thế giới. Liên hợp quốc đã ghi nhận người Việt Nam ngày càng hạnh phúc hơn. Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 do Liên hợp quốc công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 83 lên 79. Những nhận định khách quan đó như một bằng chứng sinh động khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc không ngừng nỗ lực để xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Và, những thành tựu đó, không phải quốc gia nào cũng đạt được. Kể cả các nước phát triển hàng đầu thế giới, bên trong vỏ bọc hào nhoáng về kinh tế, cuộc sống của một bộ phận lớn người dân, nhất là người dân nghèo bị đẩy xuống mức cùng cực, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn. Thực tế cho thấy ở Mỹ, khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, nhiều người nghèo phải thiệt mạng vì không được chữa trị; nhiều người Việt mang tư tưởng chống cộng điên cuồng phải vội vã tìm cách chạy về “quê hương, bản quán” để lánh nạn. Nếu xã hội Việt Nam là một “xã hội bất công, không tình thương” như Hạo Nhiên nhận định thì tại sao nhiều người “chống cộng” lại trở về như vậy? Thiết nghĩ, câu hỏi này đã có lời đáp!

Rõ ràng, vốn là kẻ đang được thụ hưởng những thành tựu từ một xã hội tốt đẹp đó, nhưng lại xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu chế độ. Đến đây, Hạo Nhiên đã lộ rõ bản chất của một kẻ vong ân bội nghĩa. Chắc chắn những luận điệu của y, dù xảo biện, xảo quyệt đến đâu cũng không thể làm đảo lộn chân lý cách mạng và thực tiễn phát triển của đất nước ta hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét