Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Trung về nền kinh tế Việt Nam

 

Vừa qua, trên trang “Vietnamthoibao” đã đăng tải bài viết “Năm 2022 thế giới đang đi về đâu” của Nguyễn Trung. Bài viết đã đưa ra những nhận định sai lệch, vô căn cứ về tình hình thế giới, từ đó xuyên tạc nền kinh tế ở nước ta.

Nguyễn Trung cho rằng, Việt Nam “có nền kinh tế gia công,… nghĩa là gần như phần đầu vào cho nền kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài (nhập khẩu), và phần lớn đầu ra của nền kinh tế cũng dành cho bên ngoài (xuất khẩu); nghĩa là sự phụ thuộc của VN vào bên ngoài cực kỳ lớn”, nó rất “nhạy cảm và nguy hiểm như thế nào nếu không sớm có cải cách thể chế quốc gia và đổi mới cấu trúc kinh tế, phát triển thỏa đáng nguồn nhân lực con người”.

Đây là sự xuyên tạc nền kinh tế Việt Nam, mưu đồ đòi thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa, hướng nền kinh tế đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, tập hợp các lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Ở nước ta, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, là tất yếu khách quan. Nền kinh tế độc lập, tự chủ là nền kinh tế có cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và bảo đảm độ an toàn cần thiết; nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao; cơ cấu xuất, nhập khẩu cân đối; đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong một số ngành kinh tế, nhất là những ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ lệ không thể chi phối được nền kinh tế; hạn chế hoặc không cho phép đầu tư nước ngoài vào những ngành nhạy cảm… Nói cách khác, một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó; trong bất cứ tình huống nào nó cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng – an ninh. Nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là nền kinh tế biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp, thiếu gắn kết với các nền kinh tế trên thế giới, mà là nền kinh tế có sự độc lập, tự chủ về đường lối phát triển phù hợp với xu hướng thế giới và thực tiễn lịch sử; có các nguồn nội lực mạnh, năng lực cạnh tranh cao, cơ cấu kinh tế hợp lý, thích ứng nhanh và hiệu quả với những biến động của tình hình quốc tế và hướng tới yêu cầu phát triển bền vững; trong bất cứ tình huống nào cũng bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, tài chính – tiền tệ, môi trường quốc gia, kiểm soát được các rủi ro thị trường, giữ vững sự ổn định vĩ mô và các hoạt động bình thường về kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc; là cách thức hiệu quả để nâng cao thế và lực của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; là phương thức hữu hiệu góp phần giải quyết những vấn đề nội tại đặt ra đối với nền kinh tế. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta.

Thực tiễn đã chứng minh, nền kinh tế Việt Nam đã đứng vững và phát triển trước những thách thức to lớn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhất là trong đại dịch Covid-19. Hiện đã có hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến nay đã có hơn 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Năm 2022, trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng do có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Trong đó, xuất nhập khẩu đạt được những thành tựu to lớn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD trong đó xuất siêu đạt 11,2 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, trong đó nông nghiệp được ví như một “ngôi sao”; các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đứng top 30 thế giới và thứ 2 khu vực ASEAN.

Những kết quả đó khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế; niềm tin của nhân dân, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đối với Việt Nam. Đồng thời, đây là cơ sở để chúng ta phản bác luận điệu xuyên tạc “nền kinh tế gia công”, phụ thuộc cực kỳ lớn từ bên ngoài của Nguyễn Trung và đồng bọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét